QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế thống nhất quản lý các hoạt động
đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại
của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2005/QĐ-TTg
ngày 01 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướngChính phủ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh).
Điều 2. Nội dung của hoạt động đối ngoại
Hoạt động đối ngoại quy định trong Quy chế này bao gồm các nội dung sau:
1. Các hoạt động giao lưu với nước ngoài về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao.
2. Quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài (đoàn ra) và đón tiếp các đoàn nước ngoài, đoàn quốc tế vào Việt Nam (đoàn vào).
3. Ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế.
4. Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.
5. Tiếp nhận huân chương, huy chương hoặc danh hiệu khác của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế tặng.
6. Hoạt động đối ngoại liên quan đến biên giới lãnh thổ; giải quyết các tình huống phức tạp trong quan hệ với nước ngoài.
7. Quan hệ kinh tế đối ngoại, trong đó có việc tiếp nhận các dự án nước ngoài.
8. Tổng hợp tình hình và thông tin tuyên truyền đối ngoại.
9. Quản lý các tổ chức, cá nhân người nước ngoài ở địa phương.
10. Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động đối ngoại
1. Bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, sự quản lý và điều hành thống nhất của Nhà nước về công tác đối ngoại của địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng giữa địa phương và Trung ương, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
2. Kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và thông tin liên quan đến đối ngoại ở các tỉnh.
3. Phân công, phân nhiệm rõ ràng, đề cao trách nhiệm và vai trò chủ động của các ngành, các cấp ở địa phương trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến đối ngoại, bảo đảm sự đồng bộ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
4. Hoạt động đối ngoại được thực hiện theo chương trình hàng năm đã được duyệt, bảo đảm nghiêm túc chế độ báo cáo, xin ý kiến theo quy định của pháp luật.
Chương II
THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC QUYẾT ĐỊNH
VỀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI
Điều 4. Thẩm quyền quyết định về hoạt động đối ngoại
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm của Uỷ ban nhân dân tỉnh bao gồm các nội dung cụ thể sau:
a) Việc đi công tác nước ngoài của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh;
b) Việc đón tiếp các đoàn cấp cao nước ngoài vào thăm Việt Nam theo lời mời của Uỷ ban nhân dân tỉnh từ cấp Bộ trưởng, Tỉnh trưởng của nước ngoài trở lên;
c) Việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 122/2001/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam;
d) Việc ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế của Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 20/2002/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Việc Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nhận Huân chương, Huy chương và các danh hiệu khác của nước ngoài.
e) Các hoạt động đối ngoại khác thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành của pháp luật.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tự quyết định và chịu trách nhiệm về các hoạt động đối ngoại của địa phương gồm:
a) Cử cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý đi công tác nước ngoài theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 15 Nghị định số 05/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
b) Việc mời các đoàn nước ngoài vào thăm, làm việc với tỉnh từ cấp Thứ trưởng, Phó Tỉnh trưởng nước ngoài trở xuống;
c) Việc tổ chức, hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 122/2001/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam;
d) Việc ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 20/2002/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Việc tiếp nhận, ký kết và thực hiện các dự án của tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài căn cứ Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật khác có liên quan.
e) Việc tiếp nhận huân, huy chương và các danh hiệu khác của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tặng cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể uỷ quyền quyết định các việc nêu tại khoản 2 Điều này cho Thủ tưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh. Việc uỷ quyền phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi uỷ quyền, chữ ký của người được uỷ quyền, giới thiệu con dấu. Văn bản uỷ quyền được gửi cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ.
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động quyết định các hoạt động đối ngoại phát sinh thuộc thẩm quyền và cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các Bộ, cơ quan khác trong các hoạt động đối ngoại liên quan đến các vấn đề nhạy cảm, phức tạp như: tôn giáo, dân tộc, quan hệ đối ngoại với một số đối tác nước ngoài đặcbiệt.
5. Việc đi công tác nước ngoài của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ.
Điều 5. Xây dựng và phê duyệt Chương trình hoạt động đối ngoại
1. Quý IV hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động xây dựng dự thảo Chương trình hoạt động đối ngoại cho năm sau của địa phương mình. Đối với các vấn đề đối ngoại phức tạp, nhạy cảm, Uỷ ban nhân dân tỉnh phải tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm gửi dự thảo chương trình hoạt động đối ngoại cho Bộ Ngoại giao trước ngày 05 tháng 11 hàng năm. Bộ Ngoại giao tổng hợp chương trình hoạt động đối ngoại của tất cả các tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chậm nhất là trước cuối tháng 11 hàng năm.
3. Nội dung chương trình hoạt động đối ngoại của Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua Bộ Ngoại giao được xây dựng căn cứ theo khoản 1 Điều 4 của Quy chế này.
4. Đối với việc sửa đổi, bổ sung chương trình hoạt động đối ngoại đã được duyệt, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh:
a) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với những hoạt động đối ngoại theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này;
b) Chủ động quyết định thực hiện các hoạt động đối ngoại thuộc thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy chế này.
