• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/09/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 139/2007/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 23 tháng 8 năm 2007
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt ''Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020''
_______________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Dự trữ quốc gia ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Động viên công nghiệp ngày 25 tháng 02 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt ''Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020'', với nội dung chủ yếu sau:
I. Quan điểm và mục tiêu dự trữ quốc gia
1. Quan điểm:
a) Hoạt động dự trữ quốc gia là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận,  có vai trò quan trọng đối với việc phát triển bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, kinh tế - xã hội đất nước khi có những sự cố bất lợi do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, địch họa, thị trường gây ra;
b) Quỹ dự trữ quốc gia được quản lý tập trung, thống nhất dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Quỹ dự trữ quốc gia bao gồm hiện vật và tiền;
c) Đầu tư dự trữ quốc gia là yêu cầu khách quan cho sự phát triển bền vững của đất nước. Quỹ dự trữ quốc gia bảo đảm đủ khả năng khắc phục những hậu quả bất lợi cho nền kinh tế ở mức quốc gia, trong một thời gian nhất định. Tốc độ tăng trung bình của quỹ dự trữ quốc gia phải phù hợp với tăng trưởng nền kinh tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Quỹ dự trữ quốc gia được quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm;
d) Quản lý hoạt động dự trữ quốc gia luôn đổi mới và phát triển theo kịp xu thế tiến bộ của khoa học - công nghệ của các nước trong khu vực và trên thế giới; là công cụ hữu hiệu điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
2. Mục tiêu:
a) Mục tiêu dự trữ quốc gia là sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác của Nhà nước;
b) Xây dựng dự trữ quốc gia đủ điều kiện và khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, có một lực lượng dự trữ quốc gia vững mạnh, cơ cấu hợp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước, có đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hệ thống luật pháp hoàn chỉnh đồng bộ;
c) Từng bước tăng cường quỹ dự trữ quốc gia có quy mô phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, cơ cấu danh mục mặt hàng hợp lý đủ điều kiện tác động kịp thời, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong mọi tình huống biến động, đột xuất xảy ra. Tổng mức dự trữ quốc gia đến năm 2010, tăng gấp 2 lần tổng mức dự trữ quốc gia năm 2005 và đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tổng mức dự trữ quốc gia năm 2010;
d) Nâng cao chất lượng công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, quy trình, quy phạm bảo quản, định mức kinh tế - kỹ thuật, từng bước đổi mới kỹ thuật và đưa các giải pháp công nghệ bảo quản mới vào công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia; bảo đảm trình độ kỹ thuật, công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và ngang tầm với các nước tiên tiến;
đ) Tiếp tục kiện toàn, phát triển tổ chức quản lý dự trữ quốc gia theo hướng tập trung vào cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị và năng lực công tác ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.
II. Những định hướng chủ yếu đến năm 2010
1. Quỹ dự trữ quốc gia bằng hiện vật:
a) Về danh mục mặt hàng:
Từ nay đến năm 2010 rà soát, sắp xếp, hoàn thiện về cơ cấu danh mục hàng dự trữ quốc gia theo hướng tập trung vào những mặt hàng thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu công tác dự trữ quốc gia, tránh dàn trải, tập trung nguồn lực ngân sách tăng dự trữ quốc gia các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (Phụ lục danh mục hàng dự trữ quốc gia kèm theo Quyết định này) để đáp ứng yêu cầu phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh tham gia ổn định thị trường và những nhiệm vụ cấp bách khác của Nhà nước.
Hàng năm, căn cứ tình hình cụ thể để quyết định mua tăng những mặt hàng trong danh mục bổ sung vào dự trữ quốc gia;
b) Về mức dự trữ một số mặt hàng thiết yếu:
- Lương thực: mức dự trữ bình quân từ 4 đến 5 kg thóc/người/năm;
- Xăng dầu các loại: đến năm 2010 mức dự trữ 300.000 m3, tấn và đến  năm 2020 mức dự trữ đạt khoảng 500.000 m3, tấn (kể cả dự trữ bằng ngoại tệ);
- Vật tư, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn: theo mức dự trữ quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020;
- Muối trắng: mức dự trữ quốc gia khoảng 120.000 tấn vào năm 2010 và 370.000 tấn đến năm 2020 theo Quyết định số 161/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020;
- Vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất và sửa chữa vũ khí, động viên công nghiệp, phòng, chống khủng bố, bạo loạn, phục vụ chiến lược biển, khí tài quân sự đặc chủng, thiết bị cơ yếu và các loại khác: căn cứ danh mục hàng dự trữ quốc gia quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này, hàng năm, các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch tăng dự trữ quốc gia gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Quỹ dự trữ quốc gia bằng tiền: mức dự trữ quốc gia bằng tiền và cơ chế quản lý, điều hành thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia:
Nghiên cứu để áp dụng các công nghệ, giải pháp bảo quản hàng dự trữ quốc gia đạt trình độ tiên tiến của các nước nhằm bảo đảm chất lượng hàng dự trữ quốc gia trong điều kiện kéo hơn thời hạn bảo quản trong kho, hạ thấp tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường.
