• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 28/09/1996
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 656-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 13 tháng 9 năm 1996

QUYẾT ĐỊNH

Về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên thời kỳ 1996-2000 và 2010

 _______________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

A. Vị trí, tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên

Tây Nguyên có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng đối với cả nước. Việc bảo vệ, phát huy những lợi thế của Tây Nguyên về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, bao gồm cả khí hậu, rừng, đất đỏ Bazan, nguồn nước, những điều kiện thuận lợi khác cho phát triển nông lâm nghiệp - đặc biệt là các cây công nghiệp quan trọng..., sẽ tạo ra được sự phát triển năng động của Tây Nguyên trong môi trường sinh thái bền vững, trực tiếp nâng cao đời sống của nhân dân Tây Nguyên, trước hết là đồng bào dân tộc, đồng thời tạo được nhân tố gắn kết sự phát triển kinh tế Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ và của cả nước.

Hiện nay việc bảo vệ, khai thác các thế mạnh, tiềm năng to lớn của Tây Nguyên còn bị hạn chế, rừng là tài nguyên quý giá và lớn nhất của cả nước còn lại ở Tây Nguyên vẫn đang tiếp tục bị chặt phá và suy giảm; diện tích đất đỏ Bazan rất quý nhưng chưa được khai thác hợp lý, nguồn nước đang có xu hướng bị cạn kiệt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn rất yếu kém, một bộ phận đồng bào các dân tộc trong vùng vẫn tiếp tục du canh, du cư, tỷ lệ hộ đói nghèo còn lớn, đời sống văn hoá còn thấp. Nhằm khắc phục tình hình trên và phát huy những lợi thế của Tây Nguyên, Nhà nước chủ trương thực hiện nhất quán, lâu dài về chính sách và cơ chế khuyến khích, huy động mọi nguồn lực tại chỗ và của cả nước để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

B. Mục tiêu chủ yếu phát triển, kinh tế - xã hội Tây Nguyên thời kỳ 1996 - 2000 và 2010 là:

1. Về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.

a) Lâm nghiệp:

Cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ và phát triển vốn rừng là vấn đề sống còn lâu dài của Tây Nguyên và của cả nước. Rừng phải được coi là một thế mạnh, mũi nhọn về kinh tế, nhân tố quan trọng hàng đầu cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

Việc bảo vệ, phát triển rừng ở Tây Nguyên phải đạt được mục tiêu sau đây:

- Phát triển kinh tế rừng ở Tây Nguyên phải nhằm làm phong phú thêm vốn rừng, khai thác và sử dụng có hiệu quả các ưu thế của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ nguồn nước, điều tiết dòng chảy, hạn chế thiên tại, chống xói mòn và tăng sản phẩm xã hội.

- Chấm dứt nạn đốt phá rừng, tăng cường quản lý, bảo vệ, nâng cao chất lượng 3 triệu ha rừng hiện có, đồng thời trồng mới 300.000 ha rừng và 400.000 ha cây công nghiệp lâu năm, nâng độ che phủ lên trên 70%. Coi nhiệm vụ tăng cường xây dựng các khu rừng phòng hộ đầu nguồn của các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, các vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên là yêu cầu sống còn bảo vệ môi trường, nguồn nước cho Tây Nguyên và cho nhiều vùng rộng lớn khác của cả nước.

- Đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu công nghiệp và rừng đặc sản, chủ yếu phải áp dụng các biện pháp thâm canh và tuyển chọn trồng các loài cây rừng tăng trưởng nhanh, sớm cho sản phẩm, đạt năng suất và hiệu quả cao gắn với quy hoạch phát triển các cơ sở công nghiệp giấy, chế biến gỗ và lâm sản khác.

- Khuyến khích nhân dân tận dụng những diện tích đất đai ngoài vùng quy hoạch để trồng cây lấy củi, có biện pháp từng bước thay củi bằng các nguồn chất đốt khác, trước hết ở các đô thị và vùng dân cư tập trung; nghiêm cấm việc dùng củi làm chất đốt ở các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và đốt lấy than hàng hoá.

- Phải chuyển phần lớn diện tích rừng tự nhiên hiện có sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện chế độ quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Từng buôn làng, từng xã, từng đơn vị phải xây dựng quy ước quản lý bảo vệ rừng để mọi người thực hiện.

- Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kể cả công nghiệp sinh học, cấy mô, lai tạo, chọn giống để sớm có tập đoàn cây thích hợp, có giá trị (cây lấy gỗ, cây lấy nhựa, cây lấy quả, cây làm vật liệu xây dựng, cây làm nguyên liệu công nghiệp, cây làm dược liệu v.v...) phục vụ cho mục tiêu trồng rừng.

- Huy động mọi nguồn vốn thuộc các thành phần kinh tế trong nước kể cả hình thức liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển rừng, (ở những nơi điều kiện an ninh, quốc phòng cho phép, có thể huy động cả vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài).

b) Về sản xuất cây công nghiệp:

Tập trung phát triển các cây công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên, trước hết là cao su, cà phê, đồng thời trên cơ sở điều tra quy hoạch để có thể mở rộng diện tích những cây công nghiệp khác như bông, dâu tằm, mía v.v...

- Cao su: Là cây trồng có tiềm năng to lớn ở Tây Nguyên. Để đạt được mục tiêu 350.000 ha vào năm 2010, tận dụng khai thác đất trống, đồi trọc thích hợp để phát triển cao su nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp cao su, che phủ đất và cải thiện môi trường sinh thái. Phấn đấu mỗi năm trồng mới khoảng 20.000-30.000 ha theo hướng đa dạng các thành phần kinh tế trồng cao su (quốc doanh, cao su nhân dân, cao su tiểu điền), huy động mọi nguồn vốn trong dân, các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế và tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng Thế giới cho vay trồng cao su.

Tổng công ty cao su Việt nam cùng với các tỉnh Tây Nguyên phải có kế hoạch đầu tư phát triển công nghiệp sơ chế và chế biến sâu, đưa công nghiệp chế biến các sản phẩm cao su trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong cơ cấu kinh tế toàn vùng Tây Nguyên.

