• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/11/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 21/12/2023
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 33/2008/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 20 tháng 11 năm 2008

CHỈ THỊ

Về việc thực hiện nghiêm các chính sách tài khóa và thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra

_________________

Từ khi có Luật Ngân sách nhà nước, các Luật thuế, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý tài chính - ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách. Nhiều sai phạm về quản lý tài chính - ngân sách đã được phát hiện và xử lý; nhiều cơ chế, chính sách về quản lý thu, chi tài chính - ngân sách chưa phù hợp đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán, thanh tra cho thấy tình hình vi phạm chế độ, chính sách quản lý thu, chi tài chính - ngân sách vẫn còn xảy ra ở nhiều Bộ, ngành, địa phương và đơn vị; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra về các sai phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời, chưa xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; công tác tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý còn hạn chế, chưa thường xuyên và chưa đảm bảo thời gian,… đã ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách và kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thúc đẩy quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính nhà nước; thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm và các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Về công tác quản lý thu ngân sách nhà nước:

a. Lập dự toán thu ngân sách nhà nước phải thực hiện theo đúng quy định của các Luật thuế, chế độ thu, bảo đảm tính tích cực, vững chắc và bao quát hết các nguồn thu ngân sách nhà nước, phù hợp với khả năng tăng trưởng kinh tế và khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Trong quá trình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước phải bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước theo quy định. Khẩn trương xử lý, nộp và phản ánh đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước theo chế độ quy định các khoản tạm thu, tạm giữ, các khoản vay nợ, viện trợ; các khoản thuế đã được kê khai, thông báo nhưng chậm nộp; các khoản thuế ẩn lậu được thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị; nghiêm cấm việc để các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước trái với quy định;

b. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương tăng cường công tác chống gian lận thương mại, chống thất thu và kiểm soát chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các Luật thuế; kiểm tra các tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng thực tế có kinh doanh để đưa vào diện quản lý thuế; đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi mua, bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp theo quy định của Luật Quản lý thuế; kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động; tổ chức, đánh giá phân loại nợ thuế; tập trung đôn đốc thu ngay các khoản nợ thuế vào ngân sách nhà nước, không để tình trạng nợ đọng thuế kéo dài.

2. Về công tác quản lý chi ngân sách nhà nước:

a. Việc lập và quyết định dự toán chi ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương phải trên cơ sở các chính sách, chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; quyết định dự án đầu tư phải phù hợp với khả năng cân đối vốn; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, các công trình cấp bách, vốn đối ứng cho các công trình sử dụng vốn vay, viện trợ, các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện phân bổ, giao dự toán đúng thời hạn, nội dung, đối tượng, lĩnh vực theo quy định; đảm bảo phân bổ, giao dự toán chi khoa học công nghệ, chi giáo dục đào tạo và dạy nghề, chi bảo vệ môi trường, chi chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và dự toán Chính phủ giao; khắc phục tình trạng phân bổ, giao dự toán chậm, không đúng lĩnh vực, nội dung, đối tượng;

Các địa phương, ngoài việc thực hiện các yêu cầu trên, khi xây dựng và quyết định ngân sách, phải bố trí dự phòng đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và không thấp hơn mức Chính phủ giao để có nguồn chủ động thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh ngoài dự toán (khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh,…); không huy động vốn đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước để tăng vốn cho các dự án mới, dự án chưa thực sự cấp bách. Chủ động bố trí kinh phí hoàn trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn.

Cơ quan tài chính phải tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết các sai phạm về phân bổ dự toán ngân sách nhà nước. Đối với các sai phạm về quyết định, phân bổ dự toán của ngân sách cấp dưới, cơ quan tài chính cấp trên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp dưới khắc phục kịp thời những sai phạm, cơ quan cấp dưới có trách nhiệm thực hiện nghiêm yêu cầu của cơ quan tài chính cấp trên để đảm bảo dự toán ngân sách cấp dưới phải phù hợp với dự toán ngân sách được cấp trên giao theo đúng chế độ quy định.

