• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 18/06/2006
BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Số: 48/2006/TT-BVHTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 5 tháng 5 năm 2006

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP

ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành

Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế

và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công

và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài

____________________

Căn cứ Nghị định 63/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá - Thông tin;

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành Văn hóa - Thông tin được quy định tại Phụ lục số 01 (khoản 2, khoản 3 - mục I và khoản 4 - mục II) và Phụ lục số 03 (mục V) ban hành kèm theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, như sau:

A- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THUỘC DIỆN QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH CỦA BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

1. Hàng hóa, thiết bị xuất khẩu, nhập khẩu trong danh mục quản lý chuyên ngành văn hóa - thông tin thuộc lĩnh vực kinh doanh đặc thù được điều chỉnh thông qua các Luật như: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Di sản Văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật khác về văn hoá - thông tin.

2. Đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa chuyên ngành văn hóa - thông tin không nhằm mục đích kinh doanh (phi mậu dịch) thực hiện theo Nghị định số 88/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.

3. Việc công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài thực hiện theo Nghị định số 72/2000/NĐ-CP ngày 05/12/2000 của Chính phủ về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài.

4. Việc ghi và sử dụng mã số HS:

4.1. Mã số HS trong Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 82/2003/QĐ-BTC ngày 13/06/2003 của Bộ Tài chính và trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/07/2003 của Bộ Tài chính nhằm xác định tên gọi, mô tả chủng loại và phân loại mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Mã số HS trong Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi không quy định về nội dung hay quyền sở hữu đối với hàng hóa.

Do vậy, việc xác định hàng hoá chuyên ngành văn hoá - thông tin có cùng mã số HS (như sách, báo, phim, băng, đĩa, tác phẩm mỹ thuật, di vật, cổ vật...) thuộc diện được xuất khẩu, nhập khẩu hay thuộc diện cấm xuất khẩu, nhập khẩu phải căn cứ trên cơ sở thẩm định nội dung hoặc quyền sở hữu đối với hàng hóa.

4.2. Trường hợp sau khi đã thực hiện việc xác định mã số HS của hàng hoá mà vẫn chưa xác định được hàng hoá đó thuộc mã số HS nào trong Biểu thuế xuất nhập khẩu (hoặc hàng hoá đó chưa có mã số HS) thì khi làm thủ tục xuất nhập khẩu phải lấy mẫu hàng hoá đó để tiến hành trưng cầu giám định của cơ quan quản lý chuyên ngành phục vụ cho việc phân loại theo mã HS.

4.3. Về nguyên tắc áp mã số HS:

+ Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hoá - thông tin được ghi theo đúng mã số HS trong Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (nếu hàng hóa đó có mã số HS).

+ Việc áp mã số HS để xác định hàng hoá thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hay được phép xuất khẩu, nhập khẩu cần phải căn cứ theo các quy định cụ thể tại Thông tư này.

B- HÀNG HÓA CẤM XUẤT KHẨU, CẤM NHẬP KHẨU THUỘC DIỆN QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH CỦA BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

I. HÀNG HÓA CẤM XUẤT KHẨU

1. Danh mục:

 

TT

Mô tả hàng hóa

Mã số HS

a)

- Di vật, cổ vật thuộc: Sở hữu toàn dân, sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

- Bảo vật quốc gia thuộc tất cả các hình thức sở hữu

9705; 9706

b)

Các loại văn hóa phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu

hành tại Việt Nam bao gồm:

- Các loại ấn phẩm (sách, báo, tạp chí, tranh, ảnh, lịch...)

4901; 4902; 4903

4904; 4905; 4906

4909; 4910; 4911

 

- Các loại băng, đĩa ghi âm, băng đĩa ghi hình, các loại phim, các loại băng từ, đĩa mềm, đĩa quang đã ghi nội dung, các sản phẩm công nghệ khác đã ghi thông tin ở dạng chữ viết, âm thanh: hoặc hình ảnh.

3706; 8524

 

- Tác phẩm mỹ thuật.

9701; 9702; 9703

 

(Mô tả chi tiết mã HS theo phân nhóm 6 và 8 số tại Phụ lục kèm theo)

2. Nguyên tắc quản lý:

2.1. Cấm xuất khẩu: di vật, cổ vật thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; bảo vật quốc gia thuộc tất cả các hình thức sở hữu:

- Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải được quản lý trong các bảo tàng và không được mua bán, trao đổi, tặng cho (theo quy định tại điều 43 Luật Di sản năm 2001).

- Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định tại điều 42 Luật Di sản văn hóa và Điều 23 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ.

- Căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để xác định chủ sở hữu thuộc đối tượng sở hữu nào.

