• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/03/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2006
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 343/PC-VT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 22 tháng 2 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH

Về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, chức danh; phù hiệu cấp hiệu, biển hiệu, trang phục và trang bị của lực lượng Thanh tra Giao thông

 

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/03/1994 của Chính phủ quy định "Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý của Nhà nước và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải";

Căn cứ Nghị định số 80/CP ngày 05/12/1996 của Chính phủ quy định "Tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải";

Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế vận tải sau khi thống nhất với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ lao động và lãnh đạo các Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sông Việt Nam, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam;

 

QUYẾT ĐỊNH:

CHƯƠNG 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Thanh tra Giao thông thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, an toàn giao thông vận tải và xử lý các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải đối với các cơ quan, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân; kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2.

Thanh tra Giao thông được xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với việc bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải theo quy định của các Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ số 49/CP ngày 26/7/1995, số 39/CP ngày 5/7/1996, số 40/CP ngày 5/7/1996 về Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đô thị, đường sắt, đường thuỷ nội địa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 3.

Khi thi hành nhiệm vụ Thanh tra Giao thông phải công minh, khách quan, trung thực, văn minh, lịch sự, công khai, đúng pháp luật. Nghiêm cấm gây phiền hà và mọi hành vi tiêu cực.

 

CHƯƠNG 2
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA GIAO THÔNG

Điều 4.- Thanh tra Giao thông có những nhiệm vụ sau đây:

1. Phối hợp với chính quyền các cấp, lực lượng Cảnh sát nhân dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật khác, các ngành có liên quan, các tổ chức xã hội tham gia tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giáo dục việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành để mọi tổ chức, cá nhân trong nước; kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh;

 

2. Kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi xâm phạm công trình giao thông, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông; việc xây dựng công trình, sử dụng, khai thác khoảng không, vùng đất, vùng nước trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông mà chưa có giấy phép hoặc làm sai giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp;

3. Kiểm tra, thanh tra và ngăn ngừa việc xây dựng công trình, sử dụng và khai thác khoảng không, vùng đất, vùng nước ngoài phạm vi bảo vệ công trình giao thông nhưng ảnh hưởng đến công trình giao thông hoặc an toàn cho hoạt động giao thông vận tải mà chưa có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ công trình giao thông;

4. Tham gia lực lượng bảo vệ đối với các công trình giao thông đặc biệt quan trọng do Bộ GTVT phối hợp với các Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng trình Chính phủ quy định;

5. Kiểm tra, xử lý các loại xe bánh xích chạy trên đường giao thông công cộng không có giấy phép hoặc trái với quy định trong giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ công trình giao thông cấp;

6. Kiểm tra, xử lý tại các trạm cân xe cố định các loại xe vận tải hàng hoá, hành khách hoạt động trên đường giao thông công cộng khi có dấu hiệu chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn thiết kế của cầu đường;

7. Trong trường hợp cần thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xẩy ra đối với công trình giao thông như: Xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu đường; xe chở hàng kéo lê trên mặt đường, xếp hàng cồng kềnh có thể gây mất an toàn giao thông...; tàu thuỷ có kích thước lớn hoạt động trên những tuyến đường thuỷ nội địa có luồng chạy tàu bị hạn chế; những phương tiện cơ giới chạy quá tốc độ quy định gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình giao thông và những tàu thuyền có dấu hiệu chở quá tải thiếu an toàn đe doạ đến luồng lạch chạy tàu thuyền, Thanh tra Giao thông được phép dừng các phương tiện vận tải đó để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;

 

8. Kiểm tra, thanh tra và xử lý những hành vi vi phạm quy định về quản lý hè, đường, các công trình giao thông khác và những công trình công cộng trong các đô thị kể cả công trình nổi và ngầm;

9. Kiểm tra, thanh tra và xử lý những hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền được quy định trong các Nghị định của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đô thị, đường sắt, đường thuỷ nội địa;

10. Kiểm tra thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định về thi công, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông trong, ngoài ngành và hỗ trợ các đơn vị quản lý các công trình giao thông trong việc cắm mốc chỉ giới;

11. Ngăn ngừa, kiểm tra và xử lý việc cấp giấy phép hoạt động hoặc đưa ra sử dụng các phương tiện vận tải không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật tại những nhà ga, bến xe, các trạm đăng kiểm kỹ thuật, khu vực cảng, bến thuỷ nội địa hoặc khi phương tiện đang đậu, đỗ;

