• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 13/03/2001
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 23/2001/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 26 tháng 2 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010

________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em ngày 12 tháng 8 năm 1991;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam tại Tờ trình số 03/TTr-BVCSTE ngày 12 tháng 02 năm 2001,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010" với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu tổng quát: Tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và các quyền cơ bản của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em Việt Nam có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện về mọi mặt, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

2. Các mục tiêu cụ thể:

a) Về sức khỏe, dinh dưỡng:

Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi xuống 30%0 số trẻ em sinh ra sống vào năm 2005 và xuống dưới 25%0 vào năm 2010; giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống 36%0 vào năm 2005 và xuống dưới 32%0 vào năm 2010; giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 80/100.000 vào năm 2005 và xuống dưới 70/100.000 vào năm 2010.

Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) xuống dưới 25% vào năm 2005 và xuống dưới 20% vào năm 2010; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) bình quân mỗi năm 1,5%.

b) Về nước sạch và vệ sinh môi trường:

Đảm bảo 80% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh vào năm 2005 và 85% vào năm 2010; 85% dân số thành thị được sử dụng nước hợp vệ sinh vào năm 2005 và 90% vào năm 2010; 50% hộ gia đình và dân cư nông thôn được sử dụng hố xí hợp vệ sinh vào năm 2005 và 70% vào năm 2010; 70% hộ gia đình và dân cư thành thị được sử dụng hố xí hợp vệ sinh vào năm 2005 và 90% vào năm 2010.

c) Về giáo dục cơ sở:

Củng cố thành tựu xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên toàn quốc vào năm 2010; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp; đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương pháp giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và thực hành.

Giáo dục Mầm non: Số trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 85% vào năm 2005 và 95% vào năm 2010.

Giáo dục Tiểu học: Số học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 97% vào năm 2005 và 99% vào năm 2010; số học sinh tốt nghiệp bậc tiểu học đạt 85% vào năm 2005 và 95% vào năm 2010; 80% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học hết tiểu học và số còn lại học hết lớp 3 vào năm 2010; không còn trẻ em bước vào tuổi 15 bị mù chữ vào năm 2010.

Giáo dục Trung học cơ sở: Số học sinh tốt nghiệp bậc trung học cơ sở đạt 72% vào năm 2005 và 75% vào năm 2010.

d) Về bảo vệ trẻ em:

Bảo vệ trẻ em không bị xâm hại bởi các tệ nạn xã hội; phòng ngừa bạo lực đối với trẻ em; chống mọi sự phân biệt đối xử đối với trẻ em; phòng ngừa trẻ em bị tai nạn thương tích.

Đảm bảo 80% số trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc vào năm 2005 và 100% vào năm 2010.

Giảm đến mức thấp nhất số trẻ em bị tai nạn thương tích.

Tăng cường chăm sóc trẻ em khuyết tật và tàn tật: Số trẻ em sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật chỉnh hình đạt 90% vào năm 2005 và 95% vào năm 2010; số trẻ em khuyết tật được hỗ trợ phục hồi chức năng đạt 65% vào năm 2005 và 70% vào năm 2010.

Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Số trẻ em lang thang kiếm sống và trẻ em phải lao động nặng nhọc, độc hại giảm 70% vào năm 2005 và giảm 90% vào năm 2010; giảm dần vào năm 2005 và giảm cơ bản vào năm 2010 số trẻ em bị xâm hại tình dục, bị mua bán; số trẻ em bị nghiện ma tuý giảm 70% vào năm 2005 và 90% vào năm 2010; số trẻ em phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng giảm 70% vào năm 2005 và giảm 90% vào năm 2010.

Phòng ngừa để giảm đến mức thấp nhất số trẻ em bị lây nhiễm HIV và mắc bệnh AIDS. Số trẻ em được khai sinh trước 5 tuổi đạt 80% vào năm 2005 và 90% vào năm 2010.

đ) Về văn hoá, vui chơi giải trí cho trẻ em:

Đến năm 2005 có 50% và đến năm 2010 có 100% số xã, phường tổ chức được cơ sở văn hoá, vui chơi giải trí cho trẻ em, trong đó đến năm 2005 có 40% và đến năm 2010 có 50% số cơ sở đủ tiêu chuẩn; đến năm 2005 có 75% và đến năm 2010 có 100% số quận, huyện tổ chức và quản lý được cơ sở văn hoá, vui chơi giải trí cho trẻ em.