Điều 6. Thực hiện chương trình đối ngoại đã được phê duyệt
Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động triển khai thực hiện chương trình đối ngoại hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng đối với các đoàn ra, đoàn vào theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này, 02 tuần trước khi thực hiện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cần thông báo cho Bộ Ngoại giao kế hoạch thực hiện cụ thể để Bộ cho ý kiến cập nhật trước khi triển khai. Trường hợp đặc biệt cần phải thay đổi kế hoạch, Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Chương III
THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỤ THỂ
Điều 7. Tổ chức và quản lý đoàn đi công tác nước ngoài.
Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm theo dõi, quản lý việc đi nước ngoài đối với các cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý; hướng dẫn các đoàn đi công tác liên hệ, tham khảo ý kiến các cơ quan trong nước có liên quan và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước và trong thời gian hoạt động ở nước ngoài; kịp thời phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan xử lý những vấn đề nhậy cảm, phức tạp nẩy sinh trong quá trình đoàn đi công tác nước ngoài.
Điều 8. Tổ chức và quản lý các đoàn quốc tế đến thăm địa phương
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan để đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm địa phương.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động triển khai các kế hoạch đón tiếp; theo dõi, thống kê và thông qua Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoạt động của các đoàn khách quốc tế tại địa phương.
Điều 9. Hoạt động đối ngoại liên quan đến biên giới lãnh thổ quốc gia
Các tỉnh có đường biên giới lãnh thổ quốc gia có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá tình hình quản lý biên giới và trực tiếp phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan trong mọi hoạt động liên quan đến biên giới quốc gia theo các quy định pháp luật về quản lý biên giới quốc gia.
Điều 10. Hoạt động đối ngoại liên quan đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài
Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc nghiên cứu, đánh giá công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn địa phương mình, phối hợp với Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đề xuất và xây dựng các chính sách về công tác này; trực tiếp tham gia việc hỗ trợ, hướng dẫn, thông tin, tuyên truyền, vận động và thực hiện chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân của họ có quan hệ với địa phương.
Điều 11. Quản lý hoạt động của cá nhân, tổ chức nước ngoài
Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, quản lý hoạt động của các cá nhân, tổ chức nước ngoài trên địa bàn địa phương mình; bảo vệ, hỗ trợ và hướng dẫn họ tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến việc làm ăn, sinh sống, học tập, công tác, du lịch, kinh doanh, đầu tư... tại Việt Nam; xử lý các tình huống nảy sinh liên quan đến cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Điều 12. Tổng hợp tình hình và thông tin tuyên truyền đối ngoại
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho cơ quan ngoại vụ tỉnh và các cơ sở, ban, ngành có liên quan hoặc trực tiếp hoặc hợp tác với các cơ quan trung ương thực hiện việc thu thập, phân tích, tổng hợp các thông tin về tình hình chính trị - an ninh, kinh tế quốc tế và khu vực tác động đến địa phương và về các hoạt động đối ngoại của tỉnh, báo cáo và đề xuất lên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phương hướng và giải pháp thực hiện.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại trên cơ sở Chỉ thị số 10/2000/CT-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại và các văn bản pháp luật có liên quan khác.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm trao đổi, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong việc đón tiếp các hãng thông tấn và phóng viên nước ngoài thăm, phỏng vấn các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương.
Điều 13. Hoạt động kinh tế đối ngoại.
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về mọi hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm nắm bắt tình hình kinh tế trong và ngoài nước có tác động tới địa phương; chịu trách nhiệm lựa chọn các đối tác nước ngoài, trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan giúp thẩm tra các đối tác này; trực tiếp tham gia công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch; chủ động trong công tác xây dựng môi trường đầu tư phù hợp với đặc điểm của địa phương.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành và cơ quan liên quan đối với những vấn đề kinh tế đối ngoại đặc biệt, phức tạp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Điều 14. Tổ chức hội nghị, hội thảo, ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế, tiếp nhận các dự án nước ngoài.
Uỷ ban nhân dân tỉnh nghiêm chỉnh thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, việc ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế và việc tiếp nhận các dự án do nước ngoài tài trợ như đã quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy chế này. Đối với những vấn đề phát sinh liên quan đến chính trị đối ngoại, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.
Điều 15. Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại
Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức đối ngoại tại địa phương; phối hợp với Bộ Ngoại giao để đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của địa phương.
Điều 16. Báo cáo tình hình thực hiện các hoạt động đối ngoại
1. Định kỳ 6 tháng, hàng năm và trong trường hợp đột xuất, Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đối ngoại của địa phương đến Bộ Ngoại giao để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo định kỳ nêu trên gửi đến Bộ Ngoại giao trước ngày 01 tháng 6 (đối với báo cáo 6 tháng) và trước ngày 01 tháng 12 (đối với báo cáo hàng năm) để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Mỗi khi kết thúc một hoạt động đối ngoại tại địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định về hoạt động đối ngoại đó đồng thời thông báo kết quả cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan và đề xuất chủ trương, giải pháp của tỉnh đối với những vấn đề có liên quan.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương
1. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra các địa phương thực hiện Quy chế này.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình đối ngoại của địa phương.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào Quy chế này xây dựng Quy định về tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại tại địa phương.
4. Căn cứ vào Điều 9 của Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2004 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan ngoại vụ tỉnh và giao trách nhiệm cho cơ quan này thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của địa phương.
Điều 18. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, khó khăn, Uỷ ban nhân dân tỉnh phản ánh kịp thời về Bộ Ngoại giao để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ./.