• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/10/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/08/2023
CHÍNH PHỦ
Số: 114/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 10 tháng 10 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Nghị định này quy định về chức danh, tiêu chuẩn, nghĩa vụ, quyền lợi, những việc không được làm, chế độ chính sách và quản lý cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã).

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là cán bộ, công chức quy định tại điểm g và điểm h khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức, làm việc tại Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của cấp xã, bao gồm:

1. Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ (sau đây gọi chung là cán bộ chuyên trách cấp xã), gồm có các chức vụ sau đây:

a) Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, Thường trực đảng ủy (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng), Bí thư, Phó Bí thư chi bộ (nơi chưa thành lập đảng ủy cấp xã);

b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;

d) Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.

2. Những người được tuyển dụng, giao giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã (gọi chung là công chức cấp xã), gồm có các chức danh sau đây:

a) Trưởng công an (nơi chưa bố trí lực lượng công an chính quy);

b) Chỉ huy trưởng quân sự;

c) Văn phòng - Thống kê;

d) Địa chính - Xây dựng;

đ) Tài chính - Kế toán;

e) Tư pháp - Hộ tịch;

g) Văn hoá - Xã hội.

Điều 3. Yêu cầu đối với cán bộ, công chức cấp xã

Cán bộ, công chức cấp xã là công bộc của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công vụ được giao.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức cấp xã

Công tác cán bộ, công chức cấp xã đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy đảng, bảo đảm nguyên tắc tập thể, dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 5. Trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã

Cán bộ, công chức cấp xã có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Nghị định này; các quy định cụ thể về chế độ, chính sách, tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã; các quy định của Pháp lệnh Chống tham nhũng, Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Điều 6. Tiêu chuẩn chung

Cán bộ, công chức cấp xã phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau đây:

1. Có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có năng lực và tổ chức vận động nhân dân thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

2. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, công tâm, thạo việc, tận tuỵ với dân. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;

3. Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hoá, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Điều 7. Tiêu chuẩn cụ thể

Cán bộ, công chức cấp xã phải bảo đảm tiêu chuẩn cụ thể do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định:

1. Tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ chuyên trách cấp xã làm việc trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp Trung ương quy định.

2. Tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ chuyên trách cấp xã làm việc trong Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và tiêu chuẩn của công chức cấp xã do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định.

Chương 3:

NGHĨA VỤ, QUYỀN LỢI VÀ NHỮNG VIỆC KHÔNG ĐƯỢC LÀM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Điều 8. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã

Cán bộ, công chức cấp xã có những nghĩa vụ sau đây:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới xây dựng địa phương phát triển về mọi mặt;

2. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ công vụ theo đúng quy định của pháp luật;

3. Có nếp sống lành mạnh, tôn trọng nhân dân, không được quan liêu, hách dịch, cửa quyền;

4. Thực hiện nghiêm chỉnh nội quy, quy chế, điều lệ của cơ quan, tổ chức; giữ gìn và bảo vệ của công; bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;

5. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ; chủ động sáng tạo, phối hợp trong công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ, công vụ được giao; đạt tiêu chuẩn theo thời hạn quy định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, công chức;

6. Gương mẫu thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tham gia sinh hoạt với cộng đồng dân cư nơi cư trú, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân;

7. Chấp hành sự điều động, quyết định phân công công tác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; khi có căn cứ để cho là quyết định đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; trong trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả việc thi hành quyết định đó;

8. Cán bộ, công chức cấp xã chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của mình; cán bộ, công chức cấp xã giữ chức vụ lãnh đạo còn phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Thực hiện Quy chế làm việc

Cán bộ, công chức cấp xã có trách nhiệm thực hiện Quy chế làm việc giữa Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng và bức xúc của địa phương.

Điều 10. Quyền lợi của cán bộ, công chức cấp xã

Cán bộ, công chức cấp xã có các quyền lợi sau đây:

1. Được nghỉ lễ, nghỉ hàng năm và nghỉ việc riêng theo quy định của Bộ luật Lao động. Trong trường hợp có lý do chính đáng được nghỉ không hưởng lương, sau khi có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý và sử dụng cán bộ, công chức cấp xã;

2. Được hưởng lương và các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công tác phí, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, thôi việc và các quy định khác;

3. Được ưu tiên trong việc xét tuyển, thi tuyển vào làm việc ở các tổ chức, cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên khi có đủ điều kiện và tiêu chuẩn;

4. Cán bộ, công chức là nữ còn được hưởng các quyền lợi quy định tại khoản 2 Điều 109, các điều 111, 113, 114, 115, 116, và 117 của Bộ luật Lao động;

5. Có quyền tham gia hoạt động chính trị, xã hội theo quy định của pháp luật; được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ, được quyền nghiên cứu khoa học, sáng tác; được khen thưởng khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công vụ được giao;

6. Có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về việc làm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình cho là trái pháp luật đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những khiếu nại, tố cáo và khởi kiện đó;

7. Khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được pháp luật và nhân dân bảo vệ;

8. Cán bộ, công chức hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được xem xét để công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật; bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được xem xét để áp dụng chính sách chế độ tương tự như đối với thương binh.