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn chất lượng hàng, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến dự trữ quốc gia, phù hợp hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
4. Quy hoạch kho chứa hàng dự trữ quốc gia:
a) Xây dựng các điểm kho dự trữ quốc gia đồng bộ, hiện đại, phù hợp công nghệ bảo quản và quản lý tiên tiến, trên các địa bàn chiến lược của đất nước, thuận lợi trong điều hành nhập, xuất hàng dự trữ;
b) Hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí ngân sách nhà nước để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kho hàng dự trữ quốc gia phù hợp với tình hình thực tế và khả năng đáp ứng vốn của ngân sách nhà nước.
5. Phát triển công nghệ thông tin phục vụ dự trữ quốc gia:
Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ dự trữ quốc gia thống nhất trong toàn quốc, bảo đảm tin học hoá toàn bộ quy trình nghiệp vụ và các hoạt động của ngành dự trữ quốc gia. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách dự trữ quốc gia, bảo đảm cung cấp thông tin dự trữ quốc gia nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
III. Định hướng đến năm 2020
1. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục hàng dữ trữ quốc gia và mức dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu, quan trọng phù hợp với tình hình mới. Chuyển sang cơ chế dự trữ thường xuyên những mặt hàng có thời hạn bảo quản ngắn, thường xuyên xuất luân phiên đổi hàng.
2. Tăng tỷ lệ dự trữ quốc gia bằng tiền trong tổng mức dự trữ quốc gia để chủ động xử lý những trường hợp đột xuất, nhập ngay những mặt hàng cần thiết không phải tổ chức bảo quản bằng hiện vật trong kho hoặc những mặt hàng đặc chủng, kỹ thuật cao.
3. Tiếp tục triển khai quy hoạch mạng lưới kho và đầu tư xây dựng theo hướng tập trung, hiện đại với công nghệ bảo quản tiên tiến phù hợp với trình độ thế giới.
4. Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia theo hướng tăng cường huy động các nguồn tài chính hợp pháp cho dự trữ quốc gia.
IV. Các giải pháp thực hiện
1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dự trữ quốc gia phù hợp yêu cầu, điều kiện của tình hình mới. Xây dựng Luật Dự trữ quốc gia.
2. Đổi mới việc lập và giao kế hoạch, tăng mức dự trữ hàng năm; thực hiện nguyên tắc quản lý dự trữ quốc gia tập trung, thống nhất, phân cấp nhằm nâng cao trách nhiệm và chủ động cho các cấp quản lý trong việc thực hiện các quyết định cụ thể của cấp có thẩm quyền.
Nghiên cứu áp dụng các phương thức mua, bán hàng dự trữ quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế, tính chất từng mặt hàng và những quy định hiện hành của Nhà nước. Cải cách thủ tục hành chính về xuất cấp hàng dữ trữ quốc gia không thu tiền, cứu trợ, viện trợ.
3. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn dự trữ quốc gia trong các khâu mua, bán, bảo quản, quản lý hành chính. Áp dụng các công nghệ, quy trình, quy phạm bảo quản tiên tiến để giảm chi phí, hạ tỷ lệ hao hụt.
Thực hiện cơ chế bảo toàn vốn, khoán hao hụt trong thời gian lưu kho đối với một số mặt hàng như: xăng dầu, lương thực. Kinh phí hoạt động thực hiện theo cơ chế tự chủ tài chính và khoán chi phí nhập, xuất, bảo quản. Quy định giá mua tối đa, giá bán tối thiểu ngay từ đầu năm kế hoạch để các đơn vị dự trữ quốc gia chủ động triển khai nhiệm vụ được giao.
Từng bước chuyển sang cơ chế dự trữ thường xuyên các mặt hàng: thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng.
4. Từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, hệ thống kho dự trữ quốc gia; chú trọng công tác quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia, bảo đảm hình thành các vùng, tuyến chiến lược phù hợp với điều kiện về kinh tế - quốc phòng của vùng, lãnh thổ. Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng hoàn chỉnh được hệ thống kho, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đủ điều kiện để thực hiện hiện đại hoá công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
5. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dự trữ quốc gia; tham gia Quỹ lương thực ASEAN, Quỹ gạo Đông Á.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động dự trữ quốc gia, kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm trong quản lý dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật. Qua kiểm tra, thanh tra góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý dự trữ quốc gia.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính:
a) Căn cứ Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành quản lý dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch, dự kiến phân bổ vốn tăng dự trữ quốc gia hàng năm cho các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, danh mục hàng dự trữ quốc gia, mức dự trữ quốc gia từng loại hàng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý dự trữ quốc gia quy định tại Pháp lệnh Dự trữ quốc gia.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành quản lý dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch, dự kiến phân bổ vốn tăng dự trữ quốc gia hàng năm cho các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, danh mục hàng dự trữ quốc gia, mức dự trữ quốc gia từng loại hàng, vốn đầu tư xây dựng kho, cơ sở hạ tầng cho các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia:
a) Xây dựng quy hoạch kho, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Hàng năm lập kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
b) Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý dự trữ quốc gia của Bộ, ngành mình để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, bảo vệ an toàn hàng hoá dự trữ quốc gia và tạo điều kiện cho các đơn vị dự trữ quốc gia trên địa bàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.