• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2003
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 106/2003/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 1 tháng 10 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Ban hành quy định tạm thời về Giao khoán rừng có hưởng lợi theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg

__________________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND sửa đổi năm 1994;

- Căn cứ Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.

- Căn cứ Phương án thí điểm giao khoán rừng có hưởng lợi năm 2003 theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg kèm theo tờ trình số 1353 ngày 30 tháng 07 năm 2003 của UBND tỉnh Gia Lai.

- Căn cứ văn bản số 2175/BNN-PTLN ngày 19 tháng 8 năm 2003 của Bộ Nông nghiệp và PTNT v/v Thẩm định Phương án thí điểm giao khoán rừng có hưởng lợi năm 2003 theo quyết định 178/2001/QĐ-TTg của tỉnh Gia Lai.

- Căn cứ thông tư liên tịch số 80/2003/TTLT/BNN-BTC ngày 03/09/2003 của Bộ Nông nghiệp PTNT và Bộ Tài chính v/v Hướng dẫn thực hiện Quyết định 178/2001/QĐ-TTg.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tỉnh tại tờ trình số 91/TT-NN ngày 19/09/2003 v/v Ban hành quy định tạm thời về Giao khoán rừng có hưởng lợi theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này Quy định tạm thời về Giao khoán rừng có hưởng lợi theo quyết định 178/2001/QĐ-TTg của Tỉnh Gia Lai.

Điều 2: Các ông (bà) Chánh Văn phòng HĐND, UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các Lâm trường, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Vỹ Hà

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

Về giao khoán rừng có hưởng lợi theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg

(Ban hành theo Quyết định số: 106/2003/QĐ-UB

ngày 01 tháng 10 năm 2003 của UBND Tỉnh Gia Lai)

____________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy định tạm thời này xác định quỹ rừng, quỹ đất để khoán; nội dung xây dựng phương án khoán, lập hồ sơ khoán, giao khoán ngoài thực địa, mẫu hợp đồng khoán, chính sách hưởng lợi; được áp dụng cho các Lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ được giao kế hoạch thí điểm giao khoán rừng.

Điều 2: Quá trình tổ chức thực hiện phải gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở. Chủ rừng (Lâm trường, Ban quản lý rừng) phải phối hợp chặt chẽ với UBND xã trong vùng và các đơn vị có liên quan trên địa bàn phổ biến, quán triệt chủ trương chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp và phương án khoán rừng của chủ rừng đã được phê duyệt để nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của bên giao khoán và bên nhận khoán và tự nguyện hợp đồng nhận khoán rừng.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN

I/ Mục tiêu, nguyên tắc, quy mô của phương án.

Điều 3. Mục tiêu

Nhằm góp phần giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống cho một bộ phận đồng bào các dân tộc sống gần rừng; tạo động lực kinh tế khuyến khích nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, duy trì tính bền vững của các nguồn tài nguyên rừng; hướng đến một nền lâm nghiệp xã hội hóa cao.

Điều 4. Nguyên tắc

Đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước với người trực tiếp bảo vệ rừng; giữa lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Sử dụng tài nguyên rừng hợp lý để bù đắp chi phí, tạo thu nhập cho người quản lý giữ rừng.

Quyền hưởng lợi trên đất lâm nghiệp bao gồm: gỗ, các lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm trồng xen, tiền công tương xứng với tiền của, công sức của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng… đã đầu tư vào rừng.

Quyền hưởng lợi và nghĩa vụ chỉ được thực hiện trong thời hạn được giao khoán rừng và đất lâm nghiệp. Rừng phải được quản lý bảo vệ tốt, tránh lợi dụng phá rừng và làm nghèo rừng.

Điều 5. Quy mô

Thực hiện thí điểm giao khoán rừng có hưởng lợi đối với các chủ rừng nhà nước trên cơ sở quỹ rừng, quỹ đất, kế hoạch tổ chức quản lý rừng, tổ chức sản xuất kinh doanh được UBND tỉnh giao.