- Cà phê: Đây là cây trồng có sản phẩm hàng hoá chủ lực không chỉ của Tây Nguyên mà của cả nước, tạo nên những vùng dân cư trù phú, những đô thị mới, huyện, xã mới, nhiều buôn, làng đã thoát khỏi nghèo đói và một tỷ lệ không nhỏ trở nên giầu có. Song cần chấm dứt ngay nạn phá rừng phát triển ồ ạt cà phê không theo quy hoạch, gây sự mất cân bằng nguồn nước và xâm phạm nghiêm trọng vốn rừng. Nghiêm cấm việc chuyển nhượng đất đai trái phép và gây tranh chấp đất đai trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.

Mục tiêu phát triển cây cà phê là duy trì và đẩy mạnh thâm canh nhằm nâng cao chất lượng vườn cà phê hiện có, mở thêm diện tích cà phê chè ở nơi có điều kiện theo đúng quy hoạch, cân đối với khả năng cung cấp nguồn nước, bảo vệ vốn rừng. Phấn đấu đạt năng suất bình quân 2 tấn cà phê nhân/ha trở lên, để mỗi năm có sản lượng khoảng 300.000 tấn cà phê nhân.

Tổng công ty cà phê Việt nam cùng với các tỉnh Tây Nguyên sớm có quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm cà phê, đa dạng sản phẩm như: cà phê rang, cà phê bột với chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đủ điều kiện xuất khẩu phù hợp với thị hiếu của khách hàng, làm cho sản phẩm cà phê Việt nam có sức cạnh tranh lâu dài trên thị trường thế giới.

- Bông: Là cây trồng đã gắn bó với tập quán truyền thống trồng bông dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc, nhiều vùng đất ở Tây Nguyên phù hợp với cây trồng (trồng xen với cây trồng khác, trồng có tưới và không tưới). Cần phải phát huy những kết quả bước đầu về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, lai tạo và phát triển giống bông lai, mạnh dạn đầu tư và thực hiện những chính sách và biện pháp ưu đãi về giống, khuyến nông, vay vốn, trợ giá để mở rộng diện tích trồng bông, sớm đưa cây bông trở thành một cây công nghiệp chủ lực mới có hiệu quả kinh tế ở Tây Nguyên, nhằm đáp ứng được nhu cầu rất lớn về sợi và bông của thị trường trong nước.

- Dâu tằm: áp dụng các biện pháp và thâm canh diện tích dâu hiện có ở Tây Nguyên, trên cơ sở kinh nghiệm đã tích luỹ được về trồng dâu nuôi tằm, sử dụng giống dâu có năng suất cao, giống tằm tốt cùng với công nghệ ươm tơ hiện đại để nâng cao sản lượng và chất lượng tơ; từng bước phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ tơ, lụa. Sản lượng tơ đạt khoảng 3.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng phải tổng kết đánh giá vùng dâu tằm tơ Bảo Lộc để có kết luận về hướng phát triển dâu tằm tơ ở đây. Trước mắt và cấp bách là bằng mọi biện pháp liên doanh, liên kết, thu hút được mọi nguồn vốn nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả hết công suất các cơ sở công nghiệp chế biến hiện có của Tổng công ty dâu tằm tơ Việt nam ở Bảo Lộc.

- Cây mía: Việc phát triển cây mía phải phù hợp với sự phát triển cơ sở hạ tầng, khả năng chế biến và trên cơ sở so sánh lợi thế khí hậu, đất đai ở Tây Nguyên với những cây trồng khác để lựa chọn mức độ phát triển cho thích hợp, có hiệu quả vững chắc.

c) Về sản xuất lương thực.

Sản xuất lương thực ở Tây Nguyên có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, góp phần trực tiếp ổn định đời sống đồng bào các dân tộc, hạn chế nạn phá rừng, đốt nương làm rẫy, du canh du cư. Cần phải tăng nhanh diện tích lúa đông xuân có năng suất cao ở nơi có điều kiện, giảm dần, tiến tới xoá bỏ lúa nương rẫy có năng suất thấp không ổn định, phát triển mạnh ngô cao sản, sắn cao sản để tăng sản lượng màu quy thóc. Phấn đấu đưa sản lượng lương thực Tây Nguyên đạt trên 1,5 triệu tấn/năm.

- Cây lúa: Phấn đấu đạt diện tích 200.000 ha vào năm 2000 và 240.000 ha vào năm 2010, chủ yếu dựa vào phát triển thuỷ lợi để tăng diện tích lúa có tưới và mở thêm diện tích lúa nước ở những nơi có điều kiện, áp dụng hệ thống biện pháp thâm canh, tăng năng suất lúa.

- Cây màu: Phát huy tiềm năng của Tây Nguyên để phát triển sản xuất ngô, sắn và khoai tây. Xây dựng vùng ngô cao sản, sắn cao sản tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, sử dụng các giống có ưu thế lai để đạt 600.000 - 700.000 tấn màu quy thóc, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và cung cấp cho các vùng khác trong cả nước, giải quyết nguyên liệu cho công nghiệp, thức ăn chăn nuôi.

d) Rau, quả và hoa.

Phát huy lợi thế về khí hậu trên cao nguyên để phát triển sản xuất các loại rau, quả các hoa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong những loại rau và hoa cao cấp xuất khẩu phải được sản xuất theo kiểu công nghiệp tiên tiến, từ sản xuất đến đóng gói, bảo quản, vận tải để vươn tới chiếm lĩnh được thị trường nhiều nước.

Về rau phấn đấu đưa diện tích và sản lượng toàn vùng đến năm 2000 đạt khoảng 20.000 ha, 400.000 tấn và đến năm 2010 đạt 30.000 ha, 750.000 tấn.

Về cây ăn quả cải tạo thêm 14.000 ha vườn tạp để đến năm 2000 có khoảng 40.000 ha và 2010 có khoảng 60.000 ha.

Riêng ở Lâm Đồng cần chọn lựa trồng các loại rau quả ôn đới có lợi thế hơn các vùng khác như cải thảo, cải bó xôi, khoai tây, súp lơ, hồng, dâu tây... để cung cấp cho thành phố Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố, khu công nghiệp khác; trồng các loại hoa quý như cúc, hồng, lay dơn, tuy líp... để xuất khẩu.

đ) Chăn nuôi.

Cùng với việc phát triển về rừng, cây công nghiệp, Tây Nguyên còn có thế mạnh, tiềm năng về chăn nuôi đại gia súc (bò) cần được phát triển.

