• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2014
BỘ TƯ PHÁP
Số: 11/2014/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 17 tháng 4 năm 2014

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Bình đng giới ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người ngày 29 tháng 3 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 ca Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một sđiều của Luật Trợ giúp pháp và Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đi, bsung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới;

Căn cứ Nghị định s48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định vcác biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;

Căn cứ Nghị định s22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyn hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Theo đnghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định vbảo đảm bình đng giới trong trợ giúp pháp lý.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý, bao gồm: mục tiêu, nguyên tắc, bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý.

3. Người được trợ giúp pháp lý.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.

5. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là tổ chức chủ quản của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý).

Điều 3. Mục tiêu

1. Bảo đảm cơ hội bình đẳng giữa nam và nữ trong tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.

2. Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng thực chất giữa nam và nữ trong trợ giúp pháp lý.

3. Thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam và nữ trong thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý và trong giám sát việc thực hiện bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện

1. Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý và các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới.

2. Không định kiến giới, không cản trở hoặc ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận bình đẳng trong hoạt động trợ giúp pháp lý của nam và nữ trên thực tế.

3. Mọi hành vi phân biệt đối xử về giới trong trợ giúp pháp lý khi phát hiện phải được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, công khai và đúng pháp luật.

4. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

Điều 5. Đánh giá, kiểm tra bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đánh giá và báo cáo kết quả hàng năm, đột xuất hoặc theo chuyên đề về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý. Nội dung đánh giá và báo cáo kết quả bao gồm:

a) Kết quả thực hiện bảo đảm bình đẳng giới trong cơ cấu tổ chức, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý và trong hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định tại Chương II và Chương III của Thông tư này;

b) Phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; những tác động tích cực, tiêu cực và đề xuất các giải pháp để bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.

2. Việc kiểm tra về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý được thực hiện lồng ghép trong chương trình kiểm tra hàng năm, đột xuất hoặc theo chuyên đề của cơ quan, đơn vị.

Chương 2.

BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 6. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phân công đơn vị hoặc cán bộ làm đầu mối tham mưu thực hiện bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.

2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức mình, bảo đảm về cơ cấu giới tính giữa nam và nữ trong các chức danh lãnh đạo, quản lý (Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng, Phó Phòng, Ban chuyên môn, Chi nhánh), trong đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý (Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật) và người lao động khác.

3. Việc xây dựng, phát triển đội ngũ cộng tác viên phải bảo đảm cơ cấu giới tính giữa nam và nữ theo địa bàn, lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý, phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn ở địa phương. Khuyến khích và tạo điều kiện để phụ nữ là người dân tộc thiểu số, người có kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, về phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục tham gia làm cộng tác viên.

Điều 7. Bảo đảm bình đẳng giới trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Hàng năm, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lồng ghép việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, về phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý.

2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bảo đảm sự tham gia bình đẳng của nam và nữ trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; ưu tiên cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia bồi dưỡng, tập huấn về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, về phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục. Trong trường hợp nữ giới có điều kiện, tiêu chuẩn ngang bằng như nam giới mà tỉ lệ nữ đang thấp thì ưu tiên chọn nữ giới.

3. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tạo điều kiện về thời gian, bố trí công việc phù hợp để người thực hiện trợ giúp pháp lý là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi tham gia hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý.

Chương 3.

BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 8. Xác định, phân tích vấn đề giới

1. Khi xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch trợ giúp pháp lý hàng năm hoặc triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm xác định, phân tích vấn đề giới và đề ra các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.

2. Nội dung xác định, phân tích vấn đề giới trong trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Phân tích cơ cấu nam, nữ trong đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý và chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý;

b) Phân tích cơ cấu nam, nữ trong tổng số vụ việc, tổng số người được trợ giúp pháp lý và trong các vụ việc quy định tại Điều 12 Thông tư này;

c) Phân tích khả năng dẫn đến bất bình đẳng giới, sự phân biệt đối xử về giới trong trợ giúp pháp lý hoặc những hoạt động cản trở việc thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của nam và nữ (nếu có);

d) Xác định vấn đề giới, nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng giới, sự phân biệt đối xử về giới trong trợ giúp pháp lý hoặc những hoạt động cản trở việc thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của nam và nữ.

Điều 9. Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý

1. Căn cứ kết quả xác định, phân tích vấn đề giới theo quy định tại Điều 8 Thông tư này, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý xây dựng và thực hiện Kế hoạch bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý thông qua việc lồng ghép trong Kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý hàng năm và các chương trình, kế hoạch khác.

2. Nội dung lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện Kế hoạch bao gồm:

a) Công tác thông tin, truyền thông về quyền của người được trợ giúp pháp lý liên quan đến bình đẳng giới; về phòng, chống bạo lực gia đình; về phòng, chống nạn mua bán người; phòng, chống xâm hại tình dục;

b) Xây dựng cơ cấu tổ chức và đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với quy định tại Điều 6 Thông tư này;

c) Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức mình;

d) Thu hút sự tham gia của cả nam và nữ trong việc xây dựng Kế hoạch trợ giúp pháp lý và trong việc theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch đó;

đ) Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý phù hợp với đặc điểm của tổ chức mình;

e) Xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; sự phối hợp giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện và nguồn lực bảo đảm thực hiện Kế hoạch sau khi được phê duyệt.

Điều 10. Bảo đảm sự tham gia bình đẳng của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện vụ việc quy định tại Điều 12 Thông tư này phù hợp với nhu cầu của người được trợ giúp pháp lý và khả năng của tổ chức mình.

2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý công khai danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức mình để người được trợ giúp pháp lý thực hiện quyền lựa chọn, thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý. Danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thể hiện rõ giới tính, lĩnh vực chuyên môn và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn được giao.

