• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2008
CHÍNH PHỦ
Số: 94/2006/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 7 tháng 9 năm 2006

NGHỊ ĐỊNH

Điều chỉnh mức lương tối thiểu chung

____________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu;

 Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2006, nâng mức lương tối thiểu chung từ 350.000 đồng/tháng quy định tại Điều 1 Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ lên 450.000 đồng/tháng.

Điều 2. Mức lương tối thiểu chung quy định tại Điều 1 Nghị định này được dùng làm cơ sở điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc và tính trợ cấp thôi việc, các chế độ được hưởng, các khoản trích tính theo lương tối thiểu chung như sau:

1. Tăng 28,6% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng đã được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 93/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

2. Tăng 28,6% trên mức trợ cấp của tháng 9 năm 2006 đối với người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tính theo mức lương tối thiểu chung.

3. Tính trợ cấp thôi việc cho số tháng làm việc kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2006 trở đi đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2002/NĐ-CP và Nghị quyết số 06/2006/NQ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ  phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2006.

4. Các chế độ được hưởng và các khoản trích tính theo lương tối thiểu chung được tính lại tương ứng.

Điều 3. Kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm từ các nguồn:

1. Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) đối với từng cơ quan hành chính, từng đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ. Riêng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất).

3. Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan hành chính có thu.

4. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương.

5. Ngân sách trung ương bảo đảm:

a) Bổ sung nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đúng các quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này mà vẫn còn thiếu;

b) Hỗ trợ những địa phương khó khăn, chưa cân đối được nguồn thực hiện  bình quân 1/3 mức lương tối thiểu (thay cho mức hỗ trợ hiện hành 120.000 đồng/tháng) đối với cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn, ở thôn và tổ dân phố quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ;

c) Bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 1995 (kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 10 năm 1995 trở đi, kể cả cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 và Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm).

Điều 4. Kinh phí khi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với người lao động làm việc trong các công ty, doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) do công ty, doanh nghiệp bảo đảm và được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.

Đối với công ty nhà nước đang áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 2 lần so với mức lương tối thiểu chung quy định tại Điều 4 Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ và các tổ chức, đơn vị được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung như công ty nhà nước, nay áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 1,34 lần so với mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định này. 

Điều 5.

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Nghị định này đối với công ty, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam), các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác có thuê mướn lao động; hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 (trừ cán bộ xã đã nghỉ việc) và khoản 2 Điều 2 Nghị định này; hướng dẫn tính trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ và Nghị quyết số 06/2006/NQ-CP ngày 04 tháng 5            năm 2006 của Chính phủ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2006.

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu theo quy định tại Điều 1 Nghị định này đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với lực lượng vũ trang.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm:

a) Hướng dẫn việc tính toán, cân đối nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu quy định tại Điều 3 Nghị định này;

b) Thẩm định và bổ sung kinh phí khi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định này và bảo đảm nguồn chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 1995, nguồn hỗ trợ những địa phương khó khăn theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 3 Nghị định này và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Điều 6.

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung.

2. Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2006.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này ./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.