• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2001
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 1134/2001/QĐ-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 26 tháng 9 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế cho vay áp dụng đối với học sinh, sinh viên

các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề

__________________________

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997;

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg ngày 02/03/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập Quỹ Tín dụng đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cho vay áp dụng đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2001, thay thế Quyết định số 219/1998/QĐ-NHNN1 ngày 01/07/1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Thể lệ tín dụng đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng chính sách được giao nhiệm vụ cho vay đối với học sinh, sinh viên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

QUY CHẾ

CHO VAY ÁP DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP VÀ DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1234/2001/QĐ-NHNN ngày 26/9/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định việc cho vay bằng Đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng chính sách được giao nhiệm vụ cho vay đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề từ Quỹ Tín dụng đào tạo được lập theo Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg ngày 02/03/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Các cụm từ gọi tắt trong Quy chế này:

- Học sinh, sinh viên gọi tắt là học sinh.

- Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề gọi tắt là các trường.

- Ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng chính sách được giao nhiệm vụ cho vay đối với học sinh gọi tắt là Ngân hàng.

- Đại diện gia đình học sinh hoặc người đỡ đầu hợp pháp của học sinh, sinh viên ở Việt Nam cam kết trong Giấy đề nghị vay vốn gọi tắt là người cam kết trả nợ thay.

2. Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ khi học sinh nhận món vay đầu tiên cho đến thời điểm trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đã được ghi trong hợp đồng tín dụng.

3. Kỳ hạn trả nợ là những khoảng thời gian trong thời hạn trả nợ đã được ghi trong hợp đồng tín dụng mà tại cuối mỗi khoảng thời gian đó học sinh phải trả một phần hoặc toàn bộ tiền vay.

4. Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc Ngân hàng chấp thuận cho học sinh thay đổi các kỳ hạn trả nợ đã ghi trước đó trong hợp đồng tín dụng.

5. Gia hạn nợ vay là việc Ngân hàng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian ngoài thời hạn cho vay đã ghi trong hợp đồng tín dụng.

6. Ngày kết thúc khoá học là thời điểm học sinh kết thúc kỳ thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp.

Điều 3. Đối tượng học sinh vay vốn

1. Học sinh đang theo học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề công lập, bán công lập hoặc dân lập có thời gian đào tạo từ 01 năm trở lên và việc vay vốn trong năm học thứ nhất căn cứ vào điểm học tập của học kỳ 1 và từ năm học thứ hai trở đi căn cứ điểm học tập của năm liền kề trước đó mà học sinh đạt được như sau:

a. Đối với học sinh thuộc diện chính sách theo quy định tại Điểm 1 Mục I Thông tư liên tịch số 26/1999/TTLT-BLĐTB&XH-BGD&ĐT ngày 02/11/1999 và học sinh là người nghèo hoặc thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn do quy định tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 10/11/2000 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; học sinh không thuộc diện chính sách có hộ khẩu thường trú trước khi nhập trường thuộc khu vực 1: Đạt điểm trung bình chung mở rộng từ điểm 5,0 trở lên:

b. Đối với học sinh không thuộc diện chính sách có hộ khẩu thường trú thuộc khu vực 2 trước khi nhập trường: Đạt điểm trung bình chung mở rộng từ điểm 6,0 trở lên.

c. Đối với học sinh không thuộc diện chính sách có hộ khẩu thường trú thuộc khu vực 3 trước khi nhập trường: Đạt điểm trung bình chung mở rộng từ điểm 7,0 trở lên.

Quy định về học sinh thuộc khu vực 1, 2, 3 thực hiện theo Quy chế tuyển sinh do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 05/1999/QĐ - BGD&ĐT ngày 23/02/1999.

2. Đối với học sinh đang theo học tại các trường và đã được vay vốn của Quỹ Tín dụng đào tạo nhưng có hoàn cảnh khó khăn, không thể tiếp tục theo học, được Ban giám hiệu các trường chấp thuận cho nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết qủa học tập để có thể tiếp tục theo học sau này, thì thời gian học tại các trường của học sinh bao gồm cả thời gian nghỉ học được các trường chấp thuận. Khi học sinh trở lại tiếp tục theo học thì việc vay vốn được căn cứ vào kết quả học tập của năm học liền kề trước khi nghỉ học.

