• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2003
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: 09/2003/PL-UBTVQH11
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 25 tháng 2 năm 2003

PHÁP LỆNH CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Động viên công nghiệp

 

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về động viên công nghiệp; góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, sửa chữa trang bị bảo đảm cho Quân đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Căn cứ vào Nghị quyết số 12/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 2 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI (2002-2007) và năm 2003;

Pháp lệnh này quy định về động viên công nghiệp.

 

Chương I
Những quy định chung

Điều 1.

Động viên công nghiệp là huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực sản xuất, sửa chữa của doanh nghiệp công nghiệp ngoài lực lượng vũ trang để sản xuất, sửa chữa trang bị cho Quân đội.

Động viên công nghiệp được chuẩn bị từ thời bình và thực hành động viên trong trường hợp động viên cục bộ, tổng động viên và trong chiến tranh.

Điều 2.

Động viên công nghiệp không áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định trong Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 3.

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trang bị là các loại vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật có trong biên chế của Quân đội.

2. Chỉ tiêu động viên công nghiệp là số lượng trang bị phải sản xuất, sửa chữa khi có quyết định động viên công nghiệp.

3. Chuẩn bị động viên công nghiệp là việc thực hiện các biện pháp nhằm tạo ra cơ sở vật chất để sẵn sàng sản xuất, sửa chữa trang bị cho Quân đội.

4. Thực hành động viên công nghiệp là việc thực hiện các biện pháp để tiến hành sản xuất, sửa chữa trang bị cho Quân đội.

Điều 4.

1. Chuẩn bị động viên công nghiệp và thực hành động viên công nghiệp phải tuân thủ mục đích sản xuất, sửa chữa trang bị cho Quân đội.

2. Việc xác định quy mô động viên công nghiệp phải phù hợp với nhu cầu sản xuất, sửa chữa trang bị của Quân đội và năng lực của doanh nghiệp công nghiệp.

3. Chuẩn bị động viên công nghiệp và thực hành động viên công nghiệp phải bảo đảm bí mật, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng kế hoạch.

Điều 5.

1. Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp công nghiệp và người lao động trong chuẩn bị động viên công nghiệp và thực hành động viên công nghiệp.

2. Việc quản lý và khai thác công dụng của trang thiết bị do Nhà nước giao cho doanh nghiệp công nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị ngoài kế hoạch động viên công nghiệp do Chính phủ quy định.

Điều 6.

Nghiêm cấm những hành vi sau đây:

1. Trốn tránh, cản trở việc chuẩn bị động viên công nghiệp và thực hành động viên công nghiệp;

2. Phá hoại, mua bán, tặng cho, cho thuê, cầm cố, thế chấp, khai thác trái phép trang thiết bị do Nhà nước giao cho doanh nghiệp công nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị;

3. Tiết lộ bí mật nhà nước về kế hoạch động viên công nghiệp, bí mật sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp;

4. Sử dụng sản phẩm động viên công nghiệp vào mục đích kinh doanh và các mục đích khác.

Điều 7.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến động viên công nghiệp.

Chương II
Chuẩn bị  động viên công nghiệp

Điều 8.

Chuẩn bị động viên công nghiệp bao gồm:

1. Khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp công nghiệp có khả năng sản xuất, sửa chữa trang bị;

2. Xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp;

3. Giao chỉ tiêu động viên công nghiệp;

4. Hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị;

5. Quản lý, duy trì dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị;

6. Bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động và diễn tập động viên công nghiệp;

7. Dự trữ vật tư.

Điều 9.

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định giao nhiệm vụ khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp cho các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh), tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi là tổng công ty).

Căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện việc khảo sát.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, tổng công ty tổ chức khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp thuộc quyền và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.

 Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp do địa phương quản lý và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.

3. Doanh nghiệp công nghiệp được khảo sát có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác về năng lực sản xuất, sửa chữa  cho cơ quan khảo sát.

Điều 10.

Nội dung khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp bao gồm:

1. Đặc điểm tình hình;

2. Cơ cấu tổ chức, số lượng, chất lượng cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác;

3. Nhiệm vụ sản xuất, công suất thiết kế, công suất thực tế;

4. Số lượng, chất lượng trang thiết bị hiện có;

5. Phương hướng sản xuất và đổi mới công nghệ.

Điều 11.

Căn cứ vào nhu cầu sản xuất, sửa chữa trang bị của Quân đội và kết quả khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ quyết định các doanh nghiệp công nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý danh mục các doanh nghiệp công nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp.

Điều 12.

1. Căn cứ để  xây dựng kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp:

a) Đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân;

b) Dự báo quy mô chiến tranh, phương thức tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc;

c) Nhu cầu và thực lực trang bị của Quân đội;

d) Dự báo mức tiêu hao trang bị trong chiến tranh;

đ) Khả năng sản xuất, sửa chữa trang bị của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng và bảo đảm từ các nguồn khác;

e) Kết quả khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa trang bị của các doanh nghiệp công nghiệp.