Phấn đấu đến năm 2010 có đàn bò thịt đạt khoảng 1 triệu con với những giống bò tốt, trong đó khoảng 10% là bò thịt chất lượng cao và 10.000 con bò sữa, sản lượng sữa đạt trên 30 triệu lít/năm. Phát triển công nghiệp chế biến sữa, thịt và da tại chỗ, hình thành ngành công nghiệp quan trọng của Tây Nguyên.

Xây dựng các dự án phát triển vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa với công nghệ mới trên cơ sở đồng cỏ được thâm canh và có 1 phần diện tích đồng cỏ được tưới trong mùa khô.

Chương trình phát triển chăn nuôi bò (thịt và sữa), động vật bán hoang dã ở Tây Nguyên phải theo hướng tập trung, đa dạng hoá các hình thức chăn nuôi, lấy hộ gia đình là chính, các doanh nghiệp Nhà nước làm nòng cốt trong việc cung cấp giống tốt, khuyến nông, tổ chức tiêu thụ và chế biện các sản phẩm chăn nuôi.

2. Phát triển công nghiệp.

Mục tiêu phát triển công nghiệp ở Tây Nguyên chủ yếu là công nghiệp hoá nông lâm nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản.

- Công nghiệp hoá sản xuất nông lâm nghiệp: là áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp như lai tạo, chọn lọc các giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phương pháp cấy mô, chiết ghép, phương pháp canh tác mới, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp để hạn chế việc dùng hoá chất thuốc trừ sâu, dùng phân bón vi sinh, phân bón là kích thích sinh trưởng; cơ giới hoá từng bước khâu làm đất, tưới cây, thu hoạch, vận chuyển.

- Công nghiệp chế biến nông lâm sản: mở rộng quy mô, kết hợp với hiện đại hoá công nghiệp cho công nghiệp giấy, chế biến cao su, cà phê, bông, dâu tằm tơ, dầu thực vật, tinh bột sắn, mía đường, bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống, xay xát lúa, ngô, chế biến lương thực thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

- Công nghiệp cơ khí chủ yếu là sửa chữa, sản xuất các máy móc đơn giản, các loại nông cụ phục vụ cho sản xuất và phụ tùng thay thế và một số mặt hàng kim khí tiêu dùng cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng xa, vùng cao.

3. Về giáo dục - y tế văn hoá xã hội.

- Phấn đấu đến năm 2010 cơ bản phổ cấp giáo dục tiểu học, mọi trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường, mở rộng các trường nội trú và bán trú cho con em đồng bào dân tộc ít người. Mở rộng các hình thức dạy nghề để đào tạo công nhân kỹ thuật. Xây dựng hệ thống giáo trình giảng dạy trong các nhà trường phổ thông bằng cả tiếng kinh và tiếng dân tộc.

- Mục tiêu chung phát triển y tế ở Tây Nguyên là phòng và chữa bệnh theo nhiều hình thức: Nhà nước, dân lập, tư nhân, kết hợp y tế dân sự và y tế quốc phòng, y học hiện đại với y học dân tộc; phát triển hình thức y tế cố định và lưu động để phục vụ vùng cao, vùng xa. Phấn đầu đến năm 2000 đạt 100% số xã có trạm y tế để khám và chữa bệnh thông thường cho dân.

- Phát huy truyền thống văn hoá cổ truyền của các dân tộc trong cộng đồng dân cư, xây dựng xã, làng, buôn, bản, gia đình có nếp sống văn hoá mới. Xoá bỏ hủ tục mê tín dị đoan, phát triển các hình thức, văn hoá nghệ thuật quần chúng, văn hoá dân gian, bảo đảm cho mọi tầng lớp nhân dân được thưởng thức văn hoá nghệ thuật.

- Phấn đấu đến năm 2000 trên toàn vùng Tây Nguyên được phủ sóng phát thanh truyền hình, 100% số xã có trạm truyền thanh, khoảng 80% số hộ được nghe đài phát thanh, khoảng 60% số hộ được xem truyền hình. - Tập trung xây dựng 7 hạng mục công trình trọng điểm ở các xã nghèo: đường cho các phương tiện cơ giới đi lại thông suốt cả hai mùa khô và mưa, điện đến trung tâm xã, phòng học cho học sinh, trạm y tế, trạm điện thoại, có chợ cho xã và liên xã, có đủ nước sạch cho dân dùng.

4. Định canh, định cư, di dân, phát triển vùng kinh tế mới.

Trước hết, định canh, định cư và ổn định đời sống cho 1 triệu đồng bào dân tộc. Hoàn thành cơ bản công tác định canh định cư ở vùng xa, vùng cao, vùng căn cứ cách mạng cũ, vùng biên giới, thực hiện việc định canh định cư cho 60.000 hộ, sắp xếp cho 27.000 hộ di cư tự do đang gặp khó khăn, giải quyết ổn định đời sống đồng bào kinh tế mới (kể cả dân di cư tự do) đã đến từ những năm qua.

Việc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới phải theo quy hoạch và các dự án của Nhà nước để thu hút thêm lao động từ các tỉnh đông dân đến Tây Nguyên, chủ yếu là các tỉnh Bắc bộ và duyên hải miền Trung. Đến năm 2010 Tây Nguyên có dân số ổn định khoảng 5-6 triệu người.

5. Xoá đói giảm nghèo.

Xoá đói giảm nghèo là một chương trình hết sức quan trọng của Tây Nguyên. Các Bộ, ngành và nhất là Uỷ ban nhân dân các cấp trong vùng Tây Nguyên phải tập trung bằng mọi biện pháp chỉ đạo thực hiện để đến hết năm 1998 không còn hộ đói triền miên, đói đứt bữa, đói giáp hạt, giảm dần mức nghèo. Phần đấu đến năm 2000 phần lớn các hộ nghèo đói đều có điều kiện tự lực vươn lên đủ ăn và bớt nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc, các hộ gia đình chính sách để có mức sống bằng hoặc trên mức trung bình của cộng đồng.

Điều 2. Những giải pháp cơ bản:

Để đạt được những mục tiêu chủ yếu trên đây cần phải được giải quyết đồng bộ một số giải pháp cơ bản sâu đây:

1- Về giao thông:

Phải căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên để có quy hoạch tối ưu, có bước đi cụ thể và lựa chọn các công trình ưu tiên trong việc phát triển giao thông Tây Nguyên. Cần ưu tiên mở rộng mạng lưới giao thông và nâng cấp dần theo khả năng kinh tế cho phép. Phấn đấu thực hiện phương châm "Giao thông phải đi trước một bước" phục vụ và đáp ứng mọi yêu cầu cho các ngành kinh tế Tây Nguyên phát triển gắn liền và đáp ứng quy hoạch bố trí các khu dân cư, khu kinh tế tập trung cũng như phục vụ tốt an ninh quốc phòng. Giao thông ở Tây Nguyên phải được mở mang giao lưu với các vùng phát triển.

