• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/09/1999
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 97/1999/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 24 tháng 9 năm 1999

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Cơ đến năm 2010

______________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 1994;

- Xét quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Đức Cơ đến năm 2010 do Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập, UBND huyện Đức Cơ trình và theo kết quả cuộc họp nghiệm thu: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Cơ đến năm 2010 ngày 14 tháng 6 năm 1999 của Hội đồng nghiệm thu quy hoạch (theo Quyết định số 1779/QĐ-UB ngày 18 tháng 12 năm 1998 của UBND tỉnh Gia Lai);

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 162/TT-KH ngày 20 tháng 9 năm 1999,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Cơ đến năm 2010, với những nội dung chủ yếu sau:

I - MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:

a) Về kinh tế - xã hội:

Phấn đấu đạt nhịp tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 1999 - 2000: 10 - 11%, giai đoạn 2001 - 2005: 10,5 - 11,5% và giai đoạn 2006 - 2010: 11 - 12%. GDP bình quân đầu người đến năm 2005 đạt 3,5 - 3,7 triệu đồng và năm 2010 đạt 5,4 - 6 triệu đồng.

- Từng bước tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh cây công nghiệp dài ngày với việc phục hồi, tái sinh rừng, gắn lâm nghiệp với ĐCĐC nhằm tạo cuộc sống ổn định cho đồng bào dân tộc. Cơ cấu kinh tế đến năm 2005: CN - XD: 15%, NLN: 30 - 32%, dịch vụ: 53 - 55% và năm 2010: CN - XD: 16%, NLN: 20 - 23%, dịch vụ: 61 - 64%.

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 2,5%/năm xuống dưới 2%/năm vào năm 2010. Dân số của huyện đến năm 2005 là 40,4 ngàn người và đến năm 2010: 44 ngàn người.

- Thực hiện việc dãn dân tại chỗ theo hướng quy hoạch lại trên địa bàn để ổn định dân cư theo các làng. Hạn chế và đẩy lùi bệnh sốt rét, bệnh bướu cổ và các bệnh ký sinh trùng ở trẻ sơ sinh.

- Đến năm 2010 phổ cập cấp II cho số học sinh trong độ tuổi của toàn huyện, tăng tỷ lệ phổ cập cấp III cho thanh niên. Tăng cường đào tạo nghề cho người lao động.

- Từng bước hình thành cửa khẩu đường 19 huyện Đức Cơ thành cửa khẩu quốc tế đi vào hoạt động có hiệu quả nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu.

b) Về an ninh chính trị: Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới trên địa bàn huyện.

II - NHỮNG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:

1. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng mở rộng sản xuất hàng hoá: Sản xuất nông - lâm kết hợp toàn diện, đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ suất hàng hoá (nhất là hàng hoá xuất khẩu), chuyên canh xen canh kết hợp với đa dạng hoá sản phẩm. Dự kiến nhịp độ tăng trưởng ngành nông - lâm nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 là 5,5%, giai đoạn 2006 - 2010: 5,0%.

- Sản xuất lương thực: Nâng diện tích cây lúa đến năm 2000 đạt 3.910 ha, đến năm 2010 đạt 3.950 ha. Đảm bảo cung cấp giống mới và thực hiện các biện pháp đồng bộ đến từng hộ nông dân để đạt sản lượng 13.200 tấn vào năm 2010. Xây dựng và ổn định diện tích lúa rẫy, thực hiện thâm canh toàn diện khoảng 3.000 ha. Đồng thời phát triển sản xuất ngô, sắn để đến năm 2005 đạt 2050 ha và năm 2010 đạt 2.400 ha.