2. Nội dung kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp bao gồm:

a) Kế hoạch huy động các doanh nghiệp công nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tổng công ty;

b) Kế hoạch bảo đảm ngân sách;

c) Kế hoạch dự trữ vật tư;

d) Kế hoạch di chuyển;

đ) Kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ động viên công nghiệp.

3. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp xây dựng kế hoạch nhà nước về động viên công nghiệp trình Chính phủ quyết định.

Điều 13.

Thẩm quyền giao chỉ tiêu động viên công nghiệp:

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu động viên công nghiệp cho các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tổng công ty.

2. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định cụ thể chỉ tiêu động viên công nghiệp của từng doanh nghiệp công nghiệp.

3. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:

a) Bộ trưởng,Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu tổng công ty giao nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị cho các doanh nghiệp công nghiệp thuộc quyền;

b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị cho các doanh nghiệp công nghiệp do địa phương quản lý.

Điều 14.

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn lập kế hoạch động viên công nghiệp và phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tổng công ty.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu tổng công ty phê duyệt kế hoạch động viên công nghiệp của doanh nghiệp công nghiệp  thuộc quyền.

Điều 15.

1. Doanh nghiệp công nghiệp được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp không cần đầu tư thêm trang thiết bị mà vẫn thực hiện được chỉ tiêu động viên công nghiệp thì được Bộ Quốc phòng chuyển giao tài liệu công nghệ sản xuất, sửa chữa trang bị.

2. Doanh nghiệp công nghiệp được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp cần đầu tư thêm trang thiết bị mới thực hiện được chỉ tiêu động viên công nghiệp thì được Nhà nước bảo đảm trang thiết bị và được Bộ Quốc phòng chuyển giao tài liệu công nghệ sản xuất, sửa chữa trang bị.

Điều 16.

Dây chuyền công nghệ chuẩn bị động viên công nghiệp được nghiệm thu theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Điều 17.

1. Doanh nghiệp công nghiệp được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp có trách nhiệm:

a) Bố trí vào dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị những người có phẩm chất chính trị và năng lực phù hợp;

b) Kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị;

c) Huấn luyện cho người lao động;

d) Thực hiện các chế độ để duy trì năng lực sản xuất, sửa chữa trang bị theo quy định của Chính phủ.

2. Doanh nghiệp công nghiệp được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp khi xảy ra một trong các trường hợp sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản, đổi mới công nghệ và các lý do khác dẫn đến không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho chủ thể không thuộc đối tượng áp dụng của Pháp lệnh này thì trang thiết bị do Nhà nước bảo đảm cho doanh nghiệp công nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị được thu hồi, quản lý và sử dụng theo quy định của Chính phủ.

3. Khi xảy ra một trong các trường hợp  quy định tại khoản 2 Điều này thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều chỉnh nhiệm vụ động viên công nghiệp cho doanh nghiệp công nghiệp khác.

Điều 18.

Danh mục vật tư, trách nhiệm và chế độ dự trữ, bảo đảm vật tư dự trữ cho các doanh nghiệp công nghiệp được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp do Chính phủ quy định.

Điều 19.

Cơ quan, doanh nghiệp công nghiệp được giao nhiệm vụ động viên công nghiệp có trách nhiệm tham gia diễn tập động viên công nghiệp.

Quy mô, nội dung và hình thức diễn tập động viên công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chương III
Thực hành động viên công nghiệp

Điều 20.

Thực hành động viên công nghiệp bao gồm:

1. Quyết định và thông báo quyết định động viên công nghiệp;

2. Tổ chức di chuyển địa điểm đối với doanh nghiệp công nghiệp phải di chuyển;

3. Tổ chức bảo đảm vật tư, tài chính;

4. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị;

5. Giao, nhận sản phẩm động viên công nghiệp.

Điều 21.

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định số lượng các doanh nghiệp công nghiệp và chỉ tiêu động viên công nghiệp cho các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tổng công ty.

2. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định cụ thể các doanh nghiệp công nghiệp và chỉ tiêu động viên công nghiệp ở từng doanh nghiệp công nghiệp.

3. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu tổng công ty triển khai và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp công nghiệp thực hiện chỉ tiêu động viên công nghiệp được giao.

Điều 22.

Việc thông báo quyết định động viên công nghiệp do Chính phủ quy định.

Khi không còn yêu cầu động viên công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt động viên công nghiệp.

Điều 23.

Khi nhận được quyết định động viên công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong diện di chuyển địa điểm phải tổ chức di chuyển. Thời hạn hoàn thành việc di chuyển và các điều kiện bảo đảm cho doanh nghiệp công nghiệp di chuyển do Chính phủ quy định. 

Điều 24.

Trong thời hạn bốn mươi tám giờ kể từ khi nhận được quyết định động viên công nghiệp, các cơ quan nhà nước có liên quan phải thực hiện việc bảo đảm vật tư  cho doanh nghiệp công nghiệp trong diện được bảo đảm.

Điều 25.

