• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/01/2016
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 149/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lâm Đồng, ngày 21 tháng 1 năm 2016

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020

__________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đưa Việt Nam sớm thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”;

Căn cứ Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông Quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020 với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG

1. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn quốc.

2. Cung cấp các dịch vụ viễn thông băng rộng đa dạng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường.

II. NGUYÊN TẮC TRIỂN KHAI

1. Công nghệ hiện đại

Áp dụng các công nghệ viễn thông hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển chung trên thế giới, đảm bảo hiệu quả đầu tư mạng lưới, đáp ứng nhu cầu thị trường, lợi ích của xã hội và mức độ hoàn thiện của công nghệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

2. Hiệu quả sử dụng tài nguyên viễn thông

Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên viễn thông, tài nguyên phổ tần số, tên miền, địa chỉ Internet, tài nguyên quỹ đạo vệ tinh phục vụ cho triển khai hạ tầng viễn thông băng rộng hiện đại và cung cấp đa dạng các dịch vụ trên nền băng rộng với chất lượng cao, chi phí hợp lý.

3. Đồng bộ công nghệ và mạng lưới

Triển khai đồng bộ công nghệ và mạng lưới giữa hạ tầng mạng viễn thông băng rộng và các mạng viễn thông hiện hữu, tốc độ tải dữ liệu chiều lên tối thiểu bằng 15% đến 50% tốc độ tải dữ liệu chiều xuống.

III. CÁC MỤC TIÊU CỤ TH

Trên quan điểm viễn thông là hạ tầng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực, tối đa hiệu quả khai thác tài nguyên, chọn lọc kế thừa kinh nghiệm và thành quả công nghệ viễn thông để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đến năm 2020:

1. Băng rộng cho cộng đồng

a) Băng rộng cho gia đình

Ít nhất 40% số hộ gia đình (hoặc thuê bao cá nhân) trên toàn quốc được tiếp cận và sử dụng dịch vụ băng rộng cố định, trong đó ít nhất 60% thuê bao được kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 25Mb/s.

b) Băng rộng cho các điểm truy nhập viễn thông công cộng

100% các điểm truy nhập viễn thông công cộng trên cả nước sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trong đó ít nhất 50% các điểm có truy nhập băng rộng cố định với tốc độ tối thiểu đường xuống là 50Mb/s.

c) Băng rộng cho điểm thư viện công cộng

Hơn 99% các điểm thư viện công cộng trên cả nước sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trong đó ít nhất 50% các điểm có truy nhập băng rộng cố định với tốc độ tối thiểu đường xuống là 50Mb/s.

d) Băng rộng di động

Đảm bảo tối thiểu 95% các khu vực dân cư được phủ sóng 3G/4G với tốc độ trung bình đường xuống lớn hơn 4Mb/s tại thành thị và 2Mb/s tại nông thôn.

2. Băng rộng cho công sở

a) Băng rộng cho cơ sở giáo dục

Hơn 99% các cơ sở giáo dục có kết nối băng rộng, trong đó ít nhất 60% các cơ sở giáo dục bậc cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu sử dụng dịch vụ băng rộng với tốc độ tối thiểu đường xuống là 1Gb/s; ít nhất 60% các Cơ sở giáo dục bậc phổ thông, Trung học chuyên nghiệp, Cơ sở dạy nghề có truy nhập băng rộng với tốc độ tối thiểu đường xuống là 50Mb/s,

b) Băng rộng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Hơn 99% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước có kết nối băng rộng trong đó ít nhất 20% cơ sở có truy nhập băng rộng với tốc độ tối thiểu đường xuống là 100Mb/s; 40% đến 60% các kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 25Mb/s.

c) Băng rộng cho cơ quan hành chính và doanh nghiệp

- 100% các cơ quan, đơn vị của Đảng, Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp có kết nối băng rộng trong đó ít nhất 30% kết nối có tốc độ tối thiểu đường xuống là 100Mb/s; 40% đến 60% các kết nối với tốc độ tối thiểu đường xuống là 25Mb/s.

- 100% các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị của Đảng, Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội; các cổng thông tin cung cấp dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công hỗ trợ đồng thời giao thức Internet IPv4 và IPv6.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp cơ chế chính sách và pháp luật về viễn thông

a) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện;

b) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết bị viễn thông; thiết bị đầu cuối; thiết bị đầu cuối thuê bao; thiết bị mạng;

c) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng dịch vụ viễn thông băng rộng;

d) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, quy định quản lý về cấp phép, giá cước, chất lượng dịch vụ, kết nối, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật viễn thông, an toàn mạng lưới, an ninh thông tin phù hợp với xu hướng phát triển băng rộng, hội tụ công nghệ, dịch vụ, ứng dụng thông minh và phù hợp với sự phát triển của Việt Nam.

