• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/12/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 01/02/2005
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 95/1997/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 29 tháng 12 năm 1997

THÔNG TƯ

Hướng dẫn và giải thích nội dung các điều khoản của

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực
thi hành tại Việt Nam

Căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành về thuế lợi tức, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và thuế đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ thẩm quyền của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính giải thích nội dung các điều khoản và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã có hiệu lực thi hành tại Việt Nam như sau:

 

I. GIẢI THÍCH CÁC TỪ NGỮ

Trong các Hiệp định các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Các từ ngữ chung:

a. Từ "đối tượng":

Từ "đối tượng" được dùng trong Hiệp định để chỉ các cá nhân, các tổ chức pháp nhân và bất kỳ tổ chức nào khác được pháp luật công nhận.

b. Từ "công ty":

Từ "công ty" được dùng trong Hiệp định để chỉ các tổ chức công ty hay các tổ chức mà theo luật thuế tại Việt Nam hay tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam được coi là đối tượng nộp thuế như một tổ chức công ty.

c. Từ "xí nghiệp":

Từ "xí nghiệp" được dùng trong Hiệp định để chỉ một doanh nghiệp do đối tượng cư trú của một Nước ký kết điều hành. Việc một hoạt động kinh doanh được thực hiện trong phạm vi một doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh đó được coi là tạo thành một doanh nghiệp sẽ căn cứ vào quy định cụ thể tại luật trong nước của từng Nước ký kết. Theo luật Việt Nam, doanh nghiệp gồm doanh nghiệp quốc doanh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty liên doanh cho thuê tài chính, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, các cơ sở kinh doanh cá thể được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và các doanh nghiệp khác được thành lập và hoạt động theo các luật được ban hành sau này tại Việt Nam.

d. Cụm từ "vận tải quốc tế":

Cụm từ "vận tải quốc tế" được dùng trong Hiệp định để chỉ việc vận chuyển hàng hoá, hành khách của các hãng hàng không, hãng vận tải hàng hải (trong một số Hiệp định kể cả hãng vận tải đường sắt và vận tải đường thuỷ trên đất liền) giữa một địa điểm tại một Nước ký kết và một địa điểm tại Nước ký kết kia.

Ví dụ hãng vận tải Nhật Bản vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa cảng Hải Phòng và cảng tại Hồng Kông hay cảng tại Nhật Bản thì hoạt động đó được gọi là vận tải quốc tế. Thuật ngữ không áp dụng trong trường hợp hãng vận tải Nhật Bản vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa cảng Hải Phòng và cảng thành phố Hồ Chí Minh (hai cảng đều tại Việt Nam).

e. Cụm từ "Nhà chức trách có thẩm quyền":

Cụm từ "Nhà chức trách có thẩm quyền" được dùng trong Hiệp định, trong trường hợp tại Việt Nam, để chỉ Bộ trưởng Bộ Tài chính và người đại diện được uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính được quy định tại khoản 1 mục II Thông tư số 52 TC/TCT ngày 16 tháng 8 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước.

g. Cụm từ "đối tượng mang quốc tịch":

Cụm từ "đối tượng mang quốc tịch" được dùng trong Hiệp định:

(i) Trong trường hợp đối với cá nhân, để chỉ người mang quốc tịch Việt Nam hay người mang quốc tịch của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam,

(ii) Trong trường hợp đối với tổ chức, để chỉ các tổ chức được thành lập và có tư cách pháp lý theo các luật tổ chức kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.

h. Các từ ngữ khác được dùng trong Hiệp định nhưng chưa được định nghĩa cụ thể tại Hiệp định sẽ có nghĩa theo như định nghĩa tại các Luật thuế và các Luật hiện hành của từng Nước ký kết.

2. Đối tượng cư trú:

2.1. Điều 4 - Đối tượng cư trú - của Hiệp định quy định định nghĩa "đối tượng cư trú của một Nước ký kết". Việc xác định một cá nhân hay một tổ chức là đối tượng cư trú của Việt Nam hay của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có mục đích cụ thể như sau:

a. Điều 1 - Phạm vi áp dụng - của Hiệp định quy định Hiệp định giữa Việt Nam với một nước ký kết sẽ chỉ áp dụng cho các đối tượng là đối tượng cư trú của Việt Nam hay là đối tượng cư trú của Nước ký kết đó. Để áp dụng một Hiệp định đối với một tổ chức, cá nhân phải xác định được tổ chức hay cá nhân đó là đối tượng cư trú của Việt Nam hoặc của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.

b. Để tránh trường hợp tổ chức hay cá nhân được coi là đối tượng cư trú của cả hai nước và do đó vừa phải nộp thuế tại Việt Nam vừa phải nộp thuế tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, căn cứ vào các tiêu thức quy định tại Điều 4 Hiệp định, một tổ chức hay cá nhân sẽ được quy về là đối tượng cư trú của một nước.

2.2. Định nghĩa "đối tượng cư trú của một Nước ký kết" được dùng trong Hiệp định để chỉ đối tượng mà theo luật của nước đó là đối tượng chịu thuế tại nước đó do:

a. Đối tượng đó có nhà ở, có thời gian cư trú tại nước đó trong trường hợp đối tượng đó là một cá nhân;

b. Đối tượng đó có trụ sở điều hành, trụ sở đăng ký, hay được thành lập tại Nước ký kết đó trong trường hợp đối tượng đó là một tổ chức.

Theo các luật của Việt Nam, các đối tượng sau đây được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam:

(i) Cá nhân là người mang quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài định cư không thời hạn tại Việt Nam, người nước ngoài có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính cho 12 tháng liên tục cho năm tính thuế đầu tiên người đó đến Việt Nam và 183 ngày trở lên tính cho những năm dương lịch tiếp theo.

(ii) Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật tại Việt Nam như doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty liên doanh cho thuê tài chính, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

2.3. Trường hợp căn cứ vào quy định tại điểm 2.2 trên đây nếu một đối tượng được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam vừa là đối tượng cư trú của Nước ký kết với Việt Nam thì sẽ căn cứ vào những tiêu thức theo thứ tự sau đây để xác định đối tượng đó là đối tượng cư trú của Việt Nam theo nội dung của Hiệp định:

a. Đối với cá nhân:

(i) Nếu cá nhân đó có nhà ở thường trú ở Việt Nam (nhà thuộc sở hữu hay nhà thuê) thì cá nhân đó sẽ được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam;

(ii) Nếu cá nhân đó có nhà ở thường trú ở cả hai nước nhưng cá nhân đó có tại Việt Nam quan hệ cá nhân chặt chẽ hơn như quan hệ gia đình, xã hội, hay có tại Việt Nam quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn như việc làm tại Việt Nam, địa điểm kinh doanh, nơi quản lý tài sản cá nhân tại Việt Nam, thì cá nhân đó sẽ được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam;

(iii) Nếu không xác định được cá nhân đó có quan hệ cá nhân, kinh tế tại nước nào chặt chẽ hơn hoặc nếu cá nhân đó không có nhà ở thường trú ở nước nào, nhưng cá nhân đó có thời gian có mặt tại Việt Nam nhiều hơn trong năm tính thuế thì cá nhân đó sẽ được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam;

(iv) Nếu cá nhân đó có thời gian có mặt tại Việt Nam bằng thời gian có mặt tại nước ký kết kia thì cá nhân đó sẽ được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam nếu cá nhân đó mang quốc tịch Việt Nam;

(v) Trường hợp có tranh chấp trong việc xác định đối tượng cư trú giữa hai nước thì nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước sẽ giải quyết bằng thoả thuận.

b. Đối với đối tượng không phải là cá nhân, như công ty, xí nghiệp, tổ chức kinh doanh:

(i) Nếu đối tượng đó được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh tại Việt Nam thì đối tượng đó là đối tượng cư trú của Việt Nam;

(ii) Nếu đối tượng đó được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh ở cả hai nước thì đối tượng đó sẽ được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam nếu đối tượng đó có trụ sở điều hành thực tế tại Việt Nam. Trụ sở điều hành thực tế của một đối tượng là nơi đối tượng đó đặt cơ quan điều hành để tổ chức, điều hành và ra các quyết định về sản xuất kinh doanh của đối tượng đó.

3. Cơ sở thường trú:

3.1. Điều 5 của Hiệp định xác định "cơ sở thường trú" của doanh nghiệp. Theo Điều 7 của Hiệp định về cách xác định lợi tức chịu thuế của doanh nghiệp, Việt Nam sẽ chỉ đánh thuế lợi tức của một doanh nghiệp nước ngoài khi doanh nghiệp đó thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam. Định nghĩa cơ sở thường trú xác định phạm vi quyền đánh thuế của Việt Nam đối với lợi tức của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Theo quy định của Hiệp định, "cơ sở thường trú" là một cơ sở kinh doanh cố định của một doanh nghiệp, thông qua đó doanh nghiệp thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình.

3.2. Trong các trường hợp sau đây một doanh nghiệp nước ngoài sẽ được coi là có thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam:

a. Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho giao nhận hàng hoá, địa điểm thăm dò hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay có các thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam.

b. Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp, hay tiến hành các hoạt động giám sát địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp nói trên với điều kiện các địa điểm, công trình hay các hoạt động giám sát đó kéo dài hơn 6 tháng tại Việt Nam.

Địa điểm, công trình xây dựng hay lắp đặt bao gồm địa điểm, công trình xây dựng nhà cửa, đường xá, cầu cống, lắp đặt đường ống, khai quật, nạo vét sông ngòi. Thời gian 6 tháng áp dụng đối với địa điểm, công trình xây dựng hay lắp đặt được tính từ ngày nhà thầu bắt đầu công việc chuẩn bị cho công trình xây dựng tại Việt Nam, như thành lập văn phòng xây dựng kế hoạch thi công, cho đến khi công trình hoàn thiện, bàn giao tại Việt Nam kể cả thời gian công trình bị gián đoạn vì mọi nguyên nhân. Trường hợp nhà thầu chính thi công công trình tổng thể nhưng giao một phần hợp đồng cho các nhà thầu phụ thì thời gian công trình của nhà thầu chính sẽ bao gồm thời gian của cả nhà thầu phụ tại Việt Nam. Nhà thầu phụ nước ngoài sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam nếu có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam hoặc thực hiện công trình tại Việt Nam trên 6 tháng.

Trường hợp hoạt động khảo sát, thiết kế, giám sát công trình do một nhà thầu phụ độc lập thực hiện thì nhà thầu phụ đó sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam nếu tiến hành hoạt động đó thông qua một địa điểm cố định (có thể là văn phòng tại công trình đang thi công) tại Việt Nam trong khoảng thời gian trên 6 tháng.

c. Doanh nghiệp đó thực hiện việc cung cấp dịch vụ bao gồm cả dịch vụ tư vấn ở Việt Nam thông qua nhân viên của công ty hay một đối tượng khác được doanh nghiệp uỷ nhiệm thực hiện dịch vụ với điều kiện các hoạt động dịch vụ nói trên, trong một dự án hay các dự án có liên quan, kéo dài tại Việt Nam trong một khoảng thời gian hay nhiều khoảng thời gian gộp lại quá 183 ngày trong mỗi giai đoạn 12 tháng.

Ví dụ trong năm 1995, hãng sản xuất máy bay của Thuỵ Điển ký hợp đồng dịch vụ bảo dưỡng máy bay với Hãng hàng không Việt Nam và trong năm cử các đoàn chuyên gia kỹ thuật sang Việt Nam làm việc với tổng số thời gian có mặt tại Việt Nam trong năm 190 ngày (vượt quá thời hạn 183 ngày) thì hãng sản xuất trên sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

d. Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một đại lý môi giới, đại lý hoa hồng hoặc bất kỳ một đại lý nào khác, nếu các đại lý đó dành toàn bộ hay đa phần hoạt động đại lý của mình cho doanh nghiệp đó (đại lý phụ thuộc).

e. Doanh nghiệp đó uỷ quyền cho một đối tượng tại Việt Nam:

(i) Thẩm quyền thường xuyên ký kết các hợp đồng đứng tên doanh nghiệp đó; hay

(ii) Không có thẩm quyền ký kết hợp đồng, nhưng có quyền thường xuyên đại diện cho doanh nghiệp đó giao hàng hoá tại Việt Nam.

3.3. Trong các trường hợp sau đây một doanh nghiệp nước ngoài sẽ không được coi là có thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam:

a. Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hàng hoá của doanh nghiệp;

b. Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một kho hàng hoá chỉ nhằm mục đích lưu khó, trưng bày hoặc để cho một xí nghiệp khác gia công;

c. Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một cơ sở kinh doanh cố định chỉ nhằm mục đích mua hàng hoá hay thu thập thông tin cho doanh nghiệp;

d. Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một cơ sở kinh doanh cố định chỉ nhằm mục đích tiến hành các hoạt động chuẩn bị hay phụ trợ cho doanh nghiệp;

e. Doanh nghiệp đó góp vốn vào xí nghiệp liên doanh hay kiểm soát xí nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Trong trường hợp này xí nghiệp liên doanh nước ngoài và xí nghiệp 100% vốn nước ngoài là pháp nhân kinh tế độc lập tại Việt Nam và được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam theo nội dung của Hiệp định.

4. Thuật ngữ "bất động sản":

Từ "bất động sản" được dùng trong Hiệp định, trong trường hợp bất động sản tại Việt Nam, sẽ có nghĩa như định nghĩa bất động sản tại Điều 181 Bộ Luật dân sự của Việt Nam. Thuật ngữ bất động sản bao gồm cả những tài sản phụ kèm theo bất động sản, đàn gia súc và thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và lâm nghiệp, các quyền lợi được áp dụng theo như những quy định tại Luật đất đai, quyền sử dụng bất động sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Theo Hiệp định, các loại tầu thuỷ, thuyền, máy bay sẽ không được coi là bất động sản.

5. Xí nghiệp liên kết:

Theo quy định tại Điều 9 về "Xí nghiệp liên kết", hai xí nghiệp được coi là hai xí nghiệp liên kết trong các trường hợp sau:

a. Một xí nghiệp tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào việc quản lý, điều hành hoặc đóng góp vào vốn cổ phần của một xí nghiệp khác.

Ví dụ một công ty tại Anh góp vốn thành lập một xí nghiệp liên doanh tại Việt Nam thì công ty tại Anh và xí nghiệp liên doanh tại Việt Nam là hai xí nghiệp liên kết;

b. Hai xí nghiệp cùng chịu sự quản lý, kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp của một đối tượng hay đối tượng đó cùng góp vốn vào cả hai xí nghiệp trên.

Ví dụ một công ty tại Anh góp vốn thành lập một xí nghiệp liên doanh tại Việt Nam đồng thời góp vốn thành lập một công ty tại Singapore thì xí nghiệp liên doanh tại Việt Nam và công ty tại Singapore là hai xí nghiệp liên kết.

6. Tiền lãi cổ phần, lãi từ tiền cho vay, tiền bản quyền:

6.1. "Tiền lãi cổ phần" có nghĩa là khoản tiền được trích từ lợi tức của các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần trả cho các cổ đông, khoản tiền được trích từ lợi tức của xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài trả cho bên nước ngoài.

6.2. "Lãi từ tiền cho vay" có nghĩa là các khoản thu nhập từ các khoản nợ như lãi từ các khoản tín dụng thương mại, tín dụng ngân hàng, lãi từ trái phiếu công ty, lãi từ tín phiếu ngân hàng, tín phiếu, công trái Chính phủ.

6.3. "Tiền bản quyền" có nghĩa là các khoản tiền do một đối tượng trả cho:

a. Tác giả, chủ sở hữu để được sử dụng hay có quyền sử dụng:

(i) Bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật hay khoa học kể cả các loại phim điện ảnh, phim nhiếp ảnh hay các loại băng sử dụng trong phát thanh hoặc truyền hình;

(ii) Bằng phát minh, sáng chế;

(iii) Nhãn hiệu thương mại;

(iv) Thiết kế, mẫu, đồ án, công thức hoặc quy trình bí mật;

(v) Phần mềm máy tính;

b. Đối tượng cho thuê để được sử dụng hay có quyền sử dụng các thiết bị công nghiệp, thương mại hay khoa học;

c. Tác giả, chủ sở hữu thông tin công nghiệp, khoa học hoặc thương mại.