- Đối với đường quốc lộ và liên tỉnh lộ.

+ Nâng cấp, cải tạo tuyến đường trực dọc Tây Nguyên gồm quốc lộ 14 từ Kon Tum đi Đắk Lắk; và đoạn nối Buôn Ma Thuật - Chơn Thành đến thành phố Hồ Chí Minh, quốc lộ 14c chạy dọc Tây Nguyên.

+ Cải tạo nâng cấp các quốc lộ xương cá nối với trục quốc lộ 14 là: quốc lộ 24 nối Kon Tum đến Quảng Ngãi, quốc lộ 19 Quy Nhơn - Gia Lai gặp quốc lộ 14c, quốc lộ 27 Phan Rang - Lâm Đồng - Buôn Ma Thuật, quốc lộ 28 Phan Thiết - Gia Nghĩa, quốc lộ 20 Dầu Giây - Đà Lạt - Đơn Dương.

- Đối với đường giao thông nông thôn.

+ Quy hoạch, phát triển và nâng cấp các tuyến giao thông xuống huyện, xã từng bước có thể đi lại được 2 mùa.

+ Tập trung làm đường từ huyện đến các xã chưa có đường cho các phương tiện đi lại bằng xe cơ giới.

+ Duy tu nâng cấp đường khoảng 4.000 km cấp huyện, trên 8.000 km đường xã để đáp ứng sử dụng bền lâu, tăng năng lực vận tải, bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân.

+ Các xã cần phối hợp với các nông lâm trường nâng cấp chất lượng nặt đường các trục chính kết hợp kinh tế với dân sinh.

- Bộ Giao thông vận tải cùng các tỉnh Tây nguyên ngay từ bây giờ cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch làm mới, nâng cấp, duy tu sửa chữa hệ thống đường bộ vùng Tây Nguyên (bao gồm Quốc lộ, Liên tỉnh lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn); đồng thời sớm nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch để đến sau năm 2000 có thể đầu tư xây dựng tuyến đường sắt xuyên Tây Nguyên.

- Cần phát huy và giải quyết tốt các nguồn vốn có thể huy động được theo phương châm "cả nước, mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia làm giao thông", cụ thể là:

+ Đối với các công trình giao thông quốc lộ được đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn ODA, chọn một số quốc lộ ưu tiên làm trước thực hiện việc đầu tư bằng vốn ngân sách là 40%, vốn tín dụng vay của ngân hàng thương mại là 30%, bán trái phiếu và huy động các nguồn khác là 30%; khi đầu tư nâng cấp xong được thụ lệ phí giao thông để hoàn trả gốc và lãi, trước hết hoàn trả gốc và lãi vay tín dụng.

+ Đối với giao thông tỉnh lộ và đường liên huyện chủ yếu bằng vốn ngân sách địa phương, vốn ngân sách Trung ương cân đối hàng năm để hỗ trợ.

+ Đối với giao thông nông thôn dựa vào dân làm là chính, bao gồm dân tại chỗ ở các bản, buôn, làng, xã, huyện cần phải làm đường giao thông, và dân ở các thành phố, thị xã, thị trấn, Bản, Buôn, Làng, xã, khác của tỉnh đã có đường giao thông tốt cũng phải có đóng góp xây dựng.

+ Đối với đường nông thôn ở vùng xa, vùng cao, đời sống còn nghèo mà chưa có đường cho các phương tiện đi lại bằng cơ giới thông suốt cả 2 mùa khô và mưa thì dân địa phương đóng góp chủ yếu bằng công lao động, Trung ương và tỉnh sẽ hỗ trợ về kỹ thuật mở tuyến, mìn phá đá, nhựa đường và hỗ trợ thêm bằng lương thực để dân có điều kiện tham gia làm đường ngoài ngày công nghĩa vụ công ích.

2. Về bảo vệ, khai thác nguồn nước.

Phát triển thuỷ lợi là tiền đề có ý nghĩa quyết định cho việc sử dụng đất đai, bố trí lao động, dân cư, cải thiện môi trường sinh thái. Mỗi diễn biến của hệ thống rừng đầu nguồn, của sơ đồ khai thác các dòng chảy đều có tác động đến toàn cục và nguồn nước ngầm dự trữ có khả năng khai thác ở Tây Nguyên.

- Đối với nguồn nước phục vụ cho sản xuất:

Việc xây dựng và khai thác các công trình thuỷ lợi ở Tây Nguyên gắn liền với việc xây dựng các hồ chứa nước để tưới, cải tạo môi trường sinh thái cho vùng. Cần chú trọng tận dụng địa hình, đất đai cụ thể và yêu cầu phân bố hợp lý trong quy hoạch xây dựng các hồ chứa nước lớn, vừa và nhỏ gắn với việc bảo vệ rừng và trồng rừng mới, khai thác nước ngầm, kết hợp thuỷ lợi với thuỷ điện để tưới cho lúa, cà phê, rau quả, đồng cỏ tập trung, chăn nuôi.

+ Tiếp tục nâng cấp, củng cố các công trình thuỷ lợi hiện có, từng bước kiên cố hoá các công trình thuỷ lợi nhỏ, bảo đảm toàn bộ diện tích đất lúa ở Tây Nguyên có đủ nước cấy 2 vụ trong năm.

+ Tập trung nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện các công trình thuỷ lợi loại vừa nhưng phát huy hiệu quả còn thấp bằng cách đầu tư bổ sung, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống kênh mương đầu mối như các công trình Hoàng —n, Buôn Triết, Eakao, Biển Hồ, Krongbuk hạ... phấn đấu đưa công suất đạt 60%-70% năng lực thiết kế.

+ Khẩn trương hoàn thành và sớm triển khai xây dựng các công trình thuỷ lợi loại vừa và lớn kể cả công trình tạo nguồn nước như: Đắk Cấm (Kon Tum), LắK, Buôn Trấp (Đắk Lắk), Iamơ (Gia Lai), Cát Tiên (Lâm Đồng).

