• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/11/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 18/02/2012
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 59/2005/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 10 tháng 10 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Về việc ban hành Quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản

_____________________

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Kiểm lâm,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 47/1999/QĐ-BNN-KL ngày 12/3/1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "Quy định kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản"; bãi bỏ quy định tại tiết a, điểm 1.4 khoản 1, Chương II Thông tư số 62/2001/TT-BNN ngày 05/6/2001 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nông nghiệp theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001 - 2005.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các Cục, Vụ, Viện, Trường có liên quan; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

 

VỀ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT LÂM SẢN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005

của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Bản quy định này quy định về trình tự kiểm tra, kiểm soát và thủ tục vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Bản quy định này áp dụng đối với tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản.

Điều 3. Giải thích một số từ ngữ trong bản quy định này

1. Đồ mộc hoàn chỉnh: là các loại sản phẩm chế biến từ gỗ được lắp ráp hoàn chỉnh theo công dụng của loại sản phẩm hoặc các chi tiết tháo rời của sản phẩm hoàn chỉnh, khi lắp ráp có thể sử dụng được ngay theo công dụng của sản phẩm đó.

2. Đồ mộc chưa hoàn chỉnh: là bán sản phẩm được chế biến từ gỗ hoặc các chi tiết của sản phẩm đó, nhưng lắp ráp lại sẽ không thể được một sản phẩm hoàn chỉnh theo công dụng của loại sản phẩm đó.

3. Cơ quan Kiểm lâm sở tại: là Hạt Kiểm lâm cấp huyện trực thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh.

Điều 4. Lâm sản không phải kiểm tra thủ tục vận chuyển, cất giữ, chế biến

1. Thực vật rừng và sản phẩm của chúng (trừ gỗ) không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm và các loại phế liệu gỗ, lâm sản khác sau chế biến.

2. Đồ mộc hoàn chỉnh.

3. Các loại ván nhân tạo, dăm, bột được chế biến từ lâm sản.

Điều 5. Giấy phép vận chuyển đặc biệt

1. Thực vật rừng (trừ gỗ), động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định hiện hành về chế độ quản lý và danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng không thuộc quy định tại Điều 4 của Quy định này có nguồn gốc trong nước, khi vận chuyển ra ngoài tỉnh, phải có giấy phép vận chuyển đặc biệt.

2. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt:

a) Giấy đề nghị cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt, gửi Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có lâm sản, trong đó ghi rõ họ tên, địa chỉ của chủ lâm sản, nơi đi và nơi đến, mục đích vận chuyển, chủng loại, nguồn gốc, khối lượng, số lượng lâm sản;

b) Tài liệu chứng minh về nguồn gốc lâm sản nguy cấp, quý, hiếm xin cấp phép vận chuyển.

3. Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có lâm sản, xem xét, cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt cho chủ lâm sản trong thời hạn tối đa là năm ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoặc trả lời cho chủ lâm sản biết lý do không cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt.

4. Quản lý giấy phép vận chuyển đặc biệt

a) Cục Kiểm lâm in ấn, phát hành và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng giấy phép vận chuyển đặc biệt trong toàn quốc.

b) Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của điều này và định kỳ 6 tháng một lần báo cáo Cục Kiểm lâm về tình hình và kết quả cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt.

Điều 6. Phương pháp đo, tính khối lượng gỗ tròn, gỗ xẻ

Phương pháp đo và tính khối lượng gỗ tròn, gỗ xẻ thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, sử dụng búa bài cây và búa kiểm lâm.

Đối với gốc cây, gỗ nhỏ đường kính đầu lớn dưới 25 cm thì có thể được phép đo, tính bằng đơn vị khối lượng là ste rồi quy đổi: 1 ste bằng 0,5m3 đến 0,7m3 tùy theo từng loại, do chủ lâm sản xác định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chương II

THỦ TỤC VẬN CHUYỂN, CẤT GIỮ,

CHẾ BIẾN LÂM SẢN

Điều 7. Thủ tục vận chuyển, cất giữ gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp khai thác từ rừng tự nhiên trong nước

1. Đối với gỗ khai thác từ rừng tự nhiên Nhà nước giao, cho thuê cho các tổ chức:

a) Hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với trường hợp vận chuyển nội bộ thì có phiếu xuất kho vận chuyển nội bộ của tổ chức;

b) Lý lịch gỗ do tổ chức lập;

Gỗ có dấu búa Kiểm lâm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với lý lịch. Trường hợp gỗ không đủ tiêu chuẩn đóng búa kiểm lâm, thì có biên bản kiểm tra của cơ quan kiểm lâm sở tại nơi có gỗ.

