• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày hết hiệu lực: 14/08/2006
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 11/2004/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 24 tháng 6 năm 2004

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 160/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003  của Chính phủ về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

 

Căn cứ khoản 1 Điều 57 của Nghị định số 160/ 2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển  và khu vực hàng hải của Việt Nam (sau đây gọi chung là Nghị định);

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chi tiết để thống nhất thực hiện một số điều khoản của Nghị định, cụ thể  như sau:

 

1. Điều 11 khoản 1 điểm a của Nghị định quy định về “Giấy xin phép tàu đến cảng”.

Chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu khi xin phép cho tàu thuyền đến cảng nếu không làm một giấy tờ riêng thì được sử dụng “Bản khai chung” quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định và có ghi thêm vào ô ghi chú: “Để xin phép cho tàu đến cảng”.

 

2. Điều 12 khoản 3 của Nghị định quy định tàu thuyền vận chuyển hàng hoá hoặc hành khách đã đến cảng trong thời gian không quá 12 tháng, kể từ ngày tàu rời cảng Việt Nam lần cuối cùng thì được miễn xin phép đến cảng.

“Ngày tàu rời cảng Việt Nam lần cuối cùng” được hiểu là ngày mà trước đó tàu thuyền đã vào cảng Việt Nam để bốc dỡ hàng hoá, đón trả hành khách hoặc thực hiện các dịch vụ hàng hải khác, không phải vào cảng vì những lý  do khẩn cấp quy định tại khoản 4  Điều 12 của Nghị định.

 

3. Điều 13 khoản 3 của Nghị định quy định Giám đốc Cảng vụ hàng hải có quyền quy định trong “Nội quy cảng biển” các trường hợp tàu thuyền Việt Nam có tổng dung tích dưới 1000 GT và tàu thuyền nước ngoài tổng dung tích dưới 100 GT phải dừng lại tại vùng đón trả hoa tiêu để chờ lệnh.

 

“Nội quy cảng biển” do Giám đốc Cảng vụ hàng hải ban hành và do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.

 

4.  Điều 17 khoản 2 điểm d của Nghị định quy định: “ ...Riêng đối với tàu thuyền có trọng tải từ 200 DWT trở xuống mang cờ của quốc gia có chung biên giới với Việt Nam khi đến cảng biển tại khu vực biên giới của Việt Nam với quốc gia đó, được miễn giảm giấy tờ  nêu tại khoản này theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.”.

 

Quy định này được hướng dẫn thực hiện như  sau:                                         

Tàu thuyền có trọng tải từ 200 DWT trở xuống mang cờ quốc tịch  Trung Quốc khi đến cảng biển ở Vạn Gia – Móng Cái (Quảng Ninh) hoặc tàu thuyền mang cờ quốc tịch Căm-Pu- Chia khi đến cảng Đồng Tháp và Hà Tiên (Kiên Giang) phải nộp, xuất trình các loại giấy tờ sau:

 a) Giấy tờ phải nộp:

01 Bản khai chung (nộp cho Cảng vụ hàng hải);

01 Danh sách thuyền viên (nộp cho Cảng vụ hàng hải);

01 Danh sách hành khách, nếu có (nộp cho Bộ đội Biên phòng);

01 Bản khai hàng hoá, nếu có (nộp cho Hải quan cửa khẩu);

01 Bản khai hành lý của hành khách, nếu có (nộp cho Hải quan cửa khẩu).

b) Giấy tờ phải xuất trình:

Giấy Chứng nhận đăng ký tàu thuyền;

Giấy Chứng nhận về an toàn kỹ thuật hoặc Sổ an toàn kỹ thuật của tàu thuyền (xuất trình cho Cảng vụ hàng hải);

Chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng và máy trưởng đối với tàu thuyền có trọng tải từ 50 DWT đến 200 DWT hoặc công suất máy chính trên 200 HP (xuất trình cho Cảng vụ hàng hải). Đối với tàu thuyền  có trọng tải dưới 50 DWT, miễn xuất trình bằng cấp chuyên môn của thuyền trưởng và máy trưởng.

Hộ chiếu thuyền viên hoặc Chứng minh thư của thuyền viên, hành khách theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc Hiệp định đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Trung Quốc hoặc với Chính phủ Căm-Pu- Chia (xuất trình cho Bộ đội Biên phòng);

Các giấy tờ liên quan đến hàng hoá chở trên tàu thuyền và hành lý của thuyền viên, hành khách, nếu có (xuất trình cho Hải quan cửa khẩu).