+ Sớn hoàn thành hồ đang thi công như hồ Easoup 1B (Đắk Lắk), hồ Ayunhạ (Gia Lai), hồ Đa Tẻh (Lâm Đồng), khởi công xây dựng mới hồ Ea soup 2 (Đắk Lắk), hồ Đắk ớt (Kon Tum), hồ Iamla (Gia Lai), hồ Krông Buk hạ, Krông Păk Thượng (Đắk Lắk).

+ Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các hồ chứa nước vừa và nhỏ, các công trình thuỷ lợi để tưới cho cây công nghiệp và rau quả, đồng cỏ và nước sinh hoạt phục vụ sản xuất và đời sống ở Tây Nguyên.

+ Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, quy hoạch, lập tổng quan sơ đồ khai thác sông SêRêpôk, Sesan, Sông Ba, Thượng Đồng Nai để chuẩn bị cho bước tiếp theo.

- Đối với nguồn nước cho sinh hoạt dân cư:

Trong những năm tới chương trình cấp nước sinh hoạt ở Tây Nguyên cần tập trung:

+ Giải quyết cơ bản nước ăn cho đồng bào vùng cao còn thiếu nước nghiêm trọng, trước hết là cho 30 vạn dân vùng cao, vùng kinh tế mới.

+ Phát triển các hình thức trữ nước trong mùa mưa, có kế hoạch nghiên cứu sử dụng nước ngầm phục vụ nhu cầu tưới và cấp nước sinh hoạt. Đến năm 2000 phải giải quyết cơ bản nguồn nước sạch dùng cho sinh hoạt của nhân dân (kể cả dân thuộc vùng kinh tế mới), và nhu cầu khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng dự án quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn nước (kể cả nước ngầm) nhằm đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

3- Về điện:

- Khai thác lợi thế đầu nguồn của các con sông để phát triển thuỷ điện ở Tây Nguyên. Đến năm 2000 đưa 100% công suất nhà máy thuỷ điện Yaly vào hoạt động (700 MW), giai đoạn 2000 đến 2010 sẽ hoàn thành xây dựng các nhà máy thuỷ điện SéanI, SéanII, và Sêrêpôc với tổng công suất lắp máy là 1.771 MW và tổng điện năng sản xuất đạt 8.400 triệu KWh (phát lên hệ thống điện quốc gia). Bên cạnh các công trình thuỷ điện lớn sẽ phát triển thuỷ điện vừa, nhỏ và cực nhỏ, máy phát diện dựa vào sức gió, điện mặt trời... nhằm cung cấp điện cho dân cư vùng cao, vùng xa.

- Phấn đấu đến năm 2000 có 65% số hộ gia đình được sử dụng điện từ nguồn điện lưới quốc gia, số hộ còn lại sẽ sử dụng các nguồn điện tại chỗ: thuỷ điện nhỏ, cực nhỏ, điện mặt trời, điện gió.

- Việc xây dựng, cải tạo nguồn điện, lưới điện (cao, trung, hạ thế), để đưa điện về các cụm dân cư thì thực hiện theo chế độ Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bộ Công nghiệp, Tổng công ty điện lực Việt Nam phải có kế hoạch và dự án cụ thể theo hướng:

+ Đối với nguồn điện và lưới điện cao thế: Nhà nước cân đối từ nguồn vốn Ngân sách, vốn OSA, vốn vay tín dụng của Nhà nước.

+ Đối với lưới điện trung thế: Do Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương đầu tư là 30% - 40%, vốn vay tín dụng với lãi suất ưu đãi là 30%, số còn lại phát hành trái phiếu công trình và các nguồn vốn khác.

+ Đối với lưới điện hạ thế: Khuyến khích, huy động mọi nguồn lực (vốn, công lao động) của dân ở địa phương để xây dựng, đa dạng hoá các loại hình tổ chức trong việc xây dựng và quản lý lưới điện như: Ban quản lý điện, hợp tác xã điện, Công ty tư nhân... để đưa điện đến hộ gia đình và cụm dân cư. Những công trình lưới điện hạ thế được xây dựng bằng vốn, công lao động của dân, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì Tổng Công ty điện lực Việt Nam phải phân bổ, trừ dần vào giá bán điện để hoàn trả vốn cho họ theo thoả thuận giữa người bỏ vốn với Tổng Công ty điện lực Việt Nam.

+ Gắn việc hình thành các cụm dân cư với việc xây dựng, cải tạo lưới điện đến cụm dân cư. Đối với các khu vực đồng bào dân tộc sống quá xa, thưa dân cần tìm nguồn tài trợ nhân đạo cho phát triển nguồn điện khác tại chỗ (thuỷ điện nhỏ, cực nhỏ, điện gió, điện mặt trời...).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Tổng Công ty điện lực Việt Nam sớm nghiên cứu xây dựng cụ thể cơ chế huy động nguồn lực để phát triển điện ở Tây Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Phát triển đô thị:

Đây là vấn đề có tính chiến lược lâu dài để đô thị hoá ở các tỉnh Tây Nguyên. Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm quy hoạch phát triển đô thị và các khu dân cư gắn với việc phát triển các đô thị hạt nhân như thành phố Đà Lạt, Buôn Ma Thuộc, thị xã Pleiku, Kon Tum và 65 thị trấn hiện có, với việc bố trí lại dân cư và việc xây dựng các tuyến trục đường quốc lộ, tỉnh lộ. Cần có quy hoạch, xác định cụ thể các thị trấn, thị tứ đã hình thành, từng bước hình thành các cụm dân cư tập trung, các trung tâm xã, liên xã (chợ) để tiến tới hình thành các thị trấn, thị tứ mới, tạo điều kiện chuyển dần cơ cấu kinh tế - xã hội và đô thị hoá nông thôn.

5. Về phát triển nguồn nhân lực:

Tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên.

- Trước hết là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài tại chỗ, đồng thời thu hút các nguồn nhân lực, các cán bộ khoa học - kỹ thuật, các chuyên gia giỏi từ ngoài vùng đến làm việc ở Tây Nguyên.

- Tăng cường hệ thống giáo dục nhất là đối với đồng bào dân tộc, đưa các nội dung hướng nghiệp nông lâm nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm vào các trường dân tộc nội trú và có chính sách khuyến khích các học sinh tốt nghiệp ở các trường này tham gia công tác khuyến nông, khuyến lâm, phát triển y tế cộng đồng, xoá mù chữ ở Tây Nguyên.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho con em các dân tộc Tây Nguyên vào học tại các trường đại học và trung học chuyên nghiệp ở Tây Nguyên thông qua các trường dự bị, trường nội trú.