12. Kiểm tra và xử lý người điều khiển các phương tiện vận tải vi phạm thể lệ vận tải hàng hoá, hành khách do Bộ Giao thông vận tải hoặc liên Bộ Giao thông vận tải với các Bộ có liên quan ban hành tại những nhà ga, bến xe, bến phà, khu vực cảng, bến thuỷ nội địa hoặc khi phương tiện đang đậu, đỗ. Trong trường hợp cần thiết khi phát hiện những phương tiện vận tải vi phạm nhiều lần về thể lệ vận tải hoặc để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xẩy ra đối với an toàn trong vận tải, Thanh tra Giao thông được phép dừng phương tiện vận tải đó để xử lý theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;

13. Thường xuyên hoạt động trên đường để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải; phát hiện những công trình giao thông bị hư hỏng, cọc tiêu biển báo bị mất... và yêu cầu đơn vị quản lý công trình giao thông có biện pháp sửa chữa, bổ sung kịp thời. Tham gia với đơn vị quản lý công trình giao thông để giải quyết việc ách tắc giao thông, phân luồng đảm bảo phương tiện vận tải đi lại an toàn;

14. Trong phạm vi trách nhiệm của minh tham gia với các cơ quan pháp luật giải quyết các vụ tai nạn giao thông do công trình giao thông gây nên hoặc những vụ tai nạn giao thông khác trên đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa.

Điều 5.- Thanh tra Giao thông có các quyền hạn sau đây:

1. Nhắc nhở, kiểm tra, thanh tra, xử lý việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải theo nhiệm vụ đã được quy định (theo Điều 4 của Quyết định này);

2. Lập biên bản các vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ các vi phạm pháp luật nghiêm trọng về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải;

3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải theo quy định của Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính bảo vệ công trình giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận tải và chuyển đến cơ quan có trách nhiệm gần nhất thu tiền phạt;

4. Buộc tổ chức, cá nhân khôi phục lại trạng thái ban đầu của công trình giao thông đã bị thay đổi do vi phạm gây ra; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép hoặc thu dọn ngay những thứ mà pháp luật đã nghiệm cấm để trên công trình phụ trợ khác do ngành Giao thông vận tải quản lý;

5. Tịch thu tang vật, phương tiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính; tuỳ theo mức độ vi phạm được giữ giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành của xe khi xử lý;

6. Giải quyết các việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đối với các vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải;

7. Kiến nghị lên cấp trên giải quyết, xử lý các vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải vượt quá thẩm quyền giải quyết, xử lý của mình.

 

CHƯƠNG 3
CÁC CHỨC DANH VÀ YÊU CẦU ĐỐI VỚI THANH TRA GIAO THÔNG

Điều 6.- Các chức danh của Thanh tra Giao thông:

1. Trưởng ban, Phó trưởng ban Thanh tra Giao thông.

Đội trưởng, Đội phó Thanh tra Giao thông.

Thanh tra viên Giao thông.

2. Trưởng ban Thanh tra Giao thông thuộc cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ GTVT bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của lãnh đạo các Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sông Việt Nam, Liên hiệp đường sắt Việt Nam;

Trưởng ban Thanh tra Giao thông thuộc các Sở GTVT (Sở GTCC) do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở GTVT (Sở GTCC);

3. Phó ban Thanh tra Giao thông thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành do lãnh đạo các Cục ĐBVN, Cục ĐSVN, LHĐSVN bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Thanh tra Giao thông;

Phó ban Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT (Sở GTCC) do Giám đốc Sở GTVT (Sở GTCC) bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Thanh tra Giao thông.

4. Đội trưởng, Đội phó Thanh tra Giao thông thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành (cấp Phân khu QLĐB, Đoạn QLĐS Trung ương, XNQLĐS) do lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sông Việt Nam, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Thanh tra Giao thông.

Đội trưởng, Đội phó Thanh tra Giao thông thuộc các đơn vị thuộc Sở GTVT (Sở GTCC); quận, huyện hoặc tương đương do Giám đốc Sở GTVT (Sở GTCC) bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Thanh tra Giao thông.

