• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2010
BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Số: 05/TT-PC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 8 tháng 1 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN

Hướng dẫn thực hiện quy chế lưu hành kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hoá nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu ban hành kèm theo nghị định số 87/CP ngày 12 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ

Căn cứ Điều 3 Nghị định số 87/CP ngày 12 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ;

Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn cụ thể một số điểm để thực hiện quy chế "Lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; bán, cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu (gọi tắt là quy chế) như sau:

 

I. VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Sản phẩm văn hoá và hoạt động văn hoá có nội dụng đồi truỵ, khiêu dâm quy định tại điều 3 của quy chế là những sản phẩm và hoạt động trong đó có hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khiêu gợi, kích thích, dâm ô, truỵ lạc, vô luân, loạn luân trái với truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

a. Nghiêm cấm việc thể hiện trên các sản phẩm văn hoá (phim, băng đĩa hình, băng đĩa âm thanh, sách, báo, lịch, tranh, ảnh, áp phích, cổ động, quảng cáo...) các nội dung như sau:

Miêu tả hành động tình dục giữa người với người, giữa người với súc vật dưới mọi hình thức.

Miêu tả hành động thủ dâm hoặc bộ phận sinh dục.

Miêu tả khoả thân kích thích dâm ô.

b. Nghiêm cấm việc thể hiện trong các hoạt động nghệ thuật, khiêu vũ, hát karaokê và những sinh hoạt văn hoá công cộng khác những nội dung như sau:

Miêu tả hành động tình dục hoặc bộ phận sinh dục.

Khoả thân kích thích dâm ô.

c. Trường hợp cần thể hiện hành động tình dục hoặc khoả thân trong phim, băng đĩa hình theo yêu cầu chủ đề tác phẩm, mang tính nhân bản thì được phép thể hiện xa, mờ, thoáng qua và phải được tổ chức giám định của Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Sở Văn hoá - Thông tin cho phép.

Trường hợp sử dụng người mẫu khoả thân, giáo cụ hoặc hình ảnh khoả thân, mô tả bộ phận sinh dục phục vụ cho việc giảng dạy, hoặc học tập của các trường Y khoa hoặc trường Mỹ thuật có quy định riêng.

2. Sản phẩm văn hoá và hoạt động văn hoá có nội dung kích thích bạo lực quy định tại Điều 3 quy chế là sản phẩm văn hoá và hoạt động văn hoá trong đó có hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động miêu tả cảnh đánh giết người dã man, tra tấn ghê rợn và những hành động khác xúc phạm đến tính mạng và nhân phẩm con người, tàn nhẫn đối với súc vật, trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, không nhằm tố cáo tội ác, bảo vệ chính nghĩa.

a. Nghiêm cấm việc miêu tả, thể hiện trên phim, băng đĩa hình, băng đĩa âm thanh, sách, báo, tranh, ảnh, trên sân khấu, các nội dung sau:

Mô tả cảnh đầu rơi, máu chảy, cắt chặt từng bộ phận cơ thể con người.

Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo.

Mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị quằn quại đau đớn của con người.

Mô tả cảnh thoả mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác.

Mô tả các hành động tội ác khác.

b. Trường hợp cần nêu những cảnh ghi ở điểm a khoản 2 nhằm tố cáo tội ác, đề cao chính nghĩa thì được phép thể hiện xa, mờ, thoáng qua và phải được tổ chức giám định của Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Sở Văn hoá - Thông tin cho phép.

 

II. LƯU HÀNH, KINH DOANH PHIM, BĂNG ĐĨA HÌNH

Điều 2.

1. Giấy phép lưu hành băng, đĩa hình do Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Sở Văn hoá - Thông tin cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 4 quy chế có giá trị trong cả nước.

Trường hợp băng, đĩa hình đã được phép lưu hành nhưng không phù hợp với thực tế ở địa phương, Sở Văn hoá - Thông tin sở tại được quyền tạm hoãn lưu hành và báo cáo Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định.

