• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/07/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 26/09/2024
UBND TỈNH HÒA BÌNH
Số: 12/2013/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hòa Bình, ngày 9 tháng 7 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy định tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh vận

chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai

bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh

_________________________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Bùi Văn Tỉnh

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

Về tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh

và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh

(Ban hành kèm theo Quyết định số:12 /2013/QĐ-UBND

Ngày 09 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình)

_____________________________

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định cụ thể về tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh trong Quy định này được hiểu như sau:

a) Xe gắn máy (kể cả xe máy điện) là xe cơ giới có hai bánh di chuyển bằng động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không vượt quá 50km/h, có dung tích làm việc dưới 50 cm3.

b) Xe mô tô hai bánh là xe cơ giới có hai bánh di chuyển bằng động cơ, có dung tích làm việc từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất trên 50km/h, có khối lượng bản thân tối đa là 400kg và không quá hai chỗ ngồi (kể cả ghế người lái).

c) Xe mô tô ba bánh là xe cơ giới có ba bánh, di chuyển bằng động cơ, có dung tích làm việc từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất trên 50km/h, có khối lượng bản thân tối đa là 400kg, được thiết kế để chở hàng, chở người.

2. Xe thô sơ trong Quy định này bao gồm những loại xe không di chuyển bằng sức động cơ như: Xe đạp (kể cả xe đạp máy, xe đạp điện), xe xích lô, xe súc vật kéo (không bao gồm các loại xe kéo, xe đẩy dùng bán hàng rong).

3. Các loại xe tương tự trong Quy định này là các loại xe có cấu tạo, tính năng và công dụng gần giống các loại xe nêu trên.

4. Kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa theo yêu cầu có thu tiền.

5. Điểm đỗ xe là nơi được đỗ xe chờ đón khách, nhận chở hàng hóa hoặc đậu đỗ trong thời gian ngừng vận hành.

6. Người hành nghề là người sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Hình thức tổ chức hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa

1. Khuyến khích người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự thành lập các tổ chức như: Tổ tự quản; đội tự quản; hợp tác xã vận tải; nghiệp đoàn vận tải.

2. Việc thành lập các tổ chức theo Khoản 1, Điều này phải đảm bảo thực hiện đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Quy định về phương tiện kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa

1. Xe thô sơ đúng kiểu loại theo thiết kế của nhà sản xuất phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn kỹ thuật, cụ thể:

a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực.

b) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực.

c) Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu: Có đèn hoặc lắp đặt các tấm phản quang để nhận biết.

d) Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định, an toàn.

2. Riêng đối với xe súc vật kéo ngoài những quy định tại Khoản 1, Điều này phải đảm bảo các tiêu chuẩn:

a) Thân vỏ, thùng bệ: Không mục mọt, không bị thủng, rách, các mối nối thanh liên kết với khung xe phải đảm bảo chắc chắn; xe chở người phải có khung che mưa, che nắng.

b) Ghế ngồi phải định vị chắc chắn, vị trí thuận tiện cho người điều khiển.

c) Bánh xe phải trên cùng một trục đồng bộ về kích cỡ; không bị mòn, phồng rộp.

d) Phải có dụng cụ chèn bánh khi xe dừng, đỗ.

đ) Phải có chuông đảm bảo hoạt động tốt.

e) Khi kinh doanh vận chuyển, hành khách, hàng hóa phải gắn biển “XE CHỞ KHÁCH” hoặc “XE CHỞ HÀNG” ở đằng trước, đằng sau hoặc ở hai bên thành xe để dễ nhận biết và phân biệt với các phương tiện tương tự khác tham gia giao thông (theo mẫu tại Phụ lục I).

3. Xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự đúng kiểu loại đã được cấp Giấy đăng ký và gắn biển số do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp, được phép tham gia giao thông phải bảo đảm về chất lượng, an toàn kỹ thuật theo quy định tại Khoản 2, Điều 53, Luật Giao thông đường bộ.

Điều 6. Quy định đối với người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa

1. Đối với người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 58, Luật Giao thông đường bộ.

2. Đối với người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ:

a) Phải đủ 18 tuổi trở lên, có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn;

b) Hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ;

3. Ngoài các loại giấy tờ mang theo theo quy định của pháp luật thì người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự phải mang theo:

a) Giấy chứng minh thư nhân dân.

b) Đeo biển hiệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp khi hành nghề.