Điều 7. Yêu cầu đối với các chức danh Thanh tra Giao thông:

1. Trưởng ban, Phó trưởng ban Thanh tra Giao thông tuổi đời từ 35 trở lên, thâm niên trong ngành ít nhất là 5 năm, có trình độ đại học kỹ thuật chuyên ngành hoặc đại học luật;

2. Đội trưởng, Phó đội trưởng Thanh tra Giao thông tuổi đời từ 25 trở lên, thâm niên trong ngành ít nhất là 3 năm, có trình độ đại học hoặc trung học kỹ thuật chuyên ngành. Trước đó phải là Thanh tra viên Giao thông theo tiêu chuẩn quy định;

3. Thanh tra viên Thanh tra Giao thông tuổi đời từ 20 trở lên, làm trong ngành ít nhất là 2 năm, có trình độ trung học kỹ thuật chuyên ngành;

Các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, Sở GTVT (Sở GTCC) hạn chế thuyên chuyển cán bộ các cấp Thanh tra Giao thông.

Điều 8.- Về phẩm chất của Thanh tra Giao thông:

1. Thanh tra Giao thông phải có phẩm chất chính trị tốt, lý lịch rõ ràng; đạo đức tốt, tính tình điềm đạm, không nóng nảy hoặc nhu nhược;

2. Khi làm nhiệm vụ phải có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và trung thực với nhiệm vụ được giao; không được đại khái, ngại khó khăn, cửa quyền, hách dịch; xử lý đúng người đúng vi phạm; có tinh thần đấu tranh bảo vệ pháp luật, có tình có lý để người vi phạm thấy rõ sai không còn tái phạm;

3. Khi làm nhiệm vụ không được uống rượu, bia hoặc còn hơi rượu, bia; tác phong nghiêm túc. Nếu phát hiện Thanh tra Giao thông vi phạm các tệ nạn xã hội phải sa thải ngay.

Điều 9.- Về kiến thức của Thanh tra Giao thông:

1. Thanh tra Giao thông phải có kiến thức về tâm lý học, đạo đức học; kiến thức chuyên môn kỹ thuật từng chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; nắm vững các luật lệ giao thông vận tải của chuyên ngành; kiến thức pháp lý có liên quan đến nhiệm vụ của mình;

2. Có nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý; nắm vững và vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có trình độ nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp và đề xuất biện pháp giải quyết đối với từng cấp của Thanh tra Giao thông;

3. Để đáp ứng yêu cầu trước mắt Thanh tra Giao thông phải qua lớp đào tạo theo chương trình của Bộ GTVT đã ban hành, sau khi tốt nghiệp được cấp giấy chứng chỉ. Trên cơ sở giấy chứng chỉ được cấp "Thẻ Thanh tra Giao thông" để xác định tư cách pháp lý khi thừa hành công vụ.

Bộ GTVT cấp "Thẻ Thanh tra Giao thông" cho từ Đội trưởng trở lên và lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Cục đường sông Việt Nam, Liên hiệp đường sắt Việt Nam, Sở GTVT (Sở GTCC) cấp "Thẻ Thanh tra Giao thông" cho Phó đội trưởng Thanh tra Giao thông và các Thanh tra viên Giao thông thuộc mình quản lý; "Thẻ Thanh tra Giao thông" theo mẫu thống nhất trong toàn quốc do Bộ GTVT ấn hành và có quy chế sử dụng;

Để tiến tới chính quy trình độ của các cấp Thanh tra Giao thông, Bộ giao cho Vụ TCCB-LĐ tiếp tục soạn thảo chương trình đào tạo nâng cao kiến thức và nghiệp vụ Thanh tra Giao thông (tương đương hệ trung cấp).

Điều 10.- Về sức khoẻ của Thanh tra Giao thông:

Thanh tra Giao thông phải có đủ sức khoẻ để làm nhiệm vụ, Thanh tra Giao thông phải qua khám tuyển, không bị khuyết tật, không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội.

Chiều cao tối thiểu của Thanh tra Giao thông từ 1m60 trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; tóc để đứng đắn, không được để chờm cổ chờm tai. Riêng đối với Thanh tra viên Giao thông là nữ thì chiều cao từ 1m55 trở lên, cân nặng từ 45 kg trở lên.

