• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 20/12/2021
BỘ NỘI VỤ
Số: 02/2016/TT-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 1 tháng 2 năm 2016

THÔNG TƯ

Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV

và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021

_____________________

 

Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;

Căn cứ Nghị quyết số 105/2015/QH13 của Quốc hội về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia;

Căn cứ Nghị quyết số 1129/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021;

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở địa phương, gồm: Tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử và nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử của các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện trước ngày bầu cử, trong ngày bầu cử và sau ngày bầu cử.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH BẦU CỬ Ở ĐỊA PHƯƠNG

Điều 3. Việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương

1. Việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và Điều 28 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương do Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường sau khi thống nhất với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định (cơ cấu, thành phần của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương này không có đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp).

Đối với đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có một khu vực bỏ phiếu thì vẫn thành lập Ban bầu cử và Tổ bầu cử riêng; thành viên Ban bầu cử có thể tham gia làm thành viên Tổ bầu cử.

2. Cơ quan cố thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử.

3. Trường hợp thành viên tổ chức phụ trách bầu cử bị chết, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì lý do khác dẫn đến khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử thì căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, Ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp mình.

Đối với việc thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì Ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định.

Điều 4. Phân công nhiệm vụ thành viên tổ chức phụ trách bầu cử

Chủ tịch Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban bầu cử cấp xã; Trưởng ban Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Tổ trưởng Tổ bầu cử (sau đây gọi chung là người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử) chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình từ giai đoạn chuẩn bị, triển khai, tổ chức ngày bầu cử, các công việc tiến hành sau ngày bầu cử cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử. Trong đó, phân công một thành viên chịu trách nhiệm tổng hợp chung công tác bầu cử của Ủy ban bầu cử và của Ban bầu cử.

Điều 5. Hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử và trách nhiệm của các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử

1. Hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử

a) Căn cứ điều kiện cụ thể, các tổ chức phụ trách bầu cử có thể trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội giúp việc cho tổ chức phụ trách bầu cử theo quyết định của người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử;

b) Các tổ chức phụ trách bầu cử tổ chức quán triệt những nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức phụ trách bầu cử đã được Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định; các thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử phải được tập huấn đầy đủ các kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tập huấn đối với thành viên Tổ bầu cử;

c) Các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện các công việc theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo tiến độ về tình hình chuẩn bị, triển khai, thực hiện công tác bầu cử với tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên trực tiếp và cơ quan có thẩm quyền.

2. Trách nhiệm của thành viên tổ chức phụ trách bầu cử

a) Người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử phân công, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với từng thành viên trong quá trình thực hiện công tác bầu cử;

b) Thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm tham gia đầy đủ việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác bầu cử; nắm vững và thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; công tâm, khách quan, trung thực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao;

c) Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử phải trao đổi, hội ý công việc, đánh giá rút kinh nghiệm về những công việc đã thực hiện của mỗi thành viên; người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các thành viên thực hiện những công việc còn tồn đọng và phân công các thành viên thực hiện các công việc tiếp theo của tổ chức phụ trách bầu cử theo tiến độ thực hiện công tác bầu cử;

d) Trong ngày bầu cử, các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử phải đeo phù hiệu của tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình.

Chương III

NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC TỔ CHỨC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Điều 6. Bố trí địa điểm bỏ phiếu

1. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương như nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong.

2. Địa điểm bỏ phiếu gồm: Cổng ra vào, khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu và khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được trang trí theo mẫu hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

a) Cổng ra vào và khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu

- Tổ bầu cử sử dụng cổng phòng bỏ phiếu hoặc sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để làm cổng ra vào khu vực bỏ phiếu;

- Khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu là nơi niêm yết danh sách cử tri, danh sách và tiểu sử những người ứng cử; nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân; nơi tổ chức lễ khai mạc; nơi tiếp đón cử tri đến bỏ phiếu. Khu vực này có thể bố trí bàn, ghế để cử tri chờ thực hiện việc bỏ phiếu;

(Cổng ra vào và khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu được trang trí theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu

- Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được bố trí trang trọng, đủ bàn, ghế, bút viết và những điều kiện cần thiết để cử tri đến bỏ phiếu; nơi nào có hội trường rộng thì có thể tổ chức kê khai mạc ngay trong phòng bỏ phiếu;

- Phòng bỏ phiếu phải có lối đi vào, lối đi ra một chiều và theo trật tự nhất định, có thể tham khảo bố trí theo sơ đồ sau: Bắt đầu lối vào là bàn hướng dẫn, bàn để cử tri xuất trình Thẻ cử tri và nhận phiếu bầu; tiếp đến là một số bàn để cử tri viết phiếu bầu, nơi để hòm phiếu; bàn đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri để xác nhận cử tri đã bỏ phiếu; lối ra cho cử tri sau khi cử tri đã thực hiện xong việc bỏ phiếu;