II. Kế hoạch và nội dung giao khoán

Điều 6. Những căn cứ để xây dựng phương án.

Những căn cứ pháp lý có liên quan đến phương án.

- Căn cứ Chỉ thị 12/2003/CT-TTg ngày 06/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ V/v tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng.

- Căn cứ Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 và Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ "V/v giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài và mục đích lâm nghiệp.

- Căn cứ Quyết định 187/1999/QĐ-TTg ngày 16/9/1999 của Thủ tướng Chính Phủ về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh.

- Căn cứ Quyết định số 01/2002/QĐ-UB ngày 03/01/2002 của UBND Tỉnh Gia Lai "V/v phê duyệt phương án sắp xếp tổ chức các lâm trường".

- Căn cứ Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.

- Căn cứ Quyết định 08/2001/QĐ-TTg ngày 11/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ "V/v ban hành quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên".

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 80/2003/TTLT/BNN-BTC ngày 03/9/2003 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg.

Điều 7. Kế hoạch:

Nêu quyết định giao kế hoạch của UBND tỉnh trong đó thể hiện rõ khối lượng, đối tượng rừng được giao, nguồn vốn để thực hiện.

- Chi phí thiết kế, lập hồ sơ giao khoán rừng thí điểm có hưởng lợi: 106.382 đ/ha.

- Kế hoạch cấp hỗ trợ kinh phí giao khoán hàng năm (nếu có).

Điều 8. Nội dung giao khoán.

- Nội dung giao khoán được hai bên thể hiện bằng các điều khoản cụ thể trong hợp đồng giao khoán và trong phương án giao khoán rừng của đơn vị theo quy định hiện hành.

- Xác định đúng diện tích, vị trí, ranh giới hiện trạng rừng giao khoán.

- Thể hiện rõ chính sách đầu tư về rừng, các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm; trách nhiệm, quyền hưởng lợi của bên giao khoán và bên nhận khoán trong phương án khoán rừng và trong hợp đồng khoán cho từng đối tượng trạng thái và loại rừng cụ thể.

Điều 9. Hồ sơ giao khoán rừng gồm:

- Đơn xin nhận khoán rừng có xác nhận của UBND Xã sở tại (có mẫu kèm theo).

- Hợp đồng giao khoán (có mẫu kèm theo).

- Quyết định giao kế hoạch hàng năm của tỉnh.

- Các bảng, biểu thống kê diện tích, trạng thái, tổ thành loài cây, trữ lượng rừng… theo địa danh (lô, khoảnh, tiểu khu); trích sao bản đồ tỉ lệ 1/2000 - 1/5000.

- Việc điều tra thiết kế được tiến hành trên cơ sở quyết định số 682/QĐKT ngày 01 tháng 08 năm 1984 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) về việc ban hành quy phạm thiết kế kinh doanh rừng QPN 6 - 84.

III. Chính sách hưởng lợi khi giao khoán rừng:

Điều 10. Đối với rừng tự nhiên có trữ lượng đạt tiêu chuẩn khai thác ngay tại thời điểm giao khoán;

Được thực hiện theo điều 18 Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là:

- Được tận dụng lâm sản trong quá trình thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh theo quy trình, quy phạm kỹ thuật hiện hành; được khai thác lâm sản phụ.

- Được trồng xen các loại cây đặc sản rừng, cây nông nghiệp và chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, khoảng trống trong rừng nhưng không được làm ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của rừng.

- Khi rừng đạt tiêu chuẩn khai thác, bên giao khoán thống nhất với hộ gia đình, cá nhân nhận khoán tiến hành khai thác theo thiết kế được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và cấp giấy phép khai thác.

Giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế và trừ các khoản ứng trước, chi phí sản xuất theo qui định được phân chia như sau: Hộ gia đình, cá nhân… nhận khoán được hưởng từ 1,5 - 2% cho mỗi năm nhận khoán bảo vệ rừng và phát triển rừng, phần còn lại nộp bên giao khoán.