 

CHƯƠNG 4
PHÙ HIỆU, CẤP HIỆU, BIỂN HIỆU, TRANG PHỤC VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN CẦN THIẾT ĐỂ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 11.- Quy định chung:

1. Thanh tra Giao thông khi làm nhiệm vụ phải mặc đúng trang phục; đầy đủ: phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra Giao thông theo quy định;

2. Nghiêm cấm việc tẩy xoá, sửa chữa, cho mượn Thẻ Thanh tra Giao thông hoặc cho mượn trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và các phương tiện cần thiết để làm nhiệm vụ hoặc dùng vào mục đích cá nhân;

3. Hết giờ làm nhiệm vụ, Thanh tra Giao thông các cấp phải để phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và các phương tiện cần thiết để làm nhiệm vụ ở lại cơ quan;

4. Thanh tra Giao thông có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra Giao thông và các phương tiện cần thiết để làm nhiệm vụ. Nếu để mất, hư hỏng phải báo cáo ngay cơ quan và chịu mọi trách nhiệm hậu quả. Khi thuyên chuyển công tác hoặc sa thải phải để lại toàn bộ trang phục, phù hiệu, biển hiệu, thẻ Thanh tra Giao thông, các phương tiện làm việc đã được cấp và những giấy tờ cần thiết khác cho cơ quan Thanh tra Giao thông.

Điều 12.- Phù hiệu của Thanh tra Giao thông:

1. Phù hiệu là biểu tượng của tổ chức Thanh tra Giao thông. Thanh tra Giao thông đường bộ và các Sở GTVT (Sở GTCC), đường sắt, đường thuỷ nội địa có phù hiệu riêng;

2. Phù hiệu to đường kính 35 mm (hình nổi) bằng kim loại đeo ở mũ kêpi cùng với cành tùng mạ bạc ở hai bên (đeo chính giữa phía trước cầu mũ, phía trên lưỡi trai);

3. Phù hiệu nhỏ, đường kính 10mm bằng kim loại hình như phù hiệu lớn, hình nổi hoặc chìm đeo cùng với cấp hiệu trên hai vai;

4. Phù hiệu Thanh tra Giao thông đường bộ và các Sở GTVT (Sở GTCC) sử dụng theo mẫu hiện nay đang sử dụng;

Phù hiệu Thanh tra Giao thông đường thuỷ nội địa do Cục đường sông Việt Nam quy định lại cho phù hợp với nhiệm vụ hiện nay của Cục;

Phù hiệu Thanh tra Giao thông đường sắt do LHĐSVN quy định.

Điều 13.- Cấp hiệu Thanh tra Giao thông:

1. Cấp hiệu Thanh tra Giao thông đeo trên áo ở hai vai (ga lông) để phân biệt các chức danh Thanh tra Giao thông khi làm nhiệm vụ;

2. Cấp hiệu Thanh tra Giao thông bằng nỉ màu xanh tím than (xanh thẫm) viền nỉ kim tuyến xung quanh (màu vàng đối với cấp Đội Thanh tra Giao thông trở lên, màu trắng đối với cấp Thanh tra viên Thanh tra Giao thông) trên có phù hiệu nhỏ Thanh tra Giao thông của từng ngành đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và các vạch ngang hoặc vạch chéo chữ V;

3. - Trưởng ban Thanh tra Giao thông: 4 vạch ngang bằng kim tuyến màu vàng.

Phó trưởng ban Thanh tra Giao thông: 3 vạch ngang bằng kim tuyến màu vàng;

Đội trưởng đội Thanh tra Giao thông: 2 vạch ngang bằng kim tuyến màu vàng;

Phó đội trưởng đội Thanh tra Giao thông: 1 vạch ngang bằng kim tuyến màu vàng.

4.- Thanh tra viên Giao thông:

Dưới 2 năm 1 vạch chữ V bằng kim tuyến màu trắng. - Trên 2 năm 2 vạch chữ V bằng kim tuyến màu trắng.

Điều 14.- Biển hiệu Thanh tra Giao thông:

1. Biển hiệu Thanh tra Giao thông ghi rõ họ và tên của người Thanh tra Giao thông, số hiệu trong danh sách của cơ quan, có chữ đầu của địa phương hoặc cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành Giao thông vận tải; nếu vi phạm pháp luật thì tổ chức, cá nhân có cơ sở tố cáo, khiếu nại tới cơ quan Thanh tra Giao thông hoặc cơ quan cấp trên;

2. Biển hiệu Thanh tra Giao thông bằng giấy, ép plastic kẹp trong mica đeo ở trên áo phía ngực trái.

Phần trên của biển hiệu: Nền xanh sẫm giữa là hàng chữ THANH TRA GIAO THÔNG (hoặc THANH TRA GIAO THÔNG CÔNG CHINH đối với các Sở GTCC) màu trắng, nét chữ đều, sắc cạnh, chữ đứng, có đủ dấu.

