QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN
Về việc Ban hành quy định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
_____________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/DH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại tờ trình số 54/TTr- SXD ngày 14/6/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này ”Quy định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện.
Điều 3. Ông Chánh văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
|
|
CHỦ TỊCH
|
|
(Đã ký)
|
|
Nguyễn Văn Cường
|
QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-UBND ngày 16/8/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)
________________________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, yêu cầu
Quy định làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của cá cấp, các ngành trực thuộc UBND tỉnh trong công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã UBND các xã, phường, thị trấn thuộc UBND tỉnh trong công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tổ chức và cá nhân có liên quan trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, bảo hành, bảo trì, quản lý và sử dụng công trình xây dựng.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN
Điều 3. Sở Xây dựng
Sở Xây dựng là cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất về quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính tỉnh Hưng Yên và có trách nhiệm:
1. Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các Quy định, văn bản hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
2. Phổ biến, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các cấp huyện, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh, thực hiện các nội dung văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về quản lý chất lượng các công trình xây dựng.
3. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng các công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn, tổ chức kiểm tra hồ sơ nghiệm thu giai đoạn xây dựng hoàn thành, hồ sơ nghiệm thu hoàn thành đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng (Kết quả kiểm tra phải lập thành biên bản theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư số 12/2005/TT-BXD); xử lý và kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng.
4. Phối hợp với các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn.
5. Hướng dẫn chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình về nghiệp vụ giải quyết các sự cố đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; Báo cáo Bộ Xây Dựng kết quả giải quyết sự cố của chủ đầu tư, chủ sở hữu, hoặc chủ quản lý sử dụng công trình.
6. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra công tác kiểm tra chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn theo quy định của Nhà nước và UBND tỉnh.
7. Tổ chức thực hiện việc giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
8. Báo cáo UBND tỉnh định kỳ, đột xuất về việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tỉnh hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
9. Giúp UBND tỉnh tổng hợp tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn để báo cáo Bộ Xây dựng định kỳ 6 tháng, 1 năm.
Điều 4. Các sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Sở giao thông vận tải; Sở Công nghiệp; Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
1. Các sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn; Sở giao thông vận tải chịu trách nhiệm với các công trình xây dựng giao thông; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đối với các công trình xây dựng thủy lợi, đê, nông ngư nghiệp; Sở Công nghiệp chịu trách nhiệm đối với các công trình xây dựng đường dây tải điện, trạm cấp, chuyền tải, biến áp, nhà máy phát điện, nhà máy sản xuất công nghiệp, các công trình xăng dầu, khí đốt.
2. Thực hiện các công việc nêu tại các khoản 1, 2, 8 Điều 3 của Quy định này đối với công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn.
3. Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện các công việc nêu tại các khoản 3, 5 Điều 3 của Quy định này đối với các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn.
4. Báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn (theo mẫu phụ lục số 3) gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Xây dựng.
5. Các Sở có quản lý các công trình xây dựng chuyên ngành phải tổ chức bộ phận để giúp giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ trên.
Điều 5. Các sở, ngành có dự án đầu thầu xây dựng
1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc sở, ngành.
2. Phối hợp với Sở Xây dựng và Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức kiểm tra chất lượng công trình, dự án đầu tư xây dựng thuộc sở, ngành mình.
3. Chỉ đạo chủ đầu tư báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng thuộc sở, ngành quản lý (theo mẫu phụ lục số 4) gửi Sở Xây dựng và sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (nếu công trình xây dựng chuyên ngành).
4. Chỉ đạo đơn vị quản lý, sử dụng công trình thuộc sở, ngành tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo đúng quy trình bảo trì công trình xây dựng tại Điều 31, 32, 33, 34 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.
Điều 6. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh
1. Hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát đôn đốc chủ đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng theo quy định của Nhà nước và Uỷ ban nhân tỉnh.
2. Thực hiện thanh quyết toán vốn đầu tư với các dự án tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định của Nhà nước và của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP
Điều 7. Uỷ ban nhân huyện, thị xã
Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn huyện, thị xã. Phòng hạ tầng kinh tế, Phòng quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của Sở Xây dựng và có trách nhiệm:
1. Trình UBND huyện, thị xã ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn.
2. Hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các chủ đầu tư có công trình xây dựng trên địa bàn; Phối hợp với Sở Xây dựng và sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng khi có yêu cầu.
4. Tổ chức kiểm tra hồ sơ nghiệm thu giai đoạn xây dựng hoàn thành, hồ sơ nghiệm thu hoàn thành đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng (theo phụ lục 2 của Thông tư số 12/2005/TT-BXD) đối với công trình thuộc dự án đầu tư do huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn quyết định đầu tư.