Điều 11. Những việc cán bộ, công chức cấp xã không được làm

Cán bộ, công chức cấp xã không được làm những việc sau đây:

1. Chây lười trong công tác, trốn tránh trách nhiệm hoặc thoái thác nhiệm vụ, công vụ; gây bè phái, mất đoàn kết, cục bộ hoặc tự ý bỏ việc;

2. Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết công việc;

3. Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, bệnh viện tư, trường học tư;

4. Bí thư đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình vào làm công việc: Tài chính - Kế toán, Địa chính - Xây dựng.

chương 4:

BẦU CỬ, TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Điều 12. Bầu cử cán bộ chuyên trách cấp xã

1. Việc bầu cử cán bộ chuyên trách cấp xã của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.

2. Việc bầu cử cán bộ chuyên trách cấp xã trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 13. Tuyển dụng công chức cấp xã

1. Việc tuyển dụng công chức cấp xã phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác, tiêu chuẩn và số lượng của chức danh cần tuyển dụng.

2. Người được tuyển dụng làm công chức phải có phẩm chất đạo đức, đủ tiêu chuẩn và thông qua thi tuyển. Việc tuyển dụng công chức ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vùng dân tộc thiểu số thì có thể thực hiện thông qua xét tuyển.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức việc tuyển dụng công chức cấp xã theo Quy chế tuyển dụng công chức của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Người được tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự đủ thời gian 06 tháng. Khi hết thời gian tập sự, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã căn cứ vào tiêu chuẩn và kết quả công việc của người tập sự, nếu đủ tiêu chuẩn thì đề nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định tuyển dụng; nếu không đủ tiêu chuẩn tuyển dụng thì cho thôi việc.

Điều 14. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã

1. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn và nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức cấp xã.

2. Việc đào tạo cán bộ, công chức cấp xã căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn đối với từng chức vụ và tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng chức danh .

3. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã do ngân sách nhà nước cấp. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.

Điều 15. Thôi việc, bỏ việc

1. Cán bộ, công chức cấp xã được thôi việc và hưởng chế độ thôi việc trong các trường hợp: do thực hiện việc tiêu chuẩn hoá cán bộ, công chức; do nghỉ công tác chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí; có nguyện vọng xin thôi việc và được cơ quan, tổ chức cấp huyện đồng ý.

2. Cán bộ, công chức cấp xã tự ý bỏ việc thì bị xử lý kỷ luật, không được hưởng chế độ thôi việc và quyền lợi khác, phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật.

3. Trong thời gian đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cán bộ, công chức cấp xã không được thôi việc trước khi có quyết định xử lý.

Chương 5:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 16. Khen thưởng

1. Cán bộ, công chức cấp xã có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì được xét khen thưởng theo các hình thức sau đây:

a) Giấy khen;

b) Bằng khen;

c) Danh hiệu vinh dự nhà nước;

d) Huy chương;

đ) Huân chương.

2. Việc khen thưởng cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 17. Kỷ luật và xử lý vi phạm

1. Việc kỷ luật, bãi nhiệm đối với cán bộ chuyên trách cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

2. Cán bộ, công chức cấp xã vi phạm các quy định của pháp luật, nếu chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét kỷ luật theo một trong những hình thức sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Cách chức;

đ) Buộc thôi việc.

3. Công chức cấp xã bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì bị kéo dài thời gian nâng bậc lương thêm một năm.

4. Cán bộ, công chức cấp xã bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn ít nhất một năm, kể từ khi có quyết định kỷ luật.

5. Cán bộ, công chức cấp xã làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

6. Cán bộ, công chức cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại cho người khác thì phải hoàn trả cho cơ quan, tổ chức khoản tiền mà cơ quan, tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.

7. Cán bộ, công chức cấp xã vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu của tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

8. Cán bộ, công chức cấp xã phạm tội bị toà án nhân dân phạt tù mà không được hưởng án treo thì phải buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Điều 18. Tạm đình chỉ công tác

Trong thời gian đang bị xem xét kỷ luật, cán bộ, công chức cấp xã có thể bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý ra quyết định tạm đình chỉ công tác nếu xét thấy cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xác minh hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm. Thời hạn tạm đình chỉ không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 03 tháng; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác, nếu không bị xử lý thì cán bộ, công chức cấp xã được tiếp tục làm việc. Cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian bị đình chỉ công tác được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.

Cán bộ, công chức cấp xã không có lỗi thì sau khi tạm đình chỉ công tác, được bố trí trở lại vị trí công tác cũ; trường hợp cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể được bố trí về vị trí công tác cũ.