- Tùy điều kiện cụ thể của từng phòng bỏ phiếu, Tổ bầu cử có thể niêm yết thêm danh sách, tiểu sử những người ứng cử, nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân để cử tri tham khảo trước khi viết phiếu bầu;

- Nơi cử tri viết phiếu bầu cần có các vách ngăn để bảo đảm cử tri “bỏ phiếu kín” theo quy định của pháp luật về bầu cử;

(Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu được trang trí theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Tổ trưởng Tổ bầu cử phải phân công thành viên Tổ bầu cử luân phiên trực bảo vệ địa điểm bỏ phiếu cả ngày và đêm trước ngày bầu cử và trong ngày bầu cử.

Điều 7. Hòm phiếu

Việc chuẩn bị hòm phiếu, số lượng, kích cỡ hòm phiếu tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương theo hướng dẫn cụ thể của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Hòm phiếu được đóng mới hoặc sử dụng hòm phiếu bầu cử hiện có. Hòm phiếu phải bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía mặt trước của hòm phiếu có dán hình Quốc huy, phía dưới có dòng chữ “HÒM PHIẾU”. Ngoài hòm phiếu chính, Tổ bầu cử phải chuẩn bị hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) và băng niêm phong hòm phiếu.

Điều 8. Nhận tài liệu liên quan đến công tác bầu cử của Tổ bầu cử

Tổ bầu cử phân công thành viên nhận các loại tài liệu sau đây từ Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban bầu cử cùng cấp:

1. Nhận Thẻ cử tri theo danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu và phát cho cử tri trước ngày bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử.

2. Nhận đủ số lượng phiếu bầu theo danh sách cử tri và số lượng phiếu bầu dự phòng. Khi nhận phiếu bầu phải có biên bản bàn giao giữa người giao và người nhận về số lượng cụ thể của từng loại phiếu bầu. Tổ bầu cử kiểm tra kỹ phiếu bầu ghi tên những người ứng cử đúng với khu vực bỏ phiếu của Tổ mình và phải quản lý chặt chẽ số lượng các loại phiếu bầu.

3. Con dấu của Tổ bầu cử và con dấu “Đã bỏ phiếu”.

4. Các loại biên bản, biểu mẫu của Tổ bầu cử.

5. Danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu.

6. Danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu.

7. Nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử, mẫu diễn văn khai mạc.

8. Phù hiệu của các thành viên Tổ bầu cử.

9. Văn phòng phẩm (bút, giấy, kéo, thước kẻ, keo dán, hộp mực con dấu,...).

10. Các tài liệu khác liên quan đến bầu cử theo hướng dẫn của địa phương.

Điều 9. Các công việc thực hiện trước ngày bầu cử của Tổ bầu cử

1. Tổ trưởng Tổ bầu cử chủ trì cuộc họp phân công cụ thể cho từng thành viên thực hiện các công việc sau:

a) Tổ trưởng phụ trách chung, trực tiếp chỉ đạo hoạt động trong phòng bỏ phiếu và việc bỏ phiếu, việc kiểm phiếu;

b) Thư ký chịu trách nhiệm quản lý tài liệu, con dấu, làm biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử;

c) Phân công thành viên chịu trách nhiệm về trang trí phòng bỏ phiếu, trực tiếp chỉ đạo hoạt động ngoài phòng bỏ phiếu và bảo đảm các điều kiện vật chất - kỹ thuật cho ngày bầu cử của Tổ bầu cử;

d) Phân công thành viên chịu trách nhiệm kiểm tra Thẻ cử tri, đối chiếu danh sách cử tri, đánh dấu theo dõi số cử tri đi bầu vào danh sách cử tri, phát phiếu bầu đã được đóng dấu của Tổ bầu cử cho cử tri;

đ) Phân công thành viên chịu trách nhiệm hướng dẫn cử tri cách thức bỏ phiếu và viết phiếu bầu;

e) Phân công thành viên chịu trách nhiệm trực tại bàn gần hòm phiếu, đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào mặt trước của Thẻ cử tri khi cử tri đã bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu;

g) Phân công thành viên hướng dẫn cử tri ra, vào phòng bỏ phiếu, nhận phiếu, viết phiếu và bỏ phiếu;

h) Phân công thành viên phụ trách công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa điểm bỏ phiếu;

i) Phân công thành viên đôn đốc, thông báo để các cử tri đi bỏ phiếu;

k) Các công việc khác liên quan đến công tác bầu cử.

