• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 08/12/2005
QUỐC HỘI
Số: 47/2005/QH11
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 1 tháng 11 năm 2005

NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2006

 

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨAVIỆT NAM

 

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội Khoá X, kỳ họp thứ mười;

Căn cứ vào Luật ngân sách nhà nước;

Sau khi xem xét Báo cáo số 16/CP-KTTH ngày 05/10/2005 của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2006; Báo cáo thẩm tra số 2060/UBKTNS ngày 06/10/2005 của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

I. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2006, theo đó:

- Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước: 237.900 tỷ đồng (hai trăm ba bảy nghìn chín trăm tỷ đồng), bằng 24,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP); tính cả 8.000 tỷ đồng thu kết chuyển năm 2005 sang năm 2006 thì tổng số thu ngân sách nhà nước là 245.900 tỷ đồng (hai trăm bốn lăm nghìn chín trăm tỷ đồng);

- Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước: 294.400 tỷ đồng (hai trăm chín tư nghìn bốn trăm tỷ đồng);

- Mức bội chi ngân sách nhà nước: 48.500 tỷ đồng (bốn tám nghìn năm trăm tỷ đồng), bằng 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

(Kèm theo các Phụ lục số 1, 2, 3, 4 và 5).

II. Thông qua các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2006 của Chính phủ, các giải pháp nêu tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách trình Quốc hội và nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản sau:

1. Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện kịp thời nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2006 theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính và mở rộng áp dụng các hình thức quản lý thuế hiện đại để tạo thuận lợi cho doanh nglhiệp trong sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn lậu thuế, kiểm tra và thu triệt để các khoản nợ đọng ngân sách; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu ngân sách nhà nước;

2. Từ năm 2006 đến hết năm 2010, thực hiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, thuế môn bài ở khâu đánh bắt hải sản, sản xuất muối chưa qua chế biến; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với số tiền đào tạo, dạy nghề đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận lao động là người dân tộc thiểu số để cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn kinh phí đào tạo, dạy nghề cho số lao động này. Giao Chính phủ hướng dẫn và tổ chức thực hiện;

3. Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao so với giá tính dự toán thu ngân sách nhà nước, Chính phủ có giải pháp để ổn định thị trường, giá cả trong nước; không bù lỗ đối với mặt hàng xăng, giảm dần bù lỗ đối với các mặt hàng dầu và sớm chấm dứt việc bù lỗ vào thời điểm thích hợp, bỏ bao cấp, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế;

4. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng những quy định của Luật ngân sách nhà nước; bố trí ngân sách tập trung, chống lãng phí, thất thoát, sử dụng ngân sách đúng mục đích, tiết kiệm; kiện toàn và nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong quản lý, điều hành ngân sách nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng. Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan chịu trách nhiệm về những thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, những khoản chi sai chế độ, vượt định mức ở đơn vị mình;

5. Tập trung chỉ đạo công tác quản lý đất đai theo Luật đất đai, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khơi thông thị trường bất động sản, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng tài sản công, chống vụ lợi cá nhân, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật;

6. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương và chính sách chi đảm bảo xã hội;

7. Bảo đảm sử dụng dự phòng ngân sách đúng mục tiêu, đúng đối tượng, không sử dụng vào những việc trái với quy định của Luật ngân sách nhà nước; định kỳ hàng quý, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban nhân dân báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp kết quả sử dụng khoản dự phòng ngân sách theo quy định của pháp luật;

8. Năm 2006, tiếp tục phát hành công trái giáo dục để đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học theo đề án đã được phê duyệt; tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi và tái định cư phục vụ việc xây dựng các nhà máy thủy điện, đường tuần tra biên giới, thủy lợi nhỏ miền núi và đường giao thông ở những nơi chưa đi được bằng ô tô đến trung tâm xã. Bố trí vốn theo đúng mục tiêu, tiến độ đối với từng dự án, công trình đã quyết định. Căn cứ vào khả năng giải ngân để huy động vốn công trái, vốn trái phiếu hợp lý, không để tồn đọng vốn.

Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định về chủ trương đầu tư, phương án cụ thể sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ trên.

Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tại chỗ và hỗ trợ từ nguồn tín dụng nhà nước để kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn;

9. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, nhất là ở đô thị để phát triển mạnh các lĩnh vực trên và tạo điều kiện dành thêm vốn đầu tư cho các vùng khó khăn;

10. Chính phủ tổng kết, báo cáo chi tiết với Quốc hội tại kỳ họp thứ chín về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cơ chế quản lý các chương trình, dự án này, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia đã hết thời hạn; đánh giá việc thực hiện ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2004 - 2006, đồng thời nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Chính phủ quyết định, làm cơ sở cho việc xây dựng, quyết định dự toán ngân sách nhà nước của năm đầu và của cả thời kỳ ổn định mới về ngân sách địa phương.

Ủy ban Kinh tế và Ngân sách phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc lập dự toán ngân sách nhà nước, xây dựng phương án phân bổ ngân sách trung ương để thẩm tra trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm dự toán ngân sách hàng năm sát thực, minh bạch, dân chủ, công khai.

III. Tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2006

1. Chính phủ tổ chức điều hành ngân sách theo dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định. Trường hợp có biến động lớn về thu, chi ngân sách nhà nước, Chính phủ xây dựng phương án điều chỉnh, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước.

2. Trong quá trình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2006, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thu, nhất là các khoản nợ đọng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và thu nội địa, phấn đấu thu vượt dự toán để có thêm nguồn thực hiện chính sách tiền lương, thanh toán nợ xây dựng cơ bản, bổ sung vốn đầu tư phát triển và giải quyết các vấn đề cấp bách, đột xuất phát sinh.

3. Giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sử dụng nguồn dự phòng ngân sách và nguồn vượt thu ngân sách ở các cấp, trường hợp đặc biệt thì sử dụng quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp khác, huy động nguồn lực trong xã hội để xử lý có kết quả dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người (nếu xảy ra) theo kế hoạch hành động khẩn cấp của Chính phủ.

IV. Giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2006

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nâng cao vai trò, hiệu lực và chất lượng hoạt động của Kiểm toán nhà nước theo Luật kiểm toán nhà nước, phát hiện kịp thời các sai phạm trong quản lý và điều hành ngân sách nhà nước, kịp thời kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tăng cường kỷ luật tài chính.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XI, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 01 tháng 11 năm 2005./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn An

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.