HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
Về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Bungari
Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà nhân dân Bungari.
Xuất phát từ lòng mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước trên cơ sở Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Bungari ký ngày 1-10-1979, mong muốn tăng cường và hoàn thiện sự hợp tác trong lĩnh vực quan hệ tương trợ tư pháp.
Đã quyết định ký kết Hiệp định này.
Với mục đích đó, hai nước đã cử đại diện toàn quyền của mình:
Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Hiền.
Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà nhân dân Bungari cử:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hoà nhân dân Bungari Svetla Daskalova.
Các đại diện toàn quyền sau khi trao đổi giấy uỷ quyền hợp pháp và hợp thức, đã thoả thuận các điều dưới đây:
Chương I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Bảo hộ pháp lý
1. Công dân nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ nước ký kết kia sự bảo hộ pháp lý về các quyền nhân thân và tài sản mà nước ký kết kia dành cho công dân của mình.
2. Công dân mỗi nước ký kết có quyền tự do liên hệ với Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan Công chứng (sau đây gọi chung là “cơ quan tư pháp”), và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, lao động, gia đình và hình sự của nước ký kết kia. Họ có quyền bày tỏ ý kiến, đưa đơn kiện theo cùng những điều kiện như công dân nước ký kết kia.
3. Những quy định của Hiệp định này cũng được áp dụng tương ứng cho các pháp nhân của hai nước ký kết.
Điều 2. Tương trợ tư pháp
1. Các cơ quan tư pháp của các nước ký kết tương trợ nhau về tư pháp đối với các vấn đề dân sự, (bao gồm cả vấn đề lao động), gia đình và hình sự theo những quy định của Hiệp định này.
2. Các cơ quan tư pháp cũng tương trợ về tư pháp cho các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề nói ở khoản trên.
Điều 3. Cách thức liên hệ
1. Khi thực hiện tương trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp của mỗi nước ký kết liên hệ với nhau thông qua các cơ quan trung ương của mình, nếu Hiệp định này không quy định khác.
2. Các cơ quan trung ương nói trong Hiệp định này là:
Về phía Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao - về các vấn đề dẫn độ và truy tố hình sự; về phía Cộng hoà nhân dân Bungari - Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát trung ương - về các vấn đề dẫn độ và truy tố hình sự.
Điều 4. Thực hiện tương trợ tư pháp
Tương trợ tư pháp nói trong Hiệp định này được thực hiện thông qua uỷ thác, nếu Hiệp định này không quy định khác.
Điều 5. Phạm vi tương trợ tư pháp
Các nước ký kết tương trợ nhau về tư pháp bằng cách thực hiện những hành vi tố tụng riêng biệt như: lập, gửi và tống đạt các giấy tờ, tiến hành khám xét, thu giữ và chuyển giao các vật chứng, nhận dạng người và đồ vật, tiến hành giám định, lấy lời khai của bị can, người giám định, các đương sự và những người thứ ba, thi hành các quyết định, dẫn độ những người phạm tội, v.v…
Điều 6. Nội dung và hình thức uỷ thác tư pháp
1.Uỷ thác tư pháp cần được lập bằng văn bản và có những điểm sau:
1) Tên cơ quan yêu cầu;
2) Tên cơ quan được yêu cầu;
3) Tên công việc uỷ thác, nội dung yêu cầu và những dữ kiện cần thiết cho việc thực hiện uỷ thác;
4) Họ và tên các đương sự, người làm chứng và những người khác có liên quan đến vụ, việc, cũng như nơi thường trú, tạm trú, quốc tịch, hộ tịch, chuyên môn hoặc nghề nghiệp của họ, nếu như biết được những điều này;
5) Họ, tên và địa chỉ của người đại diện của các đương sự.
2. Ủy thác tư pháp về các vấn đề hình sự, cần cho biết thêm cả các tình tiết thực tế, tội danh pháp lí của hành vi, nơi sinh và ngày sinh của bị can.
