• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 28/12/2000
UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 30/2000/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 28 tháng 12 năm 2000

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc triển khai chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000

của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận

 

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã xác định "Nhà nước Cộng hoà XHCNVN là Nhà nước của dân, do dân và vì dân". Như vậy, đối với Nhà nước, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Trong bài báo "Dân vận"ngày 15 tháng 10 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận". Những năm vừa qua, trong chỉ đạo điều hành và hoạt động của UBND các cấp, các ngành chức năng đã quán triệt quan điểm quần chúng của Đảng và làm theo lời dạy của Bác Hồ, có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các chính sách có liên quan đến lợi ích chính đáng của nhân dân; triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc và kinh tế mới, xóa đói giảm nghèo, định canh định cư, trợ giúp pháp lý cho người nghèo... Đi đôi với việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo xây dựng các quy ước trong cộng đồng dân cư ở các thôn, buôn, khu phố, tổ chức bầu trưởng, phó thôn, buôn, khu phố, gắn việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở". Tất cả các công việc mà theo quy định nhân dân phải được bàn bạc trực tiếp đã được chính quyền địa phương họp phổ biến và lấy ý kiến của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại như: do nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận, nên không ít cán bộ, công chức còn chưa đi sát và chú y lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân; tác phong làm việc còn nặng về biện pháp hành chính, coi nhẹ việc vận động thuyết phục và giải thích, đối thoại cho dân rõ, chưa thực sự phát huy một cách mạnh mẽ nguồn lực trong dân, việc phát huy dân chủ ở một số nơi vẫn còn hình thức, việc giải quyết khiếu nại tố cáo còn chậm, các thủ tục hành chính có liên quan đến dân vẫn chưa được cải tiến nhiều, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn với Mặt trận và đoàn thể trong một số trường hợp vẫn chưa chặt chẽ.

Thực hiện chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện những công việc sau:

1. Quán triệt quan điểm quần chúng của Đảng và trong các nội dung công tác và nhiệm vụ của các cấp, các ngành phải thường xuyên, làm theo lời dạy của Bác Hồ. Làm sao công tác dân vận của chính quyền các cấp phải huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-XH, đảm bảo an ninh Quốc phòng địa phương...

2. Tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân đặc biệt là cán bộ công chức nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận trong thời kỳ mới để từ đó đổi mới công tác dân vận, làm thức dậy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân, dấy lên phong trào thi đua của quần chúng. Tuyên dương người tốt việc tốt. Trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể trong việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, rõ ràng, giành thuận lợi cho dân, nhận khó khăn về phía cơ quan Nhà nước; rà soát bãi bỏ các văn bản không phù hợp với pháp luật hiện hành hoặc không đúng thẩm quyền. Đồng thời tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, hoạt động có hiệu quả, đội ngũ cán bộ công chức có đủ năng lực, phẩm chất, có trách nhiệm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Xử lý nghiêm những cán bộ tha hóa về đạo đức, cửa quyền, ức hiếp nhân dân, góp phần phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh.

Hướng dẫn động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền Nhà nước về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Trước mắt, cần động viên nhân dân tham gia xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia vào cuộc vận động thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Phổ biến rộng rãi chỉ thị 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận.

3. Thường xuyên thông báo tình hình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương cho mọi người biết và nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác dân vận. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác dân vận trong các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn có kế hoạch cụ thể để đôn đốc thực hiện tốt các nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành mình, cấp mình. Đặc biệt là các chương trình ở vùng đồng bào dân tộc, nông thôn, tạo cho mọi người dân đều được hưởng thụ những thành quả của Chủ nghĩa Xã hội và có điều kiện phát triển bình đẳng.

Cán bộ công chức của các cấp, các ngành có chương trình đi xuống cơ sở, bám sát thực tế đời sống của nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về các chủ trương chính sách mới; các chương trình, dự án phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

4. Tiếp tục triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phương, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra gắn với việc thực hiện quy ước trong cộng đồng dân cư. Triển khai cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

5. Chỉ đạo giải quyết các tồn đọng về đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của dân. Đồng thời thực hiện đúng đắn chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

6. Tăng cường phối hợp các hoạt động của cơ quan, chính quyền với Mặt trận và các Đoàn thể. Trường Chính trị tỉnh phối hợp Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh nội dung công tác dân vận để đưa vào giảng dạy tại các lớp đào tạo .

7. Các phương tiện thông đại chúng như Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng cần có các chuyên trang, chuyên đề về công tác dân vận và chính quyền làm công tác dân vận; thông tin kịp thời và mở chuyên trang chuyên mục để giới thiệu, tuyên truyền về công tác dân vận; kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể làm tốt công tác dân vận.

Giao Ban tổ chức Chính quyền tỉnh chủ trì phối hợp Ban Dân vận Tỉnh uỷ theo dõi, đôn đốc thực hiện chỉ thị này và định kỳ báo cáo UBND tỉnh./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phan Thiên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.