Điều 4. Điều kiện vay vốn

Học sinh phải có đủ các điều kiện sau:

1. Thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 của Quy chế này.

2. Mục đích sử dụng vốn vay để chi phí học tập trong thời gian theo học tại các trường.

3. Đại diện gia đình học sinh hoặc người đỡ đầu hợp pháp của học sinh ở Việt Nam cam kết trong Giấy đề nghị vay vốn của học sinh về trách nhiệm trả nợ thay cho học sinh trong trường hợp học sinh chuyển trường, bỏ học, bị xoá tên khỏi danh sách học sinh, hoặc sau khi kết thúc khoá học tại các trường mà học sinh không trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng kỳ hạn hoặc không trả hết nợ khi đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng.

Điều 5. Đối tượng cho vay

Là chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, nghiên cứu, các chi phí khác phục vụ cho học tập của học sinh trong thời gian học tại trường.

Điều 6. Mức tiền cho vay

Mức tiền cho vay đối với học sinh do Ngân hàng cho vay quyết định phù hợp với nhu cầu vay tiền của mỗi học sinh, nhưng tối đa là 200.000 đồng cho mỗi học sinh một tháng.

Điều 7. Thời hạn cho vay

Thời hạn cho vay bao gồm thời hạn ân hạn và thời hạn trả nợ:

1. Thời hạn ân hạn là khoảng thời gian tính từ ngày học sinh nhận món vay đầu tiên cho đến khi kết thúc khoá học, kể cả thời gian học sinh được các trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có).

2. Thời hạn trả nợ được tính bằng số năm học sinh được Ngân hàng cho vay vốn trong thời gian học tại trường.

Điều 8. Lãi suất cho vay

1. Lãi suất cho vay đối với học sinh thấp hơn lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ. Mức lãi suất cụ thể do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 120% lãi suất cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng.

Điều 9. Hồ sơ vay vốn

1. Học sinh làm Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu in sẵn của Ngân hàng. Giấy này chỉ làm 01 lần, sử dụng cho cả khoá học và gửi đến Ngân hàng khi vay lần đầu, trong đó có các yếu tố:

- Cam kết của đại diện gia đình học sinh hoặc người đỡ đầu hợp pháp của học sinh ở Việt Nam về trách nhiệm trả nợ thay cho học sinh trong trường hợp học sinh chuyển trường, bỏ học, bị xoá tên khỏi danh sách học sinh, hoặc sau khi kết thúc khoá học tại các trường mà học sinh không trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng kỳ hạn hoặc không trả hết nợ khi đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng.

- Xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đại diện gia đình học sinh hoặc người đỡ đầu hợp pháp của học sinh tại Việt Nam có hộ khẩu thường trú về địa chỉ, chữ ký của đại diện gia đình học sinh hoặc người đỡ đầu hợp pháp của học sinh trong Giấy đề nghị vay vốn là đúng và hoàn cảnh gia đình học sinh không đủ khả năng tài chính trang trải chi phí học tập của học sinh nên học sinh có nhu cầu vay vốn.

- Xác nhận của Ban giám hiệu các trường hoặc người được Ban giám hiệu uỷ quyền về học sinh thuộc đối tượng được Ngân hàng xem xét cho vay theo quy định tại Điều 3 Quy chế này.

2. Trường hợp học sinh thuộc diện chính sách thì phải có bản sao Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do các trường xác nhận, được lấy từ hồ sơ học sinh đang lưu tại trường.

3. Học sinh và Ngân hàng ký kết hợp đồng tín dụng ở lần vay vốn đầu tiên, sử dụng cho cả khoá học.

4. Học sinh làm Giấy cam kết trả nợ gốc và lãi tiền vay sau khi hoàn thành khoá học.

Điều 10. Trình tự xem xét, cho vay

Việc cho vay vốn đối với học sinh thực hiện theo trình tự sau:

1. Đầu các năm học mới, học sinh thuộc diện vay vốn đăng ký vay vốn với các trường.

2. Các trường kiểm tra và lập danh sách học sinh thuộc diện vay vốn gửi cho Ngân hàng; đồng thời, phát mẫu in sẵn Giấy đề nghị vay vốn do Ngân hàng cung cấp để học sinh thực hiện đầy đủ các nội dung, yếu tố quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quy chế này.

3. Học sinh gửi Giấy đề nghị vay vốn đến Ngân hàng, trường hợp học sinh thuộc diện chính sách thì phải kèm theo Giấy xác nhận của cơ quan Nhà nước quy định tại Khoản 2 Điều 9 Quy chế này.

4. Ngân hàng cho vay vốn thì ký kết hợp đồng tín dụng với học sinh; trường hợp không cho vay, Ngân hàng phải thông báo bằng văn bản cho các trường và học sinh biết, trong đó nêu rõ lý do từ chối cho vay.

