• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/11/1979
  • Ngày hết hiệu lực: 16/08/1991
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: Không số
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 14 tháng 11 năm 1979

 

PHÁP LỆNH

VỀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

Trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, là lớp người sẽ tiếp tục sự nghiệp của tổ tiên, gánh vác mọi công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Để bảo đảm sự phát triển toàn diện và cân đối của trẻ em, bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và thực hiện;

Căn cứ vào Điều 24 và Điều 53 của Hiến pháp năm 1959;

Pháp lệnh này quy định việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

CHƯƠNG I

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1

Trẻ em nói trong Pháp lệnh này gồm các em từ mới sinh đến 15 tuổi.

Điều 2

Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em xuất phát từ tinh thần trách nhiệm đối với dân tộc, tình thương yêu các em và dựa vào lẽ phải, nhằm xây dựng cho các em những cơ sở ban đầu vững chắc để trở thành người công dân tốt của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thành con người xã hội chủ nghĩa phát triển cân dối và toàn diện.

Việc giáo dục trẻ em căn cứ năm điều Bác Hồ dạy:

1- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào,

2- Học tập tốt, lao động tốt,

3- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt,

4- Giữ gìn vệ sinh thật tốt,

5- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Điều 3

Mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, không phân biệt gái, trai, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội của các em và địa vị xã hội của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng.

Điều 4

Gia đình, Nhà nước và xã hội đều có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo chức năng của mình.

CHƯƠNG II

CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA TRẺ EM

Điều 5

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng. Gia đình, Nhà nước và xã hội phải hợp sức chăm lo, phấn đấu, tạo những điều kiện tốt nhất để việc chăm sóc, nuôi dưỡng đó ngày càng chu đáo.

Nhà nước, công đoàn, hợp tác xã và các tổ chức xã hội khác có kế hoạch sản xuất và phân phối, bảo đảm cho các em được hưởng phần lương thực, thực phẩm, vải mặc quy định cho từng lứa tuổi.

Điều 6

Trẻ em có quyền được bảo vệ sức khoẻ, được khám bệnh và chữa bệnh không phải trả tiền.

Các cơ quan y tế có trách nhiệm tổ chức việc phòng bệnh, thực hiện từng bước việc khám sức khoẻ định kỳ và có sổ theo dõi sức khoẻ của các em.

Điều 7

Trẻ em có quyền và nghĩa vụ học hết bậc phổ thông cơ sở không phải trả tiền, được giúp đỡ về sách giáo khoa và đồ dùng để học tập. Các em có năng khiếu được Nhà nước tạo điều kiện để phát huy năng khiếu.

Điều 8

Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí lành mạnh. Nhà nước, công đoàn, hợp tác xã, các tổ chức văn học, nghệ thuật, thể dục, thể thao và các tổ chức xã hội khác có trách nhiệm sản xuất đồ chơi, ra sách báo, tranh ảnh, trang bị các phương tiện cần thiết khác và tổ chức những nơi vui chơi, giải trí, luyện tập dành riêng cho các em.

Điều 9

Con các liệt sĩ, trẻ em mồ côi không có người thân thích trông nom được Nhà nước và xã hội quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục.

Trẻ em tàn tật được chăm sóc, điều trị và được dạy những nghề thích hợp.

Điều 10

Trẻ em ở bất cứ lứa tuổi nào đều có quyền được tôn trọng về nhân phẩm. Nghiêm cấm việc ngược đãi, hành hạ hoặc những hành vi xâm phạm đến nhân phẩm của trẻ em.

Điều 11

Trẻ em phải vâng lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ, anh chị, thương yêu những người trong gia đình và giúp đỡ cha mẹ tuỳ theo sức của mình.

ở trường học, trẻ em phải chăm chỉ học hành, kính trọng thầy giáo, cô giáo, đoàn kết với các bạn, chấp hành điều lệ của nhà trường.

