• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2013
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Số: 06/2012/NQ-HĐTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 3 tháng 12 năm 2012


NGHỊ QUYẾT

Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục

giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ luậtTố tụng dân sự

đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung

một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự

__________________

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật Tổ chức Toà án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định tại Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự ngày 29 tháng 3 năm 2011(sau đây viết tắt là BLTTDS);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS nhằm đảm bảo thi hành đúng và thống nhất Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS.

Điều 2. Người có quyền kháng cáo quy định tại Điều 243 của BLTTDS

1. Đối tượng mà đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm bao gồm: bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.

2. Đương sự là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của đương sự có kháng cáo. Đồng thời, ở phần cuối đơn kháng cáo, đương sự đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

3. Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình là đương sự trong vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của đương sự có kháng cáo. Đồng thời, ở phần cuối đơn kháng cáo, đương sự đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

4. Đương sự được hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều này nếu không tự mình kháng cáo, thì có thể uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo, trừ kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm về ly hôn. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền có kháng cáo; họ, tên, địa chỉ của đương sự uỷ quyền kháng cáo và văn bản uỷ quyền. Đồng thời, ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

5. Đương sự là cơ quan, tổ chức có quyền kháng cáo. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức. Đồng thời, ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức uỷ quyền cho người khác đại diện cho cơ quan, tổ chức kháng cáo, thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo; tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức uỷ quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản uỷ quyền. Đồng thời, ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

6. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên (trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời, ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo, thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền và văn bản uỷ quyền; họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của đương sự uỷ quyền; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời, ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

7. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 162 của BLTTDS là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ. Người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó; họ, tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ. Đồng thời, ở phần cuối đơn, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

8. Việc uỷ quyền được hướng dẫn tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản uỷ quyền đó được lập tại Toà án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc cán bộ Toà án được Chánh án Toà án phân công. Trong văn bản uỷ quyền phải có nội dung đương sự uỷ quyền cho người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm.

Điều 3. Đơn kháng cáo quy định tại Điều 244 của BLTTDS

1. Để bảo đảm cho việc làm đơn kháng cáo đúng và thống nhất, Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm đơn kháng cáo theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này. Toà án cấp sơ thẩm phải niêm yết công khai tại trụ sở Toà án nhân dân mẫu đơn kháng cáo và hướng dẫn sử dụng mẫu đơn kháng cáo.

2. Việc nhận đơn kháng cáo và xử lý đơn kháng cáo tại Tòa án cấp sơ thẩm.

a) Tòa án cấp sơ thẩm phải có sổ nhận đơn kháng cáo để ghi ngày, tháng, năm nhận đơn kháng cáo làm căn cứ xác định ngày kháng cáo.

b) Toà án cấp sơ thẩm thực hiện thủ tục nhận đơn kháng cáo như sau:

b1) Trường hợp người kháng cáo trực tiếp nộp đơn kháng cáo tại Toà án cấp sơ thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm ghi ngày, tháng, năm người kháng cáo nộp đơn vào sổ nhận đơn kháng cáo. Ngày kháng cáo được xác định là ngày nộp đơn kháng cáo.

b2) Trường hợp người kháng cáo gửi đơn kháng cáo đến Toà án cấp sơ thẩm qua bưu điện, thì Toà án phải ghi ngày, tháng, năm nhận đơn kháng cáo do bưu điện chuyển đến và ngày, tháng, năm người kháng cáo gửi đơn theo ngày, tháng, năm có dấu bưu điện nơi gửi đơn vào sổ nhận đơn. Phong bì có dấu bưu điện phải được đính kèm đơn kháng cáo. Ngày kháng cáo được xác định là ngày có dấu bưu điện nơi gửi đơn.

Trường hợp không có hoặc không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện nơi gửi trên phong bì, thì Toà án phải ghi chú trong sổ nhận đơn và vào góc bên trái của đơn kháng cáo là “không xác định được ngày, tháng, năm”. Trường hợp này, ngày kháng cáo được xác định là ngày Toà án nhận được đơn. Khi kiểm tra đơn kháng cáo, nếu thấy đơn kháng cáo này quá hạn thì Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do bằng văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 246 của BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 của Nghị quyết này. Nếu đơn kháng cáo đúng hạn quy định tại Điều 245 của BLTTDS, thì Toà án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục quy định tại Điều 248 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết này.

b3) Toà án phải ghi (hoặc đóng dấu nhận đơn kháng cáo có ghi) ngày, tháng, năm nhận đơn vào góc trên bên trái của đơn kháng cáo.