5. Theo dõi, đề xuất và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng kiểm tra, thông kê tình trạng nhà công sở, nhà ở, các khu nhà tập thể, chung cư xuống cấp không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Phối hợp với các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành.
6. Hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết và lập hồ sơ sự cố công trình xây dựng. Đề xuất hướng giải quyết những hư hỏng công trình lân cận do việc thi công xây dựng công trình mới gây ra.Trường hợp cần thiết UBND huyện, thị xã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn để tổ chức thực hiện.
7. Kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng với UBND huyện, thị xã, hoặc cấp có thẩm quyền.
8. Tổng hợp tình hình, báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng thuộc huyện, thị xã quản lý (theo mẫu phục lục số 3). Báo cáo định kỳ 3 tháng/1 lần danh mục các công trình dự án khởi công xây dựng trên địa bàn (theo mẫu phụ lục 01) về Sở Xây dựng để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra.
Điều 8. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn
1. Tiếp nhận, xác nhận thông báo khởi công của chủ đầu tư đối với các công trình xây dựng trên địa bàn. Tổ chức giám sát theo các nội dung quy định tại Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng.
2. Lập danh mục, theo dõi các công trình dự án khởi công xây dựng trên địa bàn xã, phường, thị trấn (theo mẫu phụ lục 2). Định kỳ 3 tháng/1 lần báo cáo UBND huyện, thị xã thông qua Phòng Hạ tầng kinh tế, Phòng quản lý đô thị để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra.
3. Phối hợp với Phòng Hạ tầng kinh tế, Phòng Quản lý đô thị lập danh mục công trình xẩy ra sự cố trên địa bàn xã, phường, thị trấn, báo cáo UBND huyện, thị xã. Theo dõi chất lượng sử dụng các công trình: dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn; Trường hợp công trình không đảm bảo cho người sử dụng, cần thực hiện ngay biện pháp khẩn cấp ngăn chặn kịp thời, đồng thời báo cáo, đề xuất hướng xử lý với các cấp có thẩm quyền.
4. Theo dõi, kiểm tra tình hình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn. Trường hợp phát hiện công trình không đảm bảo an toàn cho người sử dụng; công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, hoặc các công trình lân cận công trình đang xây dựng, có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố sụp đổ, phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tổ chức di chuyển người, tài sản, đồng thời báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã để giải quyết.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CỦA TỔ CHỨC THAM GIA HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Điều 9. Chủ đầu tư xây dựng công trình
1. Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về chất lượng công trình xây dựng được quy định tại chương III, IV, V Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Phần II của Thông tư số12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Mua bảo hiểm công trình
3. Lập báo cáo về tình hình chất lượng công trình theo mẫu tại phục lục 4 của Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng, gửi Sở Xây dựng để quản lý, theo dõi và kiểm tra.
Điều 10. Nhà thầu khảo sát xây dựng
Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng kết quả khảo sát được quy định tại Chương III Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
1. Chỉ được ký kết các hợp đồng thực hiện các công việc khảo sát phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động khảo sát xây dựng công trình.
2. Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về tính trung thực và chính xác của kết quả khảo sát; phải bồi thường thiệt hại khi:
a) Thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát.
b) Khảo sát sai thực tế gây phát sinh khối lượng.
c) Sử dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng không phù hợp.
d) Các hư hỏng, sự cố công trình do lỗi khảo sát gây ra trong niên hạn sử dụng công trình.
Tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Điều 11. Nhà thiết kế xây dựng công trình
Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng thiết kế được quy định tại Chương IV nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
1. Chỉ được nhận thầu thiết kế xây dựng công trình phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề thiết kế xây dựng công trình.
2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về chất lượng thiết kế xây dựng công trình và phải bồi thường thiệt hại khi đề ra nhiệm vụ khảo sát hoặc sử dụng thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, giải pháp kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng và các hư hỏng, sự cố công trình do lỗi thiết kế gây ra trong niên hạn sử dụng công trình. Tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.
4. Lập quy trình bảo trì công trình xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo trì công trình xây dựng tương ứng.
5. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Điều 12. Nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình
Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng giám sát thi công xây dựng công trình. Nhiệm vụ và trách nhiệm của Nhà thầu tư vấn giám sát được quy định tại chương V Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
1. Chỉ được nhận thầu giám sát thi công xây dựng công trình phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình.
2. Thực hiện công việc giám sát theo đúng hợp đồng đã ký kết.
3. Không được thông đồng với nhà thầu thi công xây dựng, với chủ đầu tư xây dựng công trình hoặc có các hành vi vi phạm khác làm sai lệch kết quả giám sát.
4. Bồi thường thiệt hại do:
a) Người giám sát làm sai lệc kết quả giám sát đối với khối lượng thi công không đúng thiết kế.
b) Công việc giám sát không tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng gây ra hỏng, sự cố công trình trong niên hạn sử dụng công trình.
Tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của Pháp luật.
5. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp
Điều 13. Nhà thầu thi công xây dựng công trình
Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng công trình xây dựng được quy định tại chương V Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
1. Chỉ được nhận thầu thi công xây dựng công trình phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng.
2. Chịu trách nhiệm quản lý chất lượng thi công xây dựng ở các nội dung sau: lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng; thi công xây dựng theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ an toàn và vệ sinh môi trường; thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, sản phẩm xây dựng; lập và ghi nhật ký thi công xây dựng công trình theo quy định; nghiệm thu nội bộ và lập bản vẽ hoàn công cho bộ phận công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng và công trình xây dựng hoàn thành; chuẩn bị tài liệu làm căn cứ nghiệm thu và lập phiếu yêu cầu chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu.
3. Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng công việc do mình đảm nhận và do các nhà thầu phụ thực hiện; bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng, sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, thi công không đảm bảo chất lượng hoặc gây hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường và các hành vi vi phạm khác gây hư hỏng công trình xây dựng, sự cố công trình trong niên hạn sử dụng công trình. Tùy theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Thời gian bảo hành, phải tổ chức khắc phục ngay các hư hỏng do lỗi của Nhà thầu thi công xây dựng, cung ứng và lắp đặt thiết bị trong công trình khi có yêu cầu của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình.
5. Mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
Điều 14. Chủ sở hữu, đơn vị hoặc người quản lý sử dụng công trình
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình xây dựng sau khi đưa công trình và khai thác sử dụng được quy định tại chương VI Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
1. Trong thời gian bảo hành, có trách nhiệm xem xét phát hiện hư hỏng, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung cấp thiết bị sửa chữa, thay thế. Trường hợp các nhà thầu không đáp ứng được việc bảo hành, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình có quyền lấy kinh phí từ tiền bảo hành để thuê nhà thầu khác thực hiện.
2. Tổ chức thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy trình bảo trì công trình xây dựng. Đối với các công trình xây dựng đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì, chủ sở hữu, đơn vị hoặc chủ quản lý sử dụng công trình phải thuê tổ chức tư vấn kiểm định lại chất lượng công trình xây dựng và lập quy trình bảo trì công trình xây dựng.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình xây dựng bị xuống cấp do không thực hiện đúng quy trình bảo trì công trình xây dựng theo quy định.
Điều 15. Cơ quan chủ quản đơn vị quản lý sử dụng công trình.
1. Hướng dẫn, chỉ đạo, đơn vị quản lý sử dụng công trình tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo quy định tại Điều 31,32,33,34 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.
2. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ các quy định về quản lý khai thác sử dụng công trình của đơn vị quản lý sử dụng.
3. Chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thị xã, đơn vị quản lý sử dụng công trình kiểm tra, thống kê tình trạng chất lượng công trình không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, có giải pháp xử lý cụ thể, báo cáo với cấp có thẩm quyền theo quy định.
4. Chỉ đạo, đôn đốc đơn vị quản lý sử dụng công trình báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình đang sử dụng thuộc phạm vi quản lý; kịp thời báo cáo các công trình không đảm bảo an toàn cho việc vận hành, khai thác, sử dụng về Sở Xây dựng, Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Chế độ báo cáo về chất lượng công trình xây dựng
1. Sở có công trình xây dựng chuyên ngành; UBND huyện, thị xã báo cáo theo mẫu (phụ lục 4) gửi về Sở Xây dựng mỗi năm 2 kỳ; kỳ 1 trước ngày 15 tháng 6 và kỳ 2 trước ngày 10 tháng 12 hàng năm.
2. Chủ đầu tư báo cáo theo mẫu tại phụ lục 4 Thông tư 12/2005/TT-BXD, gửi Sở Xây dựng, đồng thời gửi sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (nếu là công trình xây dựng chuyên ngành) mỗi năm 2 kỳ trước ngày 15 tháng 6 và trước ngày 10 tháng 12 hàng năm và báo cáo khi hoàn thành công trình xây dựng.
3. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp, viết báo cáo trình UBND tỉnh phê duyệt, để báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
Điều 17. Xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hành vi vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp vi phạm về quản lý chất lượng các công trình xây dựng gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại.
2. Sở Xây dựng, các Sở có quản lý các công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các huyện, thị xã theo dõi, kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng các công trình của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; xác định các tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đề nghị cấp có thẩm quyền không cho phép hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Điều 18. Điều khoản thi hành
Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; chủ đầu tư các công trình xây dựng; các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chịu trách nhiệm thực hiện quy định này. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh thông qua Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo với UBND tỉnh xem xét, quyết định./.