Điều 11. Trả nợ gốc và lãi tiền vay

1. Trong thời gian theo học tại các trường, học sinh chưa phải trả nợ gốc và lãi tiền vay; lãi tiền vay được tính kể từ ngay sau ngày học sinh kết thúc khoá học cho đến khi trả hết nợ gốc.

2. Học sinh phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc khoá học.

3. Trường hợp học sinh chuyển trường, bỏ học, bị xoá tên khỏi danh sách học sinh, hoặc sau khi kết thúc khoá học tại các trường mà học sinh không trả nợ đúng kỳ hạn hoặc không trả hết nợ khi đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng, thì người cam kết trả nợ thay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

4. Lãi tiền vay được tính theo phương pháp tính lãi theo món quy định tại Khoản 2 Điều 10 Quy định phương pháp tính lãi và hạch toán thu, trả lãi của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN ngày17/05/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 12. Gia hạn nợ vay, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ

1. Khi đến kỳ hạn trả nợ đã ghi trong hợp đồng tín dụng, học sinh hoặc người cam kết trả nợ thay không có khả năng trả hết nợ gốc và lãi tiền vay do nguyên nhân khách quan, thì học sinh hoặc người cam kết trả nợ thay phải gửi Giấy đề nghị điều chỉnh kỳ hạn trả nợ đến Ngân hàng để xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; nếu không được điều chỉnh kỳ hạn nợ, thì Ngân hàng chuyển số nợ vay đó sang nợ quá hạn.

2. Khi đến thời điểm trả nợ cuối cùng đã ghi trong hợp đồng tín dụng, nếu học sinh không có khả năng trả nợ đầy đủ do nguyên nhân khách quan và người cam kết trả nợ thay cũng không có khả năng để trả nợ, thì học sinh hoặc người cam kết trả nợ thay phải gửi Giấy đề nghị gia hạn nợ đến Ngân hàng; Ngân hàng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn tối đa là 2 năm, tính từ thời điểm trả nợ cuối cùng; nếu không được gia hạn nợ, thì Ngân hàng chuyển số nợ vay đó sang nợ quá hạn.

3. Việc đề nghị điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ của học sinh hoặc người cam kết trả nợ thay và việc giải quyết của Ngân hàng phải thực hiện trước khi đến hạn trả nợ.

Điều 13. Giảm lãi suất tiền vay

1. Học sinh trả hết nợ gốc và lãi tiền vay trước thời điểm trả nợ cuối cùng ghi trên hợp đồng tín dụng được giảm lãi tiền vay còn phải trả tính đến thời điểm trả hết nợ:

a. Trả nợ trước hạn từ 4 năm trở lên được giảm 30%.

b. Trả nợ trước hạn từ 3 năm đến dưới 4 năm được giảm 20%.

c. Trả nợ trước hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm được giảm 15%.

d. Trả nợ trước hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm được giảm 10%.

đ. Trả nợ trước hạn dưới 1 năm được giảm 5%.

2. Đối với học sinh bị tổn thất về tài sản do nguyên nhân khách quan và hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi học sinh cư trú sau khi kết thúc khoá học hoặc nơi gia đình học sinh đang cư trú xác nhận chỉ có khả năng hoàn trả nợ gốc và một phần lãi, thì Ngân hàng xem xét giảm lãi tiền vay đối với học sinh này, mức giảm tối đa là 50% số lãi tiền vay còn phải trả.

3. Ngân hàng miễn lãi tiền vay đối với các trường hợp học sinh gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Tín dụng đào tạo.

Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng

1. Ngân hàng có quyền:

a. Yêu cầu học sinh và người cam kết trả nợ thay cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến việc vay vốn, trả nợ của học sinh.

b. Từ chối yêu cầu vay vốn của học sinh, nếu học sinh không đủ điều kiện vay vốn hoặc Quỹ Tín dụng đào tạo không có đủ vốn để cho vay.

c. Chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước thời hạn trong các trường hợp: phát hiện học sinh cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng; học sinh chuyển trường, bỏ học, bị các trường xoá tên khỏi danh sách học sinh.

d. Khởi kiện học sinh vay vốn vi phạm hợp đồng tín dụng hoặc người cam kết trả nợ thay vi phạm nghĩa vụ trả nợ thay theo quy định của pháp luật.

đ. Giảm lãi tiền vay, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ thực hiện theo quy định của Quy chế này.

e. Gửi thông báo đến người cam kết trả nợ thay, đơn vị nơi học sinh làm việc sau khi kết thúc khoá học để đôn đốc việc trả nợ.