2. Những đơn vị được nhân bản và được cấp nhãn để gián trên băng hình quy định tại khoản 5 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 quy chế bao gồm:

a. Hãng sản xuất phim;

b. Công ty xuất nhập khẩu và phát hành phim Việt Nam (Fafim Việt Nam); các công ty hoặc trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

c. Các cơ sở được cấp giấy phép sản xuất băng hình ca nhạc, băng hình karaokê, thể thao, mốt thời trang, giáo khoa, dạy ngoại ngữ; d. Các đơn vị được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép sản xuất nhất thời băng hình;

đ. Các nhà xuất bản có sản xuất băng hình thay sách hoặc kèm theo sách; Đối với nhãn băng hình thay sách hoặc kèm theo sách thực hiện theo Luật xuất bản.

e. Các đơn vị sản xuất băng hình có nội dung chuyên ngành khi phổ biến sản xuất rộng rãi phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 Điều 4 quy chế và làm thủ tục dán nhãn theo quy định hiện hành.

3. Nhãn dán trên băng hình do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hoá - Thông tin) thống nhất phát hành cho các chủ sở hữu bản quyền tác phẩm. Chỉ có dán nhãn của Cục Điện ảnh thì băng hình mới được phép lưu hành.

Giá nhãn bao gồm tiền bản quyền theo sự thoả thuận giữa bên mua và bên bán và chi phí phát hành nhãn. Trường hợp bên mua mua đứt một phần hay toàn bộ bản quyền để phát hành trên phạm vi toàn quốc hay khu vực, thì hai bên sẽ thoả thuận số nhãn kèm theo trên cơ sở hợp đồng kinh tế cụ thể.

4. Đơn vị được cấp nhãn phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng nhãn được cấp. Nhãn cấp cho băng hình nào chỉ được sử dụng cho băng hình đó. Trên nhãn phải ghi đầy đủ các đề mục đã in.

5. Khi bán bản quyền băng hình cho đơn vị hoặc cá nhân khác, đơn vị được cấp nhãn phải cung cấp đủ số lượng nhãn đã ghi trên băng hình theo thoả thuận mà hai bên đã ký kết.

Điều 3.

Điều kiện và thủ tục nhân bản băng đĩa hình để kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 5 quy chế được cụ thể như sau:

a. Điều kiện:

Có cơ sở vật chất bảo đảm băng hình được nhân bản để phổ biến phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về hình và tiếng theo tiêu chuẩn "băng chuẩn video" ban hành kèm theo Quyết định số 103 QĐ/ĐA ngày 18-1-1991 của Bộ Văn hoá - Thông tin.

Có kỹ thuật viên được cấp chứng chỉ trình độ từ trung cấp trở lên về điện tử, video;

Có ký hiệu riêng đăng ký tại Cục Điện ảnh để in trên băng đã được nhân bản.

b. Thủ tục:

Phải có hồ sơ gửi Cục Điện ảnh. Hồ sơ gồm có:

- Đơn xin phép do Giám đốc đơn vị ký tên đóng dấu. Nếu là đơn vị thuộc quyền quản lý của địa phương phải có văn bản đề nghị của Sở Văn hoá - Thông tin sở tại. Trong đơn phải ghi rõ: tên đơn vị xin phép, địa điểm hoạt động nhân bản băng hình, cam kết không vi phạm quy định về phổ biến, kinh doanh băng hình và quy định về quyền tác giả.

Bản kê khai cơ sở vật chất kỹ thuật để hoạt động nhân bản băng đĩa hình.

Danh sách kỹ thuật viên kèm theo bản sao chứng chỉ (có công chứng) về điện tử video.

Bản đăng ký ký hiệu riêng trên băng của đơn vị.

c. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Điện ảnh xét cấp giấy phép hành nghề, nếu từ chối phải có văn bản trả lời.

d. Đơn vị nhân bản băng hình để kinh doanh chỉ được hoạt động sau khi có giấy phép của Cục Điện ảnh và hoàn thành các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của Pháp Luật.

Điều 4.

1. Thủ tục mở cửa hàng băng hình quy định tại khoản 2 Điều 8 quy chế được cụ thể như sau:

Đơn vị có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 của quy chế muốn mở cửa hàng băng hình phải có đơn gửi Sở Văn hoá - Thông tin sở tại, trong đơn ghi rõ tên người phụ trách cửa hàng. Nếu người phụ trách cửa hàng là nhân viên hợp đồng phải có hợp đồng lao động kèm theo. Kèm theo đơn phải có phải có giấy xác nhận địa điểm mở cửa hàng của Uỷ ban nhân dân phường, xã sở tại.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở Văn hoá - Thông tin phải cấp giấy phép hoạt động. Nếu từ chối phải có văn bản trả lời.