2. Đối với gỗ khai thác từ rừng tự nhiên Nhà nước giao, cho thuê cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân:

Lý lịch gỗ do cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân lập, Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn và tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND xã) nơi có gỗ khai thác xác nhận;

Gỗ có dấu búa Kiểm lâm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với lý lịch.

Điều 8. Thủ tục vận chuyển, cất giữ gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp khai thác từ rừng trồng, vườn nhà, cây trồng phân tán

1. Đối với tổ chức:

a) Hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp vận chuyển nội bộ, thì có phiếu xuất kho vận chuyển nội bộ của tổ chức;

b) Lý lịch hoặc bảng kê gỗ do tổ chức lập;

Gỗ có dấu búa Kiểm lâm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với lý lịch. Trường hợp gỗ không đủ tiêu chuẩn đóng búa Kiểm lâm, thì có bảng kê, Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn và tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã nơi có gỗ xác nhận.

c) Tổ chức mua gom của nhiều hộ cộng đồng, gia đình, cá nhân thì có lý lịch hoặc bảng kê, Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn và tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã nơi có gỗ khai thác xác nhận.

2. Đối với gỗ của cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân:

Lý lịch gỗ hoặc bảng kê do cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân lập, Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn và tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã nơi có gỗ khai thác xác nhận.

Điều 9. Thủ tục vận chuyển gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu

1. Đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu trực tiếp:

a) Tờ khai nhập khẩu hàng hoá được cơ quan Hải quan Việt Nam có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan;

b) Lý lịch gỗ hoặc bảng kê gỗ do nước xuất khẩu lập, trong đó tên gỗ ghi tên khoa học bằng tiếng Latinh. Trường hợp nước xuất khẩu không xác lập các yếu tố này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu trực tiếp phải lập bổ sung và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc lập bổ sung đó.

Trường hợp một lô gỗ nhập khẩu được vận chuyển nhiều lần thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải lập lý lịch hoặc bảng kê từng lần vận chuyển trích từ lý lịch gỗ hoặc bảng kê gốc và bản sao tờ khai Hải quan nhập khẩu hàng hoá do tổ chức, cá nhân nhập khẩu trực tiếp xác nhận.

c) Gỗ có dấu búa của nước xuất khẩu hoặc dấu búa kiểm lâm Việt Nam theo quy định về quản lý, sử dụng búa kiểm lâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Đối với tổ chức, cá nhân mua lại gỗ từ tổ chức, cá nhân nhập khẩu trực tiếp

a) Hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính.

b) Lý lịch hoặc bảng kê gỗ nhập khẩu (bản gốc). Trường hợp không mua toàn bộ một lô gỗ nhập khẩu thì có lý lịch hoặc bảng kê gỗ do tổ chức, cá nhân bán lập trên cơ sở trích từ lý lịch hoặc bảng kê gốc, có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

Điều 10. Thủ tục vận chuyển, cất giữ thực vật rừng và sản phẩm chưa hoàn chỉnh của chúng (trừ gỗ) thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm

1. Đối với tổ chức:

a) Hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp vận chuyển nội bộ thì có phiếu xuất kho vận chuyển nội bộ của tổ chức;

b) Xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại;

c) Giấy phép vận chuyển đặc biệt quy định tại Điều 5 của Quy định này.

2. Đối với cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân:

a) Bảng kê thực vật rừng, sản phẩm chưa hoàn chỉnh do cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân lập, Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn và tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã nơi có thực vật rừng và sản phẩm của chúng xác nhận;

b) Giấy phép vận chuyển đặc biệt quy định tại Điều 5 của Quy định này.

Điều 11. Thủ tục vận chuyển, cất giữ gỗ xẻ là sản phẩm của cơ sở chế biến gỗ và đồ mộc chưa hoàn chỉnh

1. Đối với tổ chức:

a) Hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp vận chuyển nội bộ, thì có phiếu xuất kho vận chuyển nội bộ của tổ chức;

b) Lý lịch hoặc bảng kê gỗ xẻ do tổ chức lập.

2. Đối với cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân:

Lý lịch hoặc bảng kê gỗ xẻ do cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân lập, Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn và tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã nơi có gỗ xẻ và đồ mộc chưa hoàn chỉnh xác nhận.

