• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/02/2015
CHÍNH PHỦ
Số: 125/2014/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 29 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ giám định tại Nghị định

số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 và Nghị định

số 20/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006

_________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ giám định tại Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 và Nghị định số 20/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại

Bãi bỏ Điều 4 của Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 20/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

1. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 10 như sau:

“b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong các trường hợp sau:

- Bản sao có chứng thực đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện;

- Bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp;

- Bản scan từ bản gốc trong trường hợp thủ tục hành chính có áp dụng nộp hồ sơ qua mạng điện tử.”

2. Sửa đổi Điều 11 như sau:

“Trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận bộ hồ sơ đề nghị đăng ký dấu nghiệp vụ đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này, Sở Công Thương nơi thương nhân đăng ký kinh doanh có trách nhiệm đăng ký con dấu nghiệp vụ sử dụng trong chứng thư giám định của thương nhân vào Sổ đăng ký dấu nghiệp vụ và thông báo cho thương nhân biết bằng văn bản. Trường hợp không chấp nhận việc đăng ký dấu nghiệp vụ, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

3. Sửa đổi khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 9, khoản 2 Điều 10 như sau:

“a) Thay thế cụm từ “Bộ Thương mại” thành “Bộ Công Thương;”

b) Thay thế cụm từ “Sở Thương mại (Sở Thương mại Du lịch)” thành “Sở Công Thương.”

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2015.

2. Điểm b và d khoản 1 và khoản 3 Điều 4; khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 12; điểm d khoản 1 Điều 19 Nghị định số 20/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định tiếp tục được áp dụng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

3. Nghị định này bãi bỏ Điều 22 Nghị định số 20/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định.

Điều 5. Điều khoản chuyển tiếp

Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại chưa đăng ký dấu nghiệp vụ, phải hoàn thành thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.