7. Những thuật ngữ khác chưa được định nghĩa tại Điều này sẽ được hiểu theo nội dung quy định tại luật của Việt Nam hay của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể.

II. THUẾ THU NHẬP

1. Thu nhập từ bất động sản:

Điều 6 về "Thu nhập từ bất động sản" quy định tất cả các loại thu nhập do một đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, thu được từ việc trực tiếp sử dụng hay cho thuê các loại bất động sản tại Việt Nam kể cả bất động sản của doanh nghiệp hay của cá nhân hành nghề tự do, sẽ phải nộp thuế thu nhập theo luật thuế tại Việt Nam.

2. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh:

2.1. Điều 7 về "Thu nhập từ hoạt động kinh doanh" quy định việc thu thuế lợi tức đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không hình thành pháp nhân kinh tế mới tại Việt Nam. Điều 7 không áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài là pháp nhân kinh tế tại Việt Nam như xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, công ty liên doanh cho thuê tài chính, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài. Điều 7 không áp dụng đối với lợi tức từ hoạt động vận tải Quốc tế được quy định tại Điều 8 và lợi tức của công ty biểu diễn nước ngoài được quy định tại khoản 2 Điều 17.

Theo quy định Hiệp định, các doanh nghiệp của một Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sẽ chỉ phải nộp thuế lợi tức tại Việt Nam nếu hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ đó được thực hiện thông qua một cơ sở thường trú của doanh nghiệp đó đặt tại Việt Nam. Cơ quan thuế Việt Nam sẽ căn cứ vào các quy định tại điểm 3 (cơ sở thường trú) mục I của Thông tư này để xác định một doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay không trước khi áp dụng thuế lợi tức theo Luật thuế trong nước.

2.2. Trường hợp xác định doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, lợi tức chịu thuế tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài thu được thông qua cơ sở thường trú đó sẽ được xác định như sau:

a. Trường hợp cơ sở thường trú đó có đăng ký với cơ quan thuế và được chấp thuận để mở và ghi chép sổ sách kế toán theo các quy định của luật pháp Việt Nam, lợi tức chịu thuế được xác định theo công thức nêu tại phần II Thông tư 75A TC/TCT ngày 31 tháng 8 năm 1993 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành luật thuế lợi tức, cụ thể như sau:

Lợi tức chịu thuế


=

Doanh thu tính
thuế


-

Chi phí
hợp lý
hợp lệ


-

Các loại
thuế ngoài thuế lợi tức


+

Lợi
tức
khác

(i) Doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền dịch vụ.

(ii) Chi phí hợp lý hợp lệ là các khoản chi phí thực tế phát sinh của cơ sở thường trú như chi phí khấu hao tài sản cố định theo quy định, chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của trụ sở chính được phân bổ cho cơ sở thường trú bất kể chi phí phát sinh tại Việt Nam hay tại nước ngoài. Đối với khoản chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ cho cơ sở thường trú đặt tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài có thể được xác định theo công thức sau:

 

Chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ cho cơ

 

Tổng doanh thu trong kỳ của cơ sở thường trù tại Việt Nam

 

Tổng số chi phí quản lý doanh nghiệp của

 


 

sở thường trú tại Việt Nam trong kỳ

=

 

x

doanh nghiệp nước ngoài trong kỳ

 

 

Tổng doanh thu trong kỳ của doanh nghiệp nước ngoài

 

 

(iii) Lợi tức khác có thể bao gồm các khoản do cơ sở thường trú thu được sau khi trừ các khoản chi phí liên quan từ các hoạt động tài chính như tiền lãi cổ phần, lợi tức chuyển nhượng cổ phần, lãi từ tiền cho vay, tiền bản quyền, lợi tức từ hoạt động cho thuê tài chính, lợi tức từ hoạt động liên doanh liên kết và các khoản lợi tức khác như lợi tức cho thuê tài sản, thanh lý, chuyển nhượng tài sản.

b. Trường hợp cơ sở thường trú đó không đăng ký với cơ quan thuế và/hoặc không được chấp nhận để mở và ghi chép sổ sách kế toán, cơ quan thuế sẽ ấn định lợi tức chịu thuế theo các quy định hiện hành của Luật thuế lợi tức.

Cơ quan thuế có thể phân bổ lợi tức của doanh nghiệp nước ngoài cho cơ sở thường trú của doanh nghiệp đó tại Việt Nam trên cơ sở doanh thu như sau:

 

 

Lợi tức chịu thuế trong

 

Tổng doanh thu trong kỳ của cơ sở thường trú tại Việt Nam

 

 

 


 

kỳ của cơ sở thường trú

=

 

x

Tổng lợi tức của doanh

tại Việt Nam

 

Tổng doanh thu trong kỳ của doanh nghiệp nước ngoài

 

nghiệp nước ngoài

Để áp dụng quy định tại khoản này, đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp nước ngoài phải xuất trình cho cơ quan thuế sổ sách kế toán đã được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận để làm căn cứ tính chi phí, lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam.

2.3. Trường hợp xác định doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thuế lợi tức sẽ được xử lý như sau:

a. Đối với đối tượng kinh doanh ở Việt Nam thông qua đại lý (theo hướng dẫn tại Thông tư 97 TC/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế doanh thu) thì chỉ thực hiện khấu trừ tại nguồn thuế doanh thu không khấu trừ tại nguồn thuế lợi tức.

b. Đối với đối tượng kinh doanh ở Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư nước ngoài (theo hướng dẫn tại Thông tư 37 TC/TCT ngày 10 tháng 5 năm 1995) thì chỉ thực hiện khấu trừ thuế doanh thu (quy định tại khoản 1, mục II của Thông tư nói trên) và không khấu trừ thuế lợi tức (quy định tại khoản 2 mục II Thông tư nói trên).

Để áp dụng quy định tại khoản này đối tượng nộp thuế cần xuất trình các thủ tục quy định tại khoản 2, mục V của Thông tư này.

3. Lợi tức từ hoạt động vận tải quốc tế:

3.1. Điều 8 về "Vận tải quốc tế" quy định việc thu thuế lợi tức đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong vận tải quốc tế theo định nghĩa tại điểm d, khoản 1 mục II Thông tư này:

a. Doanh nghiệp là đối tượng cư trú tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có lợi tức từ hoạt động vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa một địa điểm tại Việt Nam và một địa điểm ở nước ngoài hay giữa hai địa điểm tại nước ngoài sẽ được miễn thuế lợi tức tại Việt Nam. Trường hợp Hiệp định giữa Việt Nam với một Nước ký kết quy định tỷ lệ giảm thuế lợi tức thì sẽ áp dụng giảm thuế lợi tức theo tỷ lệ tương ứng.

b. Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa hai địa điểm tại Việt Nam, doanh nghiệp đó sẽ phải nộp thuế lợi tức và thuế doanh thu tại Việt Nam theo quy định tại luật Việt Nam.

3.2. Các quy định tại Điều 8 chỉ áp dụng đối với phần thuế lợi tức (hiện tại là 1% ấn định trên tổng số tiền cước vận chuyển đối với các tàu chở hành khách bình thường hoặc 0,4% trên tổng số tiền cước vận chuyển đối với tàu chở dầu thô xuất khẩu của Việt Nam quy định tại Thông tư số 85 TC/TCT ngày 24 tháng 10 năm 1994 hướng dẫn thực hiện thu thuế cước đối với tàu biển nước ngoài đến kinh doanh vận chuyển hàng hoá tại cảng biển Việt Nam).

3.3. Điều 8 của Hiệp định giữa Việt Nam và một Nước ký kết sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp vận tải quốc tế là đối tượng cư trú của Nước ký kết đó và là bên thực tế điều hành hoạt động của các phương tiện vận tải với tư cách là chủ sở hữu phương tiện vận tải hay trong trường hợp hợp đồng thuê định hạn là bên thuê phương tiện vận tải định hạn để thực hiện việc vận chuyển hàng hoá, hành khách.

4. Xác định lợi tức chịu thuế của các xí nghiệp liên kết:

Điều 9 về "Xí nghiệp liên kết" quy định trong trường hợp các nghiệp vụ kinh tế giữa hai xí nghiệp liên kết ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hợp đồng tín dụng, thanh toán tiền lãi cổ phần, lãi từ tiền cho vay, không được thực hiện trên cơ sở giá thị trường như được áp dụng trong trường hợp các nghiệp vụ kinh tế giữa hai xí nghiệp độc lập, cơ quan thuế của một nước sẽ có quyền tính toán và ấn định lại giá cả ghi trên các hợp đồng phù hợp với giá cả thực tế trên thị trường để xác định lợi tức chịu thuế thực tế của một xí nghiệp tại Nước ký kết đó.

5. Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

5.1. Điều 10 về "Tiền lãi cổ phần" quy định việc thu thuế đối với tiền lãi cổ phần do một công ty là đối tượng cư trú của Việt Nam trả cho một đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam. Quy định tại Điều 10 không áp dụng đối với tiền lãi cổ phần do công ty là đối tượng cư trú của Việt Nam trả cho một cơ sở thường trú của một công ty khác của Việt Nam đặt tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.

5.2- Căn cứ khoản 2 Điều 10 của Hiệp định và Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty liên doanh cho thuê tài chính, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam trích lợi tức chuyển cho bên nước ngoài, cơ quan thuế áp dụng thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo thuế suất quy định tại Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp thuế suất quy định tại Luật đầu tư nước ngoài cao hơn thuế suất giới hạn quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 10 của từng Hiệp định với từng nước thì thuế suất giới hạn quy định tại Hiệp định sẽ được áp dụng đối với tiền lãi cổ phần tương ứng.

Ví dụ một công ty của Anh đầu tư 4 triệu đôla Mỹ chiếm 60% vốn pháp định của một liên doanh tại Việt Nam. Theo Nghị định 12/CP quy định thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi liên doanh trích chuyển lợi nhuận cho bên nước ngoài tại Anh sẽ phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài là 10% lợi nhuận chuyển ra nước ngoài. Tuy nhiên căn cứ điểm a khoản 2 Điều 10 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Anh, liên doanh trên chỉ phải nộp thuế chuyển lợi nhuận nước ngoài với thuế suất bằng 7% lợi nhuận chuyển ra nước ngoài.

6- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

6.1- Điều 11 về "Lãi từ tiền cho vay" quy định việc thu thuế đối với lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam trả cho một đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam. Quy định tại Điều 11 không áp dụng đối với lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam trả cho một cơ sở thường trú của một công ty khác của Việt Nam đặt tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.

6.2- Hiện tại Việt Nam chưa đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài. Trường hợp sau này Nhà nước ban hành thuế thu nhập đối với lãi từ tiền cho vay, căn cứ vào quy định tại Hiệp định, mức thuế khi đó được áp dụng đối với lãi từ tiền cho vay trả cho đối tượng cư trú tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam sẽ không vượt quá mức thuế suất giới hạn quy định tại khoản 2 Điều 11.

7- Thu nhập từ tiền bản quyền:

7.1- Điều 12 về "Tiền bản quyền" quy định việc thu thuế đối với tiền bản quyền phát sinh tại Việt Nam trả cho một đối tượng thực hưởng là một đối tượng cư trú tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam. Quy định tại Điều 12 không áp dụng đối với tiền bản quyền phát sinh tại Việt Nam trả cho một cơ sở thường trú của một công ty khác của Việt Nam đặt tại Nước ký kết Hiệp định.

7.2- Căn cứ khoản 2 Điều 12 của Hiệp định và quy định hiện hành về thuế đối với thu nhập từ tiền bản quyền (Thông tư số 08 TC/TCT ngày 05 tháng 02 năm 1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn), trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam trả tiền bản quyền cho một đối tượng thực hưởng là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, cơ quan thuế sẽ áp dụng thuế đối với tiền bản quyền (theo thuế suất quy định tại khoản 1 mục III Thông tư 08 TC/TCT ngày 05 tháng 02 năm 1994). Tuy nhiên trong trường hợp thuế suất đối với tiền bản quyền tại Việt Nam (hiện tại quy định tại Thông tư 08 TC/TCT) cao hơn thuế suất giới hạn quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 12 của từng Hiệp định với từng nước thì thuế suất giới hạn quy định tại Hiệp định sẽ được áp dụng đối với tiền bản quyền tương ứng.

Ví dụ một liên doanh pha chế dầu nhờn tại Việt Nam ký kết hợp đồng với một công ty của Anh trong đó quy định công ty Anh chuyển giao cho liên doanh Việt Nam công thức pha dầu nhờn theo nhãn hiệu thương mại của Công ty Anh trong thời hạn 10 năm. Khi liên doanh Việt Nam trả tiền bản quyền cho Công ty Anh theo hợp đồng trên theo Thông tư số 08 TC/TCT liên doanh phải khấu trừ thuế trên tiền bản quyền là 15% tổng số tiền bản quyền để nộp cho ngân sách. Tuy nhiên căn cứ khoản 2 Điều 12 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Anh, liên doanh chỉ phải khấu trừ 10% tổng số tiền bản quyền để nộp cho ngân sách.

8. Lợi tức từ chuyển nhượng tài sản:

8.1. Điều 13 về "Lợi tức từ chuyển nhượng tài sản" quy định việc thu thuế đối với lợi tức do một đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thu được từ việc chuyển nhượng tài sản tại Việt Nam. 8.2. Trường hợp đối tượng cư trú tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam chuyển nhượng bất động sản nằm tại Việt Nam sẽ phải nộp thuế đối với lợi tức chuyển nhượng bất động sản theo quy định tại Luật thuế Việt Nam.

Ví dụ 1: Người Việt Nam hiện tại là đối tượng cư trú tại Đức, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam, sẽ phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất của Việt Nam.

Ví dụ 2: Hãng khai thác dầu mỏ của Pháp chuyển nhượng quyền khai thác dầu mỏ tại một địa điểm trên vùng biển Việt Nam, thu nhập nhận được sẽ được cộng vào thu nhập của bên nước ngoài tham gia hợp đồng khai thác để xác định lợi tức chịu thuế theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

8.3. Trường hợp bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, hay các nhà thầu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không theo các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chuyển nhượng các tài sản kinh doanh của cơ sở thường trú của bên nước ngoài hay nhà thầu nước ngoài đó có tại Việt Nam có lợi tức sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Luật đầu tư nước ngoài hay Luật thuế lợi tức.

Ví dụ: Công ty xây dựng của Nhật tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Việt Nam xây dựng một nhà máy tại Việt Nam. Theo giấy phép đầu tư, công ty xây dựng của Nhật phải nộp thuế lợi tức là 25%. Kết thúc công trình xây dựng, công ty xây dựng của Nhật chuyển nhượng toàn bộ các máy móc xây dựng công trình cho công ty Việt Nam. Lợi tức thu được từ việc chuyển nhượng trên của công ty của Nhật phải nộp thuế tại Việt Nam theo thuế suất 25%.

8.4. Trường hợp hãng vận tải hàng không, hàng hải của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có chuyển nhượng máy bay, tàu thuỷ hoạt động trong vận tải quốc tế theo định nghĩa tại điểm d khoản 1 mục Thông tư này cho bên Việt Nam và thu được lợi tức, lợi tức từ việc chuyển nhượng đó sẽ không phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 13.

8.5. Trường hợp bên nước ngoài chuyển nhượng vốn trong các doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài như xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty liên doanh cho thuê tài chính, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài, các bên hợp doanh trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh và thu được lợi nhuận là phần chênh lệch giữa giá trị chuyển nhượng với giá trị gốc sẽ phải nộp thuế lợi tức, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nếu chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (theo hướng dẫn tại Nghị định 12/CP ngày 10 tháng 02 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 96 TC/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính về thuế đối với các trường hợp chuyển nhượng vốn).

8.6. Các trường hợp chuyển nhượng tài sản khác tại Việt Nam của đối tượng cư trú của nước ngoài sẽ không phải nộp thuế lợi tức, thuế thu nhập tại Việt Nam.

9. Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

9.1. Điều 14 về "Hoạt động ngành nghề độc lập" quy định việc thu thuế đối với thu nhập do một cá nhân là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thu được từ hoạt động độc lập cung ứng các dịch vụ ngành nghề tự do như dịch vụ khoa học, văn học, nghệ thuật, giáo dục hay giảng dạy, cụ thể là hoạt động hành nghề độc lập của các thầy thuốc, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ và người hành nghề kế toán. Điều 14 không áp dụng đối với các hoạt động kinh doanh công, thương nghiệp, hoạt động làm thuê và hoạt động trình diễn độc lập của các nghệ sĩ và vận động viên.

9.2. Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của nước ngoài tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 thông qua một địa điểm kinh doanh cố định tại Việt Nam và có đăng ký hoạt động kinh doanh với cơ quan thuế, cơ quan thuế sẽ áp dụng thu thuế theo các quy định về thuế đối với nhà thầu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không theo các hình thức quy định tại Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (được hướng dẫn tại Thông tư số 37 TC/TCT ngày 10/5/1995 của Bộ Tài chính).

9.3. Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của nước ngoài tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1, không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, nhưng có thời gian hoạt động tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cơ quan thuế sẽ áp dụng việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Thông tư số 39 TC/TCT ngày 26/6/1997 của Bộ Tài chính đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề nói trên.

9.4. Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của nước ngoài, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và trong năm tính thuế cá nhân đó có thời gian hoạt động tại Việt Nam dưới 183 ngày, cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

10. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cá nhân phụ thuộc:

10.1. Điều 15 về "Hoạt động dịch vụ ngành nghề phụ thuộc" quy định việc thu thuế đối với thu nhập dưới hình thức tiền công do một đối tượng cư trú tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam nhận được từ hoạt động làm công tại Việt Nam. Quy định tại Điều 15 không áp dụng đối với tiền công của các cá nhân phục vụ cho Chính phủ nước ngoài, cá nhân là thành viên ban Giám đốc Công ty, cá nhân là nghệ sĩ và vận động viên và không áp dụng đối với tiền công dưới hình thức tiền lương hưu.

10.2. Trường hợp cá nhân là người nước ngoài hay người Việt Nam không phải là đối tượng cư trú của Việt Nam theo quy định tại Điều 4 của Hiệp định có thu nhập từ hoạt động làm công tại Việt Nam sẽ phải nộp thuế thu nhập tại Việt Nam theo các quy định hiện hành tại Thông tư số 39 TC/TCT ngày 26/6/1997 của Bộ Tài chính về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Tuy nhiên, theo quy định tại Hiệp định trong trường hợp đồng thời thoả mãn cả 3 điều kiện sau đây, tiền công thu được từ công việc thực hiện tại Việt Nam sẽ được miễn thuế thu nhập tại Việt Nam:

a. Cá nhân đó có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong giai đoạn 12 tháng bắt đầu hay kết thúc trong năm tính thuế; và

b. Đối tượng trả tiền công hay chủ thuê lao động không phải là đối tượng cư trú tại Việt Nam; và

c. Tiền công đó không được phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh của một cơ sở thường trú mà đối tượng trả tiền công có đặt tại Việt Nam.

10.3. Trường hợp người Việt Nam là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam không có thu nhập từ hoạt động làm công tại Việt Nam mà chỉ có thu nhập từ hoạt động làm công tại nước ngoài sẽ không phải nộp thuế thu nhập tại Việt Nam theo quy định tại Hiệp định.

11. Thu nhập từ tiền lương của Giám đốc:

11.1. Điều 16 về "Tiền lương của Giám đốc" quy định việc thu thuế đối với thu nhập là tiền lương do một đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam nhận được tại Việt Nam với tư cách là thành viên ban Giám đốc công ty, Hội đồng quản trị công ty hay với tư cách là người giữ chức vụ quản lý cao cấp trong một công ty là đối tượng cư trú của Việt Nam. Quy định tại Điều 16 không áp dụng đối với tiền lương khác do các thành viên trên nhận được từ việc thực hiện các chức năng khác trong Công ty như người làm công, người tư vấn, cố vấn và không áp dụng đối với tiền lương của các cá nhân nước ngoài giữ chức vụ trong văn phòng đại diện các công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam. Các khoản thu nhập thông thường đó chịu sự điều chỉnh của Điều 15 "Hoạt động dịch vụ cá nhân phụ thuộc".

11.2. Theo quy định tại Điều 16 của Hiệp định, trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú tại nước ngoài nhận được tiền lương, tiền công với tư cách là thành viên ban Giám đốc công ty, Hội đồng quản trị công ty hay với tư cách là người giữ chức vụ quản lý cao cấp trong công ty là đối tượng cư trú của Việt Nam, cá nhân đó sẽ phải nộp thuế đối với khoản thu nhập đó theo các quy định tại Thông tư số 39 TC/TCT ngày 26/6/1997 của Bộ Tài chính về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Ví dụ: Một người Anh là thành viên Hội đồng quản trị của một liên doanh tại Việt Nam. Trong năm 1995 người đó chỉ sang Việt Nam làm việc với tổng số 60 ngày. Căn cứ Hiệp định giữa Việt Nam và Anh và Thông tư số 39 TC/TCT ngày 26/6/1997 về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, Giám đốc người Anh nói trên phải nộp thuế thu nhập đối với tiền lương nhận được với tư cách làm Giám đốc của liên doanh tại Việt Nam với thuế suất là 10% tính trên tổng thu nhập nhận được của đối tượng không cư trú.

12. Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

12.1. Điều 17 về "Nghệ sĩ và vận động viên" quy định về việc thu thuế đối với thu nhập của các nghệ sĩ, vận động viên, Công ty biểu diễn là đối tượng cư trú tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thu được từ hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao tại Việt Nam.

12.2. Căn cứ khoản 1 Điều 17 trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có thu nhập từ hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao tại Việt Nam:

a. Nếu có đăng ký kinh doanh trình diễn nghệ thuật, thể thao và đăng ký thuế với cơ quan thuế, sẽ nộp thuế lợi tức đối với thu nhập từ hoạt động trình diễn theo Luật thuế lợi tức tại Việt Nam.

b. Nếu không có đăng ký kinh doanh trình diễn nghệ thuật, thể thao, sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân theo Thông tư số 39 TC/TCT ngày 26/6/1997 của Bộ Tài chính về thuế đối với người có thu nhập cao.

12.3. Căn cứ khoản 2 Điều 17 trường hợp công ty biểu diễn là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có thu nhập từ hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao tại Việt Nam sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo hướng dẫn tại Thông tư số 37 TC/TCT ngày 10/5/1995 của Bộ Tài chính.

12.4. Trường hợp hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao của cá nhân, công ty là đối tượng cư trú tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam được thực hiện trong khuôn khổ chương trình trao đổi văn hoá giữa Chính phủ hai nước, thì thu nhập từ hoạt động trình diễn tại Việt Nam của cá nhân, công ty nước ngoài sẽ được miễn thuế tại Việt Nam.

13. Thu nhập từ tiền lương hưu:

13.1. Điều 18 về "Tiền lương hưu" quy định về việc thu thuế đối với thu nhập từ tiền lương hưu do đối tượng cư trú của nước ký kết Hiệp định với Việt Nam nhận được từ công việc trước đây làm tại Việt Nam. Quy định tại Điều 18 không áp dụng đối với tiền lương hưu do Chính phủ, cơ quan chính quyền địa phương của Việt Nam và Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam chi trả.

13.2. Theo quy định tại Điều 18, trường hợp một đối tượng cư trú tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có thu nhập là tiền lương hưu từ công việc trước đây làm tại Việt Nam sẽ không phải nộp thuế thu nhập tại Việt Nam.

Ví dụ một người Anh trong thời gian làm việc tại Việt Nam có đóng tiền bảo hiểm vào quỹ lương hưu tại một Công ty bảo hiểm tại Việt Nam. Khi nghỉ hưu người đó trở về Anh sinh sống và là đối tượng cư trú của Anh. Tiền lương hưu người đó nhận được từ quỹ bảo hiểm lương hưu tại Việt Nam nói trên sẽ không phải nộp thuế tại Việt Nam.

14. Thu nhập từ hoạt động phục vụ Nhà nước:

14.1. Điều 19 về "Hoạt động phục vụ Nhà nước" quy định việc thu thuế đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương, tiền lương hưu do Chính phủ, chính quyền địa phương của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam trả cho người nước ngoài tại Việt Nam để người đó thực hiện các nhiệm vụ cho Chính phủ của Nước ký kết đó. Điều 19 không áp dụng đối với tiền lương, tiền lương hưu do Chính phủ nước ngoài trả cho người Việt Nam hay trả cho cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh của Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam như hoạt động của hãng vận tải đường sắt, bưu chính Nhà nước hay của Công ty biểu diễn của Nhà nước.

14.2. Trường hợp người nước ngoài do Chính phủ của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam cử sang Việt Nam làm việc cho các tổ chức của Chính phủ nước đó đặt tại Việt Nam hay cho các chương trình hợp tác kinh tế, văn hoá, viện trợ giữa hai nước, tiền lương, tiền công, tiền lương hưu của đối tượng đó do Chính phủ nước ngoài đó trả sẽ được miễn thuế thu nhập tại Việt Nam cho dù đối tượng đó là đối tượng cư trú hay không là đối tượng cư trú của Việt Nam.

15. Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

15.1. Điều 20 về "Sinh viên và học sinh học nghề" quy định việc thu thuế đối với thu nhập của sinh viên học sinh học nghề nước ngoài tại Việt Nam phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, học nghề tại Việt Nam.

15.2. Trường hợp sinh viên, học sinh nước ngoài trước khi sang Việt Nam học tập, nghiên cứu, học nghề là đối tượng cư trú của nước ký Hiệp định với Việt Nam, sinh viên, học sinh nước ngoài đó sẽ được miễn thuế thu nhập tại Việt Nam đối với:

a. Thu nhập nhận được từ các nguồn tại nước ngoài để phục vụ cho mục đích học tập, sinh hoạt tại Việt Nam.

b. Thu nhập nhận được từ công việc tại Việt Nam có liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, nghiên cứu, học nghề tại Việt Nam, trong trường hợp Hiệp định có quy định cụ thể

16. Thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu:

16.1. Trong một số Hiệp định có Điều 21 quy định riêng về việc thu thuế đối với thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu nước ngoài từ hoạt động giảng dạy, thuyết trình, nghiên cứu tại Việt Nam. Điều 21 không áp dụng đối với thu nhập từ hoạt động nghiên cứu phục vụ mục đích riêng của một cá nhân, hay một tổ chức.

16.2. Trường hợp giáo viên, giáo sư, người nghiên cứu nước ngoài trước khi sang Việt Nam giảng dạy, thuyết trình, nghiên cứu là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, giáo viên, giáo sư, người nghiên cứu đó sẽ được miễn thuế đối với tiền công từ hoạt động giảng dạy, thuyết trình, nghiên cứu đó trong thời gian 2 năm kể từ ngày đầu tiên người đó đến Việt Nam giảng dạy, thuyết trình hay nghiên cứu tại các trường đại học hay cơ sở giáo dục được Chính phủ Việt Nam chấp nhận.

17. Thu nhập khác:

17.1. Điều 22 về "Thu nhập khác" quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định như thu nhập từ trúng thưởng xổ số, thu nhập từ tiền cấp dưỡng thể theo nghĩa vụ hôn nhân gia đình.

17.2. Theo quy định tại Điều 22, trường hợp một đối tượng cư trú tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ được miễn thuế tại Việt Nam.

 

III. BIỆN PHÁP TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN

Theo các quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và một Nước ký kết, trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được thu nhập từ Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, việc đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Nước ký kết kia sẽ được xử lý như sau:

1. Thu nhập từ tiền công, tiền lương hưu do Chính phủ của Nước ký kết Hiệp định chi trả theo quy định tại Điều 19, thu nhập có nguồn gốc từ nước ngoài của sinh viên, học sinh học nghề nước ngoài cư trú tại Việt Nam theo quy định tại Điều 20, thu nhập từ tiền công của giáo sư, giáo viên và nhà nghiên cứu nước ngoài cư trú tại Việt Nam trong giới hạn thời gian theo quy định tại Điều 21 sẽ được miễn thuế tại Việt Nam.

2. Thu nhập do một đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được là tiền lãi cổ phần, lãi từ tiền cho vay hay tiền bản quyền phát sinh tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có thể bị đánh thuế tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam theo thuế suất quy định tại Luật thuế của nước đó nhưng không vượt quá thuế suất giới hạn quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, khoản 2 Điều 12 của Hiệp định tương ứng.

Theo quy định tại Điều 23 về "Biện pháp tránh đánh thuế hai lần", khi đối tượng cư trú của Việt Nam kê khai các khoản thu nhập nói trên tại Việt Nam, các khoản thu nhập đó sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế tại Việt Nam theo quy định cụ thể tại Luật thuế Việt Nam và số tiền thuế đã nộp ở nước ngoài sẽ được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Tuy nhiên, số thuế được khấu trừ không được vượt quá số thuế phải nộp tại Việt Nam tính trên thu nhập từ nước ngoài theo Luật thuế của Việt Nam.

Ví dụ 1: Một cá nhân là đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được một khoản tiền bản quyền từ Singapore là 100. Theo Luật thuế thu nhập tại Singapore, người đó phải nộp thuế tại Singapore là 31% tổng thu nhập tiền bản quyền thu được tại Singapore. Theo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người thu nhập cao tại Việt Nam người đó phải nộp thuế thu nhập đối với thu nhập từ chuyển giao công nghệ là 5% tổng thu nhập. Căn cứ Hiệp định với Singapore, việc đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Singapore được xử lý như sau:

- Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 12 - Tiền bản quyền - của Hiệp định, thu nhập của cá nhân trên sẽ chỉ phải nộp thuế tại Singapore theo thuế suất là 5% tổng số tiền bản quyền.

- Thuế phải nộp tại Singapore: 100 x 5% = 5 (1)

- Thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam: 100 x 5% = 5 (2)

- Thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam sau khi khấu trừ thuế đã nộp tại Singapore: (2) - (1) = 5 - 5 = 0

Ví dụ 2: cũng với số liệu như trên, nếu đối tượng cư trú tại Việt Nam nhận tiền bản quyền là một Công ty mà theo quy định tại Thông tư 08 TC/TCT ngày 5/2/1994 phải nộp thuế thu nhập tiền bản quyền là 10% tổng thu nhập thì việc đánh thuế hai lần được xử lý như sau:

- Thuế phải nộp tại Singapore: 100 x 5% = 5 (1)

- Thuế phải nộp tại Việt Nam: 100 x 10% = 10 (2)

- Thuế thu nhập phải nộp tại Việt Nam sau khi khấu trừ thuế đã nộp tại Singapore: ( 2) - (1) = 10 - 5 = 5

3. Thu nhập do một đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được từ nước ký kết Hiệp định với Việt Nam theo quy định của Hiệp định tại các Điều 6 về "Thu nhập từ bất động sản", Điều 7 về "Lợi tức doanh nghiệp", Điều 13 về "Lợi tức từ chuyển nhượng tài sản", Điều 14 về "Thu nhập từ dịch vụ ngành nghề độc lập", Điều 15 về "Thu nhập từ lao động làm công", Điều 16 về "Tiền lương của giám đốc" và Điều 17 về "Thu nhập của nghệ sĩ và vận động viên", sẽ bị đánh thuế theo Luật thuế của nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 23 của Hiệp định, khi đối tượng cư trú đó của Việt Nam kê khai tại Việt Nam hoặc chuyển các khoản thu nhập nói trên vào Việt Nam, các khoản thu nhập đó sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế tại Việt Nam theo quy định cụ thể tại Luật thuế Việt Nam và số tiền thuế đã nộp ở nước ngoài sẽ được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp số thuế được khấu trừ không vượt quá số thuế phải nộp tại Việt Nam tính trên thu nhập từ nước ngoài theo Luật thuế của Việt Nam.

