• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 02/03/2001
CHÍNH PHỦ
Số: 02/2001/NQ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 2 tháng 3 năm 2001
chính phủ

NGHỊ QUYẾT

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2001

 

Trong hai ngày, 26 và 27 tháng 02 năm 2001, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 02 năm 2001, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai: Chính phủ đã nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính đọc Tờ trình về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo trên. Chính phủ thống nhất nhận định, chính sách đất đai là vấn đề phức tạp và rất nhạy cảm, cần có thời gian để nghiên cứu tổng kết thực tiễn, do vậy việc sửa đổi một cách toàn diện Luật Đất đai phải được tiến hành từng bước phù hợp với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Trước mắt, từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, một số vấn đề bất cập như thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, định giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng... cần sớm được sửa đổi, bổ sung, nhằm tháo gỡ các ách tắc, khó khăn trong quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất.

Giao Tổng cục Địa chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo; gửi phiếu xin ý kiến các thành viên Chính phủ, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị báo cáo phương án giải quyết những vấn đề về đất đai đang bức xúc hiện nay nhưng chưa đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, trình Chính phủ trong phiên họp tháng 3 năm 2001.

2. Thông qua Dự án Luật Giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để bổ sung, hoàn chỉnh dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

3. Thông qua Dự án Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình. Giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

4. Thông qua Dự án Pháp lệnh phí và lệ phí do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Dự án Pháp lệnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

5. Thông qua Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Công an trình. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 3 năm 2001.

6. Thông qua Nghị định kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên du lịch. Giao Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 3 năm 2001.

7. Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ về những biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn giao thông.

Chính phủ nhất trí với nội dung báo cáo. Trước mắt, yêu cầu các Bộ, ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông, tập trung triển khai ngay một số biện pháp cấp bách như tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý thật nghiêm các vi phạm, kiên quyết ngăn chặn bằng được nạn đua xe, xử lý nghiêm các trường hợp lái xe nghiện ngập và say rượu, các trường học kiểm tra và nghiêm cấm ngay học sinh không đủ tuổi đi xe máy; thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với mọi người khi đi mô tô, xe máy từ tháng 6 năm 2001 (cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước phải gương mẫu thực hiện sớm hơn); tăng cường công tác kiểm định an toàn đối với phương tiện giao thông, gắn trách nhiệm của cơ quan kiểm định với chất lượng kiểm định; dành thêm kinh phí tập trung xoá các "điểm đen" trên các đoạn đường thường xảy ra tai nạn; kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ công trình giao thông.

Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan dự thảo và sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định cụ thể để tổ chức thực hiện.

8. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Thương mại báo cáo một số biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo và cà phê năm 2001 và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2001.

Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong 2 tháng đầu năm tiếp tục phát triển: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục phát triển khá, xuất khẩu có nhiều cố gắng, dịch vụ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản hàng hoá đang gặp nhiều khó khăn; đầu tư phát triển chưa có nhiều chuyển biến; tình hình khiếu kiện đông người vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi, cần phải được giải quyết kịp thời.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ đã đề ra tại Hội nghị của Chính phủ với Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầu tháng 02 năm 2001 để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các tháng tiếp theo. Những vấn đề lớn cần tập trung chỉ đạo để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2001 là tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và hỗ trợ cho doanh nghiệp; giải quyết vấn đề tiêu thụ và phát triển một số sản phẩm quan trọng; tháo gỡ vướng mắc về đầu tư phát triển; tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm về khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Riêng việc tiêu thụ lúa, gạo và cà phê đang là vấn đề bức xúc, cần phải có biện pháp xử lý ngay. Vì vậy, Chính phủ quyết định:

Về tiêu thụ lúa, gạo ở đồng bằng sông Cửu Long:

1/ Tiếp tục đẩy mạnh các công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu gạo dài hạn, trên cơ sở ký kết bổ sung các thoả thuận Chính phủ. Giao Bộ Thương mại bàn với các doanh nghiệp để xem xét, giải quyết ở từng khu vực thị trường cụ thể, vấn đề nào vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chính phủ có biện pháp khuyến khích cần thiết để phát triển thị trường mới.

2/ Giao Tổng công ty Lương thực miền Nam và các công ty lương thực trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua tạm trữ khoảng 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2000 - 2001 trong thời gian từ 10 tháng 3 đến 10 tháng 5 năm 2001, tập trung mua ngay lượng gạo lớn vào tháng 3 năm 2001 để tăng được giá lúa trên thị trường. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng trong 6 tháng (từ 10 tháng 3 năm 2001 đến 10 tháng 9 năm 2001) đối với số gạo tạm trữ này.

3/ Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam bàn với Uỷ ban nhân dân các tỉnh tiến hành thực hiện giãn nợ và tiếp tục cho vay mới cho người sản xuất lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

4/ Bộ Thương mại bàn với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để xây dựng Trung tâm giao dịch gạo xuất khẩu nhằm định hướng thống nhất cho hoạt động giao dịch xuất khẩu gạo, bảo đảm lợi ích chung và quyền lợi của mỗi doanh nghiệp.

5/ Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam bàn với Uỷ ban nhân dân các tỉnh xây dựng thí điểm các chợ trung tâm nông sản, trước mắt ở các tỉnh có sản lượng lúa hàng hoá lớn để giúp nông dân tiêu thụ lúa, gạo và thực hiện các dịch vụ khác cho sản xuất nông nghiệp.

6/ Để giảm chi phí đầu vào cho nông dân, giao Bộ Tài chính điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu và bỏ thu chênh lệch giá đối với phân bón các loại. Thực hiện việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với đất lúa theo tinh thần Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số chính sách tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Về tiêu thụ cà phê ở Tây Nguyên:

1/ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành việc mua tạm trữ 150.000 tấn cà phê đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định để thúc đẩy nâng giá cà phê trong nước và giá xuất khẩu.

Bộ Thương mại theo dõi sát tình hình thị trường cà phê quốc tế để kịp thời chỉ đạo bán ra khi giá cả phù hợp. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội của các nước xuất khẩu cà phê để thống nhất các biện pháp hành động nhằm nâng giá xuất khẩu cà phê.

2/ Bộ Tài chính khẩn trương triển khai việc cấp bù 70% lãi suất vay ngân hàng đối với các khoản vay mua cà phê xuất khẩu trong 9 tháng năm 2000 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thực hiện việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với đất trồng cà phê theo tinh thần Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP của Chính phủ.

3/ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ số dư nợ vay của các hộ nông dân vay chăm sóc vườn cà phê trong năm 2000; có kế hoạch hỗ trợ đối với các khoản vay này của nông dân để tiếp tục chăm sóc cà phê, nhất là đối với đất trồng cà phê của đồng bào các dân tộc.

4/ Về một số biện pháp tài chính mà Bộ Thương mại đề nghị, giao Bộ Tài chính làm việc với Uỷ ban nhân dân từng tỉnh ở Tây Nguyên để xử lý cụ thể; vấn đề nào vượt thẩm quyền, Bộ đề xuất biện pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong đầu quý II năm 2001.

Về các biện pháp dài hạn để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa, gạo và cà phê, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng đề án chung và các giải pháp xử lý cụ thể ở từng tỉnh, trên cơ sở đó phối hợp với các Bộ, ngành để xử lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Lương thực miền Nam và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có liên quan xây dựng dự án đầu tư về công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao chất lượng gạo, cà phê trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2001./.

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.