• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/01/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 30/12/2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 167/2008/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 12 tháng 12 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở

_______________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nhằm mục đích cùng với việc thực hiện các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống; góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng:

Đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Quyết định này phải có đủ ba điều kiện sau:

a) Là hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010), đang cư trú tại địa phương, có trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành;

b) Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở;

c) Hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác.

2. Xếp loại thứ tự ưu tiên hỗ trợ:

Thực hiện ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự sau đây:

a) Hộ gia đình có công với cách mạng;

b) Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số;

c) Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai;

d) Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…);

đ) Hộ gia đình sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn;

e) Các hộ gia đình còn lại.

3. Phạm vi áp dụng:

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được áp dụng đối với các hộ thuộc diện đối tượng theo quy định của Quyết định này đang cư trú tại khu vực không phải là đô thị trên phạm vi cả nước.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình để xây dựng nhà ở theo đối tượng quy định.

2. Bảo đảm công khai, công bằng và minh bạch đến từng hộ gia đình trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

3. Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được một căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 24m2; tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên.

Điều 4. Mức hỗ trợ, mức vay và phương thức cho vay

1. Mức hỗ trợ:

Ngân sách trung ương hỗ trợ 06 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ dân thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thì ngân sách trung ương hỗ trợ 07 triệu đồng/hộ. Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài phần ngân sách trung ương hỗ trợ và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở.

2. Mức vay và phương thức cho vay:

a) Mức vay: hộ dân có nhu cầu, được vay tín dụng từ Ngân sách Chính sách Xã hội để làm nhà ở. Mức vay tối đa 08 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3%/năm. Thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ là 5 năm, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay;

b) Phương thức cho vay: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho vay. Đối với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, việc quản lý vốn bằng tiền, ghi chép kế toán và tổ chức giải ngân đến người vay do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện.

Điều 5. Số lượng hỗ trợ và nguồn vốn thực hiện

1. Số lượng hỗ trợ:

Dự kiến tổng số hộ được hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Quyết định này là 500.000 hộ.

2. Nguồn vốn thực hiện:

a) Ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng không dưới 20% so với số vốn ngân sách trung ương bảo đảm, đồng thời huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện mục tiêu, chính sách này. Đối với các địa phương có khó khăn về ngân sách (phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương) thì ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung phần vốn đối ứng cụ thể theo các mức sau: 20% cho các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương trên 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008; 15% cho các địa phương nhận bổ sung từ 50% - 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008; 10% cho các địa phương nhận bổ sung dưới 50% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008;

b) Ngân sách Chính sách Xã hội bảo đảm kinh phí cho các hộ dân thuộc diện đối tượng vay theo mức quy định tại Quyết định này. Nguồn vốn cho vay do ngân sách trung ương cấp 50% trên tổng số vốn vay cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, 50% còn lại do Ngân sách Xã hội huy động. Ngân sách trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định;

c) Vốn huy động từ quỹ “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và từ các doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động;

d) Vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ;

đ) Đối với các địa phương có rừng, có quy hoạch, kế hoạch khai thác gỗ hàng năm được duyệt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khai thác gỗ theo quy định để hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Khối lượng gỗ cụ thể cho mỗi hộ làm nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Nghiêm cấm việc lợi dụng khai thác gỗ hỗ trợ làm nhà ở để chặt phá rừng sử dụng vào mục đích khác.

Điều 6. Cách thức thực hiện

1. Bình xét và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở:

- Cơ sở thôn, bản tổ chức bình xét đối tượng và phân loại ưu tiên theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch;

- Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp danh sách số hộ được hỗ trợ, đồng thời lập danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Cấp vốn làm nhà ở:

- Căn cứ số vốn được phân bổ từ ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam huy động phân bổ cho địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho cấp huyện, đồng thời gửi danh sách vay vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện cho vay. Đối với những hộ dân được hỗ trợ từ nguồn vốn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam huy động mà mức hỗ trợ chưa đủ so với mức vay theo quy định của Quyết định này thì được vay theo số còn thiếu.

- Căn cứ số vốn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ, Ủy ban nhân dân cấp huyện phân bổ vốn hỗ trợ cho cấp xã.

Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đối với vốn vay, hộ dân trực tiếp ký khế ước vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

3. Thực hiện xây dựng nhà ở:

- Ủy ban nhân dân cấp xã giao Ban Giảm nghèo cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ dân xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở theo quy định của Quyết định này và vận động các hộ dân tự xây dựng nhà ở. Đối với hộ dân có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…) không thể tự xây dựng nhà ở thì Ban Giảm nghèo cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các đối tượng này.

Điều 7. Thời gian và tiến độ thực hiện

1. Trong năm 2008 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải cơ bản thực hiện xong việc bình xét, lập danh sách số hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Quyết định này; đồng thời lập và phê duyệt Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính.

2. Đến cuối năm 2011 cơ bản thực hiện xong chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, trong đó hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng là hộ nghèo thuộc diện chính sách và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo quy định.

3. Đến cuối năm 2012 hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định của Quyết định này.

4. Năm 2013 tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Đối với các Bộ, ngành Trung ương

a) Bộ Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan: Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

- Thành lập Ban Điều phối chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan: Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Chính sách Xã hội;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo đúng mục tiêu và yêu cầu; tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

- Lập dự toán chi phí hoạt động của Ban Điều phối chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cho cả Chương trình và hàng năm gửi Bộ Tài chính để cân đối, bố trí kinh phí hoạt động của Ban Điều phối.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch và bố trí vốn có mục tiêu cho các địa phương trong kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 và các năm tiếp theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt;

c) Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ cho các hộ thuộc diện đối tượng theo quy định và bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn ngân sách trung ương bảo đảm phương tiện và kinh phí hoạt động cho Ban Điều phối chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo dự toán kinh phí hoạt động hàng năm;

- Hướng dẫn các địa phương công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc khai thác gỗ theo quy định để hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở đối với các địa phương có rừng, có quy hoạch, kế hoạch khai thác gỗ hàng năm được duyệt;

đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay, thu hồi nợ vay, hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục vay vốn làm nhà ở theo quy định đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.

2. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong việc lập, phê duyệt đề án và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

b) Công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và chỉ đạo bình xét, lập danh sách các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn; phân loại ưu tiên thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Chỉ đạo việc lập và phê duyệt danh sách hộ nghèo thuộc diện được vay vốn làm nhà ở theo quy định của Quyết định này.

c) Gửi Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn đã được phê duyệt về Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các Bộ, ngành liên quan để phối hợp đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

d) Chỉ đạo công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

đ) Giao việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cho Ban Chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo các cấp của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định tại Quyết định này;

e) Bố trí đủ vốn đối ứng theo quy định tại Quyết định này. Chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn vận động cộng đồng giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở;

g) Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo có nhà ở sau khi được hỗ trợ theo quy định của Quyết định này;

h) Định kỳ 6 tháng một lần báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo nhà ở về Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phối hợp với Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

Phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan trong việc phân bổ nguồn vốn do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã huy động được (bao gồm vốn bằng tiền hoặc hiện vật như nhà ở, vật liệu xây dựng …) cho các địa phương đảm bảo hợp lý và công bằng. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách đảm bảo đúng mục tiêu và yêu cầu. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tích cực vận động các doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.