• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/10/2001
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 14/2001/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 30 tháng 10 năm 2001

CHỈ THỊ

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Nhà nước

________________________

Triển khai thực hiện Nghị quyết TW 8 (khóa VII), Nghị quyết 38/CP ngày 04-5-1994 của Chính phủ, Chỉ thị 342/TTg ngày 22-5-1997 của Thủ tướng Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, tuân thủ các quy định của Nhà nước trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Nhiều cơ quan Nhà nước đã công khai các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất tiếp nhận, xử lý công việc; tăng cường trách nhiệm cá nhân, bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, khắc phục từng bước tệ quan liêu, phiền hà, trì trệ trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức.

Nghiêm khắc đánh giá nhiệm vụ cải cách hành chính chưa làm được nhiều, nhận thức không đầy đủ, đúng mực trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Chương trình hành động và các giải pháp thực hiện cải cách hành chính còn đơn giản và thiếu đồng bộ. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế chậm chuyển biến. Thủ tục hành chính hiện nay còn nhiều chồng chéo, rườm rà; một số cơ quan Nhà nước còn đùn đẩy, chưa chấp hành đúng các quy định về tiếp nhận và giải quyết công việc của công dân; kỷ luật hành chính không nghiêm; nhiều cán bộ công chức thiếu trách nhiệm; sự quan liêu, tùy tiện, thụ động trong giải quyết công việc của cơ quan Nhà nước vẫn diễn ra phổ biến, không những làm mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của công dân, tổ chức mà còn gây ra tình trạng khiếu kiện và tái khiếu kiện dai dẳng, tạo điều kiện cho tệ nạn tham nhũng phát sinh, làm giảm sút lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Nhà nước.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, cần xây dựng một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực, tăng hiệu lực trong quản lý và hiệu quả công việc của Nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, phù hợp với tiến trình hòa nhập và đổi mới của cả nước. Căn cứ Quyết định số 13/2001/QĐ-TTg, ngày 18-01-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ năm 2001; Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg, ngày 17-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành quán triệt và triển khai thực hiện tốt những nội dung quan trọng sau đây:

1. Các địa phương, đơn vị cần quán triệt tốt về mặt tư tưởng cho cán bộ công chức trong quá trình triển khai cải cách thủ tục hành chính. Xác định đây là một công việc nhạy cảm, khó khăn, đụng chạm đến quyền lợi cục bộ của một số cán bộ, công chức, một số cơ quan hành chính, vì vậy đòi hỏi các cơ quan đơn vị thực hiện cải cách phải có quan điểm phục vụ nhân dân một cách đúng đắn, nguyên tắc nhất quán; có chương trình hành động cụ thể trong từng thời gian; sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính phải tập trung thống nhất với quyết tâm cao và ý chí cải cách mạnh mẽ.

2. Về quan điểm chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính: Đột phá vào những lĩnh vực có liên quan nhiều đến người dân; không cầu toàn trong quá trình triển khai cải cách thủ tục hành chính; vừa làm vừa sơ kết, rút kinh nghiệm. Trước mắt tập trung vào việc thực hiện thí điểm cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" ở các lĩnh vực sau:

- Thủ tục giao đất, cho thuế đất.

- Thủ tục chuyển quyền sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất.

- Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất.

- Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, thủ tục chứng nhận ưu đãi đầu tư.

- Thủ tục cấp phép xây dựng nhà.

- Tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại tố cáo của công dân.

* Các đơn vị được chọn thí điểm cải cách thủ tục hành chính:

- Các ngành: Sở Xây dựng, Sở Địa chính, Cục thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Nhà nước tỉnh.

- Các địa phương: Ủy ban nhân dân các huyện An Khê, Ayun Pa và thành phố Pleiku.

3. Kế hoạch triển khai:

3.1. Trong tháng 10-2001:

- Giao Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính của tỉnh (gồm đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực - Phó ban trực, Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh - Phó ban, thành viên gồm lãnh đạo các ngành: Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Sở Địa chính, Sở xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, Cục Thuế).

- Cơ quan thường trực là văn phòng HĐND và UBND tỉnh, có trách nhiệm dự thảo Quy chế hoạt động và kế hoạch triển khai trình Ban chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính của tỉnh thông qua; theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai cải cách thủ tục hành chính của các địa phương, đơn vị thí điểm.

- Giúp việc cho Ban chỉ đạo có tổ thư ký, do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, gồm cán bộ có chức vụ trưởng phòng hoặc tương đương của các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.

Trong tháng 10-2001, Ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính của tỉnh họp phiên đầu tiên để triển khai các công việc tiếp theo.

3.2. Trong tháng 11-2001, các địa phương, đơn vị được chọn thí điểm triển khai lập Ban Chỉ đạo và xây dựng đề án cải cách thủ tục hành chính của địa phương, đơn vị mình và tổ chức hội thảo thật chi tiết để hoàn thành đề án trình Ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính của tỉnh xem xét.

Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" của các địa phương, đơn vị cần thể hiện đầy đủ các nội dung cơ bản sau đây:

+ Thực trạng công tác hành chính và một số kết quả về cải cách thủ tục hành chính của địa phương, đơn vị trong thời gian qua (cần nêu rõ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, những thủ tục hành chính đã triển khai cải cách ở địa phương, đơn vị...).

+  Mục đích yêu cầu và phương hướng sắp xếp lại tổ chức để phục vụ cho cơ chế hành chính "một cửa", đây là phần cơ bản định hướng cho cả quá trình thực hiện đề án, vì vậy ngoài các mục đích, yêu cầu, phương hướng tổng quát, cần cụ thể từng mục tiêu, nhiệm vụ cần đạt được để theo dõi, đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm.

+ Tổ chức thực hiện, tùy tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, nội dung này có thể chia làm nhiều bước để thuận lợi trong quá trình triển khai, nhưng cốt yếu phải xác định được quy trình giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế một cửa từ địa điểm tiếp nhận - giao trả hồ sơ, nhiệm vụ và thời gian cụ thể của từng phòng ban trong xử lý công việc, thủ tục trình ký, yêu cầu sự phối hợp của các đơn vị liên quan...

3.3 Trong tháng 12-2001, Ban Chỉ đạo tỉnh họp thông qua đề án cải cách thủ tục hành chính của các địa phương, đơn vị để hoàn thiện và chuẩn bị thực hiện vào đầu năm 2002.

4. Ngoài các địa phương, đơn vị được chọn làm thí điểm cải cách thủ tục hành chính, các địa phương, đơn vị còn lại cần rà soát toàn bộ thủ tục hành chính của mình, tổ chức lại công việc của cơ quan, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phối hợp tốt với các địa phương, đơn vị được chọn làm thí điểm để từng bước thực hiện cải cách thủ tục hành chính ngay trong từng cơ quan, tạo thuận lợi trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức.

Trên đây là những việc cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện.  

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.