3. Người thực hiện trợ giúp pháp lý là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được bố trí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phù hợp với khả năng và điều kiện của họ. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong quá trình thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý.

Điều 11. Bảo đảm sự tham gia bình đẳng của người được trợ giúp pháp lý trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ

1. Khi thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:

a) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin, truyền thông, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chính quyền cơ sở để truyền thông, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và các thông tin chung liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này;

b) Tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận và thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật mà không bị phân biệt đối xử về giới;

c) Không tạo áp lực hoặc sử dụng điểm yếu về giới tính của người được trợ giúp pháp lý để buộc họ phải quyết định ngay lập tức hướng giải quyết vụ việc;

d) Thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, quyền được bảo vệ, được đối xử công bằng và tôn trọng các quyền, nghĩa vụ khác khi người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu.

2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn thời gian, phương thức trợ giúp pháp lý phù hợp với đặc điểm giới tính, tâm lý, phong tục tập quán của địa phương để nam và nữ được tiếp cận bình đẳng với hoạt động trợ giúp pháp lý, tham gia và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Thực hiện các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ cho người được trợ giúp pháp lý là người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục

1. Khi người được trợ giúp pháp lý là người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục có yêu cầu được trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý tiến hành các công việc sau đây:

a) Nếu người được trợ giúp pháp lý yêu cầu được tiếp riêng, không muốn người thứ ba cùng nghe họ trình bày, thì người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm bố trí địa điểm tiếp phù hợp, tạo điều kiện để họ trình bày, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc;

b) Thông tin về quyền được pháp luật bảo vệ, không phán xét, đổ lỗi, gây áp lực, gây sợ hãi hoặc làm tổn thương về mặt tâm lý cho người được trợ giúp pháp lý;

c) Động viên, giải thích để người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin về vụ việc, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

d) Tư vấn pháp luật, giải thích quyền, nghĩa vụ, bảo đảm bí mật thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý tiếp cận với các cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân; hướng dẫn hoặc đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật;

đ) Trường hợp người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại hoặc trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, yêu cầu bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người, thì cử người thực hiện trợ giúp pháp lý giúp đỡ họ;

e) Đề xuất cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho người được trợ giúp pháp lý và người thân thích của họ; hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý đề nghị hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hoặc hủy bỏ các biện pháp bảo vệ, thương lượng, hòa giải, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

g) Hỗ trợ, giúp người được trợ giúp pháp lý ổn định tâm lý; trường hợp cần thiết thì yêu cầu Tòa án cử người hỗ trợ tại Tòa để giúp nạn nhân chứng thực lời khai, tránh việc liên hệ giữa nạn nhân với người có hành vi vi phạm trong trường hợp nạn nhân bị kích động hoặc bị đe dọa đến danh dự và tính mạng của họ.

2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp địa chỉ, thông tin về sự hỗ trợ từ cơ quan công an, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân và dịch vụ xã hội khác cho người được trợ giúp pháp lý khi cần thiết.

3. Khi phát hiện người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thông tin, phối hợp với cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân để thực hiện biện pháp hỗ trợ, bảo vệ và trợ giúp theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý hoặc đề nghị cơ quan công an có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho nạn nhân.

Điều 13. Kinh phí bảo đảm

1. Kinh phí bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước do ngân sách cấp và được lập trong dự toán kinh phí hàng năm của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Kinh phí bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương 4.

TRÁCH NHIỆM BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 14. Trách nhiệm của Cục Trợ giúp pháp lý

1. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn, triển khai thực hiện và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Thông tư này trong phạm vi toàn quốc.

2. Tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý trong các vụ việc liên quan đến bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống hành vi mua bán người, xâm hại tình dục cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

3. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện, đánh giá kết quả, nhân rộng mô hình điển hình và đề xuất giải pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.

4. Sơ kết, tổng kết, thống kê, báo cáo công tác bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

1. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện, sơ kết, tổng kết và bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện Thông tư này tại địa phương.

2. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lồng ghép bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý trong Chương trình, Kế hoạch công tác; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý tại địa phương.

3. Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia cùng cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.

4. Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý và trong xây dựng, phát triển đội ngũ cộng tác viên theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức chủ quản của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý

1. Chỉ đạo và tạo điều kiện để tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý trực thuộc thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý theo quy định tại Thông tư này; tổng hợp, thống kê số liệu và báo cáo kết quả định kỳ hàng năm, đột xuất hoặc theo giai đoạn về Sở Tư pháp và tổ chức chủ quản của tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

2. Phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này.

Điều 17. Trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý theo quy định tại Thông tư này.

2. Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, cơ quan lao động, thương binh và xã hội, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, cơ quan, tổ chức có liên quan trong bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; lồng ghép hoạt động trợ giúp pháp lý trong hoạt động của cơ quan, tổ chức có liên quan.

3. Đề xuất các giải pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của tổ chức mình; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.

4. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình điển hình; đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.

5. Đề xuất cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý; kịp thời tháo gỡ, kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.

Điều 18. Trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Thực hiện các nội dung bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý theo quy định tại Thông tư này phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

2. Kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập và đề xuất biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý; phát hiện, đề xuất cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật hoặc thực hiện kiến nghị về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý khi bị xâm hại do phân biệt đối xử về giới hoặc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm bình đẳng giới.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 và thay thế Thông tư số 07/2011/TT-BTP&area=2&type=0&match=False&vc=True&lan=1" target="_blank">07/2011/TT-BTP ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý.

2. Đối với vụ việc trợ giúp pháp lý được thụ lý và chưa hoàn thành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư số 07/2011/TT-BTP&area=2&type=0&match=False&vc=True&lan=1" target="_blank">07/2011/TT-BTP ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý cho đến khi hoàn thành vụ việc.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp để xem xét, hướng dẫn./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thúy Hiền

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.