3. Văn bản uỷ thác cần được cơ quan yêu cầu ký tên và đóng dấu.
Điều 7. Cách thức thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp
1. Khi thực hiện uỷ thác tư pháp, cơ quan được yêu cầu áp dụng pháp luật của nước mình. Theo đề nghị của cơ quan yêu cầu, cơ quan được yêu cầu có thể áp dụng những quy phạm pháp luật tố tụng của nước ký kết kia, nếu những quy phạm pháp luật đó không mâu thuẫn với pháp luật của nước mình.
2. Nếu không tìm thấy người cần tìm theo địa chỉ đã nêu trong văn bản uỷ thác, thì cơ quan được yêu cầu áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để xác minh địa chỉ của người đó.
3. Theo đề nghị của cơ quan yêu cầu, cơ quan được yêu cầu thông báo ngay cho cơ quan yêu cầu về thời gian và địa điểm thực hiện uỷ thác.
4. Để thực hiện uỷ thác, cơ quan được yêu cầu lập các giấy tờ tương ứng nói rõ thời gian, địa điểm thực hiện và gửi các giấy tờ đó cho cơ quan yêu cầu. Nếu việc uỷ thác không thực hiện được, thì khi gửi trả lại các giấy tờ, cơ quan được yêu cầu cần thông báo lý do không thực hiện được.
5. Nếu cơ quan được yêu cầu không có thẩm quyền thực hiện uỷ thác tư pháp, thì cơ quan này chuyển uỷ thác đó cho cơ quan có thẩm quyền theo thể thức đã quy định.
Điều 8. Tống đạt giấy tờ
1. Cơ quan tư pháp yêu cầu gửi các giấy tờ lập bằng tiếng của nước có cơ quan được yêu cầu hoặc kèm theo bản dịch được xác nhận chính thức của các giấy tờ này. Nếu điều kiện đó không thực hiện được, thì cơ quan được yêu cầu chỉ tống đạt các giấy tờ khi người được tống đạt đồng ý nhận.
2. Trong thông báo về tống đạt giấy tờ cần nêu rõ họ, tên và địa chỉ người nhận và tên của giấy tờ được tống đạt.
3. Nếu không thể tống đạt được các giấy tờ, thì cơ quan được yêu cầu gửi trả lại các giấy tờ này cho cơ quan yêu cầu.
Điều 9. Chứng nhận việc tống đạt giấy tờ
1. Việc chứng nhận tống đạt giấy tờ thực hiện theo pháp luật của nước ký kết được yêu cầu.
2. Giấy chứng nhận tống đạt giấy tờ cần nêu địa điểm, thời gian tống đạt và họ tên người được tống đạt giấy tờ.
Điều 10. Tống đạt giấy tờ cho công dân nước mình
1. Mỗi nước ký kết có thể tống đạt giấy tờ cho công dân của mình thông qua cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của mình trên lãnh thổ nước ký kết kia.
2. Khi tống đạt không được áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Điều 11. Phí tổn liên quan đến tương trợ tư pháp
1. Khi thực hiện tương trợ tư pháp, nước ký kết được yêu cầu phải chịu mọi phí tổn phát sinh trên lãnh thổ nước mình.
2. Cơ quan được yêu cầu thông báo cho cơ quan yêu cầu biết tổng số phí tổn. Nếu cơ quan yêu cầu thu những phí tổn này từ những người có nghĩa vụ phải trả, thì số tiền thu được sẽ thuộc về nước ký kết yêu cầu đã thu.
Điều 12. Giá trị của giấy tờ
1. Các giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp và chứng nhận hoặc có kèm theo bản dịch được xác nhận chính thức theo thể thức đã quy định trên lãnh thổ nước ký kết này, cũng có hiệu lực trên lãnh thổ nước ký kết kia mà không cần thị thực. Điều này cũng được áp dụng cho các giấy tờ của công dân mà chữ ký của họ được chứng nhận theo thể thức hiện hành trên lãnh thổ nước ký kết đó.
2. Các giấy tờ được coi là chính thức trên lãnh thổ nước ký kết này, khi sử dụng trên lãnh thổ nước ký kết kia cũng có cùng hiệu lực như các giấy tờ chính thức của nước ký kết kia.
Điều 13. Gửi các giấy tờ về hộ tịch
1. Các nước ký kết gửi cho nhau qua đường ngoại giao không mất tiền, những trích lục từ sổ hộ tịch của công dân, cũng như những ghi chú bổ sung và những điểm sửa đổi có liên quan đến công dân của nước ký kết kia, trong thời hạn một tháng kể từ ngày lập văn bản tương ứng.