2. Giải pháp về thị trường, dịch vụ

a) Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường viễn thông, giảm các thủ tục trong cấp phép viễn thông, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng cung cấp phong phú, đa dạng dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội;

b) Thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, có các cơ chế chính sách minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Tăng cường các cơ chế quản lý đặc thù đối với doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững;

c) Thúc đẩy phát triển các ứng dụng nội dung, công nghệ thông tin trên hạ tầng viễn thông băng rộng đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội như: Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đào tạo từ xa, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hỗ trợ người khuyết tật...;

d) Phân định rõ hoạt động sản xuất, kinh doanh với hoạt động mang tính công ích trong lĩnh vực viễn thông;

đ) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 làm cơ sở để đồng bộ sự phát triển hạ tầng và phổ cập dịch vụ băng rộng qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn;

e) Nghiên cứu xây dựng bản đồ vùng phủ băng rộng trên phạm vi cả nước, phát triển các công cụ thu thập dữ liệu về chất lượng dịch vụ băng rộng, cảm nhận của người dùng về chất lượng dịch vụ. Công bố công khai chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng;

g) Thực hiện chuyển từng bước từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, tinh giản các thủ tục nhập khẩu thiết bị đầu cuối, thủ tục hợp quy để đẩy nhanh tốc độ triển khai mạng và dịch vụ băng rộng và giảm áp lực cho cơ quan quản lý;

h) Kiểm soát giá cước dịch vụ truy nhập băng rộng trên cơ sở cạnh tranh, theo cơ chế thị trường phù hợp với điều kiện đại đa số của người dùng Việt Nam. Tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận dịch vụ băng rộng, thúc đẩy sự sáng tạo và đa dạng hóa các dịch vụ nội dung.

3. Giải pháp về cơ sở hạ tầng

a) Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tối đa việc kết nối và thực hiện chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông;

b) Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể rõ ràng trong việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật công cộng liên ngành. Tinh giản các thủ tục, chuẩn hóa và đồng bộ các yêu cầu cấp phép triển khai hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của các bộ, ngành, địa phương với doanh nghiệp viễn thông;

c) Xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông có đủ năng lực đầu tư xây dựng các hệ thống truyền dẫn cáp quang quốc tế trên biển, đất liền với công nghệ hiện đại, dung lượng lớn bảo đảm đáp ứng về lưu lượng kết nối quốc tế và dung lượng dự phòng kết nối các hướng quốc tế. Nghiên cứu tổ chức triển khai các trạm trung chuyển lưu lượng quốc tế trong khu vực;

d) Nghiên cứu, áp dụng các cơ chế đầu tư, đấu thầu đặc thù trong triển khai các chương trình băng rộng, để một mặt bảo đảm tính thống nhất của mạng băng rộng (không có quá nhiều chủng loại thiết bị trên mạng lưới gây khó khăn cho quá trình kết nối, điều hành, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị), mặt khác tránh tình trạng mạng lưới bị phụ thuộc quá lớn vào một nhà cung cấp thiết bị dẫn đến phụ thuộc vào công nghệ và giá cả gây thiệt hại cho lợi ích của doanh nghiệp và quốc gia;

đ) Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng lộ trình từng bước chuyển sang triển khai công nghệ mạng điều khiển bằng phần mềm (SDN) và điện toán đám mây phù hợp với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, nhằm cung cấp đa dịch vụ trên một hạ tầng viễn thông thống nhất.

4. Giải pháp về tài nguyên viễn thông

a) Quy hoạch, phân bổ tài nguyên viễn thông phù hợp với nhu cầu phát triển hạ tầng mạng và dịch vụ viễn thông băng rộng;

b) Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách cho phép thực hiện tái sử dụng một phần hoặc toàn bộ băng tần (850MHz/900MHz/1800MHz) hiện có để triển khai các hệ thống thông tin di động IMT đáp ứng nhu cầu sử dụng và chất lượng dịch vụ băng rộng di động;

c) Tổ chức triển khai đấu giá quyền sử dụng băng tần 2300 - 2400 MHz, băng tần 2500 -2570 MHz và băng tần 2620 - 2690 MHz cho hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT;

d) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch các băng tần đã giải phóng 694 - 806 MHz phục vụ triển khai hệ thống thông tin di động IMT và cung cấp dịch vụ băng rộng di động;

