• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 16/12/2013
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 79/2007/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hòa Bình, ngày 6 tháng 7 năm 2007

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thủ tục thu, nộp tiền phạt quản lý và sử dụng tiền thu

từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 62/2006/NĐ-CP ngày 21/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải;

Sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải như sau:

I. THU, NỘP TIỀN PHẠT, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG BIÊN LAI THU

TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI

1. Việc thu, nộp tiền phạt và quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 6/10/2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính và quy định tại Phần A, khoản 1 Phần B Mục II Thông tư số 47/2006/TT-BTC ngày 31/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 124/2005/NĐ-CP.

Toàn bộ tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được để lại 100% cho ngân sách địa phương để sử dụng cho mục đích bảo đảm an toàn hàng hải và nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản 741, chương 021, loại 09, khoản 3, mục 051, tiểu mục 02.

2. Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền có trách nhiệm nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước (trừ trường hợp thu tiền phạt trực tiếp theo quy định) ghi trong quyết định xử phạt. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể nộp tiền phạt bằng ngoại tệ chuyển đổi theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Bộ Tài chính quy định tại thời điểm nộp tiền phạt. Thời hạn nộp tiền phạt không quá 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

II. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ XỬ PHẠT

VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI

1. Việc phân bổ tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được thực hiện như sau:

- Trích 20% đưa vào cân đối chung của ngân sách địa phương.

- Trích 5% cho Kho bạc Nhà nước để phục vụ cho việc tổ chức thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

- Phần còn lại được cấp lại cho Cảng vụ hàng hải để sử dụng vào mục đích bảo đảm trật tự an toàn hàng hải tại địa phương.

2. Đối với nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính cấp lại cho Cảng vụ hàng hải, được sử dụng chi cho các nội dung sau:

- Chi mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn hàng hải. Việc mua sắm trang thiết bị thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành.

- Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình hàng hải và an toàn hàng hải.

- Chi cho công tác tổ chức đoàn kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực hàng hải:

- Chi bồi dưỡng cho lực lượng thường xuyên tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn hàng hải, mức chi không quá 700.000đồng/người/tháng.

- Chi thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn.

- Chi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ Thanh tra hàng hải, cán bộ, nhân viên của Cảng vụ hàng hải trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự an toàn hàng hải.

- Chi sơ kết, tổng kết, khen thưởng công tác bảo đảm trật tự an toàn hàng hải theo quy định.

- Chi sửa chữa phương tiện, xăng dầu phục vụ tuần tra, kiểm soát

- Chi thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, in ấn tài liệu phục vụ cho việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

- Chi khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn hàng hải.

Mức chi cho các nội dung nêu trên được thực hiện theo tiêu chuẩn, chế độ, định mức do nhà nước quy định, đối với những nội dung chưa quy định mức chi thì Thủ trưởng đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

III. LẬP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN

TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI

Việc lập kế hoạch sử dụng và quyết toán tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được thực hiện như sau:

- Các đối tượng được thụ hưởng tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải theo quy định tại Thông tư này, căn cứ vào tình hình sử dụng tiền thu phạt của năm trước và dự kiến thu phạt trong năm để lập kế hoạch sử dụng theo chế độ quy định gửi Sở Tài chính nơi phát sinh nguồn thu phạt vi phạm hành chính để thẩm định, tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định kế hoạch chi từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính.

- Hàng tháng, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Tài chính về số tiền thu của địa phương từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải của tháng trước. Căn cứ số tiền phạt thu được trong lĩnh vực hàng hải do Kho bạc Nhà nước thông báo, Sở Tài chính phân bổ, cấp phát kịp thời kinh phí cho đối tượng thụ hưởng theo tỷ lệ quy định. Cuối năm, các đơn vị thụ hưởng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải làm quyết toán gửi Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Số tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải sử dụng không hết trong năm được chuyển sang năm sau sử dụng cho công tác bảo đảm trật tự an toàn hàng hải.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Thông tư số 60/2000/TT-BTC ngày 20/6/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải. Những quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải trước đây trái với quy định của Thông tư này đều bị bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Tá

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.