Trong xã hội, trẻ em phải có lễ độ với mọi người, thực hiện nếp sống văn minh, tôn trọng trật tự công cộng, tôn trọng và bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể và tôn trọng tài sản riêng của người khác.

CHƯƠNG III

NHIỆM VỤ CỦA GIA ĐÌNH,

NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI

Điều 12

Gia đình, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và chính quyền các cấp đều có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo chức năng của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện nhiệm vụ đó.

NHIỆM VỤ CỦA GIA ĐÌNH

Điều 13

Cha mẹ phải làm đầy đủ nghĩa vụ của mình, hết lòng hết sức nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục các con, tạo điều kiện để các con phát triển toàn diện và trở thành những người có ích cho xã hội.

Nhà nước và các tổ chức xã hội, bằng những biện pháp thích hợp, giúp đỡ cha mẹ thực hiện nhiệm vụ đó.

Điều 14

Cha mẹ phải làm gương tốt về mọi mặt cho các con, trong lao động sản xuất và tiết kiệm, trong công tác và học tập và trong sinh hoạt hàng ngày; bồi dưỡng cho các con những tình cảm tốt đẹp, nếp sống văn minh và đạo đức xã hội chủ nghĩa.

NHIỆM VỤ CỦA NHÀ TRẺ, LỚP MẪU GIÁO

VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Điều 15

Nhà trẻ, lớp mẫu giáo có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ các em tuổi thơ ấu, chăm lo cho các em khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, phát triển tốt về thân thể, trí tuệ và năng khiếu ban đầu, giáo dục cho các em những thói quen tốt, những tình cảm trong sáng, chuẩn bị tốt cho các em vào trường phổ thông.

Giáo dục các em phải dùng tình cảm dịu dàng, gây ấn tượng tươi đẹp và làm gương tốt cho các em.

Điều 16

Trường phổ thông có nhiệm vụ giáo dục cho các em: kiến thức phổ thông, ý thức công dân, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lòng yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, lý tưởng và đạo đức cộng sản chủ nghĩa, tinh thần yêu lao động, ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, óc thẩm mỹ, thói quen giữ vệ sinh và rèn luyện thân thể; hướng cho các em đi vào những ngành nghề thích hợp hoặc tiếp tục học lên để trở thành những người lao động xã hội chủ nghĩa có năng lực.

Phải thực hiện nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội.

Điều 17

Nhà trẻ, lớp mẫu giáo và trường phổ thông phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác và cải tiến phương pháp giáo dục.

Các cô nuôi dạy trẻ, các thầy giáo, cô giáo phải được đào tạo, bồi dưỡng chu đáo để có phẩm chất, đạo đức tốt và có năng lực chuyên môn, bảo đảm làm tròn nhiệm vụ.

NHIỆM VỤ CỦA CÁC ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN

Điều 18

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận tích cực tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; vận động các xí nghiệp, công đoàn, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác và nhân dân đóng góp mọi khả năng của mình vào sự nghiệp đó; đề ra những kiến nghị cần thiết và thích hợp, tạo điều kiện cho các em học tập, trau dồi kiến thức và đạo đức, rèn luyện thân thể, vui chơi, giải trí.

Điều 19

Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo, Đội nhi đồng Hồ Chí Minh, đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, nhằm thu hút đông đảo các em vào các Đội và giáo dục các em theo năm điều Bác Hồ dạy.

Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trông nom quyền lợi của các em và bảo vệ các quyền lợi đó trước các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội; có quy kháng nghị đối với những hành vi hoặc những quyết định xâm phạm các quyền lợi đó.

Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam vận động phụ nữ làm tốt công tác giáo dục các em ở gia đình và giúp đỡ phụ nữ làm tròn nhiệm vụ người mẹ; bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em; có quyền kháng nghị đối với những hành vi hoặc những quyết định xâm phạm các quyền lợi đó.