Phần dưới của biển: Nền trắng, phía trái là ảnh màu bán thân cỡ 3x4 mặc trang phục Thanh tra Giao thông đủ phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu; có đóng dấu cơ quan đè lên góc ảnh; phía phải: Hàng trên là họ, tên đệm và tên (đúng trong thẻ Thanh tra Giao thông), chữ màu xanh sẫm, nét chữ đều, sắc cạnh, chữ đứng, có đủ dấu, dễ đọc. Hàng dưới: Đầu chữ của tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với Thanh tra Giao thông ở Sở GTVT hoặc Sở GTCC).

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường bộ lấy tên: KHU (II,IV, V, VII).

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường thuỷ nội địa lấy tên: Đoạn (1, 2, 3,..., 14).

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt lấy tên LHĐS.

Các chữ màu đỏ, đậm nét, đứng chữ, sắc nét.

Ngang các tên đầu địa phương, Khu, Đoạn, LHĐSVN là số hiệu (gồm 3 chữ số) màu đỏ, chữ số đứng, sắc nét.

Số liệu ghi từ Trưởng ban đến Thanh tra viên Thanh tra giao thông từng địa phương (Sở GTVT hoặc Sở GTCC), từng Khu (cả các Phân khu trong Khu), từng Đoạn (cả các Trạm trong Đoạn), Liên hiệp ĐSVN (ở LH), từng XNLH (cả các Xí nghiệp quản lý cầu đường, Xí nghiệp TTTH, Hạt vận chuyển thuộc XNLH từng khu vực).

Điều 15.- Phù hiệu đeo ở phía trên tay áo gần bả vai:

Các cấp Thanh tra giao thông đều phải đeo vào áo ở phía trên tay áo phía trái gần vai (may liền hoặc gắn chắc vào áo).

Phù hiệu bằng vải, thêu các chữ T.T.G.T hoặc T.T.G.T.C.C bằng kim tuyến vàng, dưới thêu phù hiệu của từng ngành, toàn bộ trên nền nhung xanh da trời.

Điều 16.- Trang phục của Thanh tra Giao thông:

1. Trang phục của Thanh tra Giao thông được dùng chung cho các cấp trong toàn ngành GTVT;

2. Mũ kêpi: Phần trên màu xanh tím than (xanh sẫm) cầu mũ màu xanh da trời, lưỡi trai và quai mũ bằng nhựa đen, xung quanh phần trên mũ, phần nối giữa phần trên và phần cầu mũ có viền nỉ kim tuyến màu vàng; phía trên lưỡi trai nối với cầu mũ có hai đường nỉ kim tuyến to;

3. Quần áo mùa hè:

Áo sơ mi ngắn (có nẹp bong ở tay áo) hoặc dài tay, cổ cứng, hai túi ngực có nắp nẹp bong ở giữa, vai áo có chỗ gài cấp hiệu (ga lông), vải màu xanh da trời, phần dưới áo cho vào trong quần.

Quần âu dài, ống rộng vừa phải, vải màu xanh tím than (xanh sẫm) có 2 túi thẳng hai bên và một túi đằng sau.

4. Quần áo mùa đông:

Áo vét màu xanh tím than (xanh sẫm) có 2 ve to, 4 túi có nắp (nẹp bong ở giữa), khuy áo màu vàng ánh kim loại, vai áo có chỗ gài cấp hiệu (ga lông), cổ tay áo viền kim tuyến màu vàng (rộng 1 cm) đối với từ Đội phó Thanh tra Giao thông trở lên, kim tuyến màu trắng (rộng 1 cm) đối với Thanh tra viên Giao thông. Trong mặc áo sơ mi trắng, cổ cứng, dài tay.

Quần âu dài, ống rộng vừa phải, vải màu xanh tím than (xanh sẫm) có 2 túi thẳng hai bên và một túi đằng sau.

Khi trời rét có ruột bông bên trong hoặc áo măng tô dạ màu xanh tím than (xanh sẫm) khuy áo to màu vàng bằng kim loại, vai áo có chỗ gài cấp hiệu. Cổ tay áo viền kim tuyến màu vàng đối với Đội phó Thanh tra Giao thông trở lên và kim tuyến màu trắng đối với Thanh tra viên Giao thông.

Áo phao đối với Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa, Sở GTVT (Sở GTCC) hoạt động trên đường thuỷ nội địa.

