• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/03/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/2002
CHÍNH PHỦ
Số: 12/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 11 tháng 3 năm 1996

CHÍNH PHỦ

_____

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________

Số: 12/CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện

_______________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ,

 NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Tổng cục Bưu điện là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện trong phạm vi cả nước.

Điều 2. Tổng cục Bưu điện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của cơ quan thuộc chính phủ theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Về văn bản pháp luật:

a. Trình Chính phủ các dự án Luật, Pháp lệnh, văn bản pháp quy, chính sách về bưu chính viễn thông và các tần số vô tuyến điện.

Ban hành theo thẩm quyền các Quyết định, Chỉ thị, Thông tư để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật và quy định của Chính phủ về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện.

b. Ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy phạm, thể lệ, định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn công nghệ về mạng lưới, dịch vụ, thiết bị bưu chính viễn thông (kể cả thiết bị lẻ, thiết bị đồng bộ nhập khẩu), về quản lý máy phát và tần số vô tuyến điện.

2. Về quy hoạch, kế hoạch, kinh tế:

a. Trình Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển tổng thể ngành bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện trong phạm vi cả nước và hướng dẫn, kiểm tra thực hiện sau khi được Chính phủ phê duyệt; tham gia thẩm định phần về bưu chính viễn thông trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và vùng lãnh thổ.

b. Quản lý Nhà nước về đầu tư và xây dựng chuyên ngành bưu chính viễn thông, tham gia việc thẩm định các dự án hợp tác liên doanh với nước ngoài có liên quan đến lĩnh vực bưu chính viễn thông theo quy định của Chính phủ.

c. Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền khung giá và cước, giá và cước các dịch vụ bưu chính viễn thông, giá hoặc khung giá thanh toán các dịch vụ bưu chính viễn thông giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông. Tham gia ý kiến với các ngành liên quan về quy định phí, lệ phí về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện.

d. Trình Chính phủ các chính sách khuyến khích, chế độ trợ giá, điều tiết, các biện pháp bảo hộ và hỗ trợ đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông phục vụ Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh và hoạt động công ích.

3. Về kỹ thuật, nghiệp vụ:

a. Cấp, thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ theo quy định của Chính phủ, gồm:

Giấy phép hành nghề cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông, sản xuất máy phát vô tuyến điện và tổng đài điện tử, đại lý cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông cho tổ chức nước ngoài.

Giấy phép thiết lập mạng lưới bưu chính viễn thông (kể cả công cộng và chuyên dùng), sử dụng thiết bị phát sóng và tần số vô tuyến điện.

Giấy phép xuất nhập khẩu tem bưu chính.

Tham gia ý kiến với Bộ Xây dựng trong việc cấp và thu hồi giấy phép hành nghề xây dựng và tư vấn xây dựng công trình bưu chính viễn thông. Cấp và thu hồi giấy phép hành nghề lắp đặt, kiểm tra, hiệu chỉnh thiết bị bưu điện.

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quyết định việc cấp và thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ khác thuộc ngành bưu chính viễn thông theo quy định của Chính phủ.

b. Quy định kế hoạch đánh số các mạng lưới viễn thông.

c. Quyết định việc đóng mở các đường liên lạc viễn thông liên tỉnh và quốc tế, đường thư quốc tế theo quy định của Chính phủ.

d. Quản lý sự hoạt động của hệ thống đường trục viễn thông quốc gia. Quy định việc đấu nối các mạng lưới viễn thông chuyên dùng và mạng lưới kinh doanh dịch vụ, truyền dẫn tín hiệu phát thanh, truyền hình, truyền trang báo, đào tạo từ xa vào hệ thống đường trục viễn thông quốc gia.

e. Quyết định huy động các mạng lưới, phương tiện thiết bị bưu chính viễn thông để phục vụ trong những trường hợp khẩn cấp theo uỷ quyền của Chính phủ.

g. Quyết định và công bố việc đóng, mở các dịch vụ bưu chính viễn thông trong nước và với nước ngoài bao gồm cả việc thiết lập thông tin máy tính qua mạng lưới viễn thông công cộng, việc đóng, mở các bưu cục ngoại dịch, bưu cục kiểm quan, các đài duyên hải công cộng và chuyên dụng theo quy định của Chính phủ.

