Uỷ ban nhân dânCHỈ THỊ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Về việc Triển khai thực hiện quyết định số 163/HĐBT quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm cho các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước
Lực lượng lao động nữ ở Lâm Đồng khá đông, chiếm 50% trong khu vực Nhà nước và trên 60% ở khu vực nông thôn, đã và đang là lực lượng lao động quan trọng trong sản xuất, dịch vụ, trong việc thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng của tỉnh nhà. Tỉnh ủy đã có Nghị quyết 11 (khóa 3) về công tác nữ, và UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 49 ngày 02/11/1985 về công tác cán bộ nữ và lao động nữ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành đã có những chuyển biến bước đầu trong thực hiện các chính sách, chế độ đối với các bộ nữ và lao động nữ trên các mặt: giáo dục bồi dưỡng đào tạo, khen thưởng, đề bạt giữ các chức danh chủ chốt ở các cơ quan Nhà nước (tỉnh, huyện, xã, phường) các đơn vị hành chính sự nghiệp và sản xuất kinh doanh chăm lo sức khỏe và giải quyết việc làm cho lao động nữ. Nhưng nhìn chung UBND các huyện, thành phồ Đà Lạt và thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành chưa quan tâm chỉ đạo việc thực hiện tốt nội dung nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (khóa 3) và chỉ thị số 49 ngày 02/11/1985 của UBND tỉnh. Một số chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em vế đời sống, công tác, sức khỏe, học tập, hôn nhân gia đình... chưa được các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo giải quyết đúng mức. Một số ngành địa phương chưa giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng về công tác, về đời sống hợp lý của chỉ em làm ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của các bộ nữ và lao động nữ. Các kế hoạch kinh tế-xã hội trên địa bàn, từng đơn vị cơ sở liên quan đến phụ nữ và trẻ em, thường ít được bàn bạc với các tổ chức của hội phụ nữ cùng cấp. Các chủ trương về tuyển sinh, tuyển lao động đi nước ngoài hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi phụ nữ và trẻ em như: đất đai, nhà cửa, khen thưởng, kỷ luật, thường ít có đại diện phụ nữ cùng cấp tham gia thảo luận bàn bạc quyết định. Các cấp chính quyền huyện, thành phố, xã, phường và các cơ quan đơn vị (HCSN, SXKD) chưa có định kỳ sinh hoạt giữa các Hội Liên hiệp Phụ nữ với chính quyền cùng cấp để nghe thông báo tình hình hoạt động của Hội, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, trẻ em, việc thực hiện chính sách chế độ đối với phụ nữ, trẻ em...vv...
Chính những thiếu sót trên đã hạn chế việc phát huy vai trò và khả năng của cán bộ nữ và lao động nữ trong tham gia quản lý Nhà nước, trong việc thực hiện các kế hoạch kinh tế- xã hội, an ninh-quốc phòng trên từng địa bàn dân cư và trong từng đơn vị cơ sở.
Nhằm thực hiện nghiêm chỉnh quyết định số 163/HĐBT ngày 19/10/1988 ban hành quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước, UBND tỉnh chỉ thị cho Thủ trưởng các cấp, các ngành và các đơn vị trực thuộc tỉnh thực hiện các yêu cầu dưới đây:
1. Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Đà lạt, Giám đốc các sở, ban, ngành, liên hiệp xí nghiệp, Công ty trực thuộc tỉnh có kế hoạch triển khai quyết định 163/HĐBT bằng các cuộc họp truyền đạt nội dung Nghị quyết 163/HĐBT cho cán bộ công nhân viên trong từng đơn vị- kết hợp với truyền đạt, mỗi cấp, mỗi ngành, đơn vị có bản kiểm điểm, liên hệ theo nội dung Nghị quyết 11 (khóa 3) của Tỉnh ủy và Chỉ thị 49/CT của UBND tỉnh. Trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục những sai sót trong thời gian qua đối với cán bộ nữ và lao động nữ. (Hạn đến 15/05/1989 phải học xong toàn tỉnh).
2. Ban Thiếu niên và nhi đồng, Ban thư ký HĐND, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh dự thảo toàn bộ chương trình hoạt động theo 6 điểm quy định tại quyết định 163/HĐBT để triển khai thực hiện, đồng thời giám sát, kiểm tra, trong các báo cáo tại các kỳ họp thường kỳ HĐND tỉnh, huyện, thành phố, có mục kiểm điểm việc thực hiện quyết định 163/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng của các các ngành trong tỉnh.
3. Văn phòng UBND tỉnh, huyện có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo cho Chủ tịch UBND mỗi cấp về kết quả thi hành quyết định 163/QĐ của HĐBT. Đồng thời theo dõi các đề án, các quy hoạch, kế hoạch kinh tế-xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em mà chưa có ý kiến tham gia của Liên hiệp phụ nữ cùng cấp thì giao trả lại văn bản đó cho cơ quan dự thảo, để làm việc với cơ quan phụ nữ cùng cấp (ghi rõ ý kiến thống nhất và chưa thống nhất) mới trình Thường trực UBND mỗi cấp xem xét, quyết định.
4. Yêu cầu các cấp chính quyền (huyện, TP, xã, phường, sở, phòng, ban ...) có trách nhiệm trong việc bảo đảm và tạo điều kiện cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước một cách thật sự, thiết thực, không hình thức. Trong sinh hoạt kiểm điểm công tác hàng tháng của mỗi cấp, mỗi ngành cần có kiểm điểm việc thực hiện quyết định 163/HĐBT.
Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn trở ngại, báo cáo ngay về UBND tỉnh để xem xét giải quyết kịp thời./.