Ví dụ: Một Công ty A của Việt Nam có một cơ sở thường trú ở Singapore. Trong năm 1993 có lợi tức chịu thuế là 1000, trong đó 300 là lợi tức từ thuế phát sinh ở Singapore. Thuế suất thuế lợi tức của Công ty A ở Việt Nam trong trường hợp 1 là 45% và trong trường hợp 2 là 25%; thuế suất thuế lợi tức ở Singapore là 30% thì việc tránh đánh thuế hai lần được thực hiện như sau:

a. Trường hợp 1: Thuế suất thuế lợi tức tại Việt Nam là 45%.

- Tính số thuế Công ty A đã nộp tại Singapore: 300 x 30% = 90 (1)

- Tính số thuế Công ty A phải nộp tại Việt Nam đối với phần thu nhập tại nước ngoài: 300 x 45% = 135 (2)

Như vậy số thuế nộp tại Singapore (90) thấp hơn số thuế nộp tại Việt Nam (135).

- Tính số thuế phải nộp tại Việt Nam sau khi khấu trừ thuế đã nộp tại Singapore:

1000 x 45% - 90 = 360

b. Trường hợp 2: Thuế suất thuế lợi tức tại Việt Nam là 25%.

- Tính số thuế Công ty A đã nộp tại Singapore: 300 x 30% = 90 (1)

- Tính số thuế Công ty A phải nộp tại Việt nam đối với phần thu nhập ở nước ngoài: 300 x 25% = 75 (2)

Như vậy số thuế đã nộp tại Singapore (90) cao hơn số thuế phải nộp tại Việt Nam (75) nên Công ty A chỉ được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam bằng số thuế phải nộp tại Việt Nam tính trên thu nhập từ Singapore.

- Tính số thuế phải nộp tại Việt Nam sau khi khấu trừ thuế theo giới hạn số thuế phải nộp tại Việt Nam (75): 1000 x 25% - 75 = 175.

Trường hợp số thuế phải nộp tại Singapore trong ví dụ trên (trường hợp 1 và 2) được miễn giảm tại Singapore nhằm khuyến khích đầu tư, theo Hiệp định, Việt Nam vẫn coi số thuế đó đã nộp tại Singapore và cho phép khấu trừ vào thuế phải nộp tại Việt Nam như quy định tại trường hợp 1 và 2 trên đây.

4. Thu nhập do đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được từ hoạt động vận tải quốc tế theo quy định tại Điều 8, từ chuyển nhượng tàu thuỷ, máy bay theo quy định tại khoản 3 Điều 13, thu nhập từ tiền lương hưu từ nguồn tại nước ngoài theo quy định tại Điều 18, các khoản thu nhập khác theo quy định tại Điều 22, thu nhập từ chuyển nhượng tài sản khác theo quy định tại khoản 5 Điều 13 phát sinh tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam sẽ được miễn thuế tại Nước đó. Nếu đối tượng cư trú đó của Việt Nam kê khai tại Việt Nam hoặc chuyển các khoản thu nhập nói trên vào Việt Nam thì các khoản thu nhập đó sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế tại Việt Nam theo các quy định cụ thể tại Luật thuế Việt Nam.

 

IV. CÁC QUY ĐỊNH ĐẶC BIỆT VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Không phân biệt đối xử:

Điều 24 về "không phân biệt đối xử" quy định Chính phủ Việt Nam cam kết không phân biệt đối xử trong chính sách thuế và chế độ quản lý thuế đối với đối tượng mang quốc tịch của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, cơ sở thường trú tại Việt Nam của các doanh nghiệp là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, và xí nghiệp có vốn đầu tư từ Nước ký Hiệp định với Việt Nam. Trừ một số lĩnh vực quy định cụ thể trong Hiệp định, các đối tượng trên được áp dụng chính sách và chế độ quản lý giống như chính sách, chế độ áp dụng cho các cá nhân, tổ chức của Việt Nam trong việc áp dụng thuế suất, phương pháp tính thuế, chế độ miễn giảm, chế độ đối với chi phí được trừ để xác định lợi tức chịu thuế.

2. Trao đổi thông tin:

2.1. Điều 26 về "Trao đổi thông tin" quy định việc thực hiện trao đổi thông tin giữa hai Bộ Tài chính hoặc hai Tổng cục thuế với mục đích thực hiện đúng Hiệp định và Luật thuế của Việt Nam và nước ký kết và đặc biệt là nhằm ngăn chặn việc trốn, lậu thuế ở cả hai nước.

2.2. Các thông tin được trao đổi giữa hai nước bao gồm:

a. Các Luật thuế hoặc các Luật liên quan đến các loại thuế quy định trong Hiệp định.

b. Các thông tin liên quan phục vụ cho việc xác định thu nhập chịu thuế của một đối tượng cư trú của nước này ở nước kia.

c. Các thông tin liên quan phục vụ cho việc xác định thân phận cư trú của một đối tượng hay xác định cơ sở thường trú, cơ sở kinh doanh cố định của một đối tượng.

2.3. Nước nhận thông tin sẽ chỉ được cung cấp các thông tin trên cho đối tượng, cơ quan (kể cả toà án và các cơ quan hành chính) tham gia vào việc tính thuế, thu, cưỡng chế, truy tố, xử lý các khiếu nại liên quan đến các loại thuế thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Tại Việt Nam việc trao đổi thông tin với nhà chức trách có thẩm quyền của các nước ký Hiệp định với Việt Nam được thực hiện tập trung qua văn phòng Tổng cục thuế.

3. Quy định miễn trừ đối với cơ quan ngoại giao, lãnh sự:

Điều 27 về "Thành viên cơ quan lãnh sự, ngoại giao" quy định Hiệp định sẽ không ảnh hưởng đến quyền miễn trừ của các thành viên cơ quan ngoại giao, lãnh sự được quy định trong các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

4. Điều khoản hiệu lực và kết thúc Hiệp định:

4.1. Điều 28 về "Hiệu lực" quy định Hiệp định có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 của năm tiếp theo năm dương lịch hai nước đã hoàn thành thủ tục phê duyệt hoặc phê chuẩn Hiệp định.

4.2. Điều 29 về "Kết thúc Hiệp định" quy định Hiệp định sẽ có hiệu lực vô thời hạn nhưng sau 5 năm kể từ năm Hiệp định bắt đầu có hiệu lực thi hành, từng nước có thể kết thúc Hiệp định bằng cách gửi cho Nước ký kết kia thông qua đường ngoại giao văn bản thông báo kết thúc Hiệp định.

4.3. Sau khi có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính, căn cứ vào thông báo của Bộ ngoại giao Việt Nam, Tổng cục thuế sẽ ban hành văn bản thông báo hiệu lực thi hành (hoặc chấm dứt hiệu lực) của từng Hiệp định cho các cơ quan thuế địa phương để thực hiện.

5. Mặc dù đã có những hướng dẫn chung trên đây về nội dung Điều khoản của các Hiệp định, trường hợp trong một Hiệp định có quy định chưa được hướng dẫn tại Thông tư này hoặc có những quy định khác với quy định tại Thông tư này thì sẽ căn cứ vào quy định cụ thể đối với Hiệp định đó tại phần phụ lục kèm theo Thông tư này để thực hiện.

V. CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH

Để thực hiện các quy định về miễn, giảm thuế hoặc khấu trừ thuế cho các đối tượng nộp thuế theo các Hiệp định đã có hiệu lực. Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn các thủ tục và hồ sơ sau đây:

1. Thủ tục khấu trừ thuế nộp tại nước ngoài vào thuế phải nộp tại Việt Nam:

Trường hợp các tổ chức, cá nhân cư trú của Việt Nam được phép khấu trừ số thuế đã nộp tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam theo quy định tại điểm 2 và 3 mục III về "Biện pháp tránh đánh thuế hai lần" của Thông tư này:

a. Đối tượng nộp thuế phải làm đơn gửi cơ quan thuế tỉnh, thành phố nơi đối tượng nộp thuế đăng ký nộp thuế xin được khấu trừ số thuế đã nộp tại nước ngoài vào thuế phải nộp tại Việt Nam. Hồ sơ xin khấu trừ thuế bao gồm:

(i) Đơn xin khấu trừ thuế trong đó nêu rõ:

* Mã số đăng ký nộp thuế tại nước ngoài (nếu có);

* Loại thu nhập: lợi tức kinh doanh, thu nhập từ dịch vụ, tiền lãi cổ phần, lãi từ tiền cho vay, tiền bản quyền, lợi tức từ chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng cổ phần, thu nhập từ lao động, hay các khoản thu nhập khác;

* Nguồn thu nhập từ nước nào, thời gian phát sinh;

* Tổng số thuế thu nhập xin khấu trừ;

* Niên độ tính thuế.

(ii) Bản gốc chứng từ nộp thuế ở nước ngoài;

(iii) Bản sao tờ khai nộp thuế thu nhập ở nước ngoài;

(iv) Xác nhận của cơ quan thuế nước ngoài về số thuế phải nộp.

b. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ xem xét và giải quyết khấu trừ thuế theo quy định tại khoản 2 và 3 mục III về "Biện pháp tránh đánh thuế hai lần" của Thông tư này.

2. Thủ tục miễn giảm thuế tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiệp định:

2.1. Trường hợp tổ chức cá nhân cư trú của nước ngoài được hưởng các quy định miễn thuế, giảm thuế tại Việt Nam theo quy định tại Hiệp định thì:

a. Đối tượng nộp thuế phải làm đơn gửi cơ quan thuế tỉnh, thành phố nơi đối tượng nộp thuế đăng ký nộp thuế xin được miễn, giảm thuế theo quy định tại Hiệp định. Đối tượng nộp thuế có thể uỷ quyền cho một đối tượng đại diện hợp pháp thay mặt đối tượng nộp thuế xin miễn, giảm thuế cho đối tượng nộp thuế đó theo quy định tại Hiệp định. Hồ sơ xin miễn, giảm thuế theo Hiệp định bao gồm:

(i) Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp (trường hợp là cá nhân thì phải xác định rõ trong thời gian có thu nhập phát sinh tại Việt Nam được coi là đối tượng cư trú của nước nào);

(ii) Bản sao công chứng đăng ký kinh doanh do nước cư trú cấp trong trường hợp là tổ chức kinh doanh hoặc cá nhân hành nghề độc lập hoặc bản sao hộ chiếu trong trường hợp là cá nhân hành nghề phụ thuộc (người làm công ăn lương theo hợp đồng lao động);

(iii) Bản sao hợp đồng kinh tế, hợp đồng cung cấp dịch vụ, hợp đồng đại lý, hợp đồng uỷ thác, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng vận chuyển hàng hoá (trong trường hợp đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp vận tải quốc tế) hay hợp đồng lao động ký với tổ chức, cá nhân Việt Nam, giấy chứng nhận tiền gửi tại Việt Nam, giấy chứng nhận góp vốn vào Công ty tại Việt Nam (tuỳ theo loại thu nhập trong từng trường hợp cụ thể);

(iv) Bản gốc chứng từ nộp thuế (bao gồm cả tờ khai nộp thuế và thông báo nộp thuế của cơ quan thuế) nếu đã nộp thuế;

(v) Xác nhận của tổ chức, cá nhân Việt Nam ký kết hợp đồng về thời gian hoạt động theo hợp đồng và thực tế hoạt động tại Việt Nam;

(vi) Trường hợp đối tượng nộp thuế uỷ quyền cho đại diện hợp pháp thì bên đứng tên xin miễn, giảm thuế cho đối tượng nộp thuế phải có hợp đồng uỷ quyền có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền;

(vii) Đơn xin miễn, giảm thuế theo Hiệp định trong đó kê khai đầy đủ những thông tin sau:

* Mã số đăng ký nộp thuế tại nước cư trú;

* Tên và địa chỉ của đối tượng nộp thuế tại nước cư trú;

* Tư cách pháp lý của đối tượng nộp thuế:

+ Pháp nhân;

+ Tổ hợp tác;

+ Cá nhân hành nghề tự do hay cá nhân hành nghề phụ thuộc;

* Nội dung xin miễn, giảm thuế đối với thu nhập nào, theo điều khoản nào của Hiệp định;

* Thời gian có mặt tại Việt Nam hay thực hiện hoạt động tại Việt Nam;

* Văn phòng kể cả văn phòng đại diện của đối tượng là tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (nếu có) hoặc địa điểm thường trú tại Việt Nam của đối tượng là cá nhân nước ngoài;

* Địa điểm hoạt động, làm việc tại Việt Nam;

* Người đại diện hoặc nhân viên được uỷ nhiệm thực hiện hợp đồng tại Việt Nam trong trường hợp đối tượng nộp thuế là tổ chức nước ngoài;

* Các dự án, công việc khác thực hiện tại Việt Nam trong thời gian có thu nhập chịu thuế tại Việt Nam (nếu có);

* Tổng số thu nhập chịu thuế, số tiền thuế xin miễn, giảm;

* Trường hợp xin thoái thu thuế: tài khoản chỉ định, đồng tiền thoái thu và hình thức thoái thu;

* Cam đoan của đối tượng xin miễn, giảm thuế về các nội dung kê khai;

* Đối tượng nộp thuế hay người đại diện hoặc người được uỷ quyền của đối tượng nộp thuế xin miễn, giảm thuế ký tên.

b. Cơ quan thuế tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hồ sơ xin miễn, giảm thuế và các điều khoản của từng Hiệp định cụ thể để xem xét và quyết định trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ nêu tại điểm a trên đây.

Các tổ chức uỷ nhiệm thu chỉ thực hiện việc miễn, giảm thuế theo quyết định miễn, giảm thuế của cơ quan thuế tỉnh hoặc thành phố.

c. Trường hợp phải thoái trả tiền thuế trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, hồ sơ sẽ được gửi đến Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) để làm thủ tục thoái trả tiền thuế theo quy định hiện hành hướng dẫn tại khoản 2 mục II Thông tư số 52 TC/TCT ngày 16 tháng 8 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước.

2.2. Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Việt Nam được hưởng các quy định miễn thuế đối với thu nhập quy định tại khoản 1 mục III về "Biện pháp tránh đánh thuế hai lần" của Thông tư này:

a. Đối tượng nộp thuế phải làm đơn gửi cơ quan thuế xin được miễn, giảm thuế theo quy định tại Hiệp định. Hồ sơ xin miễn, giảm thuế theo Hiệp định bao gồm:

(i) Giấy chứng nhận của cơ quan thuế nước ngoài xác nhận trong thời gian trước khi sang Việt Nam học tập, giảng dạy, nghiên cứu, cá nhân đó là đối tượng cư trú của nước đó.

(ii) Xác nhận của tổ chức chi trả thu nhập về tính chất khoản thu nhập là tiền công hay tiền lương hưu do Chính phủ nước ngoài chi trả, tiền phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt trong trường hợp của sinh viên, thực tập sinh, thu nhập trả cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu.

b. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ xin miễn, giảm thuế và các điều khoản của từng Hiệp định cụ thể để xem xét và quyết định trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ nêu tại điểm a trên đây.

3. Thủ tục xác nhận thuế đã nộp tại Việt Nam cho đối tượng cư trú của nước ngoài:

Trường hợp theo quy định tại Hiệp định và Luật thuế Việt Nam, đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam phải nộp thuế thu nhập tại Việt Nam, căn cứ tờ khai nộp thuế và chứng từ nộp tiền và đề nghị của đối tượng cư trú của nước ngoài hoặc đối tượng đại diện hợp pháp của đối tượng nộp thuế, cơ quan thuế tỉnh, thành phố, trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của đối tượng nộp thuế, sẽ cấp giấy xác nhận số thuế phải nộp tại Việt Nam cho đối tượng cư trú của nước ngoài theo mẫu xác nhận được quy định tại phụ lục XXIV kèm theo Thông tư này.

4. Thủ tục xác nhận đối tượng cư trú của Việt Nam:

Trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu xác nhận là đối tượng cư trú của Việt Nam theo quy định tại Hiệp định, cơ quan thuế, tỉnh, thành phố căn cứ vào quy định tại Điều 4 Hiệp định và hướng dẫn tại khoản 2 mục I Thông tư này để xét và cấp giấy xác nhận cư trú cho tổ chức cá nhân trên theo mẫu xác nhận được quy định tại phụ lục XXV kèm theo Thông tư này.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH TRONG NGÀNH THUẾ

Để các quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam đã ký với các nước được thực hiện đúng và đầy đủ, Tổng cục thuế quy định và hướng dẫn chi tiết về tổ chức thực hiện trong ngành thuế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các văn bản hướng dẫn trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cơ quan phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết và hướng dẫn bổ sung.