2. Các cửa hàng đại lý bán và cho thuê băng hình đã được phép hoạt động trước khi ban hành quy chế, nếu có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 quy chế này muốn tiếp tục hoạt động phải làm thủ tục chuyển thành cửa hàng băng hình của các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều 5 quy chế.

Điều 5.

Thủ tục xin cấp giấy phép hành nghề chiếu phim băng đĩa hình quy định tại Điều 9 quy chế được cụ thể như sau:

1. Tổ chức, cá nhân kể cả nhà hàng ăn uống, quán cà phê, giải khát muốn chiếu phim, băng hình để kinh doanh hoặc thu hút khách phải có đơn gửi Sở Văn hoá - Thông tin sở tại. Trong đơn ghi rõ:

Tên tổ chức, cá nhân xin phép.

Tên gọi, địa chỉ điểm chiếu phim, băng hình.

Số lượng phòng khán giả, diện tích và số ghế mỗi phòng.

Đảm bảo nơi chiếu phim, băng đĩa hình là một điểm hoạt động văn hoá sạch, đẹp.

Cam kết không vi phạm quy định về lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình.

2. Kèm theo đơn phải có các văn bản xác nhận về quyền sử dụng nhà, đất.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Sở Văn hoá - Thông tin xét cấp giấy phép hành nghề, trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời.

4. Tổ chức, cá nhân chỉ được hoạt động kinh doanh chiếu phim, băng đĩa hình sau khi có giấy phép của Sở Văn hoá Thông tin sở tại và hoàn thành các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của Pháp luật.

 

III. LƯU HÀNH, KINH DOANH BĂNG ĐĨA NHẠC

Điều 6.

Điều kiện và thủ tục nhân bản băng đĩa nhạc để kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 14 quy chế được cụ thể như sau:

1. Điều kiện:

Có cơ sở vật chất thiết bị chuyên dùng để nhân bản băng đĩa nhạc.

Kỹ thuật viên vận hành thiết bị có chứng chỉ về điện tử, âm thanh do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.

2. Thủ tục:

Có đơn xin cấp giấy phép hành nghề gửi Sở Văn hoá - Thông tin sở tại trong đơn ghi rõ: Tên đơn vị xin phép; địa điểm nhân bản băng đĩa nhạc; danh sách kỹ thuật viên; cam kết không nhân bản băng đĩa nhạc cấm phổ biến và không vi phạm quy định về quyền tác giả.

Sau khi có giấy phép hành nghề, phải thực hiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh theo quy định của Pháp luật.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở Văn hoá - Thông tin xét cấp giấy phép hành nghề, trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời.

Điều 7.

1. Các bản nhạc sáng tác trước cách mạng và trước năm 1975 dưới chế độ nguỵ quyền Sài Gòn được phép phổ biến bao gồm:

a. Các bản nhạc, bài ca được ghi trong Danh mục những bài hát được phép sử dụng tại các văn bản sau đây:

Thông báo số 1 - Văn bản số 135/ANM ngày 15-10-1989 của Cục —m nhạc và Múa.

Thông báo số 2 - Văn bản số 1435/VH-TB ngày 10-8-1991 của Bộ Văn hoá - Thông tin Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hoá - Thông tin).

Thông báo số 3 - Văn bản số 256 ngày 28-1-1992 của Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hoá - Thông tin).

Thông báo số 4 - Văn bản số 2168/VH-TB ngày 18-7-1992 của Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hoá - Thông tin).

Thông báo số 5 - Văn bản số 453/VHTT-TB ngày 28-2-1995 của Bộ Văn hoá - Thông tin.

b. Các bản nhạc, bài ca đã được Sở Văn hoá - Thông tin cho phép phổ biến.

c. Các bản nhạc, bài ca đã được đài phát thanh, truyền hình phát sóng; các nhà xuất bản, các cơ sở sản xuất băng đĩa nhạc hợp pháp phát hành; được đăng trên các báo, tạp chí; sử dụng trong các phim đã được phép phổ biến; sử dụng trong các chương trình nghệ thuật được phép công diễn.

d. Các bản nhạc, bài ca khác được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép phổ biến.