- Cây công nghiệp: Tiếp tục đầu tư thâm canh diện tích cà phê hiện có, chăm sóc tốt diện tích trồng mới hàng năm để đưa vào khai thác có hiệu quả, đến năm 2005 có 3.200 ha và năm 2010 có 4.000 ha, đạt năng suất khoảng 2,5 - 3 tấn/ha. Huy động mọi nguồn vốn, lao động để phát triển cây cao su, trồng mới thêm 1.200 ha để đạt định hình 1,5 vạn ha. Đồng thời chú trọng phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu, mè, đến năm 2005 đạt 880 ha và năm 2010 đạt khoảng 1.000 ha. Từng bước thử nghiệm đưa dần các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao khác như: sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn... Dự kiến đến năm 2010 diện tích trồng cây ăn quả tập trung khoảng 350 ha, đạt sản lượng hoa quả 4.800 tấn.

* Về chăn nuôi: Phát triển đàn gia súc trên cơ sở lai tạo giống có năng suất cao, bình quân hàng năm đàn trâu bò tăng khoảng 4%, đàn heo tăng khoảng 8%. Đến năm 2005 đàn trâu bò đạt 10.200 con, đàn heo: 13.000 con và năm 2010 đàn trâu bò: 13.400 con, đàn heo: 20.000 con.

* Về lâm nghiệp: Tăng cường công tác bảo vệ để quản lý bảo vệ cho được diện tích rừng hiện có, chuyển kinh doanh lâm nghiệp từ khai thác lợi dụng tài nguyên rừng sang bảo vệ, tái sinh và trồng mới để phát triển vốn rừng. Thực hiện chương trình 5 triệu ha rừng với nội dung chủ yếu là dành vốn đầu tư cho tái sinh rừng. Đồng thời tập trung khoanh nuôi bảo vệ, giao đất, khoán rừng cho nhân dân quản lý và trồng rừng mới, phấn đấu đến năm 2010 giao khoán quản lý bảo vệ khoảng 50% diện tích rừng, trồng mới khoảng 3.000 ha.

2. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Phấn đấu nhịp tăng GDP bình quân của ngành đạt 12 - 13% thời kỳ 2001 - 2005 và 13 - 14% thời kỳ 2006 - 2010.

Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng hình thành các ngành nghề mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông lâm sản và các ngành tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu trực tiếp tại huyện trên cơ sở tận dụng lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ như: vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ, cơ khí sửa chữa, cơ khí hoá trong công tác gieo trồng, thu hoạch, tưới tiêu, bảo quản... Nhanh chóng xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su công suất 6.000 tấn/năm, hình thành một số điểm công nghiệp ở những nơi có điều kiện, gần trục đường 19.

3. Phát triển thương mại - dịch vụ:

Hình thành khu trung tâm thương mại - du lịch cửa khẩu gắn với hình thành một số thị tứ ở khu đông dân cư, từng bước tổ chức hợp tác xã mua bán và mạng lưới đại lý để thương nghiệp quốc doanh đủ sức chi phối hàng hoá trên thị trường, ổn định giá cả và giúp nhân dân tiêu thụ sản phẩm. Phát triển mạng lưới chợ nông thôn, nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện để hình thành khu kinh tế cửa khẩu Đức Cơ. Trước mắt từ nay đến năm 2005, tiến hành quy hoạch đất đai, xây dựng dự án, xây dựng chợ cửa khẩu...

4. Về phát triển cơ sở hạ tầng:

* Giao thông: Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư giao thông, rải cấp phối tuyến đường từ huyện đi Ia Kriêng và mở tới một số tuyến đi vào vùng kinh tế trọng điểm để khai thác tạo điều kiện cho vùng cây công nghiệp cao su, cà phê phát triển. Phấn đấu từng bước rải nhựa, duy tu bảo dưỡng các tuyến đường nội thị trấn.

Đề nghị TW nâng cấp mở rộng và duy tu bảo dưỡng quốc lộ 19.

* Cấp nước: Phấn đấu đến năm 2010 đạt chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt từ 90 - 95%, duy trì và nâng cấp khả năng cấp nước theo mức độ tổng số dân và yêu cầu tăng chất lượng. Xây dựng bổ sung nguồn cấp nước theo hướng thiết kế hệ thống sử dụng giếng khoan và giếng đào.