5. Cravat màu xanh tím than (xanh sẫm). Mùa đông đeo thường xuyên, mùa hè có thể chỉ đeo vào ngày Tết, Lễ do Nhà nước quy định;

6. Thắt lưng bằng da màu đen hoặc nâu, giầy da đen ngắn cổ, bít tất để đi với giầy; ủng cao su với quần áo đi mưa. Nếu thường xuyên đi lại trên đường dài có mũ bảo hiểm bằng nhựa (hai bên mũ có dán giấy phản quang hoặc sơn các chữ TTGT hoặc TTGTCC).

Điều 17.- Các phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ:

1. Sổ tay công tác (khi dùng hết phải nộp lại cơ quan để đổi sổ mới) có đóng dấu của Ban Thanh tra Giao thông vào bìa và giáp lai các trang; bút bi hoặc bút máy và túi đựng tài liệu (sà cột) bằng giả da màu đen cho Thanh tra viên Giao thông, cặp da cho các cấp từ Đội trưởng Thanh tra Giao thông trở lên;

2. Ôtô con, ôtô tải, xe cần cẩu, ca nô, môtô, bộ đàm, máy ảnh, máy quay phim (camera), cân xe nặng cố định hoặc di động, còi, tín hiệu dừng phương tiện vận tải và các công cụ để tự vệ khi làm nhiệm vụ.

Điều 18.- Chế độ cấp phát và thời hạn sử dụng:

1. Chế độ cấp phát trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu đối với các cấp Thanh tra Giao thông như nhau.

2. Thời hạn sử dụng:

Mũ kêpi (01 chiếc), phù hiệu to + cành tùng mạ bạc đeo ở mũ (01 bộ), cấp hiệu đeo ở trên hai vai áo (02 chiếc), phù hiệu đeo ở phía trên tay trái áo gần vai (01 chiếc): Thời gian sử dụng 18 tháng.

Quần áo mùa đông (cả sơ mi trắng mặc bên trong). Mỗi bộ/Người/02 năm, lần đầu cấp 02 bộ.

Quần áo mùa hè: Hai bộ/Người/01 năm. Lần đầu cấp hai bộ

Giầy da Một đôi/Người/12 tháng - Bít tất Hai đôi/Người/6 tháng. - Thắt lưng Một chiếc/Người/02 năm

Caravat Một chiếc/Người/18 tháng

Quần áo mưa Một bộ/Người/18 tháng

Cặp đựng tài liệu (hoặc cặp công tác cho cấp lãnh đạo) Một chiếc/Người/24 tháng - Ruột áo bông (vùng giá lạnh) Một chiếc/Người/24 tháng - Đèn pin Một chiếc/Người/12 tháng - áo măng tô (vùng giá lạnh) Một chiếc/Người/24 tháng - áo phao Một chiếc/Người/24 tháng

ng cao su đi mưa Một đôi/Người/18 tháng.

Những trang phục, phù hiệu, cấp hiệu trên sẽ xem xét cho các trường hợp bộ phận Thanh tra Giao thông phải thường xuyên lưu động trên đường thì thời gian có thể rút ngắn hơn (1/4 so với quy định đối với những thứ cần thiết để giữ tư thế của Thanh tra Giao thông);

3. Trường hợp mất, rách có lý do chính đáng được xác nhận của các cấp sẽ được trang cấp lại. Nếu để mất, rách nát không có lý do chính đáng phải làm kiểm điểm, tạm ngừng làm nhiệm vụ để xem xét và phải bỏ kinh phí ra mua sau khi được cấp trên cho phép trở lại làm nhiệm vụ.

Điều 19.

Khi làm nhiệm vụ Thanh tra Giao thông phải có tác phong nghiêm chỉnh, đội mũ (trừ trong phòng làm việc), quần áo, caravat ngay ngắn không được để nhầu nát, rách, có vết bẩn, ướt (trừ quần áo mưa); giầy sách sẽ và nghiêm cấm:

Đeo kính có mắt kính màu đen.

Đi dép các loại

Cười đùa, hút thuốc lá.

Sai thời gian hẹn giải quyết đối với người vi phạm công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải.

Ngồi trên xe ôtô, xe máy xử phạt người vi phạm công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải.

 

CHƯƠNG 5
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20.