c) Khi nhận được đơn kháng cáo do Toà án cấp phúc thẩm chuyển đến, theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này, Toà án cấp sơ thẩm phải kiểm tra xem đã nhận được đơn kháng cáo có cùng nội dung do cùng người kháng cáo gửi đến chưa để xử lý như sau:

c1) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm đã nhận được đơn kháng cáo có nội dung trùng với nội dung đơn kháng cáo do Toà án cấp phúc thẩm chuyển đến, thì Toà án cấp sơ thẩm ghi chú vào đơn kháng cáo đó và đính kèm với đơn kháng cáo đã nhận để lưu vào hồ sơ vụ án.

c2) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm chưa nhận được đơn kháng cáo hoặc đã nhận được đơn kháng cáo, nhưng một phần hoặc toàn bộ nội dung kháng cáo khác với nội dung kháng cáo do Toà án cấp phúc thẩm chuyển đến, thì Tòa án cấp sơ thẩm ghi ngày, tháng, năm nhận đơn kháng cáo do Toà án cấp phúc thẩm chuyển đến và ngày, tháng, năm nhận đơn kháng cáo theo ngày, tháng, năm mà Toà án cấp phúc thẩm ghi ở góc trên bên trái của đơn kháng cáo vào sổ nhận đơn. Trong trường hợp này, việc xác định ngày kháng cáo được thực hiện theo hướng dẫn tại các điểm b1 và b2 điểm b khoản 2 Điều này.

3. Việc nhận đơn kháng cáo và xử lý đơn kháng cáo tại Tòa án cấp phúc thẩm.

Trường hợp người kháng cáo trực tiếp nộp đơn kháng cáo tại Toà án cấp phúc thẩm hoặc gửi đơn kháng cáo đến Toà án cấp phúc thẩm qua bưu điện, thì khi nhận đơn kháng cáo Toà án cấp phúc thẩm cũng phải vào sổ nhận đơn kháng cáo để theo dõi. Toà án cấp phúc thẩm phải ghi ngày, tháng, năm nhận đơn kháng cáo theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này. Đồng thời, Toà án cấp phúc thẩm phải chuyển ngay đơn kháng cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có) cho Toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục cần thiết và gửi kèm hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 255 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị quyết này. Việc chuyển đơn kháng cáo cho Toà án cấp sơ thẩm phải được ghi chú vào sổ nhận đơn để theo dõi. Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết về việc đã nhận được đơn kháng cáo và chuyển đơn kháng cáo cho Toà án cấp sơ thẩm để họ liên hệ với Toà án cấp sơ thẩm thực hiện quyền, nghĩa vụ của người kháng cáo theo thủ tục chung.

4. Sau khi nhận đơn kháng cáo do người kháng cáo nộp trực tiếp, Toà án cấp sơ thẩm phải cấp ngay giấy báo nhận đơn kháng cáo cho người kháng cáo. Nếu Toà án cấp sơ thẩm nhận đơn kháng cáo gửi qua bưu điện hoặc do Toà án cấp phúc thẩm chuyển đến, thì Toà án cấp sơ thẩm gửi ngay giấy báo nhận đơn kháng cáo để thông báo cho người kháng cáo biết.

5. Trường hợp người kháng cáo nộp hoặc gửi kèm theo đơn kháng cáo tài liệu, chứng cứ bổ sung để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp, thì việc giao nhận tài liệu, chứng cứ bổ sung do người kháng cáo nộp hoặc gửi kèm theo đơn kháng cáo được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 13 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự”.

6. Trong trường hợp người kháng cáo đến Toà án cấp sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm trình bày trực tiếp về việc kháng cáo, thì Toà án cấp sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm giải thích cho họ biết là theo quy định tại Điều 243 của BLTTDS thì người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo, để họ tự mình làm đơn kháng cáo hoặc uỷ quyền cho người khác kháng cáo.

Điều 4. Về thời hạn kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 245 và Điều 252 của BLTTDS

1. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án đối với đương sự có mặt tại phiên toà sơ thẩm hoặc là ngày bản án sơ thẩm được giao hoặc được niêm yết đối với đương sự không có mặt tại phiên toà sơ thẩm.

2. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án, trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên toà sơ thẩm hoặc là ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án sơ thẩm trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp không tham gia phiên toà sơ thẩm.

Ví dụ: Ngày 01-10-2013, Toà án xét xử sơ thẩm vụ án dân sự và cùng ngày 01-10-2013 Toà án tuyên án, thì ngày được xác định và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị như sau:

- Đối với đương sự có mặt tại phiên toà sơ thẩm, thì ngày được xác định là ngày 01-10-2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày là ngày 02-10-2013.

- Đối với đương sự không có mặt tại phiên toà sơ thẩm và giả sử ngày 15-10-2013 Toà án cấp sơ thẩm mới giao bản án sơ thẩm cho đương sự, thì ngày được xác định là ngày 15-10-2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày là ngày 16-10-2013; nếu Toà án cấp sơ thẩm không thể giao trực tiếp bản án sơ thẩm cho đương sự mà phải niêm yết công khai và giả sử ngày niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của đương sự là ngày 15-10-2013, thì ngày được xác định là ngày 15-10-2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày là ngày 16-10-2013.

