• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 12/06/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 25/04/2019
CHÍNH PHỦ
Số: 66/2005/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 19 tháng 5 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá
hoạt động thuỷ sản

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản ở các vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác của Việt Nam, bao gồm: trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên; đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thuỷ sản trên các vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác của Việt Nam đều phải tuân theo các quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

1. Chủ tàu cá: là tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý, sử dụng tàu cá.

2. Thuyền trưởng: là người chỉ huy trên tàu cá đối với loại tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên.

3. Người lái tàu cá: là người trực tiếp điều khiển tàu cá đối với loại tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét.

4. Thuyền viên tàu cá: là những người thuộc định biên của tàu, bao gồm thuyền trưởng, các sĩ quan và các chức danh khác được bố trí làm việc trên tàu.

5. Người làm việc trên tàu cá: là những người không thuộc biên chế thuyền viên: cán bộ thi hành công vụ, cán bộ nghiên cứu khoa học, sinh viên thực tập.

Điều 4. Nguyên tắc đảm bảo an toàn hoạt động cho người và tàu cá

1. Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá phải được tiến hành đồng bộ các công việc: thực hiện các quy định đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá ngay từ khâu đóng tàu; xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá (cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão và hệ thống thông tin liên lạc...); tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và cộng đồng.

2. Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá là trách nhiệm của ngư dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

CHƯƠNG II
TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ TÀU, THUYỀN TRƯỞNG VÀ
THUYỀN VIÊN TÀU CÁ TRONG VIỆC ĐẢM BẢO AN TOÀN

Điều 5. Đối với chủ tàu cá

1. Đảm bảo tàu cá luôn ở trạng thái an toàn.

2. Trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người và tàu cá theo tiêu chuẩn quy định. Xây dựng và ban hành nội quy, quy trình sử dụng các trang thiết bị an toàn trên tàu cá.

3. Ký kết hợp đồng lao động với thuyền viên, người làm việc theo quy định của pháp luật; thường xuyên nắm số lượng thuyền viên, người làm việc trên tàu cá, vùng biển hoạt động của tàu cá và báo cáo cơ quan quản lý thuỷ sản địa phương nơi cư trú khi có yêu cầu; sẵn sàng cho tàu cá đi làm nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

4. Đối với các tàu khai thác hải sản sản xa bờ, chủ tàu cá phải mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, phải thông báo cho cơ quan quản lý thuỷ sản nơi đăng ký tàu cá về tần số liên lạc của tàu.

5. Đôn đốc thuyền trưởng trước khi rời bến phải kiểm tra trạng thái an toàn của tàu, của các trang thiết bị an toàn, cứu nạn cho người và tàu, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo khi ra và vào cảng, bến đậu và đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, an toàn hàng hải.

6. Tổ chức bồi dưỡng, phổ biến kiến thức nghiệp vụ đảm bảo an toàn cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá.

Điều 6. Đối với Thuyền trưởng và người lái tàu cá

1. Trách nhiệm thường xuyên:

a) Phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc thuyền viên và người làm việc trên tàu cá thực hiện các quy định về an toàn khi làm việc trên tàu cá; phân công nhiệm vụ cho từng thuyền viên và tổ chức cho thuyền viên, người làm việc trên tàu thực tập các phương án đảm bảo an toàn;

b) Kiểm tra thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và tàu cá về trang thiết bị hàng hải, trang bị an toàn, các giấy tờ của tàu cá và thuyền viên trước khi rời bến;

c) Thông báo vùng hoạt động, số thuyền viên, người làm việc thực tế có trên tàu cá và xuất trình các giấy tờ với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu;

