• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 05/01/2015
CHÍNH PHỦ
Số: 111/2014/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 20 tháng 11 năm 2014

NGHỊ ĐỊNH

Quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn

 sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu

___________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa hoạt động tại Việt Nam và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu để làm phương tiện thủy nội địa hoạt động tại Việt Nam.

2. Nghị định này không điều chỉnh đối với các phương tiện thủy nội địa sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, tàu cá và phương tiện thủy nội địa nước ngoài quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa: Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc quản lý, khai thác sử dụng phương tiện thủy nội địa hoạt động tại Việt Nam, bao gồm các loại phương tiện sau đây:

a) Tàu chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở xô khí hóa lỏng;
 

b) Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi;

c) Tàu khách không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu cao tốc, tàu đệm khí;

d) Tàu cao tốc chở khách;

đ) Tàu đệm khí.

2. Về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu: Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, người nhập khẩu hoặc người thuê quản lý, khai thác sử dụng phương tiện thủy nội địa hoạt động tại Việt Nam, bao gồm tất cả các loại phương tiện thủy nội địa.

3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa là thời gian tối đa được tính theo năm mà phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động.

2. Niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu là thời gian tối đa được tính theo năm mà phương tiện thủy đã hoạt động được phép nhập khẩu về Việt Nam, sau đây gọi chung là tuổi của phương tiện thủy được phép nhập khẩu.

3. Tàu khách là phương tiện thủy nội địa có sức chở trên 12 người.

4. Tàu chở người là phương tiện thủy nội địa có sức chở từ 12 người trở xuống.

5. Tàu cao tốc chở khách là tàu khách được cơ quan Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc; tàu khách hoạt động ở chế độ lướt mà thân tàu tách hoàn toàn khỏi mặt nước do lực nâng khí động học tạo ra bởi hiệu ứng bề mặt, có tốc độ lớn nhất từ 30 km/giờ trở lên ở trạng thái đầy tải.

6. Tàu đệm khí là phương tiện thủy nội địa mà toàn bộ hoặc phần lớn trọng lượng của tàu có thể được nâng lên ở trạng thái đứng yên hoặc chuyển động nhờ đệm khí sinh ra liên tục để nâng tàu lên bề mặt nước và chạy trên bề mặt đó.

7. Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm là phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch, có buồng ngủ, trên hành trình có neo lại để cho khách du lịch ngủ qua đêm.

8. Khách sạn nổi là phương tiện thủy nội địa chở khách lưu trú du lịch có buồng ngủ, có đăng ký kinh doanh khách sạn, được neo tại một địa điểm trên đường thủy nội địa và có thể di chuyển từ địa điểm neo này tới địa điểm neo khác khi cần thiết.

9. Nhà hàng nổi là phương tiện thủy nội địa chở khách, có đăng ký kinh doanh nhà hàng nổi phục vụ ăn uống trên phương tiện mà không bố trí các buồng ngủ lưu trú trên phương tiện.

Chương II

NIÊN HẠN SỬ DỤNG CỦA PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA VÀ

TUỔI CỦA PHƯƠNG TIỆN THỦY ĐƯỢC PHÉP NHẬP KHẨU

Điều 4. Niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa

1. Niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa được quy định như sau:

TT

Loại phương tiện

Vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép không quá (năm)

Vỏ gỗ không quá (năm)

1

Tàu chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở xô khí hóa lỏng

30

25

2

Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi

35

20

3

Tàu khách không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu cao tốc, tàu đệm khí

30

25

4

Tàu cao tốc chở khách

20

\

5

Tàu đệm khí

18

\

2. Trong một số trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 5. Tuổi của phương tiện thủy được phép nhập khẩu

1. Tuổi của phương tiện thủy được phép nhập khẩu đối với tàu khách và tàu chở người không quá 10 năm, đối với các phương tiện thủy khác không quá 15 năm.

2. Không được phép nhập khẩu tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi vỏ gỗ và các phương tiện thủy không đủ căn cứ xác định được năm đóng phương tiện.

3. Trong một số trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định tuổi của phương tiện thủy được phép nhập khẩu theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 6. Thời điểm tính niên hạn sử dụng

1. Niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa được tính từ năm đóng phương tiện. Việc xác định năm đóng phương tiện được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này.

2. Tuổi của phương tiện thủy được phép nhập khẩu được tính từ năm đóng phương tiện cho đến năm đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu phương tiện tại Việt Nam.

Điều 7. Năm đóng phương tiện

1. Đối với phương tiện thủy nội địa được đóng trong nước, năm đóng phương tiện được xác định là năm phương tiện được cấp hồ sơ đăng kiểm sau khi kết thúc đóng mới.

2. Đối với phương tiện thủy nhập khẩu, năm đóng phương tiện được xác định là năm phương tiện được đóng và được ghi trong hồ sơ đăng kiểm hoặc hồ sơ do cơ quan quản lý của quốc gia mà phương tiện được đóng đã cấp cho phương tiện thủy đó.

Chương III

TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Bộ Giao thông vận tải

1. Tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

2. Tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến niên hạn sử dụng phương tiện thủy nội địa tại Việt Nam.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của phương tiện thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 9. Bộ Công an

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các phương tiện thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 10. Bộ Tài chính

Hướng dẫn các thủ tục hải quan liên quan đến việc nhập khẩu phương tiện thủy theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 11. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định, tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với phương tiện thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2015.

Điều 13. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với tàu cao tốc chở khách, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, niên hạn sử dụng được kéo dài, cụ thể như sau:

a) Phương tiện đã hết niên hạn sử dụng trước ngày 05 tháng 01 năm 2015 sẽ được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016.

b) Phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 05 tháng 01 năm 2015 đến trước ngày 05 tháng 01 năm 2016 sẽ được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017.

c) Phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 05 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 05 tháng 01 năm 2017 sẽ được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018.

d) Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 05 tháng 01 năm 2017, sau thời hạn này sẽ không được kéo dài thời gian hoạt động.

2. Đối với các phương tiện thủy nội địa quy định tại Điều 4 của Nghị định này trừ tàu cao tốc chở khách, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, niên hạn sử dụng được kéo dài, cụ thể như sau:

a) Phương tiện đã hết niên hạn sử dụng trước ngày 05 tháng 01 năm 2015 sẽ được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.

b) Phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 05 tháng 01 năm 2015 đến trước ngày 05 tháng 01 năm 2016 sẽ được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

c) Phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 05 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 05 tháng 01 năm 2017 sẽ được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

d) Phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 05 tháng 01 năm 2017 đến trước ngày 05 tháng 01 năm 2018 sẽ được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

đ) Phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 05 tháng 01 năm 2018 đến trước ngày 05 tháng 01 năm 2019 sẽ được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.

e) Phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 05 tháng 01 năm 2019 đến trước ngày 05 tháng 01 nấm 2020 sẽ được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.

g) Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 05 tháng 01 năm 2020, sau thời hạn này sẽ không được kéo dài thời gian hoạt động.

3. Đối với các phương tiện thủy nội địa không đủ căn cứ xác định năm đóng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, niên hạn sử dụng được kéo dài, cụ thể như sau:

a) Các tàu cao tốc chở khách được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016.

b) Các phương tiện thủy nội địa quy định tại Điều 4 của Nghị định này trừ tàu cao tốc chở khách được phép hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.

4. Đối với các phương tiện thủy đã được ký hợp đồng nhập khẩu về Việt Nam trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu nhưng phải áp dụng niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa được quy định tại Điều 4 của Nghị định này khi hoạt động trên đường thủy nội địa tại Việt Nam.

5. Các phương tiện quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.