2. Ngân hàng có nghĩa vụ:

a. Thực hiện đúng thoả thuận trong hợp đồng tín dụng;

b. Lưu giữ hồ sơ tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của học sinh

1. Học sinh có quyền:

a. Từ chối các yêu cầu của Ngân hàng không đúng quy định của Quy chế này và các cam kết trong hợp đồng tín dụng;

b. Khiếu nại, khởi kiện việc vi phạm hợp đồng tín dụng theo quy định của pháp luật.

2. Học sinh có nghĩa vụ:

a. Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và thông báo kịp thời sự thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc sau khi kết thúc khoá học cho Ngân hàng; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp.

b. Sử dụng tiền vay đúng mục đích và thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng tín dụng và Giấy cam kết trả nợ.

c. Sau khi hoàn thành khoá học không quá 10 ngày, học sinh còn nợ vay phải đến Ngân hàng làm Giấy cam kết trả nợ gốc và lãi tiền vay, trong đó ghi rõ địa chỉ liên hệ, phương thức chuyển tiền trả nợ, học sinh nộp Giấy cam kết này cho các trường để làm thủ tục nhận bằng tốt nghiệp.

d. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng những cam kết về việc trả nợ gốc và lãi tiền vay.

Điều 16. Trách nhiệm của người cam kết trả nợ thay

1. Cam kết trả nợ thay trong Giấy đề nghị vay vốn của học sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quy chế này.

2. Trả nợ gốc và lãi tiền vay thay cho học sinh trong các trường hợp: học sinh không trả nợ đúng kỳ hạn; học sinh chuyển trường, bỏ học, bị các trường xoá tên khỏi danh sách học sinh phải trả nợ trước hạn nhưng không có khả năng trả nợ.

3. Cung cấp thông tin chính xác về hoàn cảnh, nơi cư trú và làm việc sau khi kết thúc khoá học của học sinh cho Ngân hàng.

4. Gửi giấy đề nghị gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đến Ngân hàng thay cho học sinh trong trường hợp đến kỳ hạn trả nợ học sinh không trả được do nguyên nhân khách quan và không gửi Giấy đề nghị đến Ngân hàng.

Điều 17. Trách nhiệm của các trường

1. Xác nhận trong Giấy đề nghị vay vốn của học sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quy chế này.

2. Lập danh sách học sinh có đủ điều kiện vay vốn gửi đến Ngân hàng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng đắn của danh sách này.

3. Thông báo kịp thời, chính xác và đầy đủ cho Ngân hàng danh sách học sinh chuyển trường, bỏ học, bị kỷ luật, bị xoá tên, bị đình chỉ và buộc thôi học.

4. Phối hợp với Ngân hàng trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay và sử dụng tiền vay của học sinh.

5. Thông báo cho Ngân hàng thời điểm kết thúc kỳ thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp của học sinh để làm mốc cho Ngân hàng tính lãi tiền vay theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 và Khoản 1 Điều 11 Quy chế này.

6. Yêu cầu học sinh nộp Giấy cam kết trả nợ có xác nhận của Ngân hàng trước khi phát bằng tốt nghiệp và trả hồ sơ cho học sinh.

7. Yêu cầu học sinh còn nợ vay Ngân hàng trả hết nợ vay trong trường hợp chuyển trường, bỏ học, bị xoá tên khỏi danh sách học sinh.

Điều 18. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Xác nhận trong Giấy đề nghị vay vốn của học sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quy chế này.

2. Đôn đốc trả nợ và thực hiện các biện pháp hành chính đối với học sinh, người cam kết trả nợ thay, khi nhận văn bản đề nghị của Ngân hàng về việc học sinh không trả nợ đúng hạn.

3. Thông báo cho Ngân hàng biết về sự thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc mới của học sinh và người cam kết trả nợ thay.

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Ngân hàng được giao nhiệm vụ cho vay đối với học sinh căn cứ quy định của Bộ Luật dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng và Quy chế này làm mẫu in sẵn Giấy đề nghị vay vốn, Hợp đồng tín dụng, Giấy cam kết trả nợ của học sinh để phát cho học sinh làm thủ tục vay vốn.

2. Ngân hàng được giao nhiệm vụ cho vay đối với học sinh, học sinh vay vốn, người cam kết trả nợ thay học sinh, các trường, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Quy chế này.

3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát các Ngân hàng được giao nhiệm vụ cho vay đối với học sinh theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Thống đốc

(Đã ký)

 

Lê Đức Thuý

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.