2. Trách nhiệm trong trường hợp có bão, lũ:

a) Đôn đốc thuyền viên, người làm việc trên tàu cá trực tàu và sẵn sàng điều động tàu ứng phó với bão, lũ và hỗ trợ các tàu cá khác khi có tai nạn xảy ra;

b) Khi bão xa: thông báo cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá biết đồng thời kiểm tra các trang thiết bị an toàn và thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên Đài Tiếng nói Việt Nam; liên lạc chặt chẽ với đài thông tin duyên hải và thông tin cho các tàu cá khác đang hoạt động trong cùng khu vực;

c) Khi bão gần: thông báo cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá biết, nhanh chóng ra lệnh thu lưới và rời khỏi ngư trường để về nơi an toàn gần nhất; thông tin cho các tàu cá khác đang hoạt động trong cùng khu vực;

d) Khi có tin bão khẩn cấp: phải ra lệnh cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá mặc áo phao cá nhân, đưa trang thiết bị cấp cứu vào vị trí sẵn sàng ứng cứu và đưa tàu cá đến nơi an toàn gần nhất; điều động tàu cá và thuyền viên, người làm việc trên tàu cá của mình ứng cứu khi phát hiện có người và tàu cá khác bị nạn;

Trong trường hợp bất khả kháng, thuyền trưởng có quyền quyết định sử dụng các biện pháp cấp bách để kịp đưa tàu cá đến nơi an toàn.

đ) Khi tàu cá đang trong vùng bão: phải trực tiếp điều khiển và chỉ huy phương tiện của mình; sử dụng mọi biện pháp và kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Kịp thời thông báo cho đài thông tin duyên hải và các tàu cá gần nhất biết về vị trí tàu cá của mình đang hoạt động và phát tín hiệu cấp cứu khi phương tiện bị tai nạn; tham gia ứng cứu khi phát hiện người và tàu cá khác bị nạn;

e) Khi bão tan: phải báo cáo kịp thời với chủ tàu, chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc nơi tàu cá di chuyển đến về tình trạng người và tàu cá của mình, đồng thời tự kiểm tra lại điều kiện an toàn của tàu cá trước khi hoạt động trở lại.

3. Trách nhiệm trong các trường hợp khác:

a) Khi phát hiện tàu cá khác bị tai nạn phải đưa tàu đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời và thông báo cho đài thông tin duyên hải gần nhất;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh các lệnh điều động tàu đi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của các cấp có thẩm quyền;

c) Khi tàu bị tai nạn phải có các biện pháp ứng phó kịp thời, đồng thời thông báo cho đài thông tin duyên hải gần nhất.

Điều 7. Đối với thuyền viên

1. Thuyền viên làm việc trên tàu cá phải có đủ điều kiện sau:

a) Có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ;

b) Có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh tương ứng với cỡ loại tàu cá theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

c) Thuyền viên làm việc trên loại tàu cá theo quy định phải có giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

2. Trách nhiệm và quyền của thuyền viên:

a) Chấp hành các quy định về an toàn cho người và tàu cá, tuân thủ mệnh lệnh của thuyền trưởng khi có bão và các quy định khác của pháp luật;

b) Khi phát hiện tai nạn xẩy ra trên tàu cá của mình hoặc trên các tàu cá khác, phải báo cáo ngay cho thuyền trưởng;

c) Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động;

d) Có quyền từ chối làm việc trên tàu cá nếu tàu cá đó không đủ điều kiện đảm bảo an toàn.

Điều 8. Đối với người làm việc trên tàu cá

1. Người làm việc trên tàu cá phải có đủ điều kiện sau:

a) Có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ;

b) Có quyết định, giấy giới thiệu làm việc trên tàu cá của cơ quan có thẩm quyền;

c) Có hiểu biết về quy định đảm bảo an toàn.

2. Trách nhiệm và quyền của người làm việc:

a) Chấp hành các quy định về an toàn cho người và tàu cá;

b) Chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng và các quy định khác của pháp luật;

c) Khi phát hiện tai nạn xẩy ra trên tàu cá của mình hoặc trên các tàu cá khác, phải báo cáo ngay cho thuyền trưởng;

d) Có quyền từ chối làm việc trên tàu cá nếu tàu cá đó không đủ điều kiện đảm bảo an toàn.