 

5. Điều 20 khoản 1 của Nghị định quy định về thời hạn làm thủ tục cho tàu thuyền xuất nhập cảnh tại cảng dầu thô ngoài khơi.

Thời hạn này được hiểu là kết thúc kể từ khi đại lý của chủ tàu nộp đầy đủ các giấy tờ theo quy định cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại trụ sở Cảng vụ hàng hải.

 

6. Điều 25 khoản 4 của Nghị định quy định: “Nghiêm cấm những người ở trên tàu giao dịch với bất cứ ai ngoài hoa tiêu và các nhân viên công vụ đang làm thủ tục ở trên tàu trước khi tàu làm xong thủ tục nhập cảnh vào cảng hoặc sau khi đã làm xong thủ tục xuất cảnh rời cảng.”

Quy định này được hiểu để thực hiện như  sau:

Người ở trên tàu bao gồm thuyền viên và người được chủ tàu uỷ quyền đại diện cho mình để làm các thủ tục cho tàu thuyền ra, vào cảng - đại lý của chủ tàu.

 

Đối với tàu thuyền làm thủ tục nhập cảnh:  Cảng vụ hàng hải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tạo điều kiện cho đại lý của tàu được lên tàu thuyền để lấy các hồ sơ cần thiết của tàu thuyền kể từ khi tàu thuyền đến địa điểm đón trả hoa tiêu để mang về trụ sở Cảng vụ hàng hải làm các thủ tục theo quy định.  

 

Đối với tàu khách và tàu chuyên tuyến làm thủ tục xuất cảnh quy định tại Điều 19 khoản 2 điểm b của Nghị định, chậm nhất là ngay trước thời điểm tàu chuẩn bị rời cảng. Quy định này được hiểu là thời hạn làm thủ tục mà chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu tiến hành có thể ngay trước khi tàu rời cảng, không cần phải trước 02 giờ.

 

7. Điều 22 khoản 1 điểm a của Nghị định quy định về “Giấy xin phép quá cảnh”.

Chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu khi xin phép cho tàu thuyền quá cảnh nếu không làm một giấy tờ riêng thì được sử dụng “Bản khai chung” quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định và có ghi thêm vào ô ghi chú “Để xin phép cho tàu quá cảnh”.

 

8.  Điều 29 khoản 5 của Nghị định được hướng dẫn thực hiện như  sau:

Các phương tiện thuỷ không tự hành chỉ được neo đậu tại khu vực dành riêng và trong quá trình phương tiện neo đậu phải luôn luôn có đủ người và tàu lai với công suất phù hợp thường trực để sẵn sàng điều động khi cần thiết. 

 

9. Điều 48 khoản 2 điểm a của Nghị định được hướng dẫn thực hiện như sau:

 

Tất cả các van và thiết bị của tàu thuyền mà chất độc hại có thể thoát ra ngoài đều phải được đóng kín, đưa về trạng thái ngừng hoạt động, niêm phong kẹp chì và phải có biển thông báo tại chỗ.

           

10. Điều 50 của Nghị định quy định về các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển. Đó là Cảng vụ hàng hải, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu, Kiểm dịch y tế, Kiểm dịch động vật và Kiểm dịch thực vật.

           

11. Khi giải quyết các công việc có liên quan đến tàu thuyền ra, vào, hoạt động tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam, Cảng vụ hàng hải tuỳ theo trường hợp cụ thể cấp cho tàu thuyền các giấy tờ theo mẫu quy định tại 05 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư  này.

Phụ lục 1:   Giấy phép cho tàu nước ngoài đến cảng (theo Điều 11 và Điều   12 của Nghị định)

Phụ lục 2:   Giấy phép rời cảng (theo Điều 21 của Nghị định)

Phụ lục 3:   Giấy phép quá cảnh (theo Điều 22 của Nghị định)

Phụ lục 4:   Lệnh điều động (theo Điều 24 của Nghị định)

Phụ lục 5:   Giấy phép sửa chữa, thử máy hoặc thử còi (theo Điều 39 của   Nghị định).

           

12. Điều khoản thi hành

a. Thông tư  này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

b. Các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Vụ, Ban  thuộc Bộ, Cục Hàng hải Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư  này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phản ánh với Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Thế Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.