- Đối với con em các dân tộc Tây Nguyên vào học ở các trường đại học và trung học dạy nghề ngoài vùng Tây Nguyên cũng cần phải có chính sách thu hút số học sinh này sau khi tốt nghiệp trở về xây dựng kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thu hút học sinh ở ngoài vùng vào học các trường học đại học và trung học dạy nghề ở Tây Nguyên và tự nguyện ở lại Tây Nguyên công tác.

- Xây dựng đủ phòng học cho cấp tiểu học, xây kiên cố các trường phổ thông trung học. Có chính sách ưu tiên đối với giáo viên đến công tác ở Tây Nguyên nhất là ở các khu vực đồng bào dân tộc ít người, vùng cao, vùng xa.

- Xây dựng các bệnh viện huyện, bệnh viên khu vực (liên xã), những bệnh viên này được tăng cường các đội vệ sinh phòng chống dịch, bệnh sốt rét, bệnh bướu cổ, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh, các bệnh chuyên khoa mãn tính và bệnh xã hội.

- Trên cơ sở điều tra phân loại các hộ nghèo, nguyên nhân nghèo đói cần có biện pháp khắc phục theo hướng tạo điều kiện để các hộ tự vươn lên khắc phục khó khăn, sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập.

+ Đối với những hộ đói nghèo vì thiếu đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải đi phá rừng làm rẫy trồng lương thực, Uỷ ban nhân dân các cấp cần có ngay biện pháp để giao đất, khoán rừng cho hộ để các hộ có đất sản xuất theo hướng nông, lâm kết hợp, đồng thời hỗ trợ lương thực trong thời gian 1-2 năm đầu để các hộ có điều kiện tự sản xuất và ổn định đời sống.

+ Đối với những hộ đói nghèo vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, Uỷ ban nhân dân các cấp cần tạo điều kiện giúp các hộ vay được vốn của Ngân hàng phục vụ người nghèo, các chương trình 327, chương trình 120... bằng các hình thức tổ vay vốn tự nguyện, tín chấp... gắn việc vay vốn với hướng dẫn các biện pháp khuyến nông, khuyến lâm có hiệu quả.

+ Đối với các hộ đói nghèo thuộc diện hộ chính sách do không có sức lao động, Uỷ ban nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã) cần có thống kê thật cụ thể đưa vào diện đối tượng trợ cấp xã hội hàng năm để có chính sách hỗ trợ lương thực cho các hộ này.

- Hình thành quỹ tài trợ lâu dài (từ Ngân sách Nhà nước và nguồn tài trợ khác) để huy động cán bộ am hiểu nông lâm nghiệp, nông thôn Tây Nguyên đi vào các buôn làng hướng dẫn nhân dân làm ăn tiến bộ, xây dựng cuộc sống văn minh, trước hết là đối với những vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.

- Huy động nguồn nhân lực từ nơi khác đến để phát triển Tây Nguyên phải theo quy hoạch và dự án cụ thể. Đây là biện pháp rất quan trọng để ngăn chặn việc chặt phá rừng và di dân tự do.

+ Trình duyệt sớm việc hình thành một số vùng dân cư mới tập trung theo dự án đã được quy hoạch.

+ Đầu tư đồng bộ theo dự án đã được duyệt, trong đó Nhà nước đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng then chốt như: đường giao thông, thuỷ lợi, trạm xá, trường học, công trình cấp nước sinh hoạt tạo điều kiện ban đầu cho dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Uỷ ban nhân dân các tỉnh có dân đi vào Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên nhận dân đến sớm họp bàn để thoả thuận những trách nhiệm và nghĩa vụ mỗi bên, những chính sách, cơ chế thực hiện cụ thể, tỉnh có dân đi phải có kế hoạch đăng ký theo đúng tiêu chuẩn, tỉnh nhận dân đến phải có quy hoạch đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu để cùng thực hiện việc điều động và tiếp nhận dân đến phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Khuyến khích điều động đồng bộ mọi lực lượng lao động có kỹ thuật về sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, phục vụ cho yêu cầu phát triển Tây Nguyện.

6. Về phát triển khoa học và công nghệ.

- Đầu tư củng cố các cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên để đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, trước hết phải huy động tốt khả năng của các cơ sở nghiên cứu khoa học tại chỗ, khuyến khích các cơ quan khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, nông thôn Tây Nguyên.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án chuyển Viện Nghiên cứu cà phê (Eakmat) thành Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên trình Thủ tướng quyết định.

- Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường quan tâm bố trí thích đáng nguồn kinh phí trong kế hoạch nghiên cứu hàng năm cho các chương trình và dự án nghiên cứu nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn Tây Nguyên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch đầu tư nâng cấp Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt, nghiên cứu có thể đổi mới nội dung và phương thức đào tạo cho phù hợp định hướng và nội dung phát triển Tây Nguyên, có chương trình và nội dung phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống đồng bào Tây Nguyên.

7. Về đất đai và bảo vệ tài nguyên rừng.

- Đối với đất nông nghiệp cần hoàn thành việc giao đất nông nghiệp ổn định, lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 64/CP ngày 27 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ. Đối với đất lâm nghiệp cần thực hiện ngay việc giao đất lâm nghiệp ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 02/CP ngày 5/1/1994 của Chính phủ. Đối với đất nông, lâm nghiệp của các doanh nghiệp Nhà nước thì thực hiện theo Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ.

- Đối với những hộ hiện nay không có đất để sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ thì Uỷ ban nhân dân các cấp phải có ngay biện pháp giải quyết để các hộ này có đất sản xuất theo quy hoạch và ổn định đời sống.

- Trong phần đất lâm nghiệp giao cho từng hộ, nhất thiết phải có đất nông nghiệp để hộ đó thực hiện sản xuất nông lâm kết hợp như trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực, chăn nuôi, làm kinh tế vườn và đất ở, đây là điều kiện quyết định để đồng bào yên tâm làm nghề rừng và bảo vệ rừng.

- Đối với phần đất lâm nghiệp được giao sử dụng lâu dài mà trong đó có phần diện tích rừng kinh tế, bao gồm: rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng đang khoanh nuôi bảo vệ tái sinh thì cần được bảo vệ phát triển là chính, kết hợp với khai thác theo quy hoạch, kế hoạch và đúng quy trình kỹ thuật. Nhà nước chỉ thu thuế tài nguyên và một phần giá trị sản phẩm được phép khai thác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện.

