• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/01/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/2001
HĐND TỈNH HƯNG YÊN
Số: 14/2001/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 19 tháng 1 năm 2001

NGHỊ QUYẾT

Về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2001

____________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ TƯ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21-6-1994;

Sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2000 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2001; thuyết trình của các Ban và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng năm 2000; những mục tiêu, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2001 và nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm sau đây:

I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NĂM 2000

Năm 2000, kinh tế - xã hội của tỉnh ta tiếp tục có bước phát triển khá toàn diện. Hầu hết các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội thực hiện đạt và vượt mức kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,08%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,5%, giá trị sản xuất công nghiệp (trên địa bàn) tăng 21,19%, giá trị kinh doanh dịch vụ tăng 18%, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,5 triệu USD, thu ngân sách đạt 120 tỷ, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,67%, tạo thêm việc làm cho 1,4 vạn lao động. Sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, và các lĩnh vực khác có nhiều tiến bộ. Đời sống của nhân dân được cải thiện, năng lên. Chính sách xã hội được quan tâm chăm lo tốt hơn. An ninh, quốc phòng được ổn định và giữ vững.

Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận và biểu dương sự cố gắng trong chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp, sự nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2000 của các ngành, các đoàn thể và toàn thể nhân dân trong tỉnh. Đó là nền tảng quan trọng tạo đà để Hưng Yên vững bước vào thế kỷ 21.

Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn thách thức: Công nghiệp địa phương còn nhỏ bé; nông nghiệp được mùa, năng suất lúa cao nhưng giá hàng hóa còn thấp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, tiêu thụ sản phẩm vẫn là nỗi lo của người nông dân; Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; đầu tư xây dựng cơ bản còn có những vấn đề bất cập, một số công trình triển khai chậm, chất lượng không cao; Kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương chưa nghiêm; trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, xã hội còn có những vấn đề bức xúc; không ít những ý kiến, kiến nghị của nhân dân chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời, dứt điểm; các tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi.

II. NHỮNG MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NĂM 2001

Là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch 5 năm 2001 – 2005, năm đầu của thế kỷ 21 và thiên niên kỷ mới, có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, mục tiêu chủ yếu của năm 2001 là tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ tời cơ, vượt qua thử thách, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển toàn diện, có hiệu quả kinh tế cao và vững chắc hơn; nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quan tâm chăm lo tốt hơn các chính sách xã hội; tăng cường kỷ cương; giữ vững an ninh quốc phòng.

A- Những mục tiêu chủ yếu năm 2001 phấn đấu:

- Tốc độ tăng trưởng (GDP) đạt 12%.

- Giá trị sản xuất nông ngiệp tăng từ 4,5 – 5%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 20%.

- Giá trị các ngành dịch vụ tăng 18%.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 40 triệu USD.

- Tổng thu ngân sách đạt 140 tỷ đồng.

- GDP bình quân đầu người đạt 340 USD/năm.

- Tăng thêm 10% để hết năm 2001 có 40% số làng được công nhận làng văn hóa.

- Tạo việc làm thường xuyên cho 1,5 vạn lao động.

- Tăng thêm 7% số trạm xá xã có bác sỹ.

- Tỷ lệ phát triển dân số 1,1%.

 B- Các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản:

1. Tích cực chỉ đạo và có cơ chế khuyến khích hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành kinh tế trang trại, phát huy lợi thế của từng vùng, hướng sang sản xuất hàng hóa và hàng xuất khẩu. Mỗi huyện chuyển đổi khoảng 100 ha, cả tỉnh từ 900 – 1000 ha đất 1 vụ sản xuất bấp bênh, hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, cây cảnh, nuôi thả cá có hiệu quả cao hơn.

Tập trung đầu tư các cơ sở sản xuất giống, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh năng suất cao, vùng sản xuất lúa hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế, vùng trồng cây ăn quả, cây đặc sản, cải tạo vườn tạp trong các hộ gia đình; chú trọng thực hiện kế hoạch gieo trồng cây vụ đông.

Đẩy mạnh chương trình “nạc hóa đàn lợn, sinh hóa đàn bò”. Sớm quy hoạch vùng chăn nuôi lợn sữa, lợn thịt ở các huyện Kim Động, Ân Thi, Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ để cung cấp cho nhà máy đông lạnh xuất khẩu tỉnh.

Trước mắt cần tập trung triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa kênh mương, đắp đê đảm bảo chất lượng công trình, gieo cấy lúa chiêm xuân, trồng hoa màu xuân hè và trồng cây mùa xuân trong thời vụ tốt nhất; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho cây trồng, phấn đấu năng suất lúa đạt trên 60 tạ/ha và tăng thu nhập trên 1ha canh tác.