1. Doanh nghiệp công nghiệp không thuộc diện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị ngay sau khi nhận được quyết định động viên công nghiệp.

2. Doanh nghiệp công nghiệp trong diện được bảo đảm vật tư dự trữ theo quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh này thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị ngay sau khi nhận được vật tư.

3. Doanh nghiệp công nghiệp phải di chuyển, nếu không thuộc diện quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị ngay sau khi hoàn thành việc di chuyển.

Điều 26.

Doanh nghiệp công nghiệp có trách nhiệm giao sản phẩm động viên công nghiệp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đúng chủng loại, đúng thời hạn và địa điểm; đơn vị tiếp nhận của Quân đội có trách nhiệm kiểm tra và tổ chức tiếp nhận sản phẩm động viên công nghiệp.

 Việc giao, nhận sản phẩm động viên công nghiệp do Bộ Quốc phòng quy định.

Chương IV
Chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp công nghiệp và người lao động trong động viên công nghiệp

Điều 27.

Trong chuẩn bị động viên công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp được:

1. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời tài liệu công nghệ và trang thiết bị để hoàn chỉnh dây chuyền;

2. Bảo đảm kịp thời, đúng chủng loại, chất lượng, số lượng các loại vật tư khi sản xuất thử  và khi sản xuất, sửa chữa trang bị để duy trì năng lực dây chuyền;

3. Thanh toán và bảo đảm kinh phí đúng thời hạn;

4. Hưởng chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.

Điều 28.

1. Trong thực hành động viên công nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp được:

a) Bảo đảm phương tiện vận chuyển khi di chuyển đến địa điểm mới;

b) Bảo đảm kịp thời vật tư, trang thiết bị và kinh phí;

c) Ưu đãi về thuế, đất đai như các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng;

d) Giảm hoặc miễn trách nhiệm tài sản theo quy định của pháp luật trong trường hợp do thực hiện quyết định động viên công nghiệp mà không thực hiện được hợp đồng kinh tế, thương mại, dân sự đang có hiệu lực vào thời điểm nhận quyết định động viên công nghiệp;

đ) Hưởng chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.

2. Khi kết thúc động viên công nghiệp các doanh nghiệp công nghiệp được:

a) Bảo đảm phương tiện vận chuyển về địa điểm trước khi di chuyển;

b) Hỗ trợ kinh phí để phục hồi sản xuất.

Điều 29.

Người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp được miễn nghĩa vụ lao động công ích trong thời gian thực hành động viên công nghiệp; trong thời gian diễn tập và thực hành động viên công nghiệp mà bị tai nạn, ốm đau, bị thương, từ trần, hy sinh thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

 

Chương V
Ngân sách  bảo đảm  cho  động viên công nghiệp

Điều 30.

1. Nhà nước bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ động viên công nghiệp.

2. Ngân sách nhà nước chi cho nhiệm vụ động viên công nghiệp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả.

Điều 31.

1. Ngân sách đảm bảo cho động viên công nghiệp được chi cho các công việc sau đây:

a) Khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp;

b) Hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị để động viên công nghiệp;

c) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ động viên công nghiệp;

d) Bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động khác;

đ) Các hoạt động để duy trì năng lực sản xuất, sửa chữa của dây chuyền động viên công nghiệp;

e) Dự trữ vật tư;

g) Huấn luyện, diễn tập động viên công nghiệp;

h) Di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp;

i) Sản xuất, sửa chữa trang bị khi có quyết định động viên công nghiệp;

k) Phục hồi sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp sau khi hoàn thành nhiệm vụ động viên công nghiệp;

l) Nghiệp vụ động viên công nghiệp;

m) Các công việc khác của động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng ngân sách động viên công nghiệp.

 

Chương VI
Quản lý nhà nước về động viên công nghiệp

Điều 32.

Nội dung quản lý nhà nước về động viên công nghiệp bao gồm :

1. Ban hành, hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về động viên công nghiệp;

2. Xây dựng chính sách, lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức thực hiện động viên công nghiệp;

3. Tổ chức, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về động viên công nghiệp;

4. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ động viên công nghiệp;

5. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về động viên công nghiệp;

6. Kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về động viên công nghiệp;

7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về động viên công nghiệp;

8. Sơ kết, tổng kết về động viên công nghiệp.

Điều 33.

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về động viên công nghiệp.

2. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về động viên công nghiệp; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện những quy định của pháp luật về động viên công nghiệp. 

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về động viên công nghiệp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp.

4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về động viên công nghiệp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp.

5. Người đứng đầu tổng công ty trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp.

Chương VII
Khen thưởng và xử  lý vi  phạm

Điều 34.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong chuẩn bị động viên công nghiệp và thực hành động viên công nghiệp được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 35.

Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và những quy định khác của pháp luật về động viên công nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 36.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Pháp lệnh này hoặc những quy định khác của pháp luật về động viên công nghiệp thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Chương VIII
Điều khoản thi hành

Điều 37

Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2003.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 38

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn An

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.