Điều 9. Đảm bảo an toàn đối với tàu cá

1. Tàu cá khi hoạt động phải thực hiện các quy định:

a) Có đủ các trang thiết bị an toàn;

b) Có đủ biên chế trên tàu với các chức danh;

c) Có đủ các loại giấy tờ của tàu và người đi trên tàu;

d) Chỉ được hoạt động theo đúng nội dung ghi trong giấy phép hoặc đã đăng ký;

đ) Nghiêm chỉnh thực hiện các quy tắc an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, an toàn hàng hải.

2. Tàu cá thuộc diện đăng kiểm chỉ được hoạt động khi đã được đăng kiểm, đăng ký tàu cá, thuyền viên và được các cơ quan có thẩm quyền cấp các loại giấy tờ theo quy định.

3. Đối với các tàu cá không thuộc diện bắt buộc phải đăng kiểm thì chủ tàu cá tự chịu trách nhiệm về an toàn kỹ thuật của tàu cá.

CHƯƠNG III
ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ, ĐĂNG KÝ TÀU CÁ VÀ THUYỀN VIÊN

Điều 10. Đăng kiểm tàu cá

1. Các loại tàu cá dưới đây thuộc diện phải đăng kiểm:

a) Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên;

b) Bè cá và các cấu trúc nổi khác phục vụ hoạt động thuỷ sản trên hồ, sông, biển có tổng dung tích từ 50 m3 trở lên.

2. Các trang thiết bị lắp đặt trên tàu thuộc diện phải đăng kiểm:

a) Các trang thiết bị an toàn hàng hải và an toàn sinh mạng;

b) Các trang thiết bị khai thác thuỷ sản;

c) Các trang thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn.

Điều 11. Đăng ký tàu cá

1. Tất cả các loại tàu cá đều phải đăng ký.

2. Tàu cá chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký, nơi chủ tàu cá đặt trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

3. Các loại tàu cá dưới đây được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá:

a) Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 m trở lên;

b) Bè cá và các cấu trúc nổi khác phục vụ hoạt động thuỷ sản trên hồ, sông, biển có tổng dung tích từ 50 m3 trở lên.

4. Các loại tàu cá khác, trừ các loại tàu cá nêu tại khoản 3 Điều này, sau khi đăng ký, cơ quan đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá để quản lý.

5. Điều kiện đăng ký tàu cá:

a) Tàu cá có nguồn gốc hợp pháp; có văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá của cơ quan quản lý thủy sản có thẩm quyền;

b) Đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

6. Tàu cá được đăng ký lại khi chuyển quyền sở hữu, thay đổi tính năng kỹ thuật hoặc chủ tàu cá thay đổi trụ sở, chuyển nơi đăng ký hộ khẩu sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

7. Chủ tàu cá phải khai báo để xoá đăng ký tàu cá trong những trường hợp: tàu cá bị mất tích, chìm đắm hoặc huỷ bỏ.

Điều 12. Đăng ký thuyền viên

1. Thuyền viên làm việc trên các tàu cá quy định tại khoản 3 Điều 11 của Nghị định này phải thực hiện chế độ đăng ký thuyền viên.

2. Thuyền viên làm việc trên các loại tàu cá dưới đây phải có sổ thuyền viên tàu cá:

a) Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa trở lên;

b) Tàu kiểm ngư , tàu điều tra nguồn lợi, tàu nghiên cứu biển.

3. Thuyền viên trên các tàu cá hoạt động ở tuyến lộng (gần bờ) và khơi (xa bờ) phải có tên trong sổ danh bạ thuyền viên.

4. Thuyền viên trên các tàu cá khác ngoài các loại tàu nói tại khoản 2, khoản 3 Điều này, chủ tàu tự lập danh sách thuyền viên để khai báo và mang theo tàu.

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong công tác đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên.

1. Chủ tàu cá có trách nhiệm:

a) Đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên theo quy định của pháp luật;

b) Đưa tàu cá vào kiểm tra theo đúng kỳ hạn quy định của đăng kiểm;

c) Đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn của tàu cá theo các tiêu chuẩn quy định giữa hai kỳ kiểm tra.