 

PHỤ LỤC SỐ I

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ THÁI LAN

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 29 tháng 12 năm 1992 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1993:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iii) Đoạn e (ii) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iv) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá của doanh nghiệp;

2- Lợi tức từ hoạt động vận tải quốc tế:

Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.1 khoản 3 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp vận tải hàng không là đối tượng cư trú tại Thái Lan có lợi tức từ hoạt động vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa một địa điểm tại Việt Nam và một địa điểm ở nước ngoài hay giữa hai địa điểm tại nước ngoài sẽ được miễn thuế lợi tức tại Việt Nam. Doanh nghiệp vận tải hàng hải là đối tượng cư trú tại Thái Lan có lợi tức từ hoạt động vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa một địa điểm tại Việt Nam và một địa điểm ở nước ngoài hay giữa hai địa điểm tại nước ngoài sẽ được giảm 50% thuế lợi tức tại Việt Nam.

3- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 15% tổng số tiền lãi cổ phần.

4- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

4.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là:

(i) 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay nếu tiền lãi đó do một tổ chức tài chính (kể cả công ty bảo hiểm) nhận được;

(ii) 15% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay trong các trường hợp khác.

4.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Ngân hàng Thái Lan;

(ii) Các cơ quan chính quyền địa phương; (iii) Ngân hàng xuất nhập khẩu Thái Lan;

(iv) Những tổ chức có vốn sở hữu của Chính phủ Thái Lan hay các cơ quan chính quyền địa phương được nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước thoả thuận.

5- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 15% tổng số tiền bản quyền.

6- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Thái Lan, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

7- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Theo Hiệp định này, điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

12.4- Trường hợp hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao của cá nhân, công ty là đối tượng cư trú tại Thái Lan chủ yếu do quỹ công của Thái Lan tài trợ, thu nhập từ hoạt động trình diễn tại Việt Nam của cá nhân, công ty cư trú của Thái Lan sẽ được miễn thuế tại Việt Nam.

8- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

 

PHỤ LỤC SỐ II

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ ÔXTRÂYLIA

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ôxtrâylia về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 1992 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1993:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài sản nông nghiệp, đồng cỏ, rừng hoặc các thiết bị công nghiệp.

(ii) Đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iii) Theo Hiệp định này đoạn e điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định sau:

e) Doanh nghiệp đó uỷ nhiệm cho một đối tượng tại Việt Nam:

(i) Thẩm quyền thường xuyên ký kết các hợp đồng đứng tên doanh nghiệp đó; hay

(ii) Sản xuất hoặc gia công hàng hoá cho doanh nghiệp đó.

(iv) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá của doanh nghiệp;

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền lãi cổ phần.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

4.1- Theo Hiệp định này, điểm 6.3 khoản 6 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

6.3- "Tiền bản quyền" có nghĩa là các khoản tiền do một đối tượng trả cho:

a) Tác giả, chủ sở hữu để được sử dụng hay có quyền sử dụng:

(i) Bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật hay khoa học;

(ii) Bằng phát minh, sáng chế;

(iii) Nhãn hiệu thương mại;

(iv) Thiết kễ, mẫu, đồ án, công thức hoặc quy trình bí mật;

b) Đối tượng cho thuê để được sử dụng hay có quyền sử dụng các thiết bị công nghiệp, thương mại hay khoa học.

c) Tác giả, chủ sở hữu thông tin công nghiệp, khoa học hoặc thương mại.

d) Tác giả, chủ sở hữu để được sử dụng hay có quyền sử dụng loại phim điện ảnh, phim nhiếp ảnh hay các loại băng sử dụng trong phát thanh hoặc truyền hình;

e) Đối tượng thực hiện việc cung cấp dịch vụ trợ giúp cho việc áp dụng hay sử dụng tài sản và các quyền nêu tại đoạn a, b và c trên đây.

4.2- Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Ôxtrâylia, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập (trừ trường hợp được quy định tại Điều 12 - Tiền bản quyền - tại Hiệp định) như nêu tại điểm 9.1 không thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

6- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

7- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

8- Quy định tại khoản 16 mục II của Thông tư về thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu không được áp dụng tại Hiệp định này.

9- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 21 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 21, trường hợp một đối tượng cư trú tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

 

PHỤ LỤC SỐ III

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ PHÁP

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Pháp về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 1994 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 7 năm 1994:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, đoạn b (1) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp, với điều kiện các địa điểm hay công trình đó kéo dài hơn 183 ngày tại Việt Nam.

(iii) Đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iv) Đoạn e (ii) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(v) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá của doanh nghiệp;

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 7% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp hơn 50% số vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(ii) 10% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% số vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(iii) 15% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

3- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

4- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Pháp, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

5- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Theo Hiệp định này, điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

12.4- Trường hợp hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao của cá nhân, công ty là đối tượng cư trú tại Pháp chủ yếu do quỹ công, chính quyền địa phương hay một pháp nhân công quyền của Pháp tài trợ, thu nhập từ hoạt động trình diễn tại Việt Nam của cá nhân, công ty cư trú của Pháp sẽ được miễn thuế tại Việt Nam.

6- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

7- Quy định tại khoản 16 mục II của Thông tư về thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu không được áp dụng tại Hiệp định này.

 

PHỤ LỤC SỐ IV

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ THUỴ ĐIỂN

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thuỵ Điển về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 8 tháng 8 năm 1994 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1995:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, một tổ chức bảo hiểm là đối tượng cư trú của Thuỵ Điển nếu thực hiện thu phí bảo hiểm tại Việt Nam hay thực hiện bảo hiểm rủi ro tại Việt Nam thông qua một đối tượng không có tư cách độc lập, trừ trường hợp tái bảo hiểm, sẽ được coi là thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 5% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp hơn 70% số vốn cổ phần hay đầu tư tối thiểu 12 triệu Đôla Mỹ vào vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(ii) 10% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp dưới 70% nhưng ít nhất 25% số vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(iii) 15% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

3.1. Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền gửi cho vay.

3.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Ngân hàng Trung ương của Thuỵ Điển;

(ii) Các cơ quan chính quyền cơ sở hay chính quyền địa phương của Thuỵ Điển;

(iii) SWEDCORP và Swedfund International AB hay bất kỳ tổ chức tương tự nào khác do Chính phủ nước Thuỵ Điển thành lập được nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước thoả thuận.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là:

(i) 5% tổng số tiền bản quyền trong trường hợp tiền bản quyền được trả cho bằng phát minh, thiết kế hoặc mẫu, công thức hoặc quy trình bí mật, hay trả cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp hoặc khoa học, hay trả cho việc sử dụng hay quyền sử dụng thiết bị công nghiệp, thương mại hay khoa học liên quan đến quá trình chuyển giao bí quyết công nghệ;

(ii) 15% tổng số tiền bản quyền trong các trường hợp khác.

5- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Theo Hiệp định này, Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.3- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Thuỵ Điển, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, nhưng có thời gian hoạt động tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế hoặc nhận được số tiền thù lao cho hoạt động dịch vụ của đối tượng đó với giá trị thành tiền vượt quá 40.000 đôla Mỹ trong năm tính thuế, cơ quan thuế sẽ áp dụng việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Thông tư số 39 TC/TCT ngày 26 tháng 6 năm 1997 của Bộ Tài chính đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề nói trên.

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Thuỵ Điển, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và trong năm tính thuế cá nhân đó có thời gian hoạt động tại Việt Nam dưới 183 ngày và trong năm tính thuế đối tượng đó nhận được số tiền thù lao cho hoạt động dịch vụ thực hiện tại Việt Nam với giá trị thành tiền không quá 40.000 đôla Mỹ, cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

6- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

7- Quy định tại khoản 16 mục II của Thông tư về thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu không được áp dụng tại Hiệp định này.

8- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 21 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 21, trường hợp một đối tượng cư trú tại Thuỵ Điển có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

 

PHỤ LỤC SỐ V

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ XING-GA-PO

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Xing-ga-po về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 9 tháng 9 năm 1994 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1995:

1- Đối tượng cư trú:

Theo Hiệp định này, trường hợp theo quy định tại đoạn b (ii) điểm 2.3 khoản 2 mục I của Thông tư không xác định được trụ sở điều hành thực tế của đối tượng, nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước ký kết sẽ thoả thuận xác định nước đối tượng liên quan là đối tượng cư trú.

2- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, đoạn b (1) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp, với điều kiện các địa điểm hay công trình đó kéo dài hơn 6 tháng tại Việt Nam.

(iii) Đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iv) Đoạn e (ii) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(v) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá của doanh nghiệp;

3- Lợi tức từ hoạt động vận tải quốc tế:

Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.1 khoản 3 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp vận tải là đối tượng cư trú tại Singapore có lợi tức từ hoạt động vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa một địa điểm tại Việt Nam và một địa điểm ở Singapore hay giữa hai địa điểm tại nước ngoài sẽ được miễn thuế lợi tức tại Việt Nam. Lợi tức thu được từ hoạt động vận tải quốc tế được miễn thuế sẽ bao gồm cả thu nhập từ việc cho thuê tàu thuỷ hoặc máy bay cũng như lợi tức từ việc sử dụng, bảo dưỡng hoặc cho thuê công-ten-nơ (kể cả khoang moóc và thiết bị kèm theo phục vụ cho việc vận tải hàng bằng công-ten-nơ) với điều kiện việc cho thuê hay sử dụng, bảo dưỡng nêu trên có tính chất là hoạt động phụ kèm theo hoạt động của tàu thuỷ hoặc máy bay trong vận tải quốc tế.

4- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

4.1- Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 5% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp hơn 50% vào vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần hay đóng góp trên 10 triệu đôla Mỹ;

(ii) 7% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp từ 25% đến 50% vào vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(iii) 12,5% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

4.2- Theo khoản 3 và 4 Điều 10 của Hiệp định, tiền lãi cổ phần do một công ty là đối tượng cư trú tại Việt Nam trả cho Chính phủ Singapore sẽ được miễn thuế tại Việt Nam (kể cả thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).

5- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

5.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

5.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Cơ quan tiền tệ Singapore và Cơ quan điều hành tiền tệ;

(ii) Công ty đầu tư của Chính phủ Singapore;

(iii) Tổ chức do Nhà nước lập ra;

(iv) Bất kỳ cơ sở nào thuộc sở hữu toàn bộ hay chủ yếu của Chính phủ Singapore được nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước thoả thuận.

6- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là:

(i) 5% tổng số tiền bản quyền trong trường hợp tiền bản quyền được trả cho bằng phát minh, thiết kế hoặc mẫu, công thức hoặc quy trình bí mật, hay trả cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp hoặc khoa học, hay trả cho việc sử dụng hay quyền sử dụng thiết bị công nghiệp, thương mại hay khoa học liên quan đến quá trình chuyển giao bí quyết công nghệ;

(ii) 15% tổng số tiền bản quyền trong các trường hợp khác.

7- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.2 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Singapore, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

8- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Theo Hiệp định này, đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Thu nhập nhận được từ công việc tại Việt Nam có liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, nghiên cứu, học nghề tại Việt Nam với điều kiện số thu nhập từ tiền công đó không vượt quá 2.500 đôla Mỹ trong một năm tính thuế.

PHỤ LỤC SỐ VI

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân quốc về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 11 tháng 9 năm 1994 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1995:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, đoạn b (1) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dựng hoặc lắp đặt, với điều kiện các địa điểm hay công trình đó kéo dài hơn 6 tháng tại Việt Nam.

(iii) Đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iv) Đoạn e (ii) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền lãi cổ phần.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

3.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

3.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Ngân hàng Hàn Quốc;

(ii) Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng phát triển Hàn Quốc và cơ sở tài chính khác thực hiện chức năng mang tính chất Chính phủ được nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước thoả thuận trong công hàm trao đổi.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là:

(i) 5% tổng số tiền bản quyền trong trường hợp tiền bản quyền được trả cho bằng phát minh, thiết kế hoặc mẫu, công thức hoặc quy trình bí mật, hay trả cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp hoặc khoa học, hay trả cho việc sử dụng hay quyền sử dụng thiết bị công nghiệp, thương mại;

(ii) 15% tổng số tiền bản quyền trong các trường hợp khác.

5- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Hàn Quốc, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

 

PHỤ LỤC SỐ VII

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ ANH

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai Len về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và lợi tức từ chuyển nhượng tài sản có hiệu lực từ ngày 15 tháng 12 năm 1994 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1995:

1- Thuật ngữ "đối tượng":

Theo Hiệp định này, thuật ngữ "đối tượng" quy định tại điểm a khoản 1 mục I của Thông tư sẽ không áp dụng đối với tổ chức hợp danh.

2- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, đoạn b (1) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dựng hoặc lắp đặt, với điều kiện các địa điểm hay công trình đó kéo dài hơn 6 tháng tại Việt Nam.

(iii) Đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iv) Đoạn e (ii) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(v) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá của doanh nghiệp;

3- Lợi tức từ hoạt động vận tải quốc tế:

Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.1 khoản 3 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp vận tải là đối tượng cư trú tại Vương quốc Liên hiệp Anh có lợi tức từ hoạt động vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa một địa điểm tại Việt Nam và một địa điểm ở Vương quốc Liên hiệp Anh hay giữa hai địa điểm tại nước ngoài sẽ được miễn thuế lợi tức tại Việt Nam. Lợi tức thu được từ hoạt động vận tải quốc tế được miễn thuế sẽ bao gồm cả thu nhập từ việc cho thuê tàu thuỷ hoặc máy bay cũng như lợi tức từ việc sử dụng, bảo dưỡng hoặc cho thuê công-ten-nơ (kể cả khoang moóc và thiết bị kèm theo phục vụ cho việc vận tải hàng bằng công-ten-nơ) với điều kiện việc cho thuê hay sử dụng, bảo dưỡng nêu trên có tính chất là hoạt động phụ kèm theo hoạt động của tàu thuỷ hoặc máy bay trong vận tải quốc tế.

4- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 7% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp hay gián tiếp hơn 50% số vốn cổ phần hoặc đầu tư tối thiểu 7 triệu Bảng Anh vào vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(ii) 10% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp hay gián tiếp dưới 50% nhưng ít nhất 25% số vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(iii) 15% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

5- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

5.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

5.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay sẽ được miễn thuế tại Việt Nam nếu số tiền lãi này:

(i) Do Chính phủ Anh hay cơ quan chính quyền địa phương của Anh hay bất kỳ tổ chức nào của Chính phủ hay cơ quan chính quyền địa phương của Anh nhận được và thực hưởng;

(ii) Trả cho đối tượng cho vay liên quan đến khoản tiền vay, hay tín dụng được Cơ quan Bảo lãnh Tín dụng Xuất khẩu của Anh cấp, bảo lãnh hay bảo hiểm.

6- Thu nhập từ tiền bản quyền:

6.1- Đoạn b điểm 6.2 khoản 6 mục II của Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

6.2- Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

7- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Anh, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

8- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

9- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

10- Quy định tại khoản 16 mục II của Thông tư về thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu không được áp dụng tại Hiệp định này.

 

PHỤ LỤC SỐ VIII

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ BA LAN

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Ba Lan về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 28 tháng 1 năm 1995 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1996:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, một tổ chức bảo hiểm là đối tượng cư trú của Ba Lan nếu thực hiện thu phí bảo hiểm tại Việt Nam hay thực hiện bảo hiểm rủi ro tại Việt Nam thông qua một đối tượng không có tư cách độc lập, trừ trường hợp tái bảo hiểm, sẽ được coi là thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam.

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 10% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty (trừ công ty hợp danh) nắm giữ trực tiếp ít nhất 25% số vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(ii) 15% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là:

(i) 10% tổng số tiền bản quyền trong trường hợp tiền bản quyền được trả cho bằng phát minh, thiết kế hoặc mẫu, công thức hoặc quy trình bí mật, hay trả cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp hoặc khoa học;

(ii) 15% tổng số tiền bản quyền trong các trường hợp khác.

5- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 22 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 22, trường hợp một đối tượng cư trú tại Ba Lan có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

 

PHỤ LỤC SỐ IX

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ ẤN ĐỘ

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà ấn Độ về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 02 tháng 02 năm 1995 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1996:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iii) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá (không có tính chất thường xuyên) của doanh nghiệp;

2- Lợi tức từ hoạt động vận tải quốc tế:

Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.1 khoản 3 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp vận tải là đối tượng cư trú tại ấn Độ có lợi tức từ hoạt động vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa một địa điểm tại Việt Nam và một địa điểm ở ấn Độ hay giữa hai địa điểm tại nước ngoài sẽ được miễn thuế lợi tức tại Việt Nam. Lợi tức thu được từ hoạt động vận tải quốc tế được miễn thuế sẽ bao gồm cả thu nhập từ việc cho thuê tàu thuỷ hoặc máy bay cũng như lợi tức từ việc sử dụng, bảo dưỡng hoặc cho thuê công-ten-nơ (kể cả khoang moóc và thiết bị kèm theo phục vụ cho việc vận tải hàng bằng công-ten-nơ) với điều kiện việc cho thuê hay sử dụng, bảo dưỡng nêu trên có tính chất là hoạt động phụ kèm theo hoạt động của tàu thuỷ hoặc máy bay trong vận tải quốc tế kể cả tiền lãi phát sinh từ các quỹ liên quan đến hoạt động của tàu thuỷ hoặc máy bay trong vận tải quốc tế dùng để trả cho tất cả các khoản tiền lương, tiền bảo dưỡng tàu thuỷ hay máy bay và sinh hoạt của thuỷ thủ đoàn.

3- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền lãi cổ phần.

4- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

4.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

4.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay sẽ được miễn thuế tại Việt Nam với điều kiện:

(i) Tiền lãi đó trả cho Chính phủ, cơ quan chính quyền cơ sở, chính quyền địa phương của ấn Độ hay Ngân hàng Trung ương của ấn Độ nhận được và thực hưởng;

(ii) Tiền lãi đó trả cho bất kỳ đối tượng cư trú nào của ấn Độ nếu giao dịch liên quan đến khoản vay nợ đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận và cho phép được miễn thuế thu nhập.

5- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

6- Thu nhập từ tiền dịch vụ kỹ thuật:

6.1- Đoạn b điểm 2.3 khoản 2 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

6.2- Điều 13 Hiệp định quy định việc thu thuế đối với tiền dịch vụ kỹ thuật mang tính chất quản lý, kỹ thuật hay tư vấn, phát sinh tại Việt Nam trả cho một đối tượng thực hưởng là một đối tượng cư trú tại ấn Độ. Quy định tại Điều 13 không áp dụng đối với tiền dịch vụ kỹ thuật phát sinh tại Việt Nam trả cho một cơ sở thường trú của một công ty khác của ấn Độ đặt tại Việt Nam.

6.3- Căn cứ khoản 2 Điều 12 Hiệp định và quy định hiện hành về thuế đối với nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam (Thông tư số 37 TC/TCT ngày 10/5/1995 của Bộ Tài chính), trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam trả tiền dịch vụ kỹ thuật cho một đối tượng thực hưởng là đối tượng cư trú của ấn Độ, cơ quan thuế sẽ áp dụng thuế đối với tiền dịch vụ kỹ thuật theo thuế suất hiện hành tại Việt Nam (quy định tại mục II Thông tư 37 TC/TCT ngày 10/5/1995). Tuy nhiên trong trường hợp thuế suất thuế lợi tức (quy định tại Thông tư 37 TC/TCT) cao hơn thuế suất giới hạn là 10% quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 13 của Hiệp định thuế suất giới hạn 10% quy định tại Hiệp định sẽ được áp dụng đối với tiền dịch vụ kỹ thuật tương ứng.

7- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Theo Hiệp định này, Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.3- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của ấn Độ, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, nhưng có thời gian hoạt động tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cơ quan thuế sẽ áp dụng việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Thông tư số 39 TC/TCT ngày 26 tháng 6 năm 1997 của Bộ Tài chính đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề nói trên.

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của ấn Độ, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và trong năm tính thuế cá nhân đó có thời gian hoạt động tại Việt Nam dưới 183 ngày cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

8- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Theo Hiệp định này, điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

12.4- Trường hợp hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao của cá nhân, công ty là đối tượng cư trú tại ấn Độ chủ yếu do quỹ công của ấn Độ tài trợ, thu nhập từ hoạt động trình diễn tại Việt Nam của cá nhân, công ty cư trú của ấn Độ sẽ được miễn thuế tại Việt Nam.

9- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Theo Hiệp định này đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II của Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Thu nhập nhận được từ công việc tại Việt Nam với giá trị không vượt quá khoản tiền tương đương 2.000 đôla Mỹ trong một năm tài chính, có liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, nghiên cứu, học nghề tại Việt Nam, trong trường hợp Hiệp định có quy định cụ thể.

10- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 23 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 23, trường hợp một đối tượng cư trú tại ấn Độ có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

PHỤ LỤC SỐ X

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ HUNG-GA-RI

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Hung-ga-ri về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 30 tháng 6 năm 1995 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1996:

1- Thuật ngữ "vận tải quốc tế":

Theo Hiệp định này, đoạn d khoản 1 mục I của Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

d) Thuật ngữ "vận tải quốc tế":

Thuật ngữ "vận tải quốc tế" được dùng trong Hiệp định để chỉ việc vận chuyển hàng hoá, hành khách của các hãng hàng không, hãng vận tải hàng hải và hãng vận tải đường bộ giữa một địa điểm tại một Nước ký kết và một địa điểm tại Nước ký kết kia.

Ví dụ hãng vận tải của Hung-ga-ri vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa cảng Hải Phòng và cảng tại Hồng Kông hay cảng tại Hung-ga-ri thì hoạt động đó được gọi là vận tải quốc tế. Thuật ngữ không áp dụng trong trường hợp hãng vận tải Hung-ga-ri vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa cảng Hải Phòng và cảng thành phố Hồ Chí Minh (hai cảng đều tại Việt Nam).

2- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá của doanh nghiệp;

(iii) Theo Hiệp định này, một tổ chức bảo hiểm là đối tượng cư trú của Hung-ga-ri nếu thực hiện thu phí bảo hiểm tại Việt Nam hay thực hiện bảo hiểm rủi ro tại Việt Nam thông qua một đối tượng không có tư cách độc lập, trừ trường hợp tái bảo hiểm, sẽ được coi là thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam.

3- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền lãi cổ phần.

4- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

5- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

6- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của nước ngoài, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

7- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Theo Hiệp định này, điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

12.4- Trường hợp hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao của cá nhân, công ty là đối tượng cư trú tại Hung-ga-ri chủ yếu do quỹ công của Hung-ga-ri hoặc của Việt Nam tài trợ, hay hoạt động trình diễn được thực hiện theo một thoả thuận hay một chương trình trao đổi văn hoá giữa hai nước, thu nhập từ hoạt động trình diễn tại Việt Nam của cá nhân, công ty cư trú của Hung-ga-ri sẽ được miễn thuế tại Việt Nam.

8- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

9- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 22 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 22, trường hợp một đối tượng cư trú tại Hung-ga-ri có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

PHỤ LỤC SỐ XI

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ HÀ LAN

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và lợi tức từ chuyển nhượng tài sản có hiệu lực từ ngày 25 tháng 10 năm 1995 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1996:

1- Đối tượng cư trú:

(i) Theo mục I của Nghị định thư kèm theo Hiệp định này, quỹ lương hưu được công nhận và hoạt động theo các quy định pháp luật của Hà Lan và được miễn thuế tại Hà Lan sẽ được coi là một đối tượng cư trú của Hà Lan và là đối tượng điều chỉnh của Hiệp định.

(ii) Theo mục IV của Nghị định thư kèm theo Hiệp định này, một cá nhân không có nhà ở thường trú tại cả hai nước, nhưng sống trên tàu thuỷ có cảng chính tại một Nước ký kết sẽ được coi là đối tượng cư trú tại Nước ký kết đó.

2- Cơ sở thường trú:

Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

3- Lợi tức từ hoạt động vận tải quốc tế:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn d khoản 1 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

d) Thuật ngữ "vận tải quốc tế":

Thuật ngữ "vận tải quốc tế" được dùng trong Hiệp định để chỉ việc vận chuyển hàng hoá, hành khách của các hãng hàng không, hãng vận tải hàng hải, có trụ sở điều hành thực tế tại Việt Nam hoặc Hà Lan, giữa một địa điểm tại một Nước ký kết và một địa điểm tại Nước ký kết kia.

Ví dụ hãng vận tải có trụ sở điều hành thực tế tại Hà Lan vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa cảng Hải Phòng và cảng tại Hồng Kông hay cảng tại Hà Lan thì hoạt động đó được gọi là vận tải quốc tế. Thuật ngữ không áp dụng trong trường hợp hãng vận tải Hà Lan nói trên vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa cảng Hải Phòng và cảng thành phố Hồ Chí Minh (hai cảng đều tại Việt Nam).

(ii) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.1 khoản 3 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp vận tải có trụ sở điều hành thực tế tại Vương quốc Hà Lan (là nơi doanh nghiệp có đặt cơ quan điều hành để tổ chức, điều hành và ra các quyết định về sản xuất kinh doanh) có lợi tức từ hoạt động vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa một địa điểm tại Việt Nam và một địa điểm ở Vương quốc Hà Lan hay giữa hai địa điểm tại nước ngoài sẽ được miễn thuế lợi tức tại Việt Nam. Lợi tức thu được từ hoạt động vận tải quốc tế được miễn thuế sẽ bao gồm cả thu nhập từ việc cho thuê tàu thuỷ hoặc máy bay trống cũng như lợi tức từ việc sử dụng, bảo dưỡng hoặc cho thuê công-ten-nơ (kể cả khoang moóc và thiết bị kèm theo phục vụ cho việc vận tải hàng bằng công-ten-nơ) với điều kiện việc cho thuê hay sử dụng, bảo dưỡng nêu trên có tính chất là hoạt động phụ kèm theo hoạt động của tàu thuỷ hoặc máy bay trong vận tải quốc tế.

4. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh:

Theo Hiệp định này, điểm 2.3 khoản 2 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

2.3- Trường hợp xác định doanh nghiệp của Hà Lan không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thuế lợi tức sẽ được xử lý như sau:

a) Đối với đối tượng kinh doanh ở Việt Nam thông qua đại lý (như theo hướng dẫn tại Thông tư 97 TC/TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính) thì chỉ thực hiện khấu trừ tại nguồn thuế doanh thu không khấu trừ tại nguồn thuế lợi tức.

b) Đối với đối tượng kinh doanh ở Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư nước ngoài (theo hướng dẫn tại Thông tư 37 TC/TCT ngày 10 tháng 5 năm 1995 của Bộ Tài chính) thì thực hiện khấu trừ thuế doanh thu (quy định tại khoản 1, mục II của Thông tư nói trên) và khấu trừ thuế lợi tức (quy định tại khoản 2 mục II Thông tư nói trên). Tuy nhiên, trong mọi trường hợp phần thuế lợi tức được khấu trừ nêu trên sẽ không vượt quá 5% tổng số thu nhập chịu thuế.

Để áp dụng quy định tại khoản này đối tượng nộp thuế cần xuất trình các thủ tục quy định tại khoản 2, mục V của Thông tư này.

5- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 5% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp hay gián tiếp ít nhất 50% số vốn cổ phần hoặc đầu tư trên 10 triệu đôla Mỹ vào vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(ii) 10% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp dưới 50% nhưng ít nhất 25% số vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần. Trường hợp theo quy định tại Đạo luật thuế thu nhập công ty của Hà Lan, tiền lãi cổ phần do công ty Hà Lan nhận được từ công ty tại Việt Nam được miễn thuế tại Hà Lan thì giới hạn thuế suất quy định tại điểm này sẽ là 7%;

(iii) 15% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

6- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

6.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay. Trường hợp theo quy định tại luật thuế thu nhập của Hà Lan, tiền lãi từ tiền cho vay do đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được từ Hà Lan được miễn thuế tại Hà Lan thì giới hạn thuế suất quy định tại điểm này sẽ là 7%;

6.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Chính phủ Hà Lan, kể cả cơ quan chính quyền cơ sở và chính quyền địa phương của Hà Lan;

(ii) Ngân hàng Trung ương của Hà Lan;

(iii) Các tổ chức tài chính do Chính phủ Hà Lan kể cả cơ quan chính quyền cơ sở hay chính quyền địa phương của Hà Lan kiểm soát hoặc sở hữu;

(iv) Lãi tiền cho vay trả cho các khoản vay nợ được bảo lãnh hay bảo đảm bởi Chính phủ Hà Lan, cơ quan chính quyền cơ sở hay chính quyền địa phương của Hà Lan, Ngân hàng Trung ương Hà Lan hay bất kỳ tổ chức tài chính khác do Chính phủ Hà Lan kiểm soát.

7- Thu nhập từ tiền bản quyền:

7.1- Đoạn b điểm 6.2 khoản 6 mục I của Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

7.2- Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là:

(i) 5% tổng số tiền bản quyền trong trường hợp tiền bản quyền được trả cho bằng phát minh, thiết kế hoặc mẫu, công thức hoặc quy trình bí mật, hay trả cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp hoặc khoa học;

(ii) 10% tổng số tiền bản quyền trong trường hợp tiền bản quyền được trả cho việc sử dụng hay quyền sử dụng nhãn hiệu thương mại hoặc thông tin có liên quan tới kinh nghiệm thương mại;

(ii) 15% tổng số tiền bản quyền trong các trường hợp khác.

8- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Hà Lan, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên với mức thuế không vượt quá 5% tổng số thu nhập.

9- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

 

PHỤ LỤC SỐ XII

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 1994 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1996:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên, hoặc hoạt động trong thời gian trên 30 ngày trong giai đoạn 12 tháng liên tục liên quan đến việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển của Việt Nam.

(ii) Theo Hiệp định này, một tổ chức bảo hiểm là đối tượng cư trú của Nhật Bản nếu thực hiện thu phí bảo hiểm tại Việt Nam hay thực hiện bảo hiểm rủi ro tại Việt Nam thông qua một đối tượng không có tư cách độc lập, trừ trường hợp tái bảo hiểm, sẽ được coi là thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam.

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền lãi cổ phần.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

3.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

3.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Ngân hàng Nhật Bản;

(ii) Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nhật Bản;

(iii) Quỹ hợp tác Kinh tế hải ngoại;

(iv) Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản;

(v) Bất kỳ tổ chức tài chính tương tự nào thuộc sở hữu toàn bộ Chính phủ Nhật Bản được Chính phủ của hai nước thoả thuận.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

6- Quy định tại khoản 16 mục II của Thông tư về thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu không được áp dụng tại Hiệp định này.

 

PHỤ LỤC SỐ XIII

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN BANG NGA

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 21 tháng 3 năm 1996 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1997:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

c) Doanh nghiệp đó thực hiện việc cung cấp dịch vụ bao gồm cả dịch vụ tư vấn ở Việt Nam thông qua nhân viên của công ty hay một đối tượng khác được doanh nghiệp uỷ nhiệm thực hiện dịch vụ với điều kiện các hoạt động dịch vụ nói trên, trong một dự án hay các dự án có liên quan, kéo dài tại Việt Nam trong một khoảng thời gian quá 12 tháng.

Ví dụ trong năm 1995, hãng sản xuất máy bay của Cộng hoà Liên bang Nga ký hợp đồng dịch vụ bảo dưỡng máy bay với Hãng hàng không Việt Nam và trong năm cử các đoàn chuyên gia kỹ thuật sang Việt Nam làm việc với tổng số thời gian có mặt tại Việt Nam là 370 ngày (vượt quá thời hạn 12 tháng) thì hãng sản xuất trên sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 10% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng cư trú của nước ký kết kia đầu tư trực tiếp tối thiểu 10 triệu đôla Mỹ vào vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần.

