• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/02/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2000
BỘ NỘI VỤ-BỘ TƯ PHÁP-TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Số: 01/TTLN-90
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 1 tháng 2 năm 1990

THÔNG TƯ

Liên ngành Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số
quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

__________________

 

Để áp dụng thống nhất các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội thông qua ngày 28-12-1989, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn như sau:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã được Hội đồng Nhà nước công bố ngày 2-1-1990, cho nên các quy định của Luật này được áp dụng đối với các hành vi phạm tội được thực hiện từ ngày 2-1-1990 trở đi.

2. Theo khoản 2 Điều 7 Bộ luật Hình sự thì "điều luật quy định một tội phạm mới hoặc một hình phạt nặng hơn không áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó được ban hành", cho nên, đối với những hành vi phạm tội đã thực hiện trước ngày 2-1-1990 mà sau ngày 2-1-1990 mới xét xử sơ thẩm, cũng như phúc thẩm, giám đốc thẩm thì vẫn áp dụng các quy định cũ của Bộ luật Hình sự, chứ không áp dụng các quy định sau đây của Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có nội dung quy định tội phạm mới hoặc hình phạt nặng hơn, cụ thể là:

a. Không áp dụng quy định ở điểm 1 về tình tiết định khung hình phạt "có tính chất chuyên nghiệp", nghĩa là nếu không có một trong các tình tiết định khung hình phạt khác, thì dù hành vi phạm tội đã thực hiện trước ngày 2-1-1990 có tính chất chuyên nghiệp kẻ phạm tội cũng chỉ bị xử phạt tương ứng theo khoản 1 của các Điều 97, 129, 131, 132, 134, 149, 151, 152, 153, 154, 155, 157, 165, 166, 201 của Bộ luật Hình sự.

b. Không phạt tiền theo các mức tiền phạt được quy định ở điểm 2, nghĩa là vẫn chỉ phạt tiền không quá các mức tiền phạt tối đa đã được quy định ở các Điều 90, 91, 100, 126, 142, 179, 185, 215, 218 cũ của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội đã thực hiện trước ngày 2-1-1990.

c. Không áp dụng Điều 96a Bộ luật Hình sự về tội sản xuất tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, mà chỉ áp dụng Điều 166 cũ của Bộ luật Hình sự về tội buôn bán hoặc tàng trữ hàng cấm đối với các hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma tuý đã thực hiện trước ngày 2-1-1990.

3. Quy định "hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên" theo Điều 41 mới của Bộ luật Hình sự nghiêm khắc hơn quy định của Điều 41 cũ của Bộ luật Hình sự về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội. Nhưng quy định này không phải là quy định về "một tội phạm mới hoặc một hình phạt nặng hơn" theo quy định ở khoản 2 Điều 7 Bộ luật Hình sự, cho nên được áp dụng đối với những hành vi phạm tội đã thực hiện trước ngày 2-1-1990, nhưng sau ngày 2-1-1990 mới bị xét xử sơ thẩm. Trong những trường hợp vụ án đã được xét xử sơ thẩm trước ngày 2-1-1990, mà sau ngày 2-1-1990 mới xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc sơ thẩm lại, thì khi xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc sơ thẩm lại không áp dụng quy định mới của Điều 41 Bộ luật Hình sự, mà vẫn áp dụng quy định cũ của điều luật này, nghĩa là "hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt mà luật quy định đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên".

Quy định "hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên" theo khoản 1 mới của Điều 42 Bộ luật Hình sự cũng được áp dụng tương tự như việc áp dụng Điều 41 mới của Bộ luật Hình sự đã được nêu trên đây.

4. Quy định "nếu trong thời gian thử thách, người bị án treo phạm tội mới do vô ý và bị xử phạt tù hoặc phạm tội mới do cố ý, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định ở khoản 2 Điều 42" theo khoản 5 mới của Điều 44 Bộ luật Hình sự nghiêm khắc hơn quy định của khoản 5 cũ của Điều 44 Bộ luật Hình sự về án treo. Nhưng quy định này cũng không phải là quy định về "một tội phạm mới hoặc một hình phạt nặng hơn" theo quy định ở khoản 2 Điều 7 Bộ luật Hình sự, cho nên được áp dụng đối với những hành vi phạm tội đã thực hiện trước ngày 2-1-1990, nhưng sau ngày 2-1-1990 mới bị xét xử sơ thẩm, cụ thể là: trước ngày 2-1-1990 mà người bị án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì sau ngày 2-1-1990 khi xét xử họ theo trình tự sơ thẩm. Toà án buộc họ phải chấp hành hình phạt tù mà họ đã được hưởng án treo, nếu tội phạm mới là tội cố ý hoặc nếu Toà án phạt tù họ về tội phạm mới do vô ý. Trong những trường hợp vụ án đã được xét xử sơ thẩm trước ngày 2-1-1990 mà sau ngày 2-1-1990 mới xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc sơ thẩm lại, thì khi xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc sơ thẩm lại, Toà án không áp dụng quy định mới của khoản 5 Điều 44 Bộ luật Hình sự, mà vẫn áp dụng quy định cũ của điều luật này, nghĩa là chỉ khi phạt bị cáo về tội phạm mới, Toà án mới buộc họ phải chấp hành hình phạt tù mà họ đã được hưởng án treo.

5. Điều 151 về tội cướp tài sản của công dân đã được sửa đổi, bổ sung có ba khoản tương ứng với ba khung hình phạt, cụ thể là:

- Khoản 1: Phạt tù từ ba năm đến bảy năm.

- Khoản 2: Phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

- Khoản 3: Phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Vì mức cao nhất của khung hình phạt thứ nhất là bảy năm tù, cho nên các trường hợp phạm tội thuộc khoản 1 điều luật này thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án cấp huyện.

Các trường hợp phạm tội thuộc các khoản 2, 3 thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án cấp tỉnh.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tư pháp
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Phạm Tâm Long

Trần Đông

KT. VIỆN TRƯỞNG Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Phó Viện trưởng

KT. CHÁNH ÁN Toà án nhân dân tối cao
Phó Chánh án

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Thanh Đạo

Phạm Hưng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.