b. Chấn chỉnh tình trạng thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản vượt dự toán ngân sách được giao, quyết định dự án đầu tư xây dựng cơ bản vượt quá khả năng cân đối ngân sách, phân bổ kế hoạch vốn không sát với tiến độ thực hiện, giảm nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản. Rà soát danh mục các dự án, công trình đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đình hoãn khởi công các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch được duyệt, chưa đủ thủ tục theo quy định; các công trình, dự án chưa thực sự cấp bách, không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Chủ động điều chuyển vốn đầu tư của các dự án, công trình bị đình hoãn để tập trung cho các dự án, công trình có hiệu quả, quan trọng cấp bách. Tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, công trình; khắc phục sai phạm trong công tác nghiệm thu, giám sát công trình; không giao kế hoạch vốn cho các dự án, công trình không có khả năng thực hiện; đảm bảo công trình hoàn thành và quyết toán công trình hoàn thành trong thời hạn quy định;

c. Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Không bổ sung kinh phí ngoài dự toán, trừ các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và an sinh xã hội.

d. Nghiêm cấm việc lập các quỹ ngoài ngân sách và sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đối với những việc, nội dung sai chế độ quy định. Không sử dụng dự phòng để chi cho các nhiệm vụ khác ngoài nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn và nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ cấp bách phát sinh ngoài dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Sử dụng số tăng thu ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định của Chính phủ. Các địa phương không hỗ trợ, không ứng, cho vay đối với các đơn vị trung ương trên địa bàn, các doanh nghiệp, đơn vị trái với chế độ quy định;

đ. Kiểm soát chặt chẽ việc ứng vốn và ứng trước dự toán năm sau; tổ chức thu hồi số đã ứng trước dự toán theo lộ trình cam kết. Kiểm soát chặt chẽ số chuyển nguồn sang năm sau, chi chuyển nguồn cho các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và các nhiệm vụ đã có chế độ quy định được chuyển nguồn sang năm sau; giảm tối đa số chuyển nguồn do triển khai chậm các dự án, nhiệm vụ và phải có giải pháp cụ thể để khắc phục ngay tình trạng này; các cơ quan, đơn vị phải chấp hành nghiêm về thời hạn chuyển nguồn;

e. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước để đảm bảo chi ngân sách nhà nước đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và đảm bảo các ưu đãi của Nhà nước (trợ cước, trợ giá, bảo hiểm y tế đối với người nghèo và các chính sách an sinh xã hội khác…) đến được với người dân;

g. Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và tài sản của Nhà nước như: bố trí nhiệm vụ chi ngân sách không đúng nguồn, mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, quyết định chi không đúng thủ tục, thẩm quyền, sai quy định… Xử lý triệt để các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước đã được cơ quan kiểm toán, thanh tra kiến nghị và thu nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Về cơ chế tài chính ngân sách:

a. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng các quy định của pháp luật đối với các cơ chế, chính sách quản lý tài chính ngân sách không còn phù hợp thực tiễn. Bãi bỏ các cơ chế, chính sách ban hành trái thẩm quyền hoặc trái với quy định của cấp trên;

b. Tiếp tục thực hiện rà soát, bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí ban hành không đúng thẩm quyền, không có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh phí, lệ phí. Bãi bỏ các khoản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định; đối với các khoản huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện, không giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân.

4. Về công tác quyết toán ngân sách nhà nước:

Nâng cao chất lượng công tác quyết toán ngân sách nhà nước, thực hiện xét duyệt, thẩm định, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của các đơn vị dự toán trực thuộc và ngân sách cấp dưới theo đúng chế độ và thời hạn quy định.

5. Về công tác đôn đốc, kiểm tra, xử lý, báo cáo:

a. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra và những nội dung thực hiện theo Chỉ thị này gửi Bộ Tài chính chậm nhất cùng với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm. Riêng đối với phần báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra liên quan đến vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn phải gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Trong báo cáo phải nêu rõ những tồn tại về quản lý tài chính - ngân sách đã được khắc phục, những tồn tại chưa khắc phục và thời gian, biện pháp để khắc phục trong thời gian tới. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán tới các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm thực hiện các kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra đối với các sai phạm trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm được giao quản lý.

b. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương được giao quản lý các ngành, lĩnh vực, hàng năm tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách Quốc hội quyết định, gắn với các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo từng ngành, lĩnh vực mà Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao quản lý, gửi cùng với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội cùng với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm;

c. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo Chính phủ cùng với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước. Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không chấp hành chế độ báo cáo quy định tại Chỉ thị này hoặc tiến độ xử lý các sai phạm chậm, Bộ Tài chính tạm dừng cấp kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng cơ quan đơn vị, thực hiện xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm hoặc để xảy ra sai phạm theo đúng chế độ quy định. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, định kỳ cuối năm, tổng hợp kết quả xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân, gửi Bộ Nội vụ để theo dõi, tổng hợp việc thực hiện xử lý kỷ luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hàng năm.

6. Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.