Điều 7. Hoạt động vận chuyển

1. Phạm vi và thời gian hoạt động

a) Người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự được phép hoạt động ở những khu vực, tuyến đường không bị cấm trên địa bàn tỉnh.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định cụ thể phạm vi, thời gian hoạt động của xe súc vật kéo trong khu vực nội thành, nội thị.

c) Khi người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động trên địa bàn của các tỉnh, thành phố khác thì phải tuân theo những quy định của tỉnh, thành phố đó.

2. Điểm dừng, đỗ đón hành khách, hàng hóa

a) Điểm dừng, đỗ đón hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự phải đảm bảo các quy định về trật tự an toàn giao thông, an toàn về phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố sau khi thống nhất với Sở Giao thông vận tải, quyết định công bố các điểm dừng, đỗ đón hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại các địa điểm công cộng trên địa bàn quản lý.

c) Tại các bến xe trên địa bàn tỉnh phải dành diện tích đỗ xe phù hợp với quy chuẩn của từng loại bến xe theo quy định của pháp luật.

3. Giá cước vận tải

a) Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hoá phải kê khai và đăng ký giá cước trong Giấy đăng ký hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa với chính quyền địa phương (nơi đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hộ khẩu thường trú) để quản lý và đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

b) Trong trường hợp tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hoá có sự điều chỉnh về giá cước vận tải phải đăng ký kê khai lại giá cước với cơ quan quản lý (nơi đăng ký giá cước lần đầu).

Điều 8. Quy định về biển hiệu

1. Hồ sơ đề nghị cấp biển hiệu

a) Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ:

- Giấy đăng ký hoạt động kinh doanh (đối với tổ chức theo mẫu tại Phụ lục II, đối với cá nhân theo mẫu tại Phụ lục III);

- Xuất trình hộ khẩu thường trú hoặc giấy tạm trú tại địa phương để kiểm tra, đối chiếu;

 - Bản phô tô chứng minh thư nhân dân;

- 03 ảnh cỡ 3x4.

b) Hồ sơ đề nghị cấp biển hiệu của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự ngoài những quy định tại Khoản 1, Điều này cần bổ sung bản phô tô có chứng thực các loại giấy tờ sau:

- Đăng ký xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của phương tiện;

- Giấy phép lái xe theo quy định;

2. Trình tự, thời gian cấp mới, cấp lại biển hiệu

a) Cá nhân hoặc người đại diện của tổ tự quản, đội tự quản, hợp tác xã vận tải, nghiệp đoàn vận tải nộp hồ sơ đề nghị cấp biển hiệu trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký kinh doanh).

b) Đối với biển biệu bị mờ, rách, hỏng, mất, người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa có nhu cầu xin cấp lại đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cấp biển hiệu đề nghị được cấp lại biển hiệu (theo mẫu tại Phụ lục IV).

c) Thời gian cấp mới, cấp lại biển hiệu hoạt động là 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (trừ các ngày nghỉ thứ bẩy, chủ nhật, lễ, tết). Trường hợp hồ sơ chưa đủ hoặc không hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải trả lời ngay và nêu rõ lý do, yêu cầu bổ sung hồ sơ theo quy định.

d) Biển hiệu cấp mới, cấp lại có giá trị không thời hạn.

đ) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ biển hiệu trước khi cấp biển hiệu mới, lưu trữ trong thời gian 60 ngày.

3. Thu hồi biển hiệu

a) Cơ quan cấp biển hiệu có trách nhiệm thu hồi biển hiệu hoạt động khi người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự vi phạm các quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều này.

b) Người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự bị thu hồi biển hiệu hoạt động vĩnh viễn khi vi phạm một trong các trường hợp sau:

- Thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông từ 03 lần/tháng trở lên;

- Có hành vi gây rối trật tự công cộng;

- Vi phạm quy định về việc đỗ phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa không đúng điểm đỗ đã đăng ký với chính quyền địa phương từ 03 lần/tháng;

- Có hành vi gian lận trong việc tính cước và thu không đúng mức giá cước đã đăng ký;

- Sử dụng biển hiệu không đúng quy định hoặc cố ý làm sai lệch các thông tin được ghi trên biển hiệu đã cấp;

- Chở hàng hóa mà pháp luật cấm lưu thông.

c) Đối với người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bị thu hồi biển hiệu hoạt động theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều này không được phép điều khiển phương tiện kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng loại hình phương tiện đã đăng ký và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.

d) Sau thời hạn 60 ngày (kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển hiệu), nếu có nhu cầu tiếp tục hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa thì người bị thu hồi biển hiệu hoạt động phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mới biển hiệu theo quy định tại Khoản 1, Điều này.