Điều 12. Thủ tục vận chuyển, cất giữ động vật rừng khai thác, gây nuôi trong nước và sản phẩm của chúng

1. Đối với tổ chức:

a) Hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp vận chuyển nội bộ, thì có phiếu xuất kho vận chuyển nội bộ của tổ chức;

b) Bảng kê động vật rừng hoặc bảng kê sản phẩm của chúng do tổ chức lập;

c) Xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

2. Đối với cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân:

Bảng kê động vật rừng hoặc bảng kê sản phẩm của chúng do cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân lập. Cơ quan Kiểm lâm sở tại nơi có động vật rừng hoặc sản phẩm của chúng xác nhận.

3. Ngoài các thủ tục quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, khi vận chuyển động vật rừng thuộc loại nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng, phải có giấy phép vận chuyển đặc biệt quy định tại Điều 5 của Quy định này.

Điều 13. Thủ tục vận chuyển, cất giữ động vật rừng và sản phẩm của chúng nhập khẩu, quá cảnh

1. Tờ khai nhập khẩu hàng hoá được cơ quan Hải quan Việt Nam tại cửa khẩu nhập xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan;

2. Bảng kê động vật rừng và sản phẩm của chúng do nước xuất khẩu lập, trong đó ghi tên khoa học của động vật rừng bằng tiếng Latinh;

3. Đối với động vật rừng và sản phẩm của chúng nhập khẩu thuộc danh mục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (viết tắt là CITES), thì ngoài thủ tục quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này, còn phải có giấy phép hoặc giấy chứng chỉ CITES theo quy định hiện hành.

4. Trường hợp tổ chức, cá nhân mua lại động vật rừng từ tổ chức, cá nhân nhập khẩu trực tiếp:

a) Hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính;

b) Bảng kê động vật rừng nhập khẩu và sản phẩm của chúng do người bán lập có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

Điều 14. Thủ tục vận chuyển, cất giữ lâm sản đã tịch thu, sung quỹ Nhà nước

1. Đối với gỗ:

a) Hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính;

b) Lý lịch hoặc bảng kê gỗ do cơ quan bán lập;

Gỗ có dấu búa Kiểm lâm theo quy định về quản lý, sử dụng búa kiểm lâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với lý lịch.

2. Đối với động vật rừng:

a) Hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính;

b) Bảng kê động vật rừng hoặc bảng kê sản phẩm của chúng do cơ quan bán lập;

c) Giấy phép vận chuyển đặc biệt theo quy định tại Điều 5 Quy định này đối với động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

3. Thực vật rừng (trừ gỗ) và sản phẩm của chúng thuộc loại nguy cấp quý, hiếm:

a) Hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính;

b) Bảng kê thực vật rừng (trừ gỗ) hoặc sản phẩm của chúng do cơ quan bán lập;

c) Giấy phép vận chuyển đặc biệt theo quy định tại Điều 5 Quy định này đối với thực vật rừng (trừ gỗ) nguy cấp, quý, hiếm.

4. Đồ mộc chưa hoàn chỉnh:

a) Hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính;

b) Bảng kê đồ mộc chưa hoàn chỉnh do cơ quan bán lập.

Điều 15. Thủ tục chế biến gỗ và chế biến động vật rừng

1. Đối với cơ sở chế biến gỗ và chế biến động vật rừng:

a) Đăng ký kinh doanh, trong đó có chức năng chế biến gỗ hoặc chế biến động vật rừng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Sổ theo dõi nhập, xuất gỗ, động vật rừng hoặc nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật rừng theo mẫu do Cơ quan Kiểm lâm sở tại hướng dẫn.

2. Đối với gỗ, động vật rừng tại cơ sở chế biến hoặc nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật rừng:

Hồ sơ liên quan đến nguồn gốc gỗ, động vật rừng hoặc nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật rừng theo quy định tại bản quy định này. Trong thời hạn không quá một ngày kể từ khi nhập vào cơ sở chế biến, chủ cơ sở chế biến phải ghi đầy đủ nội dung quy định tại sổ theo dõi nhập, xuất.

Chương III

TRÌNH TỰ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT LÂM SẢN

Điều 16. Kiểm tra, kiểm soát lâm sản đang vận chuyển lưu thông trên đường bộ, đường thuỷ

1. Đối với cơ quan Kiểm lâm:

a) Khi lâm sản đang lưu thông, công chức kiểm lâm chỉ được dừng phương tiện giao thông đường bộ, đường thuỷ đang lưu thông để kiểm tra, kiểm soát lâm sản khi có căn cứ là trên phương tiện đó có vận chuyển lâm sản trái phép. Những nguồn tin được coi là căn cứ để dừng phương tiện gồm: tin báo từ các tổ chức, cá nhân dưới mọi hình thức. Tổ chức, cá nhân báo tin có lâm sản vận chuyển trái phép phải cung cấp rõ họ và tên, địa chỉ thường trú, đơn vị công tác hoặc số điện thoại.