2.2. Cấm xuất khẩu: các loại văn hóa phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam:

Văn hóa phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam là văn hoá phẩm:

- Có nội dung chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Có nội dung tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phản động, kích động lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

- Có nội dung thuộc về bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và các bí mật khác do pháp luật quy định.

- Có nội dung thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống nhằm xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân.

- Văn hóa phẩm vi phạm các quy định về cấm lưu hành, phổ biến tại Việt Nam theo quy định tại Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Di sản văn hóa, Pháp lệnh Quảng cáo, các quy định về quyền tác giả trong Bộ Luật Dân sự. Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác của Nhà nước Việt Nam.

II- HÀNG HÓA CẤM NHẬP KHẨU

1. Danh mục:

Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu và mã HS quy định tại điểm b khoản 1 mục I phần B (các loại văn hoá phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam).

2. Nguyên tắc quản lý:

Các loại văn hóa phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam là văn hoá phẩm được quy định tại điểm 2.2 khoản 2 mục I phần B.

C. HÀNG HÓA ĐƯỢC PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THUỘC DIỆN QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH CỦA BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN.

I. HÀNG HÓA ĐƯỢC PHÉP XUẤT KHẨU

1. Danh mục:

 

TT

Mô tả hàng hoá

Mã số HS

a)

Các loại ấn phẩm (sách, báo, tạp chí, tranh, ảnh, lịch...) không quy định tại điểm b khoản 1 mục I phần B

4901; 4902; 4903 4904; 4905; 4906 4909; 4910; 4911

b)

Tác phẩm điện ảnh và sản phẩm nghe nhìn khác được sản xuất trên mọi chất liệu không quy định tại điểm b khoản 1 mục I phần B

3706; 8524

c)

Các tác phẩm mỹ thuật thuộc các thể loại được sản xuất trên mọi chất liệu không quy định tại điểm b khoản 1 mục I phần B

(Các tác phẩm mỹ thuật là những sản phẩm sáng tạo mỹ thuật, không sản xuất hàng loạt mà chỉ được làm từng sản phẩm một, mỗi tác phẩm có giá trị riêng biệt như: bức tranh, pho tượng, bức phù điêu…)

(Hàng thủ công mỹ nghệ không thuộc loại tác phẩm mỹ thuật)

9701; 9702; 9703

d)

Di vật, cổ vật không thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

9705; 9706

 

(Mô tả chi tiết mã số HS theo phân nhóm 6 và 8 tại Phụ lục kèm theo)

2. Nguyên tắc quản lý:

2.1. Đối với các loại hàng hóa nêu tại điểm a, b, c khoản 1 mục I phần C: được phép xuất khẩu theo nhu cầu, Bộ Văn hóa - Thông tin không cấp giấy phép, không phê duyệt nội dung, số lượng, trị giá sản phẩm xuất khẩu. Thủ tục xuất khẩu giải quyết tại Hải quan.

- Hàng hóa thuộc điểm a, b khoản 1 mục I phần C được xuất khẩu với điều kiện đã được phép sản xuất, phổ biến và lưu hành tại Việt Nam.

- Hàng hóa thuộc điểm c khoản 1 mục I phần C khi xuất khẩu phải có tài liệu chứng minh nguồn gốc rõ ràng, về chủ sở hữu của tác phẩm theo quy định của pháp luật.

2.2. Đối với các loại hàng hoá nêu tại điểm d khoản 1 mục I phần C: khi xuất khẩu phải có giấy phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin cấp theo các điều kiện quy định tại điều 25 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ.

- Hồ sơ xin cấp giấy phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài, gồm:

+ Đơn xin phép gửi Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu cũ

+ Hồ sơ đăng ký di vật, cổ vật (giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật)

- Cơ quan giải quyết thủ tục cấp phép: Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài. Trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Giấy phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin cấp là căn cứ để doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu tại hải quan.

II. HÀNG HÓA ĐƯỢC PHÉP NHẬP KHẨU

1. Danh mục:

 

TT

Mô tả hàng hoá

Mã số HS

a)

Các loại ấn phẩm (sách, báo, tạp chí, tranh, ảnh, lịch...) không thuộc diện điều chỉnh của mục II phần B

4901; 4902; 4903

4904; 4905; 4906

4909; 4910; 4911

b)

Tác phẩm điện ảnh và sản phẩm nghe nhìn khác được ghi trên mọi chất liệu không thuộc diện điều chỉnh của mục II phần B

3706; 8524

c)

Hệ thống chế bản và sắp chữ chuyên dùng ngành in.

