• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/03/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 15/02/2020
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Số: 10/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 1 tháng 2 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện

 Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định

số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ

______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 28/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối tượng áp dụng: cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Nguyên tắc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước

1. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng phải sử dụng đúng mục đích, đối tượng, hạng mục đầu tư quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo dự án được duyệt.

2. Ngân sách Trung ương đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho các dự án bảo vệ và phát triển rừng gồm:

a) Đầu tư trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; hỗ trợ xây dựng công trình hạ tầng lâm sinh phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; kinh phí quản lý của chủ dự án theo quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

b) Dự án đầu tư xây dựng rừng đặc dụng theo quy định tại Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020;

c) Dự án phát triển rừng sản xuất, trồng cây phân tán theo quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 và Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 09/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg về chính sách phát triển rừng sản xuất;

d) Dự án xây dựng vườn ươm, vườn giống, rừng giống, rừng giống chuyển hóa;

e) Dự án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng.

g) Các dự án khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Đầu tư trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng

1. Đầu tư cho dự án trồng rừng phòng hộ và đặc dụng được duyệt theo quy định về quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước và quy định tại Chương VI Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh.

2. Mức đầu tư cụ thể thực hiện trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và thiết kế, dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo qui định tại Điều 7 của Thông tư này. Ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách Tỉnh (hoặc ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty) hỗ trợ phần thiếu do suất đầu tư tăng.

Điều 4. Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ bảo vệ và phát triển rừng

1. Chủ dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng (trừ các dự án đầu tư xây dựng rừng đặc dụng; dự án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định tại điểm b, d, khoản 2, Điều 2 của Thông tư này) được sử dụng tối đa 10% tổng vốn ngân sách Trung ương đầu tư của dự án cho xây dựng công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ bảo vệ và phát triển rừng. Trường hợp tổng mức đầu tư xây dựng công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật vượt quá 10% tổng vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho dự án, thì phần vốn vượt quá đó do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án chịu trách nhiệm giải quyết, bổ sung từ ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn khác.

2. Các hạng mục công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ bảo vệ và phát triển rừng gồm:

a) Công trình phòng trừ sâu bệnh hại rừng, phòng chữa cháy rừng: đường ranh cản lửa, chòi canh lửa rừng, kênh mương, bể chứa nước, hồ đập phòng chống chữa cháy rừng;

b) Trạm bảo vệ rừng: biển báo, biển cảnh báo, mốc ranh giới;

c) Các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu khác trong các dự án lâm sinh.

3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện các công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng thực hiện theo các qui định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản; các công trình xây dựng quy mô nhỏ (dưới 500 triệu đồng/công trình) được thực hiện theo thiết kế mẫu, chủ đầu tư được tự triển khai trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4. Các dự án khác theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, 147/2007/QĐ-TTg, 66/2011/QĐ-TTg ,...).

Điều 5. Vốn quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng

1. Vốn quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng các cấp thực hiện theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ để chi cho các hoạt động của các Ban quản lý dự án.

2. Nội dung chi gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự án, sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng, công tác phí, trang thiết bị văn phòng phục vụ quản lý thực hiện dự án, lương, phụ cấp lương của Ban quản lý dự án, kiểm toán, quyết toán hàng năm, quyết toán hoàn thành dự án và các chi phí khác liên quan đến quản lý dự án.

Điều 6. Lập, thẩm định và phê duyệt dự án bảo vệ và phát triển rừng

1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt Dự án bảo vệ và phát triển rừng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư phát triển và quy định tại Điều 25, 26, 27, 28 Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh ban hành kèm theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đầu tư xây dựng công trình lâm sinh.

Việc thẩm định nguồn vốn đối với các dự án trồng rừng và xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định tại Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

2. Chủ đầu tư dự án

a) Các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp, cơ quan, đơn vị vũ trang, các tổ chức được Nhà nước giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp thực hiện các công trình lâm sinh là chủ đầu tư dự án.

b) Đối với diện tích rừng không do các cơ quan, tổ chức qui định tại mục a, khoản 2 Điều này là chủ đầu tư dự án, thì tùy theo tình hình thực tế, mỗi huyện hoặc mỗi tỉnh có thể lập một dự án bảo vệ và phát triển rừng do cơ quan kiểm lâm cùng cấp làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, kết thúc dự án, cơ quan kiểm lâm là chủ đầu tư bàn giao lại cho các chủ rừng cụ thể quản lý, đảm bảo rừng được phát triển bền vững.

3. Kính phí lập Dự án bảo vệ và phát triển rừng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng 2011 - 2020, được tính trong tổng mức đầu tư của Dự án.

Điều 7. Lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật các công trình lâm sinh và công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng

Căn cứ Dự án bảo vệ và phát triển rừng được duyệt và chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm, chủ dự án lập thiết kế, dự toán từng các công trình lâm sinh và công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt như sau:

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đối với các dự án chủ đầu tư là tổ chức thuộc địa phương.

2. Tổng cục Lâm nghiệp phê duyệt đối với dự án chủ đầu tư là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Các Tập đoàn, Tổng Công ty phê duyệt đối với dự án chủ đầu tư là các đơn vị trực thuộc.