* Cấp điện: mở rộng hệ thống điện đến các xã chưa có điện, phát triển thuỷ điện nhỏ ở vùng sâu vùng xa, thí điểm năng lượng mặt trời, sức gió ở những nơi không có điều kiện kéo lưới điện được để đến năm 2005 có 60 - 70% số hộ được dùng điện và năm 2010 giải quyết tối đa các hộ ở những làng, xã có điều kiện.

* Bưu chính viễn thông: Tiếp tục hiện đại hoá mạng lưới thông tin liên lạc ở khu vực thị trấn, phát triển bưu cục ở các khu vực đông dân cư, mở rộng mạng lưới điện thoại đến các xã, đặc biệt chú trọng đến 3 xã biên giới để đến năm 2000 đa số các xã có điện thoại và năm 2005: 100% xã có điện thoại.

5. Phát triển các lĩnh vực xã hội:

* Về dân số: Đẩy mạnh công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 1,9 - 2% năm 2005 và 1,7 - 1,8% năm 2010. Đến năm 2005 dân số toàn huyện khoảng 40,4 ngàn người và năm 2010 khoảng 44 ngàn người.

*Về Giáo dục: Xã hội hoá sự nghiệp giáo dục đào tạo, quan tâm và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, những người nghèo và đối tượng chính sách. Phát triển giáo dục mầm non, tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học; tăng cường đào tạo bồi dưỡng giáo viên người địa phương để đảm bảo đủ giáo viên. Quy hoạch đào tạo cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật và công nhân kỹ thuật cho huyện, mở rộng đào tạo nghề, khuyến khích dạy nghề và hướng nghiệp.

Đảm bảo thu hút 95% trở lên trẻ em trong độ tuổi đến lớp, phấn đấu năm 2010 đạt 80 - 90% các cháu 5 tuổi học mẫu giáo trước khi vào lớp 1, tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị dạy học cho các trường dân tộc nội trú, tăng hình thức bán trú phấn đấu, xoá bỏ tình trạng học ca 3.

* Về Y tế:

Nâng cao toàn diện thể lực cho dân, từng bước tiến tới giải quyết căn bản các bệnh nhiễm khuẩn, hạn chế và đẩy lùi các bệnh sốt rét, bướu cổ, phong... Thực hiện tốt và có hiệu quả chương trình y tế quốc gia. Giảm nhanh tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em xuống dưới 20% vào năm 2010. Phấn đấu đến năm 2000 có 100% trạm y tế xã đều được đầu tư xây dựng kiên cố vào năm 2005 đủ đội ngũ cán bộ, đủ phương tiện, thuốc chữa bệnh cho nhân dân.

* Về Văn hoá thông tin - Phát thanh truyền hình:

- Xây dựng làng văn hoá, nhà rông văn hoá ở các xã, khôi phục và duy trì các hoạt động văn hoá cồng chiêng; các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc.

- Hình thành các thư viện, đội thông tin lưu động đi cơ sở và tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền văn hoá - thông tin rộng khắp trong huyện.

- Phát triển hệ thống truyền thanh trên địa bàn thị trấn và những xã có điều kiện. Nâng cấp đài truyền hình với chất lượng phát sóng cao, độ phủ rộng.

* Thể dục - thể thao: Hình thành được mạng lưới các cơ sở thể dục thể thao rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luyện tập và thi đấu. Vận động tuyên truyền và thu hút ngày càng nhiều các nhà tài trợ cho các hoạt động và phát triển thi đấu thể dục thể thao.

III - NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

Cần có những giải pháp đồng bộ, phù hợp, có hiệu quả nhằm huy động tối đa nội lực và nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

1. Huy động vốn đầu tư: Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư: 610 tỷ đồng, trong giai đoạn 1999 - 2010, cần phải có giải pháp huy động vốn một cách tích cực, tập trung vào những nguồn chủ yếu sau đây:

- Từ tích luỹ nội bộ nền kinh tế khoảng 195 tỷ đồng, đáp ứng 32% nhu cầu đầu tư, trong đó huy động từ ngân sách 75 tỷ đồng, vốn đầu tư từ doanh nghiệp và dân là 120 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách chủ yếu cho phát triển cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn của doanh nghiệp và của nhân dân, khuyến khích đầu tư phát triển nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến và dịch vụ.