2. Công dân của nước ký kết này gửi yêu cầu về chuyển giao các giấy tờ hộ tịch cho cơ quan nước ký kết kia bằng đường ngoại giao.
Điều 14. Trao đổi thông tin về pháp luật
Các Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát tối cao của hai nước ký kết thông báo cho nhau những thông tin về pháp luật của nước mình và thực tiễn áp dụng pháp luật.
Điều 15. Tiếng nói
Trong quan hệ tương trợ tư pháp với nhau, các cơ quan của các nước ký kết sử dụng tiếng nước mình hoặc tiếng Nga.
Chương II
QUY CHẾ NHÂN THÂN
Điều 16. Năng lực pháp lý và năng lực hành vi
1. Năng lực pháp lý và năng lực hành vi của một người được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người đó là công dân.
2. Năng lực hành vi của một người đối với các hợp đồng giao dịch nhằm đáp ứng những nhu cầu hàng ngày được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi ký các hợp đồng đó.
3. Năng lực pháp lý của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà pháp nhân này được thành lập theo pháp luật của nước ký kết đó.
Điều 17. Công nhận người mất tích hoặc chết và xác nhận sự kiện chết
1. Việc công nhận một người mất tích hoặc chết cũng như xác nhận sự kiện chết thuộc thẩm quyền của các nước ký kết mà người đó là công dân theo những tin tức cuối cùng khi người đó còn sống.
2. Theo đơn yêu cầu của người đang sống trên lãnh thổ nước mình, các cơ quan tư pháp của nước ký kết này có thể công nhận việc mất tích, việc chết hoặc xác nhận sự kiện chết của công dân nước ký kết kia mà theo pháp luật của nước họ đang sống người đứng đơn có quyền và lợi ích.
3. Khi giải quyết những vụ, việc nói ở các khoản 1 và 2 điều này, cơ quan tư pháp của nước ký kết áp dụng pháp luật của nước mình.
Điều 18. Mất hoặc hạn chế năng lực hành vi
1. Đối với việc mất hoặc hạn chế năng lực hành vi sẽ áp dụng pháp luật và thẩm quyền của cơ quan nước ký kết mà người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi là công dân.
2. Nếu cơ quan tư pháp của nước ký kết này thấy có căn cứ để công nhận việc mất năng lực hành vi của công dân nước ký kết kia đang thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ nước mình, thì cơ quan này thông báo việc đó cho cơ quan tư pháp của nước ký kết kia.
3. Nếu các cơ quan tư pháp đã được thông báo theo quy định nói ở khoản trên, trong thời hạn 3 tháng, không ra quyết định hoặc không thông báo rằng việc này có thể do cơ quan tư pháp nơi đương sự thường trú hoặc tạm trú giải quyết, thì cơ quan này tiến hành thủ tục công nhận mất năng lực hành vi của người đó theo pháp luật nước mình, nếu cơ sở để mất hoặc hạn chế năng lực hành vi được quy định có trong pháp luật của nước ký kết mà người đó là công dân. Quyết định về việc mất hoặc hạn chế năng lực hành vi được gửi cho cơ quan tương ứng của nước ký kết kia.
4. Trong trường hợp cấp thiết, cơ quan tư pháp nơi có công dân của nước ký kết kia thường trú hoặc tạm trú và thuộc diện mất hoặc hạn chế năng lực hành vi có thể ra quyết định cần thiết để bảo vệ người đó hoặc tài sản của người đó. Bản sao quyết định được gửi cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia. Nếu cơ quan có thẩm quyền đó lại ra quyết định khác, thì quyết định trên được huỷ bỏ.
Điều 19. Bãi bỏ việc mất hoặc hạn chế năng lực hành vi
Những quy định nói ở Điều 18 cũng được áp dụng trong trường hợp bãi bỏ việc mất hoặc hạn chế năng lực hành vi.
Chương III
NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ GIA ĐÌNH
Điều 20. Kết hôn
1. Các điều kiện kết hôn giữa công dân của hai nước ký kết được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người kết hôn là công dân.