h. Ban hành quy chế đại lý dịch vụ bưu chính viễn thông và phát hành báo chí.

i. Quyết định in và phát hành tem bưu chính.

k. Trình Chính phủ chính sách, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ về bưu chính viễn thông và vô tuyến điện; Quản lý việc nghiên cứu khoa học công nghệ, các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về bưu chính viễn thông và tần số vô truyến điện.

l. Quản lý và giám định chất lượng sản phẩm công nghiệp, dịch vụ bưu chính viễn thông theo quy định của Chính phủ.

m. Hướng dẫn và kiểm tra các hội, các tổ chức phi Chính phủ thuộc lĩnh vực bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện hoạt động tuân theo pháp luật.

n. Làm nhiệm vụ thường trực Uỷ ban tần số vô tuyến điện, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện giữ chức Chủ tịch Uỷ ban tần số vô tuyến điện.

o. Giải quyết các tranh chấp về mạng lưới và dịch vụ bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện theo quy định của Chính phủ.

4. Về quan hệ quốc tế:

a. Trình Chính phủ việc ký kết, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện, việc hợp tác quốc tế về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện. Ký kết các điều ước quốc tế về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện nhân danh Chính phủ theo uỷ quyền của Chính phủ.

Tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện mà Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã ký kết, tham gia.

b. Hướng dẫn kiểm tra các doanh nghiệp bưu chính viễn thông Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về bưu chính viễn thông, hoạt động của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông Việt Nam trong các tổ chức bưu chính viễn thông quốc tế.

c. Trình Chính phủ các giải pháp để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của quốc gia về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan khi được Chính phủ giao.

d. Chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án quốc tế tài trợ về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện theo quy định của Chính phủ.

e. Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện thuộc thẩm quyền và theo uỷ quyền của Chính phủ.

5. Về tổ chức, cán bộ:

a. Trình Chính phủ quyết định hệ thống tổ chức, chức danh, tiêu chuẩn công chức, viên chức bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện. Tổ chức, hướng dẫn thực hiện sau khi được phê duyệt.

b. Quản lý công tác tổ chức, công chức, viên chức và đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện theo quy định của Chính phủ.

6. Về thanh tra, kiểm tra:

Tổ chức, chỉ đạo công tác thanh tra chuyên ngành bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện, xử lý các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, chính sách và các quy định của Tổng cục Bưu điện về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện trong phạm vi cả nước.

Kiểm soát việc sử dụng thiết bị phát sóng và tần số vô tuyến điện, xử lý can nhiễu theo quy định của pháp luật.

Giải quyết theo thẩm quyền việc khiếu nại, tố cáo các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về hoạt động bưu chính viễn thông.

7. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và một số quyền của chủ sở hữu Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước về bưu chính viễn thông theo quy định của Chính phủ.

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ toàn bộ công tác của Tổng cục. Các Phó Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng về nhiệm vụ được Tổng cục trưởng phân công. Tổng cục trưởng, các Phó Tổng cục trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Bưu điện gồm có:

1. Các tổ chức giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước:

Văn phòng,

Vụ Chính sách Bưu điện,

Vụ Kinh tế kế hoạch,

Vụ Khoa học Công nghệ và hợp tác quốc tế,

Vụ Tổ chức cán bộ,

Thanh tra Bưu điện,

Cục tần số vô tuyến điện,

Các Cục Bưu điện khu vực:

Cục Bưu điện khu vực II (đặt tại thành phố Hồ Chí Minh),

Cục Bưu điện khu vực III (đặt tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng),

2. Tổ chức sự nghiệp (có thu):

Trung tâm thông tin và xuất bản Bưu điện.

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cụ thể của các đơn vị trên đây và quyết định biên chế của các tổ chức này trong phạm vi tổng biên chế của Tổng cục được Chính phủ giao.

Điều 5. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Bãi bỏ Nghị định số 28/CP ngày 24 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ và những quy định khác trước đây về nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện trái với Nghị định này.

Điều 6. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Chính phủ

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.