- Trường hợp đại diện Viện kiểm sát cùng cấp có tham gia phiên toà sơ thẩm, thì ngày được xác định là ngày 01-10-2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị mười lăm ngày (đối với Viện kiểm sát cùng cấp), ba mươi ngày (đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp) là ngày 02-10-2013.

- Trường hợp đại diện Viện kiểm sát cùng cấp không tham gia phiên toà sơ thẩm và giả sử ngày 15-10-2013 Viện kiểm sát cùng cấp mới nhận được bản án của Toà án cấp sơ thẩm, thì ngày được xác định là ngày 15-10-2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị mười lăm ngày (đối với Viện kiểm sát cùng cấp), ba mươi ngày (đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp) là ngày 16-10-2013.

3. Thời điểm bắt đầu thời hạn kháng cáo, kháng nghị quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày người có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định đó.

a) Trường hợp quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án được ban hành tại phiên toà sơ thẩm và Hội đồng xét xử giao ngay quyết định này cùng ngày cho đương sự có mặt tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà (nếu có), thì ngày được xác định là ngày ban hành quyết định đó. Nếu ngày giao quyết định không cùng với ngày ban hành quyết định, thì ngày được xác định là ngày giao quyết định cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

b) Trường hợp quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án được ban hành trước khi mở phiên toà sơ thẩm hoặc tại phiên toà sơ thẩm mà đương sự vắng mặt, thì ngày được xác định đối với đương sự là ngày quyết định đó được giao hoặc được niêm yết; đối với Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp là ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định đó.

4. Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị

Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo, kháng nghị kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ của ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó.

Ví dụ: Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày được tính bắt đầu từ ngày 02-10-2013. Theo quy định tại khoản 1 Điều 245 của BLTTDS, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày (đối với đương sự có mặt tại phiên toà) kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 16-10-2013 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ). Giả sử, ngày 16-10-2013 là ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 17-10-2013 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần); giả sử sau ngày nghỉ lễ (17-10-2013), ngày 18-10-2013 đúng vào ngày thứ bảy, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 20-10-2013.

Trường hợp Tòa án phải tiến hành ủy thác tư pháp để tống đạt bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cho đương sự đang cư trú ở nước ngoài thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày nhận được ủy thác tư pháp, ngày nhận được ủy thác tư pháp được xác định theo quy định của pháp luật về ủy thác tư pháp.

Điều 5. Kiểm tra đơn kháng cáo quy định tại Điều 246 của BLTTDS

1. Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải kiểm tra đơn kháng cáo có đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 244 của BLTTDS và người làm đơn kháng cáo có thuộc chủ thể có quyền kháng cáo được quy định tại Điều 243 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này hay không; đồng thời kiểm tra kháng cáo có được làm trong thời hạn quy định tại Điều 245 của BLTTDS và được hướng dẫn tại Điều 4 của Nghị quyết này hay không để tiến hành tiếp các công việc theo quy định của BLTTDS và hướng dẫn của Nghị quyết này. Trường hợp đơn kháng cáo làm trong thời hạn luật định và là của người có quyền kháng cáo nhưng chưa có đầy đủ các nội dung chính quy định tại khoản 1 Điều 244 của BLTTDS hoặc nội dung kháng cáo chưa cụ thể, thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo (trực tiếp hoặc bằng văn bản) ngay cho người kháng cáo để họ sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo cho đầy đủ hoặc thể hiện nội dung kháng cáo cho cụ thể, rõ ràng theo quy định của pháp luật.

2. Việc thông báo và thực hiện yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo được thực hiện như sau:

a) Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo trong thời hạn do Toà án cấp sơ thẩm ấn định nhưng không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày người kháng cáo nhận được thông báo của Toà án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo, trừ trường hợp có trở ngại khách quan, thì thời gian có trở ngại khách quan không tính vào thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo.

b) Trong thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo phải nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người kháng cáo biết để họ thực hiện.

c) Thời gian thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo không tính vào thời hạn kháng cáo. Ngày kháng cáo vẫn được xác định theo hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị quyết này.

d) Sau khi người kháng cáo đã sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án cấp sơ thẩm tiếp tục thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 248 của BLTTDS. Hết thời hạn do Toà án ấn định mà người kháng cáo không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo và đơn kháng cáo không có đầy đủ các nội dung chính quy định tại khoản 1 Điều 244 của BLTTDS, thì đơn kháng cáo không được coi là hợp lệ. Toà án cấp sơ thẩm trả lại đơn cho người kháng cáo và ghi chú vào sổ nhận đơn về việc trả lại đơn.