2. Hình thức kết hôn được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi tiến hành kết hôn.
Điều 21. Quan hệ pháp lý về nhân thân và tài sản của vợ chồng
1. Khi vợ chồng cùng là công dân của một nước ký kết và đang cùng sống trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì quan hệ pháp lý về nhân thân và tài sản của họ được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà họ là công dân.
2. Khi vợ là công dân nước ký kết này, chồng là công dân nước ký kết kia, thì quan hệ pháp lý về nhân thân và tài sản của họ được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi họ đang hoặc đã thường trú chung cuối cùng.
3. Nếu vợ chồng nói ở khoản 2 không có nơi thường trú chung thì áp dụng pháp luật của nước ký kết có cơ quan đã nhận được đơn kiện.
4. Trong trường hợp nói ở các khoản 1, và 2 thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan tư pháp của nước ký kết nơi vợ chồng cùng thường trú, còn trong trường hợp nói ở khoản 3, thẩm quyền giải quyết thuộc cả hai nước ký kết. Những quy định của Điều 22, khoản 5 cũng được áp dụng tương tự.
Điều 22. Ly hôn
1. Việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước ký kết mà vợ chồng là công dân khi đưa đơn.
2. Nếu vợ chồng có quốc tịch khác nhau, thì Toà án mỗi nước ký kết nơi nhận đơn áp dụng pháp luật của nước mình.
3. Trong trường hợp nói ở khoản 1, thẩm quyền giải quyết thuộc Toà án nước ký kết mà vợ chồng là công dân khi đưa đơn. Song, nếu vợ chồng khi đưa đơn đang sống ở nước khác, thì thẩm quyền giải quyết thuộc Toà án nơi họ thường trú.
4. Trong trường hợp nói ở khoản 2, thẩm quyền giải quyết thuộc Toà án của nước ký kết kia, thì thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc Toà án của cả hai nước ký kết.
5. Trong trường hợp Toà án nước ký kết này đang tiến hành tố tụng công khai, thì Toà án nước ký kết kia không được thụ lý vụ kiện, còn vụ kiện được thụ lý sau sẽ bị chấm dứt.
Điều 23. Công nhận hôn nhân vô hiệu
1. Đối với việc công nhận hôn nhân có thực hay không có thực hoặc hôn nhân vô hiệu do vi phạm điều kiện kết hôn thì áp dụng pháp luật theo quy định của Điều 20, khoản 1.
2. Việc công nhận hôn nhân có thực hay không có thực hoặc hôn nhân vô hiệu do không tuân theo hình thực kết hôn được áp dụng pháp luật hiện hành trên lãnh thổ nước ký kết nơi đã kết hôn.
3. Khi xác định thẩm quyền của Toà án thì áp dụng những quy định tương ứng của Điều 22.
Điều 24. Quan hệ pháp lý giữa cha mẹ và con
1. Việc xác nhận hay từ chối quan hệ của con được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà đứa trẻ là công dân.
2. Quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà đứa trẻ là công dân.
3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề này là Toà án của nước ký kết nơi đứa trẻ đang thường trú hoặc Toà án của nước ký kết mà đứa trẻ là công dân.
Điều 25. Nuôi con nuôi
1. Đối với việc nuôi con nuôi thì áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người nhận nuôi là công dân khi nhận nuôi.
2. Việc nuôi con nuôi nhất thiết phải có sự đồng ý của đứa trẻ được nhận nuôi và của những người đại diện và các cơ quan khác, nếu pháp luật của nước ký kết mà đứa trẻ là công dân đòi hỏi như vậy.
3. Nếu vợ chồng cùng nhận nuôi đứa trẻ mà chồng là công dân nước ký kết này, vợ là công dân nước ký kết kia, thì áp dụng pháp luật của cả hai nước ký kết.
4. Trong việc nuôi con nuôi, cơ quan có thẩm quyền là cơ quan của nước ký kết mà người nhận nuôi là công dân. Trong trường hợp nói ở khoản 3, cơ quan có thẩm quyền là cơ quan của nước ký kết nơi vợ chồng đang hoặc đã có nơi thường trú chung cuối cùng. Trường hợp