• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/11/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 18/04/2003
CHÍNH PHỦ
Số: 82/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 10 tháng 11 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

Về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao.

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác ngoại giao nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam; mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với các nước, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; nâng cao vị trí quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Điều 2. Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và văn bản khác liên quan đến việc điều chỉnh các quan hệ pháp lý về ngoại giao, lãnh sự, điều ước quốc tế, lễ nghi Nhà nước đối với nước ngoài.

2. Trình Chính phủ việc ký kết, tham gia, phê duyệt các điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao phụ trách; thương lượng, ký kết với các nước và các tổ chức quốc tế theo uỷ quyền của Chính phủ; tổ chức và chỉ đạo thực hiện các điều ước quốc tế đó; giúp Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế của Việt Nam.

3. Trình Chính phủ xem xét, quyết định đường lối, chủ trương, chính sách, chương trình hoạt động đối ngoại của Nhà nước và tổ chức thực hiện các quyết định ấy; cụ thể hoá chính sách đối ngoại của Nhà nước cho từng thời kỳ đối với các khu vực, các nước và tổ chức quốc tế.

4. Phát ngôn quan điểm, lập trường chính thức của Việt Nam về các vấn đề quốc tế; góp phần hình thành và thực hiện chính sách thông tin tuyên truyền đối ngoại của Nhà nước.

5. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

6. Trình Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách về lĩnh vực công tác ngoại giao, các chế độ, chính sách đối với các tổ chức và cá nhân Việt Nam trong quan hệ với các đối tượng nước ngoài.

Ban hành các Quyết định, Thông tư, Chỉ thị liên quan đến công tác đối ngoại theo quy định của Chính phủ.

Tổ chức việc thực hiện các văn bản nói trên.

7. Trình Chính phủ về việc lập hoặc rút các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; việc cử và triệu hồi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam.

8. Trình Chính phủ về việc kiến lập hoặc đình chỉ quan hệ ngoại giao với các nước, việc gia nhập hoặc rút khỏi các tổ chức chính trị quốc tế; chấp thuận việc lập các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam; phối hợp tổ chức để Chủ tịch nước tiếp nhận Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài tại Việt Nam.

9. Đại diện cho Nhà nước trong quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

10. Chủ trì chuẩn bị cho các đoàn cấp cao của Nhà nước ta đi thăm các nước hoặc dự các Hội nghị quốc tế và đón tiếp các đoàn cấp cao của các nước và tổ chức quốc tế thăm Việt Nam; quản lý các đoàn nước ngoài vào Việt Nam và các đoàn Việt Nam ra nước ngoài công tác theo quy định của Chính phủ.

11. Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về lĩnh vực chính trị đối ngoại.

12. Phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc thiết lập, thúc đẩy, tăng cường quan hệ với các nước; hướng dẫn các ngành, các địa phương thực hiện đúng chủ trương, chính sách, luật pháp, quy định có liên quan tới hoạt động đối ngoại của Nhà nước; hướng dẫn các tổ chức ngoại vụ địa phương về nghiệp vụ đối ngoại.

13. Tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước, cho việc thực hiện chính sách kinh tế đối ngoại của Nhà nước. Nghiên cứu tình hình, cung cấp thông tin và tham mưu góp phần xây dựng chính sách kinh tế đối ngoại và góp phần thực hiện chính sách đó.

14. Thực hiện chức năng lãnh sự và giải quyết các công việc về lãnh sự đối với các pháp nhân và công dân Việt Nam và các đối tượng nước ngoài.

15. Tiến hành việc trao đổi đại diện ngoại giao của các nước và tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam. Quản lý hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, các phóng viên báo chí, thông tấn nước ngoài thường trú tại Việt Nam và vào hoạt động ngắn hạn ở Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

16. Phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương bảo vệ quyền lợi của Việt kiều ở nước ngoài và quản lý ngoại kiều ở Việt Nam.

17. Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học về quan hệ quốc tế.

18. Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao. Đào tạo cán bộ ngoại vụ cho các địa phương. Phong hàm ngoại giao cho các cán bộ công tác trong Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

19. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất được giao.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội về lĩnh vực công tác ngoại giao.

Giúp việc Bộ trưởng là các Thứ trưởng. Thứ trưởng được Bộ trưởng phân công chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về nhiệm vụ được phân công. Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng uỷ nhiệm lãnh đạo công tác của Bộ.

Điều 4. Tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao bao gồm:

1. Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước:

Văn phòng,

Vụ Tổ chức - cán bộ,

Thanh tra,

Vụ Tổng hợp đối ngoại,

Vụ Tổng hợp kinh tế,

Vụ Đông Nam á - Nam Thái Bình Dương,

Vụ Trung Quốc,

Vụ Đông Bắc á,

Vụ Nam á,

Vụ Đông âu - Trung á,

Vụ Tây Bắc âu,

Vụ Châu Mỹ,

Vụ Tây á - Châu Phi,

Vụ Thông tin báo chí,

Vụ Lễ tân,

Vụ Lãnh sự,

Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế,

Vụ Các Tổ chức quốc tế,

Vụ Văn hoá - UNESCO,

Vụ Quản trị - Tài vụ,

Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.

2. Các tổ chức sự nghiệp:

Học viện Quan hệ quốc tế,

Tạp chí Quan hệ quốc tế,

Trung tâm dịch vụ báo chí nước ngoài,

Nhà khách Chính phủ.

Các cơ quan đại diện ngoại giao của Chính phủ ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được uỷ nhiệm quản lý và chỉ đạo chuyên môn gồm có:

Các Đại sứ quán,

Các Tổng lãnh sự quán và Lãnh sự quán,

Các phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam ở các nước và bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế liên Chính phủ.

Điều 5. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành. Bãi bỏ Nghị định số 157-CP ngày 9-10-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao.

Điều 6. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.