- Thực hiện chính sách giao đất, cho thuê đất đồi núi trọc cho các thành phần kinh tế trong và ngoài vùng có vốn đầu tư phát triển rừng.

- Đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ kể cả đất đã quy hoạch để phát triển các loại rừng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành cơ chế, chính sách thật cụ thể để các địa phương thực hiện giao khoán chăm sóc bảo vệ nhằm giữ cho được các loại rừng này, kết hợp bảo vệ với khai thác lợi thế của rừng trong việc gìn giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường, bào tồn quỹ gen, phát triển du lịch sinh thái.

- Cần khẩn trương tiến hành điều tra rừng, để làm cơ sở cho việc quy hoạch phát triển rừng, xác định diện tích của từng loại rừng, phân thành các loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng kinh tế, những khu rừng cần cải tạo, trồng mới, xác định những loại cây tối ưu cho từng loại rừng, từng bước nâng cao chất lượng rừng còn giữ được và cải tiến công tác quản lý rừng, tiến tới thực hiện định kỳ kiểm tra và kiểm kê rừng. Đối với rừng kinh tế cần xây dựng kế hoạch trồng tỉa và khai thác bảo đảm yêu cầu tốc độ tăng trưởng và phủ kín rừng nhanh hơn tốc độ khai thác, khôi phục dần diện tích rừng bị phá.

Xác định lại phạm vị lâm phần của từng tỉnh, từng huyện, từng xã và cho đến từng buôn làng, chỗ nào còn rừng phải có biện pháp quản lý bảo vệ cho bằng được, chỗ nào phải trồng rừng mới thì có chính sách khuyến khích huy động mọi nguồn vốn, mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển vốn rừng, nhanh chóng đạt độ che phủ như mục tiêu đề ra.

Từ năm 1997 trở đi Nhà nước để lại toàn bộ thuế tài nguyên rừng, tiền bán cây đứng, các khoản tiền phạt, tiền thu từ lâm sản cho tỉnh đầu tư bảo vệ rừng và trồng rừng. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra lệnh đóng cửa rừng ở những khu vực cấm khai thác, huy động mọi lực lượng kể cả công an, quân đội, cơ quan, trường học tham gia phòng chống, chữa cháy rừng, ngăn chặn tệ nạn chặt phá rừng trái phép. Các phương tiện thông tin đại chúng phải thường xuyên nhắc nhở, thông báo tình hình phòng chống cháy rừng, khai thác gỗ trái phép. Từ nay trở đi nếu địa phương, đơn vị nào còn để xảy ra cháy, phá rừng thì trước hết là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng đơn vị trực tiếp đó phải chịu trách nhiệm.

8. Về vốn và đầu tư.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, gồm vốn của Nhà nước, vốn của các doanh nghiệp trong và ngoài vùng, vốn của dân và vốn đầu tư nước ngoài để phát triển nông lâm nghiệp và kinh tế - xã hội Tây Nguyên theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động tối đa mọi nguồn vốn, lao động tại chỗ của các tổ chức và các tầng lớp dân cư đang sống ở Tây Nguyên.

a) Vốn của Nhà nước,

- Vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực sau đây:

+ Về thuỷ lợi: Các công trình thuỷ lợi vừa và lớn, các công trình tạo nguồn, các công trình cấp nước sinh hoạt cho đô thị, các vùng dân cư tập trung và công nghiệp.

Vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư về thuỷ lợi trong 5 năm 1996-2000 khoảng 1.800 tỷ đồng, trong giai đoạn 2001-2010 khoảng 2200 tỷ đồng.

+ Về vùng sâu, vùng cao, vùng căn cứ cách mạng cũ: Nhà nước hỗ trợ để làm 7 công trình xã hội gắn với công tác định canh định cư cho khoảng 100 xã, 700 buôn làng và khoảng 40.000 hộ đồng bào dân tộc.

+ về xây dựng vùng kinh tế mới: Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, điện, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế... ở một số vùng trọng điểm như: Ea Soup, Ayunpa - Krông Pa, Ia Lâu, Ia Mơ... có tiềm năng phát triển kinh tế hàng hoá lớn, ổn định cuộc sống của đồng bào tài chỗ và tiếp nhận lao động dân cư ở nơi khác đến.

Trước mắt, tập trung vốn thực hiện những công trình thiết yếu cần sớm đưa vào hoạt động, rồi nâng cấp và hoàn thiện dần trong quá trình phát triển về sau.

+ Đối với các chương trình Quốc gia như: Chương trình 327, chương trình 120, chương trình xoá đói giảm nghèo, định canh định cư, ngân hàng phục vụ người nghèo... cần ưu tiên bố trí vốn và cán bộ để thực hiện quyết định này.

- Vốn tín dụng của Nhà nước: giành đủ vốn cho các thành phần kinh tế vay để phát triển nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản. Nhà nước có chính sách lãi suất phù hợp cho tổ chức, cá nhân vay để trồng cây công nghiệp lâu năm và rừng nguyên liệu công nghiệp, trước hết ưu tiên đối với đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại chỗ.

Giành khoảng 100 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới cho vay trồng cao su, theo quy định và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Vốn tín dụng đầu tư cho vay để trống rừng kinh tế thực hiện theo chính sách được quy định tại Quyết định 264-CT ngày 22/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ và huy động mọi nguồn vốn cho phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b) Vốn của các doanh nghiệp và vốn của nhân dân.

+ Các doanh nghiệp Nhà nước: dùng vốn khấu hao cơ bản, các nguồn vốn tự có, vốn vay để đầu tư phát triển trồng cây lâu năm, trồng rừng, chăn nuôi... trên diện tích đất được giao và phát triển công nghiệp chế biến.

+ Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và nhân dân được Nhà nước khuyến khích bỏ vốn đầu tư để phát triển nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản ở Tây Nguyên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và trình Thủ tướng về cơ chế và chính sách cụ thể thu hút vốn và lao động để mọi tổ chức và cá nhân yên tâm đầu tư.

+ Hội đồng nhân dân các cấp cần quán triệt tinh thần nỗ lực của từng địa phương là chính để phát triển Tây Nguyên mà huy động mọi nguồn lực và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn xây dựng kết cấu hạ tầng và công trình phúc lợi công cộng ở nông thôn.

c) Vốn nước ngoài.