2. Tổ bầu cử thực hiện việc rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các loại phương tiện vật chất - kỹ thuật phục vụ ngày bầu cử, bao gồm:

a) Phòng bỏ phiếu;

b) Nơi niêm yết danh sách cử tri, danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

c) Phiếu bầu bảo đảm đúng đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu;

d) Các con dấu;

đ) Các hòm phiếu;

e) Các biên bản, biểu mẫu của Tổ bầu cử;

g) Thành phần dự lễ khai mạc, diễn văn khai mạc và các văn phòng phẩm (giấy, bút, kéo, băng niêm phong hòm phiếu, hộp mực con dấu, đèn dự phòng,...) phục vụ việc bầu cử;

h) Danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu, trong đó cần xác định rõ số cử tri là người ốm đau, già yếu, khuyết tật; người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng; người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ (nếu có) để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử;

i) Các phương tiện vật chất - kỹ thuật khác phục vụ cho ngày bầu cử.

3. Quản lý phiếu bầu

Tổ trưởng Tổ bầu cử phân công thành viên quản lý chặt chẽ số phiếu bầu. Trường hợp phát hiện phiếu bầu bị mất thì Tổ bầu cử phải báo cáo ngay Ban bầu cử để có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 10. Các công việc thực hiện trong ngày bầu cử của Tổ bầu cử

1. Các thành viên Tổ bầu cử phải đến trước giờ khai mạc để kiểm tra công tác chuẩn bị, bảo đảm thời gian khai mạc đúng giờ quy định. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 7 giờ tối cùng ngày. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày. Sau khi đã kiểm tra đầy đủ các điều kiện cần thiết cho ngày bầu cử, Tổ bầu cử mới tổ chức lễ khai mạc và tiến hành việc bỏ phiếu.

2. Tổ chức lễ khai mạc

a) Thành phần tham dự lễ khai mạc:

- Các thành viên Tổ bầu cử, những người có nhiệm vụ liên quan đến công tác bầu cử;

- Đại diện cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể ở địa phương;

- Đại diện cử tri là người cao tuổi, người có công với cách mạng và chức sắc tôn giáo trong khu vực (nếu có);

- Cử tri đến dự lễ khai mạc;

- Phóng viên báo, đài (nếu có).

b) Trình tự tổ chức lễ khai mạc

Lễ khai mạc phải được tổ chức trang trọng, thời gian khoảng 15 đến 20 phút, do Tổ trưởng Tổ bầu cử chủ trì theo nội dung và trình tự sau đây:

- Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu;

- Đọc diễn văn khai mạc;

- Đọc nội quy phòng bỏ phiếu;

- Kiểm tra hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ trước sự chứng kiến của cử tri; mời 2 cử tri không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ứng cử tại khu vực bỏ phiếu chứng kiến việc kiểm tra hòm phiếu, sau đó niêm phong hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ theo quy định;

- Sau khi thực hiện thủ tục niêm phong hòm phiếu, Tổ trưởng Tổ bầu cử tuyên bố cuộc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 bắt đầu;

- Tổ bầu cử phải bố trí thành viên Tổ bầu cử thường trực bên hòm phiếu làm nhiệm vụ hướng dẫn cử tri bỏ phiếu và bảo vệ hòm phiếu.

3. Tiến hành bỏ phiếu

a) Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu;

b) Khi bắt đầu việc bỏ phiếu, Tổ bầu cử mời những cử tri có tên trong danh sách cử tri là lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người có công với cách mạng, chức sắc tôn giáo (nếu có) và cử tri là người cao tuổi nhất có mặt tại thời điểm khai mạc bỏ phiếu trước;

c) Việc bỏ phiếu được tiến hành liên tục. Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo, hướng dẫn cử tri thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bầu cử, thể lệ bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu; hướng dẫn cử tri cách thức bỏ phiếu và viết phiếu bầu; đôn đốc cử tri tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân;

d) Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả các thành viên Tổ bầu cử. Nếu cử tri gạch hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ (gạch hộ) nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người viết hộ phiếu bầu phải đọc đầy đủ họ và tên những người ứng cử trên phiếu bầu để cử tri tự mình quyết định. Người viết hộ phiếu bầu phải ghi trung thực ý muốn của cử tri nhờ viết hộ và bảo đảm bí mật phiếu bầu. Khi viết hộ phiếu bầu xong phải giao lại phiếu bầu cho cử tri để cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu. Người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu;

đ) Trong khi tiến hành bỏ phiếu, nếu có tình huống bất thường xảy ra làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu thì Tổ trưởng Tổ bầu cử và các thành viên Tổ bầu cử phải nhanh chóng hội ý để kịp thời xử lý. Trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc không thể tự xử lý được thì phải kịp thời báo cáo Ban bầu cử để có phương án giải quyết. Nếu phải tạm dừng cuộc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải tiến hành niêm phong và quản lý chặt chẽ hòm phiếu, phiếu bầu và các tài liệu liên quan khác, kịp thời báo cáo Ban bầu cử biết để có phương án giải quyết, đồng thời phải có biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục tiến hành;

e) Tổ bầu cử phải đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri của cử tri đã bỏ phiếu bầu xong.