2. Cấm lưu hành các loại băng đĩa nhạc sản xuất hoặc nhập khẩu từ nước ngoài mà chưa được Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Sở Văn hoá - Thông tin cho phép lưu hành.

 

IV. HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ VÀ DỊCH VỤ VĂN HOÁ NƠI CÔNG CỘNG

Điều 8.

Tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh hoạt động văn hoá công cộng quy định tại khoản 2 Điều 18 quy chế phải có hồ sơ gửi Sở Văn hoá - Thông tin sở tại xin cấp giấy phép hành nghề.

Hồ sơ gồm có:

1. Đơn xin phép, trong đơn ghi rõ:

Họ tên, năm sinh

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú

Nghề nghiệp

Nội dung xin kinh doanh

Địa điểm, diện tích sử dụng để kinh doanh.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích kinh doanh.

3. Bản kê khai phương tiện, thiết bị chuyên dùng.

4. Chứng chỉ trình độ chuyên môn của người vận hành thiết bị.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở Văn hoá - Thông tin xem xét và cấp giấy phép hành nghề, trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời.

Sau khi có giấy phép hành nghề phải thực hiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh theo quy định của Pháp luật.

Điều 9.

Hoạt động văn hoá phục vụ nội bộ quy định tại khoản 2 Điều 19 quy chế là những hoạt động văn hoá phục vụ cán bộ công nhân viên chức trong nội bộ ngành, cơ quan, đơn vị, không thu tiền.

Trường hợp tổ chức hoạt động văn hoá nhằm mục đích từ thiện có thu tiền hoặc quyên góp phải được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Văn hoá - Thông tin sở tại cấp phép.

Riêng việc tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng phải tuân theo quy chế về "Hội diễn nghệ thuật quần chúng" do Bộ Văn hoá ban hành kèm theo Quyết định số 165/VH-QĐ ngày 18 tháng 8 năm 1987.

Điều 10.

Việc duyệt, cấp giấy phép công diễn đối với các vở diễn sân khấu, các chương trình ca múa nhạc quy định tại khoản 3 Điều 21 quy chế được phân cấp như sau:

1. Cục Nghệ thuật biểu diễn duyệt và cấp giấy phép công diễn đối với các đơn vị nghệ thuật của Trung ương.

2. Sở Văn hoá - Thông tin duyệt và cấp giấy phép công diễn đối với các đơn vị nghệ thuật do địa phương quản lý.

Giấy phép công diễn của Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở Văn hoá - Thông tin có giá trị trong phạm vi cả nước.

Trường hợp vở diễn đã được phép công diễn nhưng không phù hợp với thực tế ở địa phương thì Sở Văn hoá - Thông tin sở tại được quyền tạm hoãn công diễn và báo cáo Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định.

Điều 11.

Việc sử dụng các bản nhạc, bài hát trong vũ trường, trong phòng karaokê thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 của Thông tư này. Danh mục các bài hát trong phòng karaokê phải được Sở Văn hoá - Thông tin ký xác nhận và đóng dấu trên từng trang.

 

V. BÁN SÁCH, BÁO, TRANH, ẢNH, LỊCH VÀ CHO THUÊ SÁCH

Điều 12.

Sách xuất bản trái phép quy định tại khoản 2 Điều 26 quy chế là những tên sách (kể cả bản phôtôcoppy) vi phạm một trong các quy định sau đây:

1. Không được Cục Xuất bản chấp nhận đăng ký trong kế hoạch xuất bản của các nhà xuất bản.

2. Không được Cục xuất bản hoặc Sở Văn hoá - Thông tin sở tại cấp giấy phép xuất bản.

Điều 13.

Sách nhập khẩu trái phép quy định tại khoản 2 Điều 26 quy chế là những tên sách in tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam kể cả bản phôtôcoppy mà không được Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Sở Văn hoá - Thông tin cho phép.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 14.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu phát hiện có những quy định chưa hợp lý, yêu cầu các Sở Văn hoá - Thông tin, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Văn hoá - Thông tin để nghiên cứu sửa đổi.

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Trần Hoàn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.