• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/01/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 15/02/2023
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 193/2014/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 12 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp

 xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

_________________

 

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Nghị định số 111/2013/NĐ-CP);

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do ngân sách địa phương bảo đảm và hỗ trợ từ nguồn kinh phí phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em và các nguồn kinh phí khác (nếu có). Việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Ngân sách trung ương bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách địa phương để thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015. Từ năm 2016 nhiệm vụ chi này sẽ được tính trong định mức chi cân đối ngân sách địa phương, ngân sách trung ương đảm bảo cân đối đủ nguồn trong định mức phân bổ cho địa phương và xem xét hỗ trợ cho địa phương hụt nguồn thu do nguyên nhân khách quan.

3. Về bố trí dự toán của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện như sau:

a) Kinh phí xác định tình trạng nghiện ma túy, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 3 Thông tư này bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan công an lập hồ sơ;

b) Kinh phí thực hiện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, tổ chức cuộc họp tư vấn, hỗ trợ cho người được phân công giúp đỡ người được giáo dục và chuyển giao đối tượng về nơi cư trú và đến cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3, 4 và 5 Điều 3 Thông tư này được bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội của ngân sách xã, phường, thị trấn;

c) Các khoản chi phí cho người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này được bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội của cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em.

Điều 3. Nội dung, mức chi cho công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Chi xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành của cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

2. Chi cho công tác lập và kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

a) Chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, cước phí bưu chính, in ấn tài liệu, mẫu biểu phục vụ cho công tác lập hồ sơ: Mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chi công tác phí cho cán bộ thu thập thông tin, tài liệu để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là Thông tư số 97/2010/TT-BTC)

3. Tổ chức cuộc họp tư vấn:

a) Thành viên cuộc họp tư vấn và người tham dự theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

b) Nội dung và mức chi:

- Thành viên tham dự: 50.000 đồng/người/buổi;

- Các nội dung chi khác thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

4. Chi hỗ trợ cho người được phân công giúp đỡ người được giáo dục theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: Người được phân công giúp đỡ được hưởng khoản kinh phí hỗ trợ cho việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục. Mức hỗ trợ một tháng tối thiểu là 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giáo dục. Một người có thể được phân công quản lý giáo dục, giúp đỡ nhiều người nhưng không quá 03 người cùng một lúc. Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định mức hỗ trợ cao hơn. Người được phân công giúp đỡ được thanh toán tiền hỗ trợ theo thời gian thực tế theo dõi, giúp đỡ đối tượng.

5. Chi chuyển giao đối tượng về nơi cư trú và đến cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em:

a) Hỗ trợ cho đối tượng trong thời gian đi đường:

- Tiền ăn 40.000 đồng/ngày/người;

- Tiền ngủ (nếu có) theo mức quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC;

b) Tiền tàu xe hoặc thuê mướn phương tiện vận chuyển đưa đối tượng về nơi cư trú và đến cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em: Mức chi theo giá phương tiện  công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp sử dụng phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi phí tính theo số km và tiêu hao nhiên liệu thực tế; trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng, chứng từ, hóa đơn thực tế và phù hợp với giá trên địa bàn cùng thời điểm;

c) Chi công tác phí cho người được giao nhiệm vụ chuyển giao đối tượng: nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

6. Các khoản chi phí cho người chưa thành niên quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính mà không có nơi cư trú ổn định được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

a) Chi hỗ trợ tiền ăn cho người chưa thành niên bằng với mức của đối tượng được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em theo quy định của địa phương;

b) Chi mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết: Người chưa thành niên được cấp 02 (hai) bộ quần áo dài, 02 (hai) bộ quần áo lót, khăn mặt, dép nhựa, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng và băng vệ sinh (đối với nữ). Căn cứ định mức hiện vật trang bị cho người chưa thành niên, cơ sở lập dự toán hàng năm trên cơ sở giá cả thực tế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tiền thuốc chữa bệnh thông thường: 50.000 đồng/người/tháng;

d) Chi học văn hóa, học nghề cho người chưa thành niên thực hiện theo quy định hiện hành đối với trẻ em sống tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em;

đ) Chi phí điều trị đối với người chưa thành niên bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo trong thời gian nằm viện mà không có thẻ bảo hiểm y tế được cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em hỗ trợ toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp người chưa thành niên có thẻ bảo hiểm y tế còn thời hạn sử dụng được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm y tế. Cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em hỗ trợ phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh còn lại không được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán;

e) Đối với người chưa thành niên bị nhiễm HIV được trợ cấp thêm tiền thuốc chữa bệnh, tiền mua sắm các vật dụng phòng, chống lây nhiễm HIV và các khoản chi hỗ trợ khác (trừ tiền ăn) theo quy định tại Quyết định số 96/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam và các văn bản hướng dẫn Quyết định.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26 tháng 01 năm 2015.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, các địa phương phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.