- Nguồn vốn vay tín dụng: Chủ yếu tập trung vào sản xuất và kinh doanh, kể cả doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngoài quốc doanh, phấn đấu thu hút khoảng 157 tỷ đồng.

- Nguồn vốn thu hút từ bên ngoài: Khoảng 285 tỷ đồng, kể cả vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và các nơi khác trong cả nước. Trong nguồn vốn này phần từ ngân sách Trung ương, tỉnh khoảng 68 tỷ đồng, chủ yếu tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng như xây dựng các công trình thuỷ lợi, giao thông, cấp điện, cấp nước... Nguồn vốn từ nước ngoài, dự kiến thu hút khoảng 190 tỷ đồng, bao gồm cả FDI, ODA và viện trợ.

2. Lựa chọn các công trình, các dự án ưu tiên đầu tư tạo khâu đột phá:

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, việc lựa chọn các công trình dự án ưu tiên đầu tư là rất cần thiết, sẽ tạo điều kiện đưa nền kinh tế phát triển nhanh; mỗi một lĩnh vực cần chọn ra một dự án ưu tiên đầu tư phát triển.

3. Tìm kiếm và mở rộng thị trường:

Tích cực mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, kể cả thị trường trong nước và thị trường ngoài nước. Đối với thị trường trong nước, trước hết cần phải đầu tư xây dựng tốt cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh, kích cầu tiêu dùng của dân cư. Đồng thời có chính sách khuyến khích các thương nhân ngoài huyện đến mở cửa hàng buôn bán và thu mua sản phẩm của dân trong huyện. Xây dựng cửa khẩu đường 19 thành khu kinh tế cửa khẩu phát triển. Đối với thị trường ngoài nước: Nhà nước cần có những giải pháp nhằm ổn định việc xuất khẩu các sản phẩm, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trên địa bàn yên tâm đầu tư sản xuất và kinh doanh. Kêu gọi sự đầu tư để tăng chất lượng hàng xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu sản phẩm ở dạng sơ chế.

4. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào lĩnh vực đời sống và xã hội như: Lựa chọn và đưa vào sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến nông lâm sản chất lượng cao.

- Đẩy nhanh công tác khuyến nông, khuyến lâm đến tận hộ gia đình, tập huấn chuyển giao công nghệ cho hộ nông dân. Chú trọng tổng kết, phổ biến, nhân rộng những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện.

- Có chính sách thu hút, đãi ngộ thoả đáng để sử dụng có hiệu quả và bổ sung nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật cho huyện.

5. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế:

- Đổi mới DNNN, khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư nhân, cá thể phát triển sản xuất kinh doanh theo luật định.

- Nghiên cứu tổng kết để có định hướng cho phát triển mô hình kinh tế trang trại, với những biện pháp thích hợp.

- Thực hiện giao đất, nhanh chóng cấp quyền sử dụng đất, khoán vườn cây và khoán rừng cho các hộ gia đình.

6. Tổ chức thực hiện quy hoạch: Công khai hoá quy hoạch phát triển kinh tế xã hội cho toàn dân. Thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Cụ thể hoá các quy hoạch bằng các quy hoạch chi tiết như quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch khu dân cư đô thị, các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn, các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư... Tổ chức cho các ngành, các cấp và nhân dân thực hiện quy hoạch.

Điều 2: Giao cho UBND huyện Đức Cơ chịu trách nhiệm quản lý lưu trữ báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện để khai thác sử dụng có hiệu quả, phục vụ cho việc hoạch định, xây dựng các kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm của huyện. Các ngành khai thác sử dụng phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành trên địa bàn lãnh thổ huyện Đức Cơ. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cần tiếp tục nghiên cứu để có những bổ sung điều chỉnh kịp thời nhằm phát triển kinh tế xã hội đúng định hướng, đạt hiệu quả cao.

Điều 3: Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, Giám đốc các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đào Quang Phổ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.