(ii) 15% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 15% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Nga, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

6- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

7- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

8- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 22 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 21, trường hợp một đối tượng cư trú tại Liên bang Nga có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

 

PHỤ LỤC SỐ XIV

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ NA UY

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Na Uy về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 14 tháng 4 năm 1996 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1997:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay các hoạt động được tiến hành trên vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam liên quan đến việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên (trừ hoạt động vận chuyển vật tư, nhân sự hay hoạt động dịch vụ tàu kéo).

(ii) Theo Hiệp định này, một tổ chức bảo hiểm là đối tượng cư trú của Na Uy nếu thực hiện thu phí bảo hiểm tại Việt Nam hay thực hiện bảo hiểm rủi ro tại Việt Nam thông qua một đối tượng không có tư cách độc lập, trừ trường hợp tái bảo hiểm, sẽ được coi là thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam.

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 5% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp hơn 70% số vốn cổ phần công ty chia lãi cổ phần;

(ii) 10% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp dưới 70% nhưng ít nhất 25% số vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần.

(iii) 15% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

3.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

3.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Nhà nước Na Uy, cơ quan chính quyền cơ sở, chính quyền địa phương hoặc một tổ chức hợp pháp của Na Uy;

(ii) Ngân hàng Trung ương Na Uy;

(iii) Bất kỳ một tổ chức nào hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ Na Uy được nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước thoả thuận.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

6- Quy định tại khoản 6 mục II của Thông tư về thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu không được áp dụng tại Hiệp định này.

7- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 21 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 21, trường hợp một đối tượng cư trú tại Na Uy có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

PHỤ LỤC SỐ XV

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ ĐAN MẠCH

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Đan Mạch về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 24 tháng 4 năm 1996 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1997:

1- Cơ sở thường trú:

Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho thường xuyên giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay các hoạt động tại Việt Nam liên quan đến việc khảo sát, thăm dò hoặc khai thác Hy-đrô-các-bon.

2- Lợi tức từ hoạt động vận tải quốc tế:

Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.1 khoản 3 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp vận tải là đối tượng cư trú tại Vương quốc Đan Mạch có lợi tức từ hoạt động vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa một địa điểm tại Việt Nam và một địa điểm ở Vương quốc Đan Mạch hay giữa hai địa điểm tại nước ngoài sẽ được miễn thuế lợi tức tại Việt Nam. Lợi tức thu được từ hoạt động vận tải quốc tế được miễn thuế sẽ bao gồm cả thu nhập từ việc cho thuê tàu thuỷ hoặc máy bay cũng như lợi tức từ việc sử dụng, bảo dưỡng hoặc cho thuê công-ten-nơ (kể cả khoang moóc và thiết bị kèm theo phục vụ cho việc vận tải hàng bằng công-ten-nơ) với điều kiện việc cho thuê hay sử dụng, bảo dưỡng nêu trên có tính chất là hoạt động phụ kèm theo hoạt động của tàu thuỷ hoặc máy bay trong vận tải quốc tế.

3- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 5% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp tối thiểu 70% số vốn cổ phần hay đầu tư tối thiểu 12 triệu đôla Mỹ vào vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(ii) 10% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp dưới 70% nhưng tối thiểu 25% số vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(iii) 15% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

4- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

4.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

4.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Nhà nước Đan Mạch, cơ quan chính quyền cơ sở, chính quyền địa phương hoặc tổ chức hợp pháp của Đan Mạch;

(ii) Ngân hàng quốc gia Đan Mạch;

(iii) Bất kỳ tổ chức nào thuộc sở hữu toàn bộ hay chủ yếu của Chính phủ Đan Mạch được nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước thoả thuận.

5- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là:

(i) 5% tổng số tiền bản quyền trong trường hợp tiền bản quyền được trả cho bằng phát minh, thiết kế hoặc mẫu, công thức hoặc quy trình bí mật, hay trả cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp hoặc khoa học, hay trả cho việc sử dụng hay quyền sử dụng thiết bị công nghiệp, thương mại hay khoa học liên quan đến quá trình chuyển giao bí quyết công nghệ;

(ii) 15% tổng số tiền bản quyền trong các trường hợp khác.

6- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Theo Hiệp định này, đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Thu nhập nhận được từ công việc tại Việt Nam có liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, nghiên cứu, học nghề tại Việt Nam và tiền công trả cho hoạt động phục vụ có tính chất bổ sung thêm nguồn kinh phí sinh hoạt của sinh viên, học sinh Đan Mạch.

7- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 22 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 22, trường hợp một đối tượng cư trú tại Đan Mạch có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

 

 

 

PHỤ LỤC SỐ XVI

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ RUMANI

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Rumani về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản có hiệu lực từ ngày 24 tháng 4 năm 1996 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1997:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, nông trường hay địa điểm trồng trọt, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay các thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, đoạn b (1) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dựng hoặc lắp đặt, với điều kiện các địa điểm hay công trình đó kéo dài hơn 6 tháng tại Việt Nam.

(iii) Theo Hiệp định này, một tổ chức bảo hiểm là đối tượng cư trú của Rumani nếu thực hiện thu phí bảo hiểm tại Việt Nam hay thực hiện bảo hiểm rủi ro tại Việt Nam thông qua một đối tượng không có tư cách độc lập, trừ trường hợp tái bảo hiểm, sẽ được coi là thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam.

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 15% tổng số tiền lãi cổ phần.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

3.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

3.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay sẽ được miễn thuế tại Việt Nam nếu:

(i) Tiền lãi cho vay được trả cho Chính phủ Rumani, cơ quan chính quyền địa phương hay đơn vị lãnh thổ - hành chính của Rumani hay bất kỳ cơ quan, tổ chức ngân hàng hay tổ chức nào của Chính phủ; hoặc

(ii) Khoản vay nợ được một tổ chức tài chính toàn bộ thuộc sở hữu của Chính phủ Rumani bảo lãnh, bảo hiểm hay trực tiếp hoặc gián tiếp tài trợ, với điều kiện khoản vay nợ này không có tính chất thương mại.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 15% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Theo Hiệp định này, điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

15.2- Trường hợp sinh viên, học sinh trước khi sang Việt Nam học tập, nghiên cứu, học nghề là đối tượng cư trú của Rumani, sinh viên, học sinh nước ngoài đó sẽ được miễn thuế thu nhập tại Việt Nam trong thời hạn 6 năm đối với thu nhập nhận được từ các nguồn tại nước ngoài để phục vụ cho mục đích học tập, sinh hoạt tại Việt Nam.

6- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 22 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 22, trường hợp một đối tượng cư trú tại Rumani có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

 

PHỤ LỤC SỐ XVII

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ MA-LAI-XI-A

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ma-lai-xi-a về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 13 tháng 8 năm 1996 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1997:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho thường xuyên giao nhận hàng hoá, hoạt động gia công hàng hoá cho xí nghiệp, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên (bao gồm cả địa điểm khai thác gỗ hoặc sản phẩm rừng khác).

(ii) Đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iii) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá của doanh nghiệp;

(iv) Theo Hiệp định này, đoạn e điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

e) Doanh nghiệp đó uỷ nhiệm cho một đối tượng tại Việt Nam:

(i) Thẩm quyền thường xuyên ký kết các hợp đồng đứng tên doanh nghiệp đó trừ trường hợp chỉ thuần tuý mua hàng cho xí nghiệp; hay

(ii) Duy trì một kho hàng hoá từ đó đối tượng này có quyền thường xuyên đại diện cho doanh nghiệp đó giao hàng hoá tại Việt Nam;

(iii) Gia công hàng hoá cho xí nghiệp.

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền lãi cổ phần.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

3.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

3.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Chính phủ của các bang;

(ii) Các cơ quan chính quyền địa phương;

(iii) Ngân hàng Negara Ma-lai-xi-a;

(iv) Bất kỳ tổ chức nào hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ Ma-lai-xi-a hoặc của Chính phủ các bang, hoặc của các cơ quan chính quyền địa phương của Ma-lai-xi-a được nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước thoả thuận.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập từ tiền dịch vụ kỹ thuật:

5.1- Đoạn b điểm 2.3 khoản 2 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

5.2- Điều 13 Hiệp định quy định việc thu thuế đối với tiền dịch vụ kỹ thuật mang tính chất quản lý, kỹ thuật hay tư vấn, phát sinh tại Việt Nam trả cho một đối tượng thực hưởng là một đối tượng cư trú tại Ma-lai-xi-a. Quy định tại Điều 13 không áp dụng đối với tiền dịch vụ kỹ thuật phát sinh tại Việt Nam trả cho một cơ sở thường trú của một công ty khác của Ma-lai-xi-a đặt tại Việt Nam.

5.3- Căn cứ khoản 2 Điều 13 Hiệp định và Thông tư số 37 TC/TCT ngày 10/5/1995 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế đối với nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam trả tiền dịch vụ kỹ thuật cho một đối tượng thực hưởng là đối tượng cư trú của Ma-lai-xi-a, cơ quan thuế sẽ áp dụng thuế đối với tiền dịch vụ kỹ thuật theo thuế suất quy định tại mục II Thông tư 37 TC/TCT ngày 10/5/1995. Tuy nhiên trong trường hợp thuế suất thuế lợi tức quy định tại Thông tư 37 TC/TCT cao hơn thuế suất giới hạn là 10% quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 13 của Hiệp định, thì thuế suất giới hạn 10% quy định tại Hiệp định sẽ được áp dụng đối với tiền dịch vụ kỹ thuật tương ứng.

6- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Theo Hiệp định này, Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.3- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Ma-lai-xi-a, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1, không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, nhưng có thời gian hoạt động tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế hoặc nhận được số tiền thù lao cho hoạt động dịch vụ của đối tượng đó với giá trị thành tiền vượt quá 10.000 đôla Mỹ trong năm tính thuế, cơ quan thuế sẽ áp dụng việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Thông tư số 39 TC/TCT ngày 26 tháng 6 năm 1997 của Bộ Tài chính đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề nói trên.

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Ma-lai-xi-a, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và trong năm tính thuế cá nhân đó có thời gian hoạt động tại Việt Nam dưới 183 ngày và trong năm tính thuế đối tượng đó nhận được số tiền thu lao cho hoạt động dịch vụ thực hiện tại Việt Nam với giá trị thành tiền không quá 10.000 đôla Mỹ, cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

7- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Theo Hiệp định này, điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

12.4- Trường hợp hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao của cá nhân, công ty là đối tượng cư trú tại Ma-lai-xi-a chủ yếu do quỹ công của Ma-lai-xi-a tài trợ trực tiếp hay gián tiếp, thu nhập từ hoạt động trình diễn tại Việt Nam của cá nhân, công ty cư trú của Ma-lai-xi-a sẽ được miễn thuế tại Việt Nam.

8- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Theo Hiệp định này, đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II của Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Thu nhập nhận được từ công việc tại Việt Nam với giá trị không vượt quá khoản tiền tương đương 2.500 đôla Mỹ trong một năm tài chính, có liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, nghiên cứu, học nghề tại Việt Nam, trong trường hợp Hiệp định có quy định cụ thể.

9- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 23 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 23, trường hợp một đối tượng cư trú tại Ma-lai-xi-a có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

 

PHỤ LỤC SỐ XVIII

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ U-DƠ-BÊ-KI-XTĂNG

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ U-dơ-bê-ki-xtăng về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 16 tháng 8 năm 1996 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1997:

1- Cơ sở thường trú:

Theo Hiệp định này, một tổ chức bảo hiểm là đối tượng cư trú của U-dơ-bê-ki-xtăng nếu thực hiện thu phí bảo hiểm tại Việt Nam hay thực hiện bảo hiểm rủi ro tại Việt Nam thông qua một đối tượng không có tư cách độc lập, trừ trường hợp tái bảo hiểm, sẽ được coi là thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam.

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 15% tổng số tiền lãi cổ phần.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

3.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

3.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Chính phủ U-dơ-bê-ki-xtăng, chính quyền địa phương hai bất kỳ cơ quan nào khác của Chính phủ U-dơ-bê-ki-xtăng hay chính quyền địa phương của Chính phủ đó;

(ii) Bất kỳ đối tượng cư trú nào của U-dơ-bê-ki-xtăng có các khoản tiền cho vay theo nguyên tắc giao dịch sòng phẳng và khoản cho vay này được Nhà nước U-dơ-bê-ki-xtăng hay một cơ quan của Nhà nước U-dơ-bê-ki-xtăng bảo lãnh hay bảo đảm;

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 15% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập từ tiền dịch vụ kỹ thuật:

5.1- Đoạn b điểm 2.3 khoản 2 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

5.2- Điều 13 Hiệp định quy định việc thu thuế đối với tiền dịch vụ kỹ thuật phát sinh tại Việt Nam trả cho một đối tượng thực hưởng là một đối tượng cư trú tại U-dơ-bê-ki-xtăng. Quy định tại Điều 13 không áp dụng đối với tiền dịch vụ kỹ thuật phát sinh tại Việt Nam trả cho một cơ sở thường trú của một công ty khác của U-dơ-bê-ki-xtăng đặt tại Việt Nam.

5.3- Căn cứ khoản 2 Điều 12 Hiệp định và quy định hiện hành về thuế đối với nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam (Thông tư số 37 TC/TCT ngày 10/5/1995 của Bộ Tài chính), trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam trả tiền dịch vụ kỹ thuật cho một đối tượng thực hưởng là đối tượng cư trú của U-dơ-bê-ki-xtăng, cơ quan thuế sẽ áp dụng thuế đối với tiền dịch vụ kỹ thuật theo thuế suất hiện hành (quy định tại mục II Thông tư 37 TC/TCT ngày 10/5/1995 của Bộ tài chính). Tuy nhiên trong trường hợp thuế suất thuế lợi tức quy định tại Việt Nam (Thông tư 37 TC/TCT) cao hơn thuế suất giới hạn là 15% quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 13 của Hiệp định, thì thuế suất giới hạn 15% quy định tại Hiệp định sẽ được áp dụng đối với tiền dịch vụ kỹ thuật tương ứng.

 

6- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Theo Hiệp định này, điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.3- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của U-dơ-bê-ki-xtăng, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1, không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, nhưng có thời gian hoạt động tại Việt Nam từ 90 ngày trở lên trong năm tính thuế cơ quan thuế sẽ áp dụng việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Thông tư số 39 TC/TCT ngày 26 tháng 6 năm 1997 của Bộ Tài chính đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề nói trên.

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của U-dơ-bê-ki-xtăng, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và trong năm tính thuế cá nhân đó có thời gian hoạt động tại Việt Nam dưới 90 ngày, cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

7- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Theo Hiệp định này, điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

12.4- Trường hợp hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao của cá nhân, công ty là đối tượng cư trú tại U-dơ-bê-ki-xtăng hoàn toàn do quỹ công của U-dơ-bê-ki-xtăng tài trợ, thu nhập từ hoạt động trình diễn tại Việt Nam của cá nhân, công ty cư trú của U-dơ-bê-ki-xtăng sẽ được miễn thuế tại Việt Nam.

8- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

9- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 23 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 23, trường hợp một đối tượng cư trú tại U-dơ-bê-ki-xtăng có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam.

 

 

 

 

PHỤ LỤC SỐ XIX

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ LÀO

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 30 tháng 9 năm 1996 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1997:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, đoạn b (1) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dựng hoặc lắp đặt, với điều kiện các địa điểm hay công trình đó kéo dài hơn 183 ngày tại Việt Nam.

(iii) Đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iv) Đoạn e (ii) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(v) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá của doanh nghiệp;

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền lãi cổ phần.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Lào, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

6- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

7- Quy định tại khoản 16 mục I của Thông tư về thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu không được áp dụng tại Hiệp định này.