đ) Nếu qua kiểm tra mà phát hiện thấy đơn kháng cáo là của người không có quyền kháng cáo hoặc nội dung kháng cáo không thuộc giới hạn của việc kháng cáo, thì trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Toà án cấp sơ thẩm trả lại đơn và ghi chú vào sổ nhận đơn về việc trả lại đơn.

e) Việc trả lại đơn kháng cáo được hướng dẫn tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều này phải được thông báo bằng văn bản trong đó ghi rõ lý do của việc trả lại đơn.

Điều 6. Kháng cáo quá hạn quy định tại Điều 247 của BLTTDS

1. Trường hợp đơn kháng cáo là của người có quyền kháng cáo, nội dung kháng cáo thuộc giới hạn kháng cáo, nhưng quá thời hạn kháng cáo quy định tại Điều 245 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 4 của Nghị quyết này mà người kháng cáo chưa tường trình hoặc có tường trình nhưng lý do kháng cáo quá hạn không rõ ràng, thì Toà án cấp sơ thẩm phải có văn bản yêu cầu người kháng cáo tường trình cụ thể bằng văn bản về lý do kháng cáo quá hạn và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng. Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo quá hạn tường trình cụ thể bằng văn bản về lý do kháng cáo quá hạn và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) trong thời hạn do Toà án cấp sơ thẩm ấn định nhưng không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày người kháng cáo nhận được thông báo của Toà án yêu cầu làm bản tường trình về lý do kháng cáo quá hạn. Toà án có thể giao trực tiếp hoặc gửi văn bản này cho người kháng cáo qua bưu điện.

“Lý do chính đáng” là trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác (như: do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, tai nạn phải điều trị tại bệnh viện,...) làm cho người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định.

2. Toà án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình về lý do kháng cáo quá hạn và các tài liệu, chứng cứ (nếu có) chứng minh lý do của việc kháng cáo quá hạn cho Toà án cấp phúc thẩm để xét kháng cáo quá hạn. Nếu trong vụ án chỉ có kháng cáo quá hạn, không có kháng cáo khác, không có kháng nghị, thì Toà án cấp sơ thẩm chưa phải gửi hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm.

3. Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng được hướng dẫn tại khoản 5 Điều này.

4. Việc xét lý do kháng cáo quá hạn phải được thực hiện trước khi mở phiên toà phúc thẩm không phụ thuộc vào việc ngoài các đương sự kháng cáo quá hạn, trong vụ án còn có kháng cáo của các đương sự khác trong thời hạn quy định tại Điều 245 của BLTTDS hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát quy định tại Điều 252 của BLTTDS; do đó, khi nhận được hồ sơ vụ án có nhiều người kháng cáo, Toà án cấp phúc thẩm phải kiểm tra có kháng cáo nào quá hạn hay không. Nếu có thì phải xét lý do kháng cáo quá hạn trước khi mở phiên toà.

5. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Toà án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét đơn kháng cáo quá hạn. Trong trường hợp cần thiết Hội đồng xét đơn kháng cáo quá hạn có quyền triệu tập người kháng cáo quá hạn đến phiên họp trình bày bổ sung về lý do kháng cáo quá hạn hoặc yêu cầu họ cung cấp tài liệu, giấy tờ bổ sung chứng minh cho việc kháng cáo quá hạn của mình là có lý do chính đáng. Đại diện Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp xét lý do kháng cáo quá hạn đối với các trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà phúc thẩm quy định tại khoản 2 Điều 264 của BLTTDS.

Trước khi Hội đồng xét đơn kháng cáo quá hạn thảo luận, một thành viên của Hội đồng nêu tóm tắt nội dung đơn kháng cáo quá hạn, các tài liệu, chứng cứ chứng minh lý do của việc kháng cáo quá hạn. Nếu người kháng cáo quá hạn được triệu tập đến phiên họp thì Hội đồng xét đơn kháng cáo có thể yêu cầu trình bày bổ sung lý do kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét đơn kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn. Quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn phải được gửi ngay cho Toà án cấp sơ thẩm và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp nhận được quyết định chấp nhận kháng cáo quá hạn của Toà án cấp phúc thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo theo quy định tại Điều 249 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 8 của Nghị quyết này. Toà án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục theo quy định của BLTTDS và gửi hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm (nếu hồ sơ vụ án còn ở Toà án cấp sơ thẩm).

6. Thẩm phán Toà án cấp phúc thẩm đã tham gia Hội đồng xét đơn kháng cáo quá hạn vẫn có thể tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung.

Điều 7. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm quy định tại Điều 248 của BLTTDS

1. Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, nếu người kháng cáo được miễn án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm tiến hành thủ tục thông báo về việc kháng cáo và gửi hồ sơ cho Toà án cấp phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 249 và khoản 1 Điều 255 của BLTTDS. Trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo bằng văn bản cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Thông báo phải ghi rõ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm phải nộp, nơi nộp tiền, thời hạn nộp tiền và hậu quả của việc không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm được giao trực tiếp hoặc gửi cho người kháng cáo qua bưu điện.

2. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Nếu hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không có lý do chính đáng, thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo.

“Lý do chính đáng” là trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 của Nghị quyết này.

3. Trong trường hợp sau khi hết thời hạn mười ngày, người kháng cáo mới nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và không có tường trình về lý do chậm nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày Toà án yêu cầu phải làm bản tường trình nộp cho Toà án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được coi như kháng cáo quá hạn và Toà án cấp sơ thẩm thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 của Nghị quyết này.

4. Toà án cấp sơ thẩm không phải tiến hành thủ tục thông báo về việc kháng cáo đã được coi là từ bỏ hướng dẫn tại khoản 2 Điều này và không phải gửi hồ sơ cho Toà án cấp phúc thẩm, trừ trường hợp trong vụ án còn có kháng cáo của người khác, kháng nghị của Viện kiểm sát.

Điều 8. Thông báo về việc kháng cáo quy định tại Điều 249 của BLTTDS

1. Khi thực hiện thông báo về việc kháng cáo, Toà án cấp sơ thẩm không phải thông báo về việc kháng cáo cho chính người đã kháng cáo. Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo (nếu việc xét xử phúc thẩm vụ án do có kháng cáo có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự đó) biết về việc kháng cáo.

2. Đương sự được thông báo về việc kháng cáo có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo cho Toà án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của người được thông báo phải được lưu vào hồ sơ vụ án. Trường hợp người được thông báo gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo cho Toà án cấp sơ thẩm mà hồ sơ vụ án chưa gửi cho Toà án cấp phúc thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm đưa văn bản này vào hồ sơ vụ án và gửi cho Toà án cấp phúc thẩm; nếu hồ sơ vụ án đã gửi cho Toà án cấp phúc thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm phải gửi văn bản đó cho Toà án cấp phúc thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án và xem xét khi xét xử phúc thẩm.

Điều 9. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 254 của BLTTDS

Những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị và được thi hành khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Độc lập với những phần của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị;

b) Việc xét kháng cáo, kháng nghị đối với những phần của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị không có liên quan đến những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị.

Ví dụ: Tại bản án số 35/2013/HNGĐ-ST ngày 15-02-2013, Toà án nhân dân huyện H, tỉnh HT đã quyết định cho anh A được ly hôn chị B; giao chị B trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung là cháu C, anh A phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 200.000 đồng và chia tài sản chung của vợ chồng cho anh A và chị B. Sau khi xét xử sơ thẩm anh A không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị. Chị B chỉ kháng cáo bản án sơ thẩm về quyết định chia tài sản chung của vợ chồng.

Như vậy, những phần của bản án sơ thẩm về ly hôn giữa anh A và chị B; về trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn không bị kháng cáo, kháng nghị, độc lập với phần bản án sơ thẩm bị chị B kháng cáo và việc xét kháng cáo phần bản án sơ thẩm này không có liên quan đến những phần của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; do đó những phần của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật và được thi hành.

Điều 10. Gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 255 của BLTTDS

1. Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Toà án cấp phúc thẩm trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, nếu người kháng cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và trong vụ án không có người khác kháng cáo.

2. Nếu người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, thì thời hạn năm ngày làm việc để Toà án cấp sơ thẩm gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Toà án cấp phúc thẩm được tính kể từ ngày người kháng cáo nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

3. Nếu có nhiều người kháng cáo và họ đều phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, thì thời hạn năm ngày làm việc để Toà án cấp sơ thẩm gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Toà án cấp phúc thẩm được tính kể từ ngày người cuối cùng nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

Điều 11. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 256 của BLTTDS

1. Về việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị cần phân biệt như sau:

a) Trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 245 và Điều 252 của BLTTDS, thì người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo, kháng nghị đối với phần bản án hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp người kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị nhưng sau đó có kháng cáo, kháng nghị lại mà vẫn còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung.

b) Trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 245 và Điều 252 của BLTTDS, thì trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị đã gửi cho Toà án trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

2. Về việc rút kháng cáo, kháng nghị.

a) Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị khi có đủ các điều kiện sau đây:

a1) Người kháng cáo rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút kháng nghị mà trong vụ án không còn có kháng cáo của người khác, không có kháng nghị của Viện kiểm sát đối với phần của bản án, quyết định sơ thẩm đó.

a2) Phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị mà kháng cáo hoặc kháng nghị đó đã được rút độc lập với những phần khác của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và việc xét kháng cáo, kháng nghị này không liên quan đến phần bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị đã được rút.