2. Sớm hoàn chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng phát triển công nghiệp, tạo hành lang và môi trường tốt nhất để thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp và các địa bàn trong tỉnh. Tiền thuê đất làm công nghiệp, tỉnh sẽ có cơ chế đầu tư trở lại cho các địa phương khi thu hồi.

Các huyện, thị xã tích cực chuẩn bị và hình thành các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn, tìm kiếm thị trường để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề ở nông thôn.

Tiếp tục rà soát, đổi mới cơ chế quản lý và thực hiện các chính sách đòn bẩy trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện việc cổ phần hóa, khoán, bán và cho thuê doanh nghiệp Nhà nước; kiên quyết giải thể doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả. Đẩy mạnh việc hình thành và hoạt động cả các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích mô hình liên kết sản xuất, lưu thông, tiêu thụ; có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu được vay vốn tín dụng ưu đãi và vay từ quỹ hỗ trợ phát triển để mở rộng sản xuất kinh doanh.

3. Phối hợp triển khai thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công quốc lộ 38, 39A, đường gom, cầu vượt của đường 5, trạm điện 220KV Phố Nối, trạm điện 110 KV Văn Lâm, Kim Động, nạo vét hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, chuẩn bị các điều kiện để khởi công cầu Yên Lệnh và đường 39B. Đầu tư nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh, đầu tư xây dựng mới bệnh viện lao, nhà máy nước Phố Nối; các đường tỉnh, đường huyện 199, 200, 206, 204, 205, 207, 202, 203 và thị xã Hưng Yên.

4. Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phổ cập tiểu học vững chắc; 100% xã, phường, thị trấn phổ cập trung học cơ sở, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến khích và hỗ trợ các trường dân lập, tư thục về mặt bằng để xây dựng trường theo quy định của Nhà nước; thành lập một số cơ sở dạy nghề tại Phố Nối và thị xã Hưng Yên. Xúc tiến chuẩn bị để thành lập một trường đại học trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2001, đầu năm 2002. Có cơ chế khuyến khích cán bộ đi nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ từ bậc cao học trở lên.

Nâng cao chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân; chủ động phòng ngừa không để dịch bệnh lớn xảy ra; tiếp tục đưa bác sỹ về công tác tại cơ sở, để cuối năm có 60% trạm xá xã có bác sỹ, 100% số thôn có cán bộ y tế; thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, ổn định tỷ lệ phát triển dân số ở mức 1,1% năm; giữ gìn và tôn tạo các quần thể di tích đã được xếp hạng; tiếp tục dành đất và có kế hoạch hỗ trợ các điểm vui chơi, thể dục thể thao ở các làng xã; đẩy mạnh phong trào “toàn thân đoàn kết xây dựng đời sóng văn hóa”, phấn đáu có 40% số làng được công nhận làng văn hóa và có nhiều cơ quan, đơn vị được công nhận có nếp sống văn hóa; thực hiện tốt chương trình hành động vì trẻ em Hưng Yên, giai đoạn 2001 – 2010.

5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế theo quyết định 207 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước, xây dựng đội ngũ công chức giỏi về chuyên môn vững về chính trị, có tâm huyết và trách nhiệm cao. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh nông thôn, giải quyết cơ bản các vụ khiếu kiện phức tạp, không để xảy ra “điểm nổi cộm”. Ngăn chặn và từng bước khắc phục tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội. Hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng địa phương và công tác tuyển quân năm 2001.

6. Tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ 19 xã đợt đầu và 14 xã khó khăn còn lại theo đề án đã được khảo sát và thẩm định, với phương châm: Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, cần có những giải pháp tích cực và phù hợp để những xã khó khăn phát huy được nội lực vươn lên. Các cấp, các ngành đều xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ các xã khó khăn. Các chương trình dự án dưới dạng hỗ trợ, các chương trình mục tiêu cần ưu tiên hàng đầu cho các xã đang có nhiều khó khăn. Căn cứ vào khả năng ngân sách, từng bước giúp đỡ mỗi xã một công trình thiết yếu nhất để tạo đà phát triển.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết này.

Thường trực, các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua.

Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi nhân dân, cán bộ, công chức Nhà nước, lực lượng vũ trang trong tỉnh hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác và thực hành tiết kiệm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2001.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII – kỳ họp thứ tư thông qua ngày 19-01-2001.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Đình Phú

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.