Điều 11. Đối với rừng tự nhiên có trữ lượng trung bình, dưới trung bình nhưng chưa đủ cường độ khai thác chính, rừng nghèo, rừng tái sinh sau nương rẫy:

Sau khi được giao rừng bằng các biện pháp quản lý đầu tư tái tạo lại rừng, rừng đạt cường độ cho khai thác chính thì chính sách hưởng lợi cũng được thực hiện theo điều 18 Quyết định 178 của Thủ tướng Chính Phủ đã nêu trên.

Trong thời gian chưa khai thác chính, người nhận khoán rừng được hưởng lợi từ các nguồn sau đây:

+ Được thu hái tận dụng lâm sản phụ dưới tán rừng như: Bông đót, Bời lời, Chai cục, Song mây, Lồ ô, tre nứa… Quá trình khai thác, thu hái tiêu thụ phải tuân theo quy định hiện hành.

+ Được khai thác gỗ tận dụng, tận thu sản phẩm gỗ, củi, cành ngọn trong quá trình thực hiện biện pháp kỹ thuật lâm sinh, bài thải cây sâu bệnh, đổ ngã và tiêu thụ gỗ, lâm sản thực hiện theo quy trình quy phạm kỹ thuật và các qui định hiện hành.

Giá trị lấy ra ít nhất bằng mức khoán quản lý bảo vệ rừng: 50.000 đ/ha/năm, số lượng lấy ra cụ thể bao nhiêu do bàn bạc hai bên và bên giao là người quyết định cuối cùng.

+ Trong trường hợp rừng quá nghèo không thể lấy ra sản phẩm như nói ở trên, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, đề nghị UBND Tỉnh cấp hỗ trợ chi phí quản lý bảo vệ tái tạo rừng thông qua các Lâm trường và các Ban quản lý rừng phòng hộ trong thời gian rừng chưa đạt khai thác theo hợp đồng. Mức cấp 50.000 đ/ha/năm thời hạn không quá 5 năm và được hoàn trả lại khi khai thác chính từ rừng nhận khoán.

Giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế và trừ các khoản ứng trước, chi phí sản xuất theo quy định được phân chia: bên nhận khoán hưởng từ 1,5 - 2% cho mỗi năm nhận khoán bảo vệ rừng và phát triển rừng, phần còn lại nộp bên giao khoán.

Điều 12. Về thời gian giao khoán đối với rừng sản xuất là một luân kỳ nuôi dưỡng rừng tối đa 50 năm. Nếu thực hiện tốt hợp đồng Bên nhận khoán có nhu cầu thì Bên giao khoán có thể trình cấp có thẩm quyền gia hạn sau khi hết hạn hợp đồng khoán.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Phần giá trị lâm sản nộp cho bên giao khoán được sử dụng như sau:

- Đối với Ban quản lý rừng phòng hộ là một khoản thu và chủ yếu được sử dụng vào việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Đối với các Lâm trường là khoản thu từ hoạt động kinh doanh lâm nghiệp, phục vụ trực tiếp cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 14. Tổ chức thực hiện.

- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch-đầu tư, Sở Tài chính-Vật giá, Chi cục kiểm lâm, các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các Huyện, Thành phố hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thi hành quyết định này.

- Các Lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ căn cứ qui định tạm thời này để xây dựng phương án khoán rừng có hưởng lợi cụ thể của đơn vị mình để trình duyệt. Trên cơ sở phương án được duyệt tiến hành ký kết hợp đồng giao khoán với hộ gia đình, cộng đồng thôn, làng… nhằm đạt được mục tiêu, nguyên tắc đã đề ra.

- Các cơ quan hữu quan, cơ quan thông tin đại chúng nêu cao vai trò trách nhiệm tuyên truyền giáo dục trong các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành tham gia xây dựng phát triển rừng để người dân yên tâm tin tưởng thực hiện tốt việc quản lý bảo vệ rừng có hưởng lợi.

Quy định tạm thời này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành theo quyết định. Trong quá trình thực hiện sẽ có bổ sung, hoàn thiện.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.