Tăng số lượng trẻ em tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh và số trẻ em tình nguyện tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội bổ ích.

3. Các giải pháp chủ yếu:

a) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác trẻ em, đặc biệt tại những vùng dân tộc ít người, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khó khăn, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trẻ em bị xâm hại bởi các tệ nạn xã hội. Thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước.

b) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em và các văn bản pháp luật khác có liên quan để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; bổ sung, sửa đổi các chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các quyền trẻ em, trong đó có chính sách nâng cao thể lực cho trẻ em và chính sách chăm sóc trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; ban hành chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ và giáo dục cho trẻ em các gia đình nghèo, trẻ em vùng dân tộc ít người, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khó khăn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ban hành các chính sách nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: chính sách vận động các gia đình phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cái; chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng môi trường gia đình, cộng đồng dân cư an toàn và lành mạnh; chính sách khuyến khích các tổ chức và các cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ thực hiện các mục tiêu vì trẻ em (bao gồm cả việc tham gia cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho gia đình và trẻ em).

c) Tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội.

Tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội với nội dung và hình thức phù hợp với từng khu vực, từng vùng và từng nhóm đối tượng nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn, công tác xã hội và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tập trung hoạt động truyền thông - giáo dục vào những vùng dân tộc ít người, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em.

d) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quyền của trẻ em và các mục tiêu của Chương trình.

đ) Kinh phí thực hiện.

Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương chủ động tạo mọi điều kiện nhằm huy động sự tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

e) Hợp tác quốc tế.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ thực hiện Chương trình.

g) Nâng cao chất lượng thông tin và dữ liệu về trẻ em.

Nâng cao năng lực thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về trẻ em, đáp ứng được yêu cầu đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; tham mưu, hoạch định chính sách về trẻ em.

h) Đào tạo và nghiên cứu.

Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ của các cấp, các ngành làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình. Kế thừa và xúc tiến nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc tham mưu, hoạch định chính sách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Giao Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hoá - Thông tin, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các Bộ, ngành khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai Chương trình.

2. Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam căn cứ vào Chương trình này, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia theo định kỳ 5 năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình theo định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Chương trình vào năm 2005 và tổng kết tình hình thực hiện Chương trình vào năm 2010; chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện việc đánh giá, phân tích tình hình thực hiện các mục tiêu về trẻ em.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành có liên quan đưa các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia hàng năm và 5 năm; lồng ghép các hoạt động của các chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến trẻ em (đặc biệt là Chương trình hợp tác Việt Nam - Unicef) với các hoạt động của Chương trình này theo hướng dành ưu tiên đầu tư cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em các gia đình nghèo, trẻ em bị nhiễm HIV và mắc bệnh AIDS, trẻ em thuộc dân tộc ít người và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đưa một số chỉ số về quyền trẻ em Việt Nam vào danh mục các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Nhà nước.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm, bao gồm cả khả năng huy động từ các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Chương trình; hướng dẫn các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Chương trình.

5. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tuyên truyền, vận động các nguồn lực của các tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các tổ chức của Liên hợp quốc hỗ trợ cho việc thực hiện Chương trình.

6. Căn cứ vào Chương trình này, các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hoá - Thông tin, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành khác có liên quan, xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động hàng năm và định kỳ 5 năm nhằm thực hiện được các mục tiêu của Chương trình; đưa các mục tiêu về trẻ em vào kế hoạch dài hạn và ngắn hạn của Bộ, ngành mình và dành nguồn lực thích đáng để thực hiện các mục tiêu có liên quan của Chương trình này.

7. Căn cứ vào Chương trình này, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và ngắn hạn của địa phương; đẩy mạnh phong trào toàn xã hội và mọi gia đình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; xây dựng và tổ chức thực hiện (bao gồm cả bố trí ngân sách) các kế hoạch hành động hàng năm và định kỳ 5 năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam.

8. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội tham gia triển khai và thực hiện Chương trình trong phạm vi hoạt động của mình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phạm Gia Khiêm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.