b) Khi phát hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, phải có ít nhất 02 công chức kiểm lâm. Khi kiểm tra, công chức kiểm lâm phải mặc đồng phục kiểm lâm, đeo cấp hiệu, phù hiệu, biển hiệu theo quy định. Hiệu lệnh dừng phương tiện có thể sử dụng một hoặc sử dụng kết hợp nhiều phương tiện sau: còi, cờ hiệu Kiểm lâm, đèn pin (khi trời tối). Người chỉ huy dừng phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quyết định dừng phương tiện của mình.

c) Nội dung kiểm tra:

- Kiểm tra hồ sơ lâm sản theo quy định tại bản quy định này;

- Kiểm tra xác suất thực tế tối đa không quá 30% lâm sản trên phương tiện vận chuyển.

Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của Nhà nước, thì công chức kiểm lâm kiểm tra phải lập biên bản vi phạm hành chính để tiếp tục kiểm tra, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

d) Không đặt sào chắn (ba-ri-e) trên đường bộ để dừng phương tiện giao thông phục vụ cho việc kiểm soát lâm sản.

2. Đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển lâm sản:

a) Chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh dừng phương tiện của công chức kiểm lâm.

b) Xuất trình cho người kiểm tra tài liệu chứng minh nguồn gốc lâm sản vận chuyển trên phương tiện theo quy định tại bản quy định này và các tài liệu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Kiểm tra cơ sở chế biến gỗ và nơi cất giữ lâm sản

1. Kiểm tra cơ sở chế biến gỗ

a) Đối với công chức kiểm lâm: chỉ được kiểm tra cơ sở chế biến khi có giấy giới thiệu của thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền, trừ trường hợp phát hiện cơ sở chế biến gỗ có hành vi phạm pháp quả tang. Khi kiểm tra, công chức kiểm lâm phải mặc đồng phục kiểm lâm, đeo cấp hiệu, phù hiệu, biển hiệu theo quy định.

b) Đối với chủ cơ sở chế biến gỗ: chấp hành các yêu cầu kiểm tra của công chức kiểm lâm được phân công kiểm tra; xuất trình các thủ tục liên quan đến chế biến gỗ được quy định tại Điều 15 của bản quy định này; nếu có sai phạm thì phải chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

c) Nội dung kiểm tra: kiểm tra các thủ tục liên quan đến chế biến gỗ được quy định tại Điều 15 của quy định này; kiểm tra việc ghi chép sổ nhập, xuất gỗ của chủ cơ sở chế biến gỗ; kiểm tra lâm sản. Khi kiểm tra, phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định của Nhà nước, thì công chức kiểm lâm phải lập biên bản vi phạm hành chính để tiếp tục kiểm tra, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Kiểm tra nơi cất giữ lâm sản ngoài quy định tại khoản 1, điều này kể cả tại nhà ga, bến cảng

a) Công chức kiểm lâm chỉ kiểm tra khi có căn cứ cho rằng nơi đó cất giữ lâm sản có nguồn gốc bất hợp pháp. Mọi trường hợp kiểm tra nơi cất giữ lâm sản phải được lập biên bản và thực hiện các trình tự, thủ tục kiểm tra theo quy định hiện hành của Nhà nước. Khi kiểm tra nơi cất giữ lâm sản phải có ít nhất 02 công chức kiểm lâm; công chức kiểm lâm phải mặc đồng phục Kiểm lâm, đeo cấp hiệu, phù hiệu, biển hiệu theo quy định.

b) Chủ nơi cất giữ lâm sản và chủ lâm sản phải chấp hành các yêu cầu của công chức kiểm lâm đang thi hành công vụ; xuất trình tài liệu chứng minh về nguồn gốc lâm sản đang được cất giữ theo quy định tại bản quy định này và các tài liệu khác theo quy định của pháp luật.

c) Nội dung kiểm tra:

- Kiểm tra tài liệu chứng minh về nguồn gốc lâm sản đang cất giữ theo quy định tại bản quy định này;

- Kiểm tra thực tế lâm sản đang cất giữ.

Khi kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của Nhà nước, công chức kiểm lâm thực hiện kiểm tra phải lập biên bản vi phạm để tiếp tục kiểm tra, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Khiếu nại, tố cáo

Tổ chức, cá nhân khi phát hiện việc làm trái pháp luật của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong kiểm tra, kiểm soát lâm sản thì có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hiện hành./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hứa Đức Nhị

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.