Thanh tra Giao thông được áp dụng theo bậc lương chuyên viên quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ, hưởng các phụ cấp như lưu động, sông nước, độc hại; bồi dưỡng làm đêm, ngày nghỉ của Nhà nước và mọi chế độ, quyền lợi theo quy định của Nhà nước.

Chế độ xét nâng bậc hàng năm đối với Thanh tra Giao thông theo quy định chung của Nhà nước. Thanh tra Giao thông có thành tích xuất sắc được cấp có thẩm quyền xét khen thưởng. Kinh phí hoạt động của Thanh tra Giao thông do ngân sách Nhà nước cấp.

Điều 21.

Tổ chức Thanh tra Giao thông có đủ tư cách pháp nhân để xử lý các hành vi vi phạm hành chính đối với công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải theo quy định của pháp luật và liên hệ với các cơ quan Nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ của mình. Có trụ sở và các cơ sở vật chất khác để làm việc cho các cấp.

Điều 22.

Tổ chức Thanh tra Giao thông được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để nhận kinh phí của Nhà nước cấp về để trả lương, mua sắm các trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, các phương tiện làm nhiệm vụ; tuyên truyền phổ biến luật pháp về giao thông vận tải; mở lớp bồi dưỡng học tập nghiệp vụ, chuyên môn; kinh phí giải toả hành lang, xăng dầu cho phương tiện đi lại... Hàng năm Ban Thanh tra Giao thông phải lên dự toán chi đầy đủ trình cấp trên duyệt cấp.

Điều 23.

1. Con dấu Thanh tra Giao thông chỉ có ở cấp Ban Thanh tra Giao thông, Trưởng phó ban mới được quyền sử dụng.

2. Các Ban Thanh tra Giao thông có trách nhiệm xây dựng Quy chế hoạt động cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương để cấp trên có thẩm quyền phê duyệt nhưng không được trái với những quy định của Quyết định này.

Điều 24.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuỳ tình hình từng địa phương có thể quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Giao thông để đáp ứng các yêu cầu của thực tế ở địa phương (theo Pháp lệnh quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND mỗi cấp ngày 25/6/1996).

Điều 25.

Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ PCVT, Vụ TCCB-LĐ; Vụ TCKT; Chánh thanh tra Bộ, Cục trưởng các Cục ĐBVN, Cục ĐSVN; Tổng giám đốc LHĐSVN, Giám đốc Sở GTVT, Sở GTCC chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

CÁC ĐỊA PHƯƠNG
(VIẾT TẮT TÊN ĐẦU)

1. Hà Nội HN 2. Hải Phòng HP

3. Thành phố Hồ Chí Minh TP.HCM

4. Lạng Sơn LS 5. Cao Bằng CB

6. Hà Giang HG 7. Yên Bái YB

8. Tuyên Quang TQ 9. Lào Cai LC

10. Thái Bình TB 11. Phú Thọ PT

12. Vĩnh Phúc VP 13. Bắc Cạn BC

14. Thái Nguyên TN 15. Lai Châu LChâu

16. Sơn La SL 17. Hoà Bình HB

18. Hà Tây HT 19. Quảng Ninh QN

20. Bắc Giang BG 21. Bắc Ninh BN

22. Hải Dương HD 23. Hưng Yên HY

24. Nam Định NĐ 25. Hà Nam HNam

26. Ninh Bình NB 27. Thanh Hoá TH

28. Nghệ An NA 29. Hà Tĩnh HTĩnh

30. Quảng Bình QB 31. Quảng Trị QT

32. Thừa Thiên - Huế TTH 33. Quảng Nam QNam

34. Đà Nẵng ĐN 35. Quảng Ngãi QNghãi

36. Phú Yên PY 37. Khánh Hoà KH

38. Lâm Đồng LĐ 39. Đắc Lắc ĐL

40. Kon Tum KT 41. Gia Lai GL

42. Bình Định BĐ 43. Ninh Thuận NT

44. Bình Thuận BT 45. Đồng Nai ĐN

46. Bình Dương BD 47. Bình Phước BP

48. Bà Rịa - Vũng Tàu BR-VT 49. Long An LA

50. Vĩnh Long VL 51. Tây Ninh TNinh

52. Bến Tre BTre 53. Cần Thơ CT

54. Sóc Trăng ST 55. Bạc Liêu BL

56. Cà Mau CM 57. Đồng Tháp ĐT

58. Tiền Giang TG 59. Kiên Giang KG

60. An Giang AG 61. Trà Vinh TV

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Văn Sướng

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.