 

PHỤ LỤC SỐ XX

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập có hiệu lực từ ngày 18 tháng 10 năm 1996 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1997:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Đoạn e (ii) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iii) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá của doanh nghiệp;

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền lãi cổ phần.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

3.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

3.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc;

(ii) Các cơ quan chính quyền cơ sở hoặc chính quyền địa phương;

(iii) Bất kỳ tổ chức tài chính nào như vậy thuộc sở hữu toàn bộ của Chính phủ Trung Quốc hay các cơ quan chính quyền cơ sở, chính quyền địa phương của Trung Quốc được nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước thoả thuận.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Theo Hiệp định này, đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Tiền học bổng, tiền trợ cấp hay tiền giải thưởng do Chính phủ hay tổ chức khoa học, giáo dục, văn hoá hoặc tổ chức được miễn thuế; hoặc thu nhập nhận được từ công việc tại Việt Nam với giá trị không vượt quá khoản tiền tương đương 2.000 đôla Mỹ trong một năm dương lịch, có liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, nghiên cứu, học nghề tại Việt Nam, trong trường hợp Hiệp định có quy định cụ thể.

6- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 22 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 22, trường hợp một đối tượng cư trú của Trung Quốc có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế Việt Nam.

 

PHỤ LỤC SỐ XXI

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ UKRAINA

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Ukraina về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản có hiệu lực từ ngày 22 tháng 11 năm 1996 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1997:

1- Lợi tức từ hoạt động vận tải quốc tế:

Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.1 khoản 3 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp vận tải là đối tượng cư trú tại Ukraina có lợi tức từ hoạt động vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa một địa điểm tại Việt Nam và một địa điểm ở Ukraina hay giữa hai địa điểm tại nước ngoài sẽ được miễn thuế lợi tức tại Việt Nam. Lợi tức thu được từ hoạt động vận tải quốc tế được miễn thuế sẽ bao gồm cả thu nhập từ việc cho thuê tàu thuỷ hoặc máy bay cũng như lợi tức từ việc sử dụng, bảo dưỡng hoặc cho thuê công-ten-nơ (kể cả khoang moóc và thiết bị kèm theo phục vụ cho việc vận tải hàng bằng công-ten-nơ) với điều kiện việc cho thuê hay sử dụng, bảo dưỡng nêu trên có tính chất là hoạt động phụ kèm theo hoạt động của tàu thuỷ hoặc máy bay trong vận tải quốc tế.

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền lãi cổ phần.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

3.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

3.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các đối tượng sau đây sẽ được miễn thuế tại Việt Nam:

(i) Chính phủ nước Ukraina, cơ quan chính quyền cơ sở, chính quyền địa phương hay một tổ chức hợp pháp của Ukraina;

(ii) Ngân hàng Quốc gia Ukraina;

(iii) Bất kỳ tổ chức nào hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ Ukraina hoặc của bất kỳ chính quyền địa phương nào được nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước thoả thuận.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Ukraina, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

6- Quy định tại khoản 16 mục I của Thông tư về thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu không được áp dụng tại Hiệp định này.

7- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17.1- Điều 21 quy định việc thu thuế đối với các khoản thu nhập khác chưa được đề cập tại các điều khoản khác của Hiệp định.

17.2- Theo quy định tại Điều 21, trường hợp một đối tượng cư trú của Ukraina có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam như đề cập tại điểm 17.1 sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC SỐ XXII

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ ĐỨC

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Liên bang Đức về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản có hiệu lực từ ngày 27 tháng 12 năm 1996 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1997:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, đoạn b (1) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam một địa điểm xây dựng, một công trình xây dựng hoặc lắp đặt, với điều kiện các địa điểm hay công trình đó kéo dài hơn 6 tháng tại Việt Nam.

(iii) Đoạn c điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(iv) Đoạn e (ii) điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(v) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.3 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó sử dụng các phương tiện chỉ nhằm mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng hoá của doanh nghiệp;

2- Lợi tức từ hoạt động vận tải quốc tế:

Theo Hiệp định này, đoạn d khoản 1 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

d) Thuật ngữ "vận tải quốc tế":

Thuật ngữ "vận tải quốc tế" được dùng trong Hiệp định để chỉ việc vận chuyển hàng hoá, hành khách của các hãng hàng không, hãng vận tải hàng hải, có trụ sở điều hành thực tế tại Việt Nam hoặc tại Đức, giữa một địa điểm tại một Nước ký kết và một địa điểm tại Nước ký kết kia.

Ví dụ hãng vận tải có trụ sở điều hành thực tế tại Đức vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa cảng Hải Phòng và cảng tại Hồng Kông hay cảng tại Đức thì hoạt động đó được gọi là vận tải quốc tế. Thuật ngữ không áp dụng trong trường hợp hãng vận tải Đức nói trên vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa cảng Hải Phòng và cảng thành phố Hồ Chí Minh (hai cảng đều tại Việt Nam).

3- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 5% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty (trừ công ty hợp danh) nắm giữ trực tiếp ít nhất 70% số vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(ii) 10% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty (trừ công ty hợp danh) nắm giữ trực tiếp dưới 70% nhưng ít nhất 25% số vốn cổ phần của công ty chia lãi cổ phần;

(iii) 15% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

4- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

4.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay. Trường hợp theo quy định tại luật thuế thu nhập của Đức, Cộng hoà Liên bang Đức chưa đánh thuế đối với tiền lãi từ tiền cho vay do đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được từ Đức thì giới hạn thuế suất quy định tại điểm này sẽ là 5%;

4.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức, Ngân hàng Bundesbank của Đức, tổ chức Kreditanstalt Fur Wiederaufbau hoặc tổ chức Deutsche Investitions-und Entưicklungsgesllschaft (DEG) và lãi từ tiền cho vay được trả có liên quan đến khoản tiền vay được tổ chức HERMES-Deckung bảo đảm sẽ được miễn thuế tại Việt Nam.

5- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

6- Thu nhập từ tiền dịch vụ kỹ thuật:

6.1- Đoạn b điểm 2.3 khoản 2 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

6.2- Điều 12 Hiệp định quy định việc thu thuế đối với tiền dịch vụ kỹ thuật mang tính chất quản lý, kỹ thuật hay tư vấn, phát sinh tại Việt Nam trả cho một đối tượng thực hưởng là một đối tượng cư trú tại Đức. Quy định tại Điều 12 không áp dụng đối với tiền dịch vụ kỹ thuật phát sinh tại Việt Nam trả cho một cơ sở thường trú của một công ty khác của Đức đặt tại Việt Nam.

6.3- Căn cứ khoản 2 Điều 12 Hiệp định và quy định hiện hành về thuế đối với nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam (Thông tư số 37 TC/TCT ngày 10/5/1995 của Bộ Tài chính), trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam trả tiền dịch vụ kỹ thuật cho một đối tượng thực hưởng là đối tượng cư trú của Đức, cơ quan thuế sẽ áp dụng thuế đối với tiền dịch vụ kỹ thuật theo thuế suất hiện hành (quy định tại mục II Thông tư 37 TC/TCT ngày 10/5/1995). Tuy nhiên trong trường hợp thuế suất thuế lợi tức quy định tại Việt Nam (Thông tư 37 TC/TCT) cao hơn thuế suất giới hạn là 7,5% quy định cụ thể tại điểm (b) khoản 1 Điều 12 của Hiệp định thì thuế suất giới hạn 7,5% quy định tại Hiệp định sẽ được áp dụng đối với tiền dịch vụ kỹ thuật tương ứng.

7- Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập:

(i) Điểm 9.3 khoản 9 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này;

(ii) Theo Hiệp định này, điểm 9.4 khoản 9 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

9.4- Trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của Đức, tiến hành hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập như nêu tại điểm 9.1 không phải thông qua một cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cơ quan thuế sẽ không thu thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngành nghề độc lập nói trên.

8- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Theo Hiệp định này, đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

b) Thu nhập nhận được từ công việc tại Việt Nam với giá trị không vượt quá khoản tiền tương đương 9.000 DM trong một năm dương lịch, có liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, nghiên cứu, học nghề tại Việt Nam, trong trường hợp Hiệp định có quy định cụ thể.

9- Quy định tại khoản 16 mục I của Thông tư về thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu không được áp dụng tại Hiệp định này.

 

PHỤ LỤC SỐ XXIII

HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ THỤY SĨ

(Kèm theo Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997
của Bộ Tài chính)

Mặc dù đã có những quy định tại Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ Tài chính, các quy định hướng dẫn sau đây sẽ được áp dụng trong trường hợp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng Liên bang Thuỵ Sĩ về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản có hiệu lực từ ngày 12 tháng 10 năm 1997 và được áp dụng đối với các loại thuế tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 1 năm 1998:

1- Cơ sở thường trú:

(i) Theo Hiệp định này, đoạn a điểm 3.2 khoản 3 mục I Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (kể cả văn phòng đại diện thương mại của thương nhân nước ngoài đặt tại Việt Nam trong trường hợp được uỷ quyền ký kết hợp đồng thương mại), nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí, kho thường xuyên giao nhận hàng hoá, địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(ii) Theo Hiệp định này, một tổ chức bảo hiểm là đối tượng cư trú của Thuỵ Sĩ nếu thực hiện thu phí bảo hiểm tại Việt Nam hay thực hiện bảo hiểm rủi ro tại Việt Nam thông qua một đối tượng không có tư cách độc lập, trừ trường hợp tái bảo hiểm, sẽ được coi là thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam.

2- Thu nhập từ tiền lãi cổ phần:

Theo khoản 2 Điều 10 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 5.2 khoản 5 mục II Thông tư là:

(i) 7% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty (trừ công ty hợp danh) nắm giữ trực tiếp tối thiểu 50% số vốn cổ phần của công ty trả lãi cổ phần;

(ii) 10% của tổng số tiền lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp dưới 70% nhưng tối thiểu 25% số vốn cổ phần của công ty trả lãi cổ phần;

(iii) 15% của tổng số tiền lãi cổ phần trong các trường hợp khác.

3- Thu nhập từ lãi từ tiền cho vay:

3.1- Theo khoản 2 Điều 11 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 6.2 khoản 6 mục II Thông tư là 10% của tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

3.2- Trường hợp Việt Nam đánh thuế thu nhập đối với các khoản lãi từ tiền cho vay do các tổ chức, cá nhân Việt Nam trả cho các đối tượng cư trú của nước ngoài, lãi từ tiền cho vay trả cho các cơ sở tài chính của Thuỵ Sĩ sẽ được miễn thuế tại Việt Nam nếu khoản tiền cho vay do Liên bang Thuỵ Sĩ bảo lãnh, bảo hiểm hay tài trợ.

4- Thu nhập từ tiền bản quyền:

Theo khoản 2 Điều 12 của Hiệp định này, thuế suất giới hạn nêu tại điểm 7.2 khoản 7 mục II Thông tư là 10% tổng số tiền bản quyền.

5- Thu nhập của các nghệ sĩ và vận động viên:

Điểm 12.4 khoản 12 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

6- Thu nhập của sinh viên, học sinh học nghề:

Đoạn b điểm 15.2 khoản 15 mục II Thông tư không được áp dụng tại Hiệp định này.

7- Quy định tại khoản 16 mục I của Thông tư về thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu không được áp dụng tại Hiệp định này.

8- Thu nhập khác:

Theo Hiệp định này, khoản 17 mục II Thông tư được thay thế bằng quy định như sau:

17. Theo Hiệp định này, trường hợp một đối tượng cư trú tại Thuỵ Sĩ có các khoản thu nhập khác từ Việt Nam sẽ phải nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại luật thuế của Việt Nam.

 

PHỤ LỤC XXIV

TỔNG CỤC THUẾ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

GENERAL DEPARTMENT OF TAXATION

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Cục thuế ...

Independence - Freedom - Happiness

Taxation Department of...

 

Số:

 

No:

 

GIẤY CHỨNG NHẬN
KHẤU TRỪ THUẾ DÀNH CHO ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CƯ TRÚ

NON - RESIDENT WITHHOLDING TAX DEDUCTION CERTIFICATE

Tên người có số thuế khấu trừ:

Name of person from whom tax was withheld:

Mã số đăng ký tại nước cư trú:

Tax identification number in the country of residence:

Địa chỉ:

Address:

Mô tả loại hình thu nhập:

Description of income:

Tên cơ quan khấu trừ thuế:

Name of withholding agent:

Địa chỉ:

Address:

Số thu nhập được chi trả (bằng số và bằng chữ):

Amount of income paid (in figures and in words):

Ngày chi trả thu nhập:

Date of income payment:

Số thuế phải khấu trừ (bằng số và bằng chữ):

Amount of withholding tax (in figures and in words):

Số thuế đã khấu trừ (bằng số và bằng chữ):

Amount of tax withheld (in figures and in words):

Ngày nộp thuế:

Date of tax payment:

Số thuế còn phải nộp (bằng số và bằng chữ):

Balance payable (in figures and in words):

Quy định luật có liên quan:

Relevant provisions of law:

Tôi xác nhận rằng số tiền thuế là..... đã được khấu trừ và nộp vào Ngân sách Nhà nước Việt Nam.

I hereby certify that the tax amount of..... has been withheld and paid to the state budget of Vietnam.

Ngày .... tháng... năm

Date

Ký tên

Signature

Chức vụ người ký

Position of the signer

PHỤ LỤC XXV

TỔNG CỤC THUẾ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 


 

Cục thuế

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:

 

GIẤY CHỨNG NHẬN CƯ TRÚ

Tên đối tượng:

Địa chỉ:

Thể theo Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước.... về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập, chúng tôi xác nhận rằng đối tượng nêu trên là đối tượng cư trú của Việt Nam dưới giác độ thuế theo luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phù hợp với quy định tại Hiệp định nói trên.

Ngày ... tháng ... năm

Ký tên

Chức vụ người ký

 

APPENDIX XXV

GENERAL DEPARTMENT OF TAXATION

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness

Tax Department of...

 

No:

 

RESIDENCE CERTIFICATE

Name of the person:

Address:

In compliance with the Agreement between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and the Government of... for the Avoidance of Double Taxation and the Prevention of Fiscal Evasion with respect to Taxes on Income, it is hereby certified that the above-mentioned person is, by the laws of the Socialist Republic of Vietnam and in accordance with this Agreement, a resident of Vietnam for the taxation purposes.

Date

Signature

(Position)

CÁC HIỆP ĐỊNH TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN
VIỆT NAM ĐÃ KÝ VỚI CÁC NƯỚC

Phụ lục

Tên nước

Ngày ký

Ngày hiệu lực tại Việt Nam

Ngày áp dụng

I

Thái Lan

23.12.1992

29.12.1992

1.1.1993

II

Ôxtrâylia

13. 4.1992

30.12.1992

1.1.1993

III

Pháp

10. 2.1993

1. 7.1994

1.7.1994

IV

Thuỵ Điển

24. 3.1994

8. 8.1994

1.1.1995

V

Sigapore

2. 3.1994

9. 9.1994

1.1.1995

VI

Hàn Quốc

20. 5.1994

11. 9.1994

1.1.1995

VII

Vương Quốc Anh

9. 4.1994

15.12.1994

1.1.1995

VIII

Ba Lan

31. 8.1994

28. 1.1995

1.1.1996

IX

ấn Độ

7. 9.1994

2. 2.1995

1.1.1996

X

Hung Ga Ri

26. 8.1994

30. 6.1995

1.1.1996

XI

Hà Lan

24. 1.1995

25.10.1995

1.1.1996

XII

Nhật Bản

24.10.1995

31.12.1995

1.1.1996

XIII

Nga

20. 5.1993

21. 3.1996

1.1.1997

XIV

Nauy

1. 6.1995

14. 4.1996

1.1.1997

XV

Đan Mạch

31. 5.1995

24. 4.1996

1.1.1997

XVI

Ru Ma Ni

24. 7.1995

24. 4.1996

1.1.1997

XVII

Ma Lia Xia

7. 9.1995

13. 8.1996

1.1.1997

XVIII

Udơbêki - Xtăng

28. 3.1996

16. 8.1996

1.1.1997

XIX

Lào

14. 1.1996

30. 9.1996

1.1.1997

XX

Trung Quốc

17. 5.1995

18.10.1996

1.1.1997

XXI

Ucraina

8. 4.1996

22.11.1996

1.1.1997

XXII

Đức

16.11.1995

27.12.1996

1.1.1997

XXIII

Thuỵ Sỹ

6. 5.1996

12.10.1997

1.1.1998

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Mộng Giao

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.