            Điều 9. In biển hiệu hoạt động

1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức in biển hiệu và cấp phát cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo nhu cầu đăng ký của từng địa phương (theo mẫu tại Phụ lục V).

2. Kinh phí in ấn biển hiệu được trích từ nguồn ngân sách tỉnh hằng năm được phân bổ cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa

1. Người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa có các quyền sau đây:

a) Được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng khi hành nghề theo quy định của pháp luật.

b) Thu giá cước vận tải theo đúng giá cước đã kê khai, đăng ký.

c) Từ chối vận chuyển đối với những hành khách có hành vi gây rối trật tự công cộng làm ảnh hưởng đến trật tự hoạt động vận tải.

d) Yêu cầu người thuê vận chuyển hàng hóa cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó. Được từ chối vận chuyển đối với trường hợp người thuê vận chuyển không cung cấp thông tin về hàng hóa.

2. Người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đảm bảo an ninh trật tự xã hội và vệ sinh môi trường.

b) Kiểm tra các điều kiện của phương tiện đảm bảo an toàn trước khi khởi hành.

c) Khi hành nghề phải đeo biển hiệu và mặc đồng phục (nếu có) theo quy định.

d) Có thái độ văn minh, lịch sự đối với hành khách, chủ hàng hóa.

đ) Phải có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách, chủ hàng hóa.

e) Không được chở hàng hóa mà pháp luật cấm lưu thông.

f) Thực hiện đầy đủ cam kết về chất lượng vận tải, hợp đồng vận tải.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của hành khách

1. Hành khách có các quyền sau đây:

a) Được cung cấp các dịnh vụ vận tải đảm bảo chất lượng theo cam kết.

b) Được quyền lựa chọn phương tiện và dịch vụ vận tải trước khi khởi hành; được quyền từ chối chuyến đi khi người hành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và cung cấp đầy đủ dịch vụ vận tải như đã cam kết.

2. Hành khách có các nghĩa vụ sau đây:

a) Phải thanh toán đầy đủ giá cước vận tải theo đúng cam kết.

b) Thực hiện đúng hướng dẫn của người hành nghề kinh doanh vận chuyển về các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

c) Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa cho người hành nghề kinh doanh vận chuyển.

d) Không mang theo hành lý, hàng hóa mà pháp luật cấm lưu thông.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

VÀ TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN

Điều 12. Sở Giao thông vận tải

1. Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh.

2. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức quản lý hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự theo quy định.

3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thống nhất các điểm dừng, đỗ đón hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh.

4. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa theo quy định hiện hành.

5. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình kinh doanh và những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để xem xét, giải quyết.

Điều 13. Công an tỉnh

Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố và công an xã, phường, thị trấn kiểm tra hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Sở Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ ngân sách tỉnh hằng năm phục vụ công tác in ấn phôi biển hiệu hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa.

2. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí được cấp theo đúng quy định hiện hành.

Điều 15. Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quy định này trên các phương tiện thông tin truyền thông đến các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Điều 16. Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện, thành phố

Hướng dẫn các thủ tục thành lập nghiệp đoàn khi các cá nhân có cùng ngành nghề vận chuyển khách, vận chuyển hàng hoá có nhu cầu và tổ chức quản lý theo quy định.

Điều 17. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Căn cứ tình hình thực tế quyết định công bố và lắp đặt các biển báo tại các điểm dừng, đỗ xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn quản lý.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền và quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.

3. Tổng hợp, báo cáo tình hình tổ chức hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn theo quy định.

4. Căn cứ nhu cầu thực tế về tình hình hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn, định kỳ vào ngày 25 tháng 11 hằng năm xây dựng dự trù kinh phí in ấn biển hiệu hoạt động trình Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai cho năm tiếp theo.

Điều 18. Ủy ban nhân các xã, phường, thị trấn

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quy định này đến các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn quản lý.

2. Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố công bố và trực tiếp quản lý các điểm dừng, đỗ xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn quản lý.

3. Cấp, đổi biển hiệu hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn theo quy định.

4. Kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Chế độ báo cáo

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự (theo mẫu báo cáo tại Phụ lục VI), gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định, cụ thể:

a) Báo cáo quý, trước ngày 15 của tháng đầu tiên quý sau.

b) Đối với báo cáo 6 tháng, gửi trước ngày 15 tháng 6 hằng năm.

c) Đối với báo cáo năm, gửi trước ngày 15 tháng 11 hằng năm.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.

Điều 21. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc, phát sinh các cơ quan, đơn vị phản ảnh kịp thời về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Bùi Văn Tỉnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.