Ví dụ: Trong ví dụ nêu tại điểm b Điều 9 của Nghị quyết này, sau khi xét xử sơ thẩm, anh A không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị bản án sơ thẩm mà chỉ có chị B kháng cáo bản án sơ thẩm về quyết định chia tài sản chung của vợ chồng. Trước khi mở phiên toà phúc thẩm hoặc tại phiên toà phúc thẩm nếu chị B rút kháng cáo, thì Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần của vụ án mà chị B đã rút kháng cáo vì trong vụ án không có kháng cáo của người khác, không có kháng nghị của Viện kiểm sát.

Trường hợp anh A cũng kháng cáo bản án sơ thẩm về quyết định chia tài sản chung của vợ chồng vì lý do Toà án cấp sơ thẩm quyết định buộc anh A phải thanh toán một số khoản nợ mà chị B vay không sử dụng cho mục đích chung của vợ chồng, mặc dù chị B rút kháng cáo, thì phần bản án sơ thẩm mà chị B rút kháng cáo vẫn có liên quan đến phần bản án sơ thẩm bị anh A kháng cáo. Do đó, trường hợp này Toà án cấp phúc thẩm không ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần của vụ án mà chị B đã rút kháng cáo.

b) Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo và Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà (trong vụ án không còn có kháng cáo, kháng nghị), thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Trước khi mở phiên toà việc ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm do Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên toà thực hiện, tại phiên toà do Hội đồng xét xử thực hiện. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

3. Về hình thức thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị.

a) Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên toà phải được làm thành văn bản và gửi cho Toà án cấp phúc thẩm.

Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị đó cho các đương sự biết theo quy định tại khoản 3 Điều 256 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 8 của Nghị quyết này, đồng thời tiến hành các công việc theo quy định của BLTTDS để mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án đối với kháng cáo, kháng nghị, phần kháng cáo, kháng nghị còn lại theo thủ tục chung.

b) Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà phải được ghi vào biên bản phiên toà. Toà án cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với kháng cáo, kháng nghị đã được thay đổi, bổ sung và phần kháng cáo, kháng nghị còn lại.

Điều 12. Về thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm quy định tại khoản 2 Điều 257 của BLTTDS

1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự kháng cáo và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Toà án đã thụ lý vụ án theo Mẫu số 12 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

2. Việc phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được thực hiện như sau:

a) Đối với Toà án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Toà án có thể uỷ nhiệm cho một Phó Chánh án hoặc uỷ quyền cho Chánh toà hoặc Phó Chánh toà thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên toà.

b) Đối với Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao, Chánh toà có thể uỷ nhiệm cho một Phó Chánh toà thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên toà.

c) Khi phân công Thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử phúc thẩm, thì cần tiếp tục phân công các Thẩm phán đã tham gia Hội đồng xét kháng cáo quá hạn. Việc phân công này không phải ra quyết định.

Điều 13. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 258 của BLTTDS

Điều 258 của BLTTDS quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm; do đó, các thời hạn quy định trong Điều này đều được tính trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Tuỳ từng trường hợp cụ thể thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính như sau:

1. Trường hợp có quyết định đưa vụ án ra xét xử

a) Nếu không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là hai tháng, kể từ ngày Toà án thụ lý vụ án.

b) Nếu phải kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan, thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm tối đa là ba tháng, kể từ ngày Toà án thụ lý vụ án.

c) Trong các trường hợp được hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này mà phiên toà không được mở trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng, thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với từng trường hợp được cộng thêm tối đa là một tháng nữa.

2. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định tạm đình chỉ. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm bắt đầu tính lại, kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn nữa.

3. Về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm.

Đối với những vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan quy định tại khoản 1 Điều 258 của BLTTDS mà thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm gần hết (thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm còn lại không quá năm ngày) và Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà thấy rằng vụ án phức tạp nên chưa thể ra được một trong những quyết định quy định tại khoản 1 Điều 258 của BLTTDS, thì cần phải báo ngay với Chánh án Toà án cấp phúc thẩm để ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm không được quá thời hạn quy định tại đoạn cuối khoản 1 Điều 258 của BLTTDS và hướng dẫn tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này. Hết thời hạn được gia hạn, Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà phải ra một trong những quyết định quy định tại khoản 1 Điều 258 của BLTTDS.

Việc xác định những vụ án có tính chất phức tạp, trở ngại khách quan, lý do chính đáng được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 14 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

4. Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Quyết định này phải theo Mẫu số 13 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị sau khi Toà án ra quyết định, không phân biệt trong vụ án đó Viện kiểm sát cùng cấp có tham gia phiên toà phúc thẩm hay không.

Điều 14. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu quy định tại Điều 262 của BLTTDS

Trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên toà phúc thẩm, thì Toà án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cho Viện kiểm sát theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01-8-2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.

Điều 15. Phạm vi xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 263 của BLTTDS

“Có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị” là trường hợp việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với phần này của bản án, quyết định sơ thẩm đòi hỏi phải xem xét, giải quyết đồng thời phần khác của bản án, quyết định sơ thẩm đó mặc dù phần này không bị kháng cáo, kháng nghị.