4. Một số điểm cần lưu ý trong ngày bầu cử

a) Trong quá trình diễn ra việc bỏ phiếu, các thành viên Tổ bầu cử phải ân cần, lịch sự, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho cử tri đến tham gia bỏ phiếu. Các thành viên Tổ bầu cử được phân công đảm nhiệm từng công việc trong ngày bầu cử phải chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công và hỗ trợ thành viên khác hoàn thành nhiệm vụ chung của Tổ bầu cử;

b) Tổ bầu cử hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu. Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu;

c) Trường hợp phải sử dụng hòm phiếu phụ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử chịu trách nhiệm kiểm tra số lượng phiếu bầu khi phát ra cho thành viên Tổ bầu cử để mang theo cùng với hòm phiếu phụ đến các cử tri là người ốm đau, già yếu, khuyết tật; người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng; người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ (nếu có) thực hiện việc bỏ phiếu do không đến được phòng bỏ phiếu. Sau khi những cử tri này bỏ phiếu xong, thành viên Tổ bầu cử phải mang ngay hòm phiếu phụ về khu vực bỏ phiếu;

d) Nếu cử tri yêu cầu đổi phiếu bầu khác do gạch hỏng, Tổ bầu cử phải thu hồi phiếu gạch hỏng của cử tri, sau đó mới được phát phiếu bầu khác;

đ) Khi cử tri có Thẻ cử tri và Giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc do chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân cấp đề nghị được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở khu vực bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải hướng dẫn người đổ đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để bổ sung vào danh sách cử tri. Danh sách cử tri bổ sung phải xác định rõ những người này được bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Sau khi có danh sách cử tri bổ sung do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận, Tổ bầu cử mới được phát phiếu bầu cho những cử tri này; khi những cử tri này đã bỏ phiếu xong thì Tổ Bầu cử phải đóng dấu “Đã bỏ phiếu” lên Thẻ cử tri và Giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác. Tổ bầu cử phải ghi danh sách cử tri bổ sung để theo dõi riêng và tổng hợp số liệu sau khi kết thúc việc bỏ phiếu;

e) Tổ bầu cử không được để những người không có nhiệm vụ vào phòng bỏ phiếu. Không ai được mang vũ khí, chất nổ, vật dễ cháy,... vào địa điểm bỏ phiếu.

5. Kết thúc việc bỏ phiếu và tổ chức kiểm phiếu

Sau khi đã hết giờ bỏ phiếu theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Tổ bầu cử mới được mở hòm phiếu để kiểm phiếu.

6. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên khi tiến hành kiểm phiếu và lập biên bản kiểm phiếu

a) Tổ bầu cử phân công các thành viên Tổ bầu cử thành các nhóm để thực hiện việc kiểm phiếu. Đối với các Tổ bầu cử đủ số lượng thành viên để phân thành bốn nhóm thì phân công thực hiện như sau: Nhóm kiểm phiếu bầu đại biểu Quốc hội; nhóm kiểm phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; nhóm kiểm phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; nhóm kiểm phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã;

Đối với các Tổ bầu cử không đủ số lượng thành viên để phân thành bốn nhóm thì Tổ trưởng Tổ bầu cử phân công các nhóm kiểm phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cho phù hợp;

b) Thư ký Tổ bầu cử tiến hành lập các biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử.

Điều 11. Kiểm kê, kiểm tra và phân loại phiếu bầu

1. Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm kê và lập biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo Mẫu số 31/BCĐBQH&BCĐBHĐND (ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia).

2. Mời 2 cử tri là người biết chữ, có uy tín trong Nhân dân tại địa bàn và không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu đó chứng kiến việc mở hòm phiếu. Người ứng cử hoặc người đại diện hợp pháp của người ứng cử và các phóng viên được chứng kiến việc kiểm phiếu của Tổ bầu cử.