Điều 19. Thẩm quyền xử lý kỷ luật

1. Việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức cấp xã do cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức quyết định theo quy trình: Hội đồng kỷ luật của cơ quan, tổ chức cấp xã xem xét và đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp huyện quyết định.

2. Thành phần và quy chế hoạt động cụ thể của Hội đồng kỷ luật do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp tỉnh quy định.

Điều 20. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Cán bộ, công chức cấp xã khi bị kỷ luật có quyền khiếu nại về quyết định kỷ luật đối với mình đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Phục hồi danh dự, quyền lợi khi bị oan sai

Cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận là oan, sai thì được phục hồi danh dự, quyền lợi và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Quản lý hồ sơ khen thưởng và kỷ luật

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức cấp xã có trách nhiệm quản lý hồ sơ khen thưởng, kỷ luật của cán bộ, công chức.

Các quyết định về khen thưởng và kỷ luật được lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức cấp xã.

Chương 6:

QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Điều 23. Nội dung quản lý cán bộ, công chức cấp xã

Nội dung quản lý cán bộ, công chức cấp xã bao gồm:

1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, điều lệ, quy chế về cán bộ, công chức;

2. Lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức;

3. Quy định chức danh và tiêu chuẩn cán bộ, công chức;

4. Quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã và hướng dẫn thực hiện;

5. Tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng và phân cấp quản lý cán bộ, công chức;

6. Ban hành quy chế tuyển dụng, chế độ tập sự đối với công chức;

7. Đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức;

8. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức;

9. Thực hiện công tác thống kê cán bộ, công chức;

10. Thanh tra, kiểm tra việc thi hành quy định về cán bộ, công chức;

11. Chỉ đạo, tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo với cán bộ, công chức.

Điều 24. Nội dung quản lý cán bộ, công chức cấp xã của Bộ Nội vụ

Bộ Nội vụ có nhiệm vụ và quyền hạn giúp Chính phủ quản lý cán bộ, công chức cấp xã theo các nội dung sau đây:

1. Trình Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức;

2. Trình Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức;

3. Quy định tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã;

4. Hướng dẫn việc quy định số lượng cán bộ, công chức;

5. Hướng dẫn việc quản lý và phân cấp quản lý cán bộ, công chức;

6. Hướng dẫn việc xây dựng quy chế tuyển dụng, sử dụng công chức;

7. Quản lý về nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

8. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với cán bộ, công chức;

9. Thống kê, tổng hợp số lượng cán bộ, công chức.

Điều 25. Nội dung quản lý cán bộ, công chức cấp xã của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý cán bộ, công chức cấp xã theo các nội dung sau đây:

1. Quyết định cụ thể số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ;

2. Xây dựng quy chế tuyển dụng, điều động, miễn nhiệm, cho thôi việc và chế độ tập sự cán bộ, công chức;

3. Xây dựng nội dung, chương trình, bồi dưỡng, cập nhật nâng cao trình độ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức;

4. Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức;

5. Thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định đối với cán bộ, công chức;

6. Chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức;

7. Quy định thành phần và quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức;

8. Thống kê số lượng, chất lượng cán bộ, công chức trong phạm vi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 26. Nội dung quản lý cán bộ, công chức cấp xã của Uỷ ban nhân dân cấp huyện

Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý cán bộ, công chức cấp xã theo các nội dung sau đây:

1. Lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và từng bước thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ, công chức;

2. Tổ chức việc thi tuyển hoặc xét tuyển, quyết định tuyển dụng, điều động, miễn nhiệm, cho thôi việc công chức cấp xã và quản lý công chức, hồ sơ công chức cấp xã theo hướng dẫn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

3. Tổ chức việc thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức;

4. Tổ chức việc bồi dưỡng cán bộ, công chức;

5. Quyết định khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức;

6. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về cán bộ, công chức;

7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật;

8. Thống kê, đánh giá số lượng, chất lượng cán bộ, công chức trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 27. Nội dung quản lý cán bộ, công chức cấp xã của Uỷ ban nhân dân cấp xã

Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý cán bộ, công chức cấp xã theo các nội dung sau đây:

1. Trực tiếp quản lý đội ngũ công chức;

2. Thực hiện các quy định về chế độ, chính sách đôí với cán bộ, công chức;

3. Thực hịên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

4. Đề nghị cơ quan, tổ chức cấp có thẩm quyền khen thưởng cán bộ, công chức cấp xã theo thẩm quyền;

5. Xem xét và đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp huyện về kỷ luật và xử lý vi phạm đối với công chức;

6. Giải quyết việc khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật;

7. Thống kê số lượng, đánh giá chất lượng và việc bố trí, sử dụng đội ngũ công chức;

8. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp giấy khen cho công chức có thành tích.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 29. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.