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt theo tinh thần phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng, các địa phương và các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm tranh thủ nguồn vốn viện trợ và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào lĩnh vực và những nơi mà an ninh, quốc phòng cho phép để phục vụ cho sự nghiệp phát triển Tây Nguyên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu giành tỷ lệ thoả đáng nguồn vốn việc trợ không hoàn lại của các tổ chức Quốc tế, các Chính phủ và tổ chức phi Chính phủ để tài trợ phát triển nông lâm nghiệp và xây dựng nông thôn Tây Nguyên đặc biệt tập trung vào những vùng còn khó khăn nhất.

Nguồn vốn ODA (cũng sẽ được Nhà nước ưu tiên) dùng để phát triển các tuyến đường giao thông huyết mạch (đoạn Buôn Ma Thuột đi Chơn Thành thuộc đường 14, đoạn Buôn Ma Thuột - Di Linh thuộc đường 27, đường 24 từ Kon Tum đi Dung Quất); các công trình về thuỷ điện, thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt đô thị, bưu chính viễn thông, ưu tiên cho các công trình kết cấu hạ tầng đô thị.

d) Nguồn vốn của các tỉnh ngoài vùng, của tư nhân cũng được coi trọng thu hút để phát triển sản xuất, nhất là đối với cây xuất khẩu.

9. Đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác.

- Tiến hành rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Các nông lâm trường thực hiện giao đất, khoán vườn cây và khoán rừng tới hộ gia đình theo Nghị định 01/CP của Chính phủ.

- Khẩn trương sắp xếp lại hệ thống các lâm trường và cơ sở công nghiệp chế biến lâm sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn và giúp đỡ các địa phương có đề án tổ chức lại hệ thống các lâm trường, xí nghiệp chế biến lâm sản theo hướng:

Chỉ giữ lại một số rất ít các lâm trường có điều kiện tuần thủ những yêu cầu mới về bảo vệ rừng và kinh doanh có lãi theo Nghị định 388/CP.

Các lâm trường quốc doanh khác còn lại phải chuyển thành các đơn vị làm dịch vụ lâm sinh, khuyến lâm hoặc trở thành ban quản lý các dự án phát triển rừng, cung ứng dịch vụ cho dân bảo vệ và phát triển rừng.

Bộ Công nghiệp bàn cụ thể với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Tây Nguyên quy hoạch và xây dựng cho được vùng nguyên liệu giấy và xây dựng dự án đầu tư cơ sở sản xuất giấy có công suất lớn và hiện đại ở Tây Nguyên.

- Các Tổng Công ty lâm nghiệp, cao su, cà phê, mía đường, bông, dầu tằm tơ và các doanh nghiệp Nhà nước khác phải đóng vai trò nòng cốt trong việc huy động vốn, cung cấp cây giống, con giống và vật tự đảm bảo chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật và đào tạo cán bộ, kỹ thuật cho các chương trình có liên quan.

- Đổi mới các hợp tác xã nông nghiệp hiện còn và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác đa dạng theo tinh thần Luật hợp tác xã đã được Quốc hội thông qua.

Điều 3. Tổ chức thực hiện.

1. Các Bộ, ngành căn cứ vào chức năng và quyền hạn của mình chủ trì cùng với các tỉnh Tây Nguyên, tổ chức chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án cụ thể thuộc phạm vi chỉ đạo của Bộ, ngành mình theo các mục tiêu và nội dung của Quyết định này.

Trên cơ sở các chương trình, dự án đã được phê duyệt cần phải có kế hoạch cụ thể thời kỳ 5 năm, 10 năm và kế hoạch hàng năm, bắt đầu từ năm 1997, để tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện theo mục tiêu chương trình, dự án đã đề ra.

Mỗi Bộ, ngành có liên quan cần cử cán bộ chuyên môn, kỹ thuật giỏi, am hiểu sâu sắc Tây Nguyên để theo dõi giúp lãnh đạo Bộ trong việc phối kết hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng như các Bộ, ngành có liên quan cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên thực hiện.

Định kỳ hàng quý, hàng năm, trong báo cáo đánh giá kết quả công tác của Bộ, ngành phải có kiểm điểm đánh giá thực hiện chương trình công tác ở Tây Nguyên, phát hiện những khó khăn trở ngại để có biện pháp khắc phục.

2- Uỷ ban nhân dân các cấp ở các tỉnh Tây Nguyên phải xác định các nội dung trong Quyết định này là nhiệm vụ chủ yếu của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương để cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch của từng ngành chuyên môn, từng cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã để tổ chức thực hiện.

Trước hết lựa chọn xác định một số chương trình mục tiêu, nội dung cụ thể của địa phương có yêu cầu cấp bách để tổ chức chỉ đạo thực hiện trong quý 4 năm 1996 và năm 1997, và có kế hoạch cụ thể thực hiện nội dung của Quyết định này trong các năm tiếp theo.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên cần phải xin ý kiến của tỉnh uỷ để có chủ trương và biện pháp cụ thể nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, điện...) đưa ra Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định, tạo được phong trào toàn dân làm mọi nghĩa vụ công ích.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình dự án đề ra.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên xây dựng các chương trình về phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, khai thác quản lý sử dụng nguồn nước, định canh định cư di dân và phát triển kinh tế mới.

4. Bộ Giao thông Vận tải cùng với Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên lập quy hoạch và kế hoạch và chỉ đạo thực hiện phát triển giao thông Tây Nguyên.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các ngành có liên quan thẩm định quy hoạch tổng thể Tây Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ quyết định vào tháng 10/1996, để làm cơ sở xây dựng cụ thể các chương trình dự án triển khai ngay từ đầu năm 1997.

Nghiên cứu xây dựng chính sách và cơ chế nhằm khuyến khích và thu hút các nguồn lực để thực hiện Quyết định này.

Trên cơ sở các chương trình dự án được phê duyệt, Bộ phải bố trí kế hoạch ngân sách năm 1997 và những năm tiếp theo cho các chương trình dự án được thực hiện theo mục tiêu đã đề ra trong Quyết định này.

6. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu chính sách tái đầu tư trở lại do khai thác nguồn thuỷ điện và tài nguyên rừng ở Tây Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

7. Thành lập ban Chỉ đạo Tây Nguyên gồm lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành có liên quan. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng ban chỉ đạo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên chịu trách nhiệm thị hành Quyết định này.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.