Ví dụ: Tại bản án số 45/2013/DS-ST ngày 17-3-2013, Toà án nhân dân huyện K, tỉnh TN đã quyết định xử chia di sản thừa kế của ông N cho năm thừa kế theo pháp luật của ông N. Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định các thừa kế của ông N phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do ông N để lại đối với ông B. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông B kháng cáo phần bản án sơ thẩm về thanh toán nghĩa vụ tài sản mà các thừa kế của ông N phải thực hiện đối với ông B trong khối di sản do ông N để lại.

Trường hợp này việc giải quyết kháng cáo của ông B đòi hỏi phải xem xét đồng thời phần bản án về chia di sản thừa kế của ông N cho các thừa kế theo đúng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 là người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Điều 16. Về hoãn phiên toà phúc thẩm quy định tại Điều 266 của BLTTDS

Việc hoãn phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 266 của BLTTDS.

1. Trong mọi trường hợp, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt lần thứ nhất, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hoãn phiên toà mà không phân biệt họ vắng mặt có lý do chính đáng hay không có lý do chính đáng, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

2. Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt (nếu trong vụ án không có người kháng cáo khác).

Trường hợp có nhiều người kháng cáo mà có người kháng cáo thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 266 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với kháng cáo của những người kháng cáo có mặt tại phiên toà.

Trường hợp có nhiều người kháng cáo mà có người kháng cáo vắng mặt thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 266 của BLTTDS và phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó độc lập và không liên quan đến phần khác của bản án bị kháng cáo, kháng nghị, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt mà không phải ra quyết định riêng bằng văn bản, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Toà án cấp phúc thẩm cũng phải hoãn phiên toà đối với người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm nếu thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều 28 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

Trong quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm phải ghi rõ bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

3. Đối với người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà, thì việc hoãn phiên toà hay vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều 199, 202, 204, 205 và Điều 206 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 27 và Điều 28 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng khác phải là người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 263 của BLTTDS, thì Toà án cấp phúc thẩm mới xem xét việc hoãn phiên toà. Nếu họ không có liên quan đến việc xét xử phúc thẩm (quyền lợi, nghĩa vụ của họ độc lập với việc xem xét kháng cáo, kháng nghị) thì Toà án cấp phúc thẩm không phải xem xét việc hoãn phiên toà.

4. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm hoãn phiên toà phúc thẩm, thì thời hạn hoãn phiên toà và quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 208 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 29 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 17. Chuẩn bị khai mạc phiên toà phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên toà phúc thẩm quy định tại Điều 267 của BLTTDS

Việc chuẩn bị khai mạc phiên toà phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên toà phúc thẩm cũng được thực hiện theo quy định tại các điều 212, 213, 214, 215 và Điều 216 của BLTTDS. Do đó, khi chuẩn bị khai mạc phiên toà phúc thẩm và tiến hành thủ tục bắt đầu phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải thi hành đúng các quy định tại các điều luật nêu trên của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 31 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 18. Nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm quy định tại Điều 269 của BLTTDS

1. Việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trước khi mở phiên toà phải được làm thành văn bản. Việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn tại phiên toà không phải làm thành văn bản, nhưng phải ghi vào biên bản phiên toà.

2. Trong thời hạn nguyên đơn có quyền kháng cáo, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện, thì Toà án cấp sơ thẩm cần phải giải thích cho họ biết hậu quả của việc bị đơn không đồng ý để họ quyết định việc kháng cáo hoặc rút đơn khởi kiện.

Trường hợp nguyên đơn vẫn quyết định rút đơn khởi kiện thì Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn biết và yêu cầu bị đơn phải trả lời bằng văn bản cho Toà án cấp sơ thẩm về việc họ có đồng ý hay không đồng ý trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án. Tuỳ thuộc vào kết quả trả lời của bị đơn mà giải quyết như sau:

a) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm nhận được văn bản trả lời của bị đơn không đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị không có đương sự nào kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, thì việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn đương nhiên không được chấp nhận. Trong trường hợp này bản án sơ thẩm được coi là không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

b) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm nhận được văn bản trả lời của bị đơn đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, thì không phân biệt trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị có đương sự nào kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị hay không, Toà án cấp sơ thẩm đều phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị, văn bản rút đơn khởi kiện cho Toà án cấp phúc thẩm để Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 269 của BLTTDS mở phiên toà giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

3. Trường hợp đương sự có kháng cáo (bao gồm cả nguyên đơn) hoặc Viện kiểm sát có kháng nghị, nhưng trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện, thì Toà án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 269 của BLTTDS.

4. Khi Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 269 của BLTTDS, thì căn cứ vào quyết định của Toà án cấp sơ thẩm về án phí trong bản án sơ thẩm bị huỷ, Toà án cấp phúc thẩm quyết định đương sự nào phải chịu án phí và mức án phí sơ thẩm. Đối với trường hợp này các đương sự còn phải chịu một nửa án phí phúc thẩm.