đ) Tổ chức cho phép các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm công nghệ và cung cấp dịch vụ băng rộng di động ở các băng tần trên 6 GHz, trên cơ sở đó nghiên cứu quy hoạch chi tiết các băng tần này phục vụ triển khai băng rộng di động thế hệ tiếp theo;

e) Đẩy mạnh triển khai các công nghệ truy nhập vô tuyến có hiệu quả sử dụng phổ tần cao, nghiên cứu triển khai các công nghệ cho phép tích gộp các băng tần khác nhau bao gồm tích gộp các băng tần cấp phép và băng tần miễn cấp phép;

g) Đẩy mạnh quản lý và triển khai hệ thống truy nhập vô tuyến WiFi trên phạm vi rộng, cho phép chuyển tải lưu lượng linh hoạt giữa hệ thống WiFi và hệ thống băng rộng di động 3G/4G;

h) Quy hoạch chi tiết các băng tần cho các công nghệ vô tuyến sóng ngắn (bước sóng mi-li-mét) để triển khai các hệ thống băng rộng di động, hệ thống truyền tải vô tuyến điểm-điểm, điểm-đa điểm dung lượng cao, tăng tính linh hoạt triển khai hạ tầng truyền dẫn cung cấp dịch vụ băng rộng tại các thành phố lớn, mật độ dân cư cao;

i) Quy hoạch các băng tần cho triển khai các ứng dụng viễn thông cho người khuyết tật, an ninh công cộng, và trong trường hợp khẩn cấp trên cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng di động, cố định;

k) Thúc đẩy triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông trên nền tảng mạng lõi thế hệ sau, mạng truy nhập băng rộng, mạng Internet Ipv6

l) Tổ chức thực hiện quản lý, phân bổ, thu hồi mã, số viễn thông theo các quy hoạch và quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông. Ưu tiên phân bổ tài nguyên viễn thông cho đầu tư phát triển hạ tầng băng rộng hiện đại, công nghệ tiên tiến.

5. Giải pháp về khoa học công nghệ

a) Công nghệ truyền dẫn mạng băng rộng hữu tuyến, vô tuyến là công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin được ưu tiên đầu tư phát triển;

b) Tổ chức kết hợp liên ngành, liên bộ tổ chức nghiên cứu phát triển, nghiên cứu các ứng dụng phục vụ cho các chương trình băng rộng;

c) Đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, triển khai ứng dụng công nghệ cao trong việc thiết lập mạng lưới, cung cấp dịch vụ và sản xuất, lắp ráp các thiết bị đầu cuối viễn thông, đặc biệt là thiết bị mạng và đầu cuối băng rộng, thiết bị thu xem truyền hình số thông minh nhằm giảm giá thành, phổ cập nhanh các dịch vụ viễn thông đến người dân với chất lượng tốt và giá cước hợp lý;

d) Cập nhật và khuyến khích các doanh nghiệp từng bước triển khai sử dụng các công nghệ mạng truy nhập, mạng truyền dẫn, mạng lõi chuyển mạch, mạng lõi Internet hiện đại, dung lượng lớn, hiệu quả cao phù hợp nhu cầu phát triển trong nước và xu hướng phát triển chung trên thế giới;

đ) Tổ chức, thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ, quy trình tổ chức triển khai mạng băng rộng và nhằm áp dụng nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào thực tiễn;

e) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, khai thác hạ tầng mạng viễn thông băng rộng, cung cấp đa dạng dịch vụ để giảm chi phí, giá thành và nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp viễn thông.

6. Giải pháp về tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực

a) Tiếp tục hoàn thiện bộ máy, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý trong quản lý viễn thông, Internet, hạ tầng truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ và điều kiện của Việt Nam;

b) Tổ chức triển khai thường xuyên các chương trình nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông của người dân phù hợp với nhu cầu kinh tế, xã hội, phong tục tập quán theo địa bàn;

c) Nhà nước hỗ trợ đối với các chương trình dự án truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực viễn thông chất lượng cao và nâng cao kỹ năng ICT cho người dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

7. Giải pháp về an toàn hạ tầng viễn thông

a) Xây dựng và ban hành các quy định về an toàn hạ tầng viễn thông, đặc biệt hạ tầng mạng lõi thế hệ sau, mạng lõi di động, mạng truyền dẫn đường trục, mạng cáp quang biển và các hệ thống thông tin dùng riêng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước;

b) Đảm bảo mạng máy chủ DNS quốc gia, hệ thống trung chuyển lưu lượng quốc gia hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6;

c) Ban hành các quy định về kỹ thuật an ninh mạng, phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng các văn bản luật pháp xử lý các tội phạm trên không gian mạng.