Điều 8. Lập kế hoạch đầu tư bảo vệ và phát triển rừng

1. Căn cứ lập kế hoạch

a) Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến 2020;

b) Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ;

c) Dự án bảo vệ và phát triển rừng được duyệt;

d) Tình hình thực tế triển khai thực hiện Dự án và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ khởi công đến niên độ kế hoạch.

đ) Các qui định hiện hành khác.

2. Lập kế hoạch của các dự án đầu tư

a) Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng gồm: kế hoạch tổng thể dự án được lập cho cả giai đoạn 2011 - 2020; kế hoạch trung hạn 3 năm; kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020; kế hoạch hàng năm.

b) Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu gồm: phát triển rừng; bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; các chỉ tiêu khác.

c) Cân đối nguồn vốn:

Xác định nhu cầu vốn cho từng hạng mục, tổng hợp chung và phân theo nguồn vốn: đầu tư Ngân sách nhà nước; vay tín dụng; vốn ODA và nguồn vốn khác.

3. Lập kế hoạch của các Bộ, ngành và cấp tỉnh

a) Các loại kế hoạch và chỉ tiêu chủ yếu thực hiện như quy định tại Khoản 2 của Điều này.

b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ, ngành liên quan lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, Bộ, ngành mình gửi về Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong cả nước.

Điều 9. Chế độ báo cáo

1. Ngày 22 hàng tháng, chủ dự án có trách nhiệm báo cáo kết quả, khối lượng thực hiện trong tháng và lũy kế từ đầu năm; tình hình tài chính và giải ngân gửi chủ quản dự án (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các Bộ, ngành và cấp tỉnh);

2. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các Bộ, ngành và cấp tỉnh tổng hợp báo cáo hàng tháng gửi Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước chậm nhất vào ngày 05 tháng kế tiếp;

3. Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước tổng hợp báo cáo hàng tháng với Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước và đồng gửi các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước chậm nhất vào ngày 10 tháng kế tiếp.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo 6 tháng, báo cáo năm thông qua Ban Chỉ đạo nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước.

Điều 10. Quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư

1. Vốn quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng thực hiện theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015.

2. Quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư thực hiện theo Thông tư số 89/2008/TT-BTC ngày 15/10/2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán vốn ngân sách nhà nước cho dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng; Thông tư số 172/2011/TT-BTC ngày 01/12/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình lâm sinh thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

Điều 11. Trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì điều hành và tổ chức thực hiện kế hoạch; tổng hợp, lập Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng hàng năm, 3 năm toàn quốc báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch.

2. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

3. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong cả nước với các thông tin quản lý thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng toàn quốc.

4. Hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kỹ thuật chuyên ngành lâm nghiệp.

Điều 12. Trách nhiệm quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì tổng hợp, cân đối kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm, 3 năm của các Bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện.

Điều 13. Trách nhiệm quản lý của tỉnh và các Bộ, ngành tham gia Kế hoạch

1. Xây dựng kế hoạch, nhu cầu vốn hàng năm, kế hoạch 3 năm gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện Kế hoạch; Chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch ở Bộ, ngành và địa phương mình; Phân khai kế hoạch vốn cho các dự án cơ sở.

2. Rà soát, đề xuất danh mục, xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án; tổ chức thực hiện và quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án trên địa bàn theo quy định của Nhà nước.

3. Chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Được điều chỉnh các hạng mục trong dự án cơ sở với nhau để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, nhưng phải hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng trong kế hoạch được giao.

4. Chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện các dự án thuộc phạm vi quản lý. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện kế hoạch được giao, tiếp nhận và sử dụng vốn đúng mục đích, đúng chế độ.

5. Định kỳ báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan về tiến độ thực hiện kế hoạch tại Bộ, ngành và địa phương; tổ chức sơ kết và tổng kết kế hoạch theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Báo cáo quyết toán sử dụng vốn hàng năm và quyết toán dự án hoàn thành.

Điều 14. Trách nhiệm quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và quản lý các dự án bảo vệ và phát triển rừng cơ sở tại địa phương.

2. Tổng hợp, báo cáo và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chỉ đạo quyết toán vốn đầu tư theo chế độ quy định hiện hành.

Điều 15. Trách nhiệm quản lý của Chủ đầu tư dự án

1. Thành lập Ban quản lý Dự án; tiếp nhận, quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả.

2. Triển khai thực hiện đúng dự án được duyệt, đảm bảo tiến độ, chất lượng, khối lượng dự án theo các quy định hiện hành; tiến hành nghiệm thu kịp thời, lập đầy đủ hồ sơ thanh toán và đề nghị thanh toán cho nhà thầu, người lao động đúng thời hạn quy định.

3. Báo cáo và thanh quyết toán vốn đầu tư theo chế độ quy định hiện hành.

Điều 16. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 03 năm 2013.

2. Các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn áp dụng tại Thông tư này, khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế theo quy định hiện hành của Nhà nước thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có phát sinh vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Hà Công Tuấn

Đào Quang Thu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.