8442

d)

Máy in các loại (máy in offset, máy in Flexo, Máy in ống đồng)

8440;8443

đ)

Máy photocopy mầu

9009

e)

Thiết bị thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh (TVRO)

8528;8529;8543

g)

Máy trò chơi điện tử có cài đặt chương trình trả thưởng và thiết bị chuyên dùng cho trò chơi ở sòng bạc

9504

h)

Đồ chơi trẻ em

9501;9502;9503

 

(Mô tả chi tiết mã HS theo phân nhóm 6 và 8 số tại Phụ lục kèm theo)

2. Nguyên tắc quản lý:

2.1. Các loại ấn phẩm (sách, báo, tạp chí, tranh, ảnh, lịch...):

a) Đối với các loại ấn phẩm là báo, tạp chí nước ngoài: phải được Bộ Văn hoá - Thông tin phê duyệt danh mục báo chí, tạp chí trước khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu.

- Đối tượng được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhập khẩu báo, tạp chí.

- Bộ Văn hoá - Thông tin phê duyệt danh mục các đầu báo, tạp chí nước ngoài xin nhập khẩu trong năm theo đề nghị của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhập khẩu báo, tạp chí. Doanh nghiệp nhập khẩu phải tổ chức kiểm tra nội dung các ấn phẩm, báo, tạp chí ước ngoài trước khi cho phát hành ra thị trường Việt Nam, đảm bảo không vi phạm các điều cấm quy định tại Điều 10 của Luật Báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo, tạp chí mà mình nhập khẩu.

- Cơ quan giải quyết thủ tục phê duyệt danh mục báo, tạp chí nước ngoài nhập khẩu: Cục Báo chí thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh mục báo, tạp chí xin nhập khẩu, Cục Báo chí ra văn bản phê duyệt danh mục.

Danh mục báo, tạp chí do Cục Báo chí phê duyệt sẽ là căn cứ để doanh làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

b) Đối với các loại ấn phẩm khác (ngoài báo và tạp chí): phải được Bộ Văn hoá - Thông tin xác nhận danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu trước khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu.

- Đối tượng được phép nhập khẩu xuất bản phẩm: Doanh nghiệp có giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm do Bộ Văn hoá - Thông tin (Cục Xuất bản) cấp.

- Hàng năm, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải gửi đăng ký danh mục xuất bản phẩm cho Bộ Văn hoá - Thông tin trước khi nhập khẩu. Bản đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu của cơ sở thực hiện theo mẫu số 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản.

Giám đốc cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải tổ chức kiểm tra nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu trước khi phát hành ra thị trường Việt Nam, đảm bảo không vi phạm các điều cấm quy định tại Điều 10 của Luật Xuất bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm mà mình nhập khẩu.

- Cơ quan giải quyết thủ tục xác nhận danh mục nhập khẩu xuất bản phẩm: Cục Xuất bản thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu hợp lệ. Cục Xuất bản xác nhận việc đăng ký bằng văn bản.

Danh mục đã đăng ký có giá trị đến hết ngày 31 tháng 12 của năm kế hoạch.

Danh mục nhập khẩu xuất bản phẩm do Cục Xuất bản xác nhận sẽ là căn cứ để doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

2.2. Tác phẩm điện ảnh và sản phẩm nghe nhìn khác ghi trên mọi chất liệu:

a) Đối với tác phẩm điện ảnh (ghi trên mọi chất liệu): phải được Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt nội dung và kế hoạch nhập khẩu trước khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu.

- Đối tượng được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhập khẩu phim, chiếu phim.

- Hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung tác phẩm, gồm:

+ Đơn đăng ký xét duyệt nội dung tác phẩm.

+ Văn bản chứng nhận bản quyền tác giả, nguồn gốc hợp pháp của tác phẩm (nếu văn bản ghi bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

+ Mẫu tác phẩm đề nghị xét duyệt nội dung để nhập khẩu (nếu tác phẩm chứa đựng nội dung bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

- Cơ quan giải quyết thủ tục phê duyệt nội dung: Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Điện ảnh sẽ có văn bản trả lời kết quả phê duyệt nội dung tác phẩm.

Văn bản phê duyệt nội dung tác phẩm của Cục Điện ảnh sẽ là căn cứ để doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

b) Đối với các loại sản phẩm nghe nhìn (ghi trên mọi chất liệu) không phải là tác phẩm điện ảnh: Phải được Bộ Văn hoá - Thông tin phê duyệt nội dung trước khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu.

- Đối tượng được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhập khẩu băng, đĩa ca nhạc, sân khấu hoặc sản phẩm nghe nhìn thuộc các thể loại khác (ghi trên mọi chất liệu) không phải là tác phẩm điện ảnh.

- Hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung sản phẩm, gồm:

+ Đơn đề nghị xét duyệt nội dung sản phẩm.