8. Giải pháp về nguồn lực

a) Áp dụng mức ưu đãi theo quy định của Luật Công nghệ cao đối với các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các thiết bị đầu cuối băng rộng vô tuyến và hữu tuyến;

b) Xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tổ chức, huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng mạng lõi chuyên mạch, mạng truyền dẫn, mạng truy nhập hiện đại, dung lượng lớn tốc độ cao, vùng phủ rộng;

c) Tổ chức thực hiện đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng hạ tầng viễn thông băng rộng và hỗ trợ phổ cập dịch vụ viễn thông băng rộng theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020;

d) Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng tài nguyên viễn thông. Ưu tiên tối thiểu 70% kinh phí thu được qua đấu giá quyền sử dụng tài nguyên viễn thông, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng tài nguyên tần số vô tuyến điện để tái đầu tư phát triển, mở rộng hạ tầng viễn thông băng rộng;

đ) Huy động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nước ngoài để đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng ưu tiên ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo;

e) Tích cực hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực thiết kế, ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trên hạ tầng băng rộng thông qua các trường đại học, viện nghiên cứu về viễn thông và công nghệ thông tin;

g) Nhà nước hỗ trợ đối với các chương trình dự án truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực viễn thông chất lượng cao và nâng cao kỹ năng ICT cho người dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

9. Gỉải pháp về hợp tác quốc tế

a) Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực viễn thông, trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, nguyên tắc và giải pháp phù hợp với lợi ích và điều kiện cụ thể của Việt Nam khi tham gia vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương;

b) Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế về viễn thông. Phối hợp trao đổi kinh nghiệm về xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thông băng rộng, đào tạo chuyên gia quản lý, kỹ thuật viễn thông;

c) Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực viễn thông phù hợp với pháp luật Việt Nam và các quy hoạch về viễn thông;

d) Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ viễn thông băng rộng, an toàn hạ tầng mạng viễn thông và công nghệ thông tin quốc gia; xây dựng và công bố tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về viễn thông băng rộng theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện, quản lý, điều phối, giám sát, thanh tra, kiểm tra, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan đến dịch vụ băng rộng của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020;

c) Chủ trì xây dựng, hướng dẫn, triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến phát triển viễn thông băng rộng đến 2020 như quy hoạch tần số, quy hoạch kho số, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, quy hoạch hệ thống kỹ thuật kiểm soát tần số, Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6;

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể việc xây dựng quy hoạch và việc cấp phép xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động;

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn và thực thi quản lý cạnh tranh đối với thị trường dịch vụ viễn thông;

e) Tổng hợp, giám sát tình hình triển khai Chương trình theo định kỳ hằng năm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện tổng thể Chương trình;

g) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc huy động các nguồn vốn cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình này.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính trong việc huy động các nguồn vốn cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình này.

3. Bộ Tài chính:

Chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Quản lý, sử dụng tiền để lại sau đấu giá tài quyền sử dụng tài nguyên viễn thông cho phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng;

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc huy động các nguồn vốn cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình này.

4. Bộ Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc kiểm tra, giám sát thị trường các thiết bị đầu cuối theo tiêu chuẩn và quy chuẩn do Nhà nước quy định;

b) Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện việc cho các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật điện lực (bao gồm cả hạ tầng cáp quang điện lực trên toàn quốc) theo quy định tại Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.

5. Bộ Giao thông vận tải:

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành Giao thông vận tải phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt dọc theo các tuyến đường giao thông theo quy định tại Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Triển khai thông tin, tuyên truyền về các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nội dung của Chương trình này đến tất cả các cấp, ngành, doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương;

b) Quản lý, quy định cụ thể và tổ chức thực hiện việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác tại địa phương;

c) Chỉ đạo giải quyết và xử lý kịp thời các trường hợp cản trở trái pháp luật, phá hoại việc xây dựng và sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn.

7. Các doanh nghiệp được cấp phép thiết lập mạng viễn thông:

a) Xây dựng kế hoạch phát triển của doanh nghiệp phù hợp với Chương trình này;

b) Phối hợp thực hiện các chương trình băng rộng và dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Vũ Đức Đam

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.