Tổng công đoàn Việt Nam động viên, giúp đỡ công nhân, viên chức làm tròn nhiệm vụ cha mẹ đối với con cái: lãnh đạo các công đoàn dành một phần thích đáng quỹ phúc lợi và kinh phí công đoàn vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là con công nhân, viên chức.

Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam động viên, giúp đỡ nông dân trong và ngoài hợp tác xã làm tròn nhiệm vụ cha mẹ đối với con cái; hướng dẫn hợp tác xã nông nghiệp, các tổ chức sản xuất tập thể khác và mọi nông dân đóng góp vào việc xây dựng các cơ sở phục vụ trẻ em là con nông dân.

Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ việt Nam, Tổng công đoàn Việt Nam và Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên.

NHIỆM VỤ CỦA CÁC XÍ NGHIỆP,

HỢP TÁC XÃ VÀ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH KHÁC.

Điều 20

Các xí nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác có trách nhiệm dành một tỷ lệ thích đáng trong quỹ phúc lợi hoặc quỹ công ích, đóng góp công sức và tận dụng những điều kiện sẵn có của đơn vị mình để xây dựng, củng cố và mở rộng các nhà trẻ, lớp mẫu giáo và các cơ sở vật chất khác phục vụ việc bảo vệ sức khoẻ, học tập, rèn luyện thân thể, giải trí, vui chơi của con em các thành viên trong đơn vị mình, để cho cha mẹ các em yên tâm sản xuất và công tác; tạo điều kiện thuận lợi cho các em tập lao động và hoạt động ngoại khoá.

NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 21

Hội đồng Chính phủ có kế hoạch toàn diện và có biện pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong cả nước. Bộ giáo dục, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương, Bộ y tế, Bộ văn hoá và thông tin có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ đó.

Các Bộ và Uỷ ban nói trên phối hợp với các cơ quan hữu quan, với trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Uỷ ban thiếu niên, nhi đồng trung ương, vạch chương trình, kế hoạch, đề nghị những chính sách và chỉ tiêu kế hoạch trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

Điều 22

Hội đồng Chính phủ quy định một số mặt hàng ưu tiên phân phối cho các em, có chính sách giá hạ đối với hàng hoá và dịch vụ dành cho các em; quy định những văn hoá phẩm các em không được dùng và những loại hàng không được bán cho các em.

Điều 23

Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương mình. Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng Chính phủ và khả năng thực tế của địa phương, Uỷ ban nhân dân có chương trình, kế hoạch thích hợp, chỉ đạo hoạt động của các ngành chuyên môn, tổ chức phối hợp hoạt động của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch hướng dẫn các cơ sở sản xuất tận dụng sức lao động và nguyên liệu tại chỗ sản xuất đồ chơi, đồ dùng để học tập và hàng hoá khác phục vụ trẻ em; quy định những nơi công cộng dành riêng cho các em.

Điều 24

Các khoản chi cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em dựa vào sự đóng góp của các xí nghiệp, công đoàn, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác và của nhân dân; mặt khác, Nhà nước dành một phần thích đáng trong ngân sách cho sự nghiệp đó.

CHƯƠNG IV

THƯỞNG, PHẠT

Điều 25

Cá nhân hay là tập thể có nhiều thành tích về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 26

Cha mẹ trốn trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục hoặc ngược đãi con mình, những người trực tiếp trông coi trẻ em không làm tròn nhiệm vụ gây thiệt hại cho các em, thì bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý bằng biện pháp hành chính; trong trường hợp nghiêm trọng, thì bị truy tố và phạt về hình sự.

Cha mẹ phải chịu trách nhiệm dân sự về những hành vi của con mình ở tuổi trẻ em đã gây thiệt hại cho người khác.

Những người lôi kéo, tổ chức, xúi giục trẻ em phạm pháp thì tuỳ mực độ nhẹ, nặng sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc bị truy tố và phạt về hình sự.

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27

Hội đồng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này./.

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trường Chinh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.