2. Cơ quan đăng kiểm tàu cá phải thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá theo đúng các quy phạm, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam. Người đứng đầu cơ quan đăng kiểm tàu cá và người trực tiếp thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.

3. Cơ quan đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên, theo thẩm quyền có trách nhiệm đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên theo đúng quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ TÀU CÁ
HOẠT ĐỘNG THUỶ SẢN

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Thuỷ sản

1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đảm bảo an toàn đối với người và tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản; tổ chức thực hiện việc đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá, đăng ký thuyền viên và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản theo thẩm quyền; hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm đối với các loại tàu cá và thuyền viên theo thẩm quyền.

2. Bộ Thuỷ sản quy định cụ thể:

a) Tổ chức, hoạt động, thẩm quyền của cơ quan đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên;

b) Trình tự, thủ tục đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên; thay đổi tên tàu; tái đăng ký và chuyển đăng ký; xoá đăng ký; đăng ký cầm cố, thế chấp và cầm giữ hàng hải tàu cá;

c) Hồ sơ, biểu mẫu giấy tờ dùng trong công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá và thuyền viên;

d) Cấp giấy (sổ) chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; cấp sổ thuyền viên tàu cá;

đ) Mẫu biển số đăng ký tàu cá trong phạm vi toàn quốc;

e) Tiêu chuẩn chức danh, chức trách, số lượng thuyền viên cho từng loại tàu cá, tiêu chuẩn ngành áp dụng cho tàu cá;

g) Chế độ đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ thuyền viên với từng loại tàu cá tương ứng;

h) Điều kiện an toàn cho người và tàu cá đối với loại tàu không thuộc diện phải đăng kiểm.

3. Phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo các hoạt động đảm bảo an toàn người và tàu cá; phòng, chống, lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên các vùng nước.

4. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động thuỷ sản.

Điều 15. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan

1. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo an toàn hàng hải, an toàn giao thông đường thuỷ; thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng luồng cảng biển và hệ thống phao tiêu báo hiệu trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thuỷ nội địa, đèn biển đảm bảo an toàn hàng hải; chỉ đạo tổ chức bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam thực hiện việc treo tín hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới trên các đèn biển khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương tổ chức bắn pháo hiệu báo bão ở các cửa lạch, cảng, bến cá, ngư trường trọng điểm khi có bão; chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho người và tàu cá đi hoạt động nếu chưa có đủ trang bị an toàn; kịp thời ứng cứu người và tàu cá trong các trường hợp cần thiết.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá - Thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài Phát thanh và Truyền hình điạ phương có trách nhiệm thu nhận, theo dõi và thông báo kịp thời các thông tin về khí tượng thuỷ văn liên quan đến hoạt động thuỷ sản.

Điều 16. Trách nhiệm cuả Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân và các chủ tàu cá hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn và mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động thuỷ sản; tăng cường tập huấn kiến thức và nghiệp vụ đảm bảo an toàn đi biển cho ngư dân.

2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện: đăng ký tàu cá, đăng ký thuyền viên; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các tàu cá theo quy định; cấp giấy phép khai thác thuỷ sản.

3. Tổ chức, chỉ đạo phát triển sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, giữ gìn an ninh trật tự trên các vùng nước được phân công quản lý.

4. Triển khai kịp thời các mệnh lệnh của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn; nắm vững số lượng người, tàu cá và khu vực hoạt động; kịp thời thông báo về tình hình thời tiết cho người và tàu cá đang hoạt động trên vùng nước được phân công quản lý; tổ chức việc tìm kiếm, cứu nạn, giúp ngư dân nhanh chóng khắc phục hậu quả ổn định đời sống và sản xuất.

5. Quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng cảng cá, bến cá, các khu neo đậu trú bão cho tàu thuyền nghề cá, hệ thống thông tin báo bão của địa phương.

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Nghị định này thay thế Nghị định số 72/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển, Nghị định số 80/2002/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ và các quy định về đăng ký, đăng kiểm đối với tàu cá quy định tại Nghị định số 91/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên.

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.