Điều 19. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm quy định tại Điều 270 của BLTTDS

1. Trường hợp trước khi mở phiên toà phúc thẩm, các đương sự đã tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và các đương sự yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm công nhận sự thỏa thuận của họ, thì Tòa án yêu cầu các đương sự làm văn bản ghi rõ nội dung thỏa thuận và nộp cho Tòa án cấp phúc thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Văn bản này được coi như chứng cứ mới bổ sung. Tại phiên toà phúc thẩm Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi lại các đương sự về thỏa thuận của họ là có tự nguyện hay không và xem xét thoả thuận đó có trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội hay không; nếu thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì Hội đồng xét xử vào phòng nghị án thảo luận và ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

2. Tại phiên toà phúc thẩm nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thoả thuận này phải được ghi vào biên bản phiên toà. Nếu xét thấy thoả thuận của các đương sự là tự nguyện không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội, thì Hội đồng xét xử vào phòng nghị án thảo luận và ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thoả thuận của các đương sự.

3. Trong các trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Hội đồng xét xử cần hướng dẫn cho các đương sự thoả thuận về trách nhiệm chịu án phí sơ thẩm; nếu họ không thoả thuận được, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định theo quy định của pháp luật về án phí.

Điều 20. Gửi bản án, quyết định phúc thẩm quy định tại Điều 281 của BLTTDS

1. Toà án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho người đã kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ và các chủ thể khác theo đúng quy định tại Điều 281 của BLTTDS.

2. Trường hợp phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho một trong những người được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này mà họ là người nước ngoài thì Toà án phải dịch bản án, quyết định đó sang tiếng nước ngoài, nếu điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định.

Trường hợp đương sự là người nước ngoài là công dân của nước chưa ký kết điều ước quốc tế với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã áp dụng nguyên tắc có đi, có lại thì áp dụng nguyên tắc có đi, có lại.

Điều 21. Các mẫu văn bản tố tụng

1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này các mẫu văn bản tố tụng sau đây:

1.1. Đơn kháng cáo (Mẫu số 01)

1.2. Giấy báo nhận đơn kháng cáo (Mẫu số 02)

1.3. Thông báo về yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo (Mẫu số 03)

1.4. Thông báo về yêu cầu trình bày lý do kháng cáo quá hạn (Mẫu số 04)

1.5. Thông báo trả lại đơn kháng cáo (Mẫu số 05)

1.6. Quyết định chấp nhận việc kháng cáo quá hạn (Mẫu số 06)

1.7. Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn (Mẫu số 07)

1.8. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (Mẫu số 08)

1.9. Thông báo về việc kháng cáo (Mẫu số 09)

1.10. Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung kháng cáo (kháng nghị) (Mẫu số 10)

1.11. Thông báo về việc rút kháng cáo (kháng nghị) (Mẫu số 11)

1.12. Thông báo về việc thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm (Mẫu số 12)

1.13. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (Mẫu số 13)

1.14. Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Mẫu số 14)

1.15. Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Mẫu số 15)

1.16. Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Mẫu số 16)

1.17. Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Mẫu số 17)

1.18. Quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Mẫu số 18)

1.19. Quyết định giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) giải quyết vụ án (Mẫu số 19)

1.20. Biên bản phiên toà phúc thẩm (Mẫu số 20)

1.21. Quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm (Mẫu số 21)

1.22. Bản án phúc thẩm (Mẫu số 22)

1.23. Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm (Mẫu số 23)

2. Mẫu văn bản tố tụng ban hành kèm theo Nghị quyết này chỉ hướng dẫn về nội dung để Toà án ban hành văn bản tố tụng tương ứng trong quá trình giải quyết vụ án. Khi ban hành các văn bản tố tụng cụ thể, Toà án phải thực hiện đúng nội dung và hướng dẫn sử dụng ban hành kèm theo Nghị quyết, thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06-5-2005 của Bộ Nội vụ - Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản và Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19-01-2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.

3. Trong quá trình sử dụng mẫu văn bản tố tụng, nếu cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mẫu văn bản tố tụng mới thì báo cáo cho Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giao cho Viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao nghiên cứu, soạn thảo mẫu văn bản tố tụng sửa đổi, bổ sung hoặc mẫu văn bản tố tụng mới trình Chánh án Toà án nhân dân tối cao ký ban hành.

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 03-12-2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2013.

Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04-8-2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn về các vấn đề đã được hướng dẫn tại Nghị quyết này của Tòa án nhân dân tối cao ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2013.

2. Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động mà Toà án đã thụ lý nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để giải quyết.

Đối với bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp có căn cứ kháng nghị khác./.​​

Chánh án

(Đã ký)

 

Trương Hòa Bình

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.