+ Văn bản chứng nhận bản quyền tác giả, nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm (kèm theo văn bản dịch ra tiếng Việt).

+ Mẫu sản phẩm đề nghị xét duyệt nội dung để nhập khẩu (nếu sản phẩm chứa đựng nội dụng bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

- Cơ quan giải quyết thủ tục phê duyệt nội dung: Bộ Văn hoá - Thông tin uỷ quyền cho các Sở Văn hoá - Thông tin phê duyệt.

Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hoá - Thông tin sẽ có văn bản trả lời kết quả phê duyệt nội dung sản phẩm.

Văn bản phê duyệt nội dung sản phẩm của Sở Văn hoá - Thông tin sẽ là căn cứ để doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

- Riêng đối với sản phẩm nhập khẩu là băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình và các sản phẩm ghi trên vật liệu, phương tiện kỹ thuật khác có nội dung thay sách hoặc minh hoạ cho sách sẽ do Cục Xuất bản phê duyệt danh mục sản phẩm xin nhập khẩu.

2.3. Hệ thống chế bản và sắp chữ chuyên dụng ngành in:

- Đối tượng được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp có chức năng hoạt động ngành in hoặc kinh doanh thiết bị ngành in.

- Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình nhập khẩu, về an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

2.4. Máy in các loại (máy in offset, máy in Flexo, máy in ống đồng):

- Đối tượng được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp có chức năng hoạt động ngành in hoặc kinh doanh thiết bị ngành in.

- Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình nhập khẩu, về an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

2.5. Máy Photocopy mầu:

- Đối tượng được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh máy photocopy mầu.

- Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình nhập khẩu, về an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

Riêng đối với loại máy photocopy mầu có mã HS 9009.11.10 và 9009.11.90, việc nhập khẩu đối với 02 mã số hàng hoá này sẽ thực hiện theo hướng dẫn của liên ngành Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2.6. Thiết bị thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh (TVRO):

- Đối tượng được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp có chức năng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp đăng ký: nhập khẩu, kinh doanh, lắp đặt, sửa chữa các thiết bị TVRO hoặc làm đại diện phân phối tại Việt Nam các Bộ giải mã chương trình truyền hình nước ngoài.

- Thiết bị thu tín hiệu nhập khẩu phải là thiết bị mới 100%, bộ giải mã có xuất xứ rõ ràng và chương trình phải hợp pháp về bản quyền.

- Thủ tục cấp đăng ký: Thực hiện theo Quyết định 79/2002/QĐ-TTg ngày 18/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý việc thu các chương trình truyền hình của nước ngoài; Quyết định 18/2002/QĐ-BVHTT ngày 29/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành Quy chế cấp giấy phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thu chương trình truyền hình nước ngoài; Quyết định 49/2003/QĐ-BVHTT ngày 22/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin sửa đổi, bổ sung Quyết định 18/2002/QĐ-BVHTT ngày 29/7/2002;

- Cơ quan cấp đăng ký: Cục Báo chí thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin.

Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

2.7. Máy trò chơi điện tử có cài đặt chương trình trả thưởng và thiết bị chuyên dùng cho trò chơi ở sòng bạc:

- Đối tượng được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy đăng ký kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg ngày 27/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

- Máy - thiết bị nhập khẩu phải đảm bảo:

+ Là máy - thiết bị mới 100%, bảo đảm chất lượng về âm thanh, hình ảnh, hình thức phù hợp với thẩm mỹ của người Việt Nam.

+ Có đủ hồ sơ (catalogue) ghi rõ các tính năng, kiểu dáng, nội dung và chương trình cài đặt của máy, thiết bị xin nhập khẩu.

+ Chương trình được cài đặt phải có nội dung vui chơi giải trí lành mạnh và không vi phạm các quy định về cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam.

+ Nội dung chương trình trò chơi điện tử do Sở Văn hóa - Thông tin sở tại thẩm định và phê duyệt theo mục III Thông tư số 08/2000/TT-BVHTT ngày 28/04/2000 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

2.8. Đồ chơi trẻ em:

- Đối tượng được phép nhập khẩu: Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh phù hợp.

- Hàng hoá nhập khẩu phải đảm bảo mới 100%.

- Có nội dung, hình thức, kiểu dáng, tính năng sử dụng không có hại đến giáo dục nhân cách, không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, không vi phạm các quy định về cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam.

Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu tại hải quan.

D- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thực hiện sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 29/2001/TT-BVHTT ngày 05/06/2001 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001-2005.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan và các đối tượng thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa chuyên ngành Văn hóa - Thông tin phản ánh kịp thời về Bộ Văn hoá - Thông tin (Vụ Kế hoạch - Tài chính) xem xét giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Quang Nghị

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.