3. Tổ trưởng Tổ bầu cử mở hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ (nếu có) để tiến hành việc kiểm phiếu.

4. Tổ bầu cử thực hiện việc phân loại phiếu bầu theo màu phiếu bầu đại biểu Quốc hội, màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; kiểm kê (đếm) tổng số phiếu trong hòm phiếu để xác định số phiếu thu vào và bàn giao các loại phiếu cho các nhóm đã được phân công của Tổ bầu cử để bắt đầu việc kiểm phiếu.

5. Tổ bầu cử tiến hành kiểm tra tổng số phiếu thu vào so với tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nếu tổng số phiếu thu vào bằng hoặc ít hơn số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử mới được tiến hành kiểm phiếu. Trường hợp tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải kiểm tra lại; nếu kiểm tra lại vẫn cho kết quả tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì lập tức niêm phong hòm phiếu và báo cáo ngay Ban bầu cử giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ban bầu cử thì Ban bầu cử phải kịp thời báo cáo Ủy ban bầu cử xem xét, quyết định.

6. Khi bắt đầu việc kiểm phiếu, Tổ bầu cử thực hiện phân loại phiếu bầu thành 2 loại sau đây:

a) Loại phiếu hợp lệ;

b) Loại phiếu không hợp lệ.

7. Sau khi phân loại xong phiếu bầu, Tổ bầu cử phải ghi kết quả kiểm tra số phiếu hợp lệ, số phiếu không hợp lệ vào biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử.

8. Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của Tổ bầu cử theo Mẫu số 20/BCĐBQH và Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của Tổ bầu cử theo Mẫu số 25/BCĐBHĐND (ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia).

Điều 12. Kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử

1. Việc kiểm phiếu bầu cho từng người ứng cử chỉ thực hiện đối với những phiếu hợp lệ. Các phiếu bầu hợp lệ phải được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 1 đại biểu; loại phiếu bầu 2 đại biểu; loại phiếu bầu 3 đại biểu,...

2. Tổ bầu cử kiểm phiếu theo từng loại phiếu bầu quy định tại khoản 1 Điều này để làm căn cứ xác định số phiếu bầu cho từng người ứng cử.

3. Để việc kiểm phiếu được chính xác, Tổ bầu cử phân công ít nhất 3 người kiểm phiếu, gồm: 1 người đọc, 1 người ghi, 1 người kiểm tra việc đọc và ghi. Cách ghi số phiếu cho từng người ứng cử tham khảo theo cách vẽ lần lượt các hình vuông và một đường chéo, cứ 5 phiếu tạo thành 1 hình .

Điều 13. Niêm phong và quản lý phiếu bầu sau khi kiểm phiếu

1. Sau khi kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu, Tổ bầu cử tiến hành niêm phong phiếu bầu theo từng loại phiếu bầu đại biểu Quốc hội, phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp như sau:

a) Số phiếu bầu hợp lệ;

b) Số phiếu bầu không hợp lệ.

2. Toàn bộ số phiếu đã được niêm phong quy định tại khoản 1 Điều này phải được Tổ bầu cử cho vào hòm phiếu và làm thủ tục niêm phong hòm phiếu có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ bầu cử gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý các loại phiếu bầu của các Tổ bầu cử ở địa phương mình. Trong thời gian quản lý phiếu bầu, nếu không có ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền thì tuyệt đối không được mở và kiểm tra phiếu bầu đã được niêm phong.

Điều 14. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Ủy ban bầu cử cấp tỉnh quyết định việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đến tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên trực tiếp và cơ quan có thẩm quyền.

2. Trong ngày bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hai giờ một lần. Nội dung thông tin, báo cáo tập trung các vấn đề sau:

a) Các điều kiện vật chất - kỹ thuật phục vụ cho ngày bầu cử;

b) Những thuận lợi, khó khăn về giao thông, thông tin liên lạc, thời tiết ảnh hưởng đến việc bầu cử;

c) Diễn biến của cuộc bầu cử;

d) Số cử tri đi bầu và tiến độ cử tri đi bầu;

đ) Không khí ngày bầu cử, dư luận trong Nhân dân về cuộc bầu cử và những người ứng cử;

e) Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử;

g) Những tình huống phát sinh cần xin ý kiến chỉ đạo giải quyết (nếu có).

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Nội vụ (đối với cấp tỉnh), Phòng Nội vụ (đối với cấp huyện) là cơ quan thường trực, giúp việc cho Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, Ủy ban bầu cử cấp huyện trong việc thực hiện công tác bầu cử ở địa phương.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, Sở Nội vụ cấp tỉnh và Phòng Nội vụ cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3. Căn cứ các quy định tại Thông tư này, các tổ chức phụ trách bầu cử phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với từng thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình.

4. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh kịp thời phản ánh về Bộ Nội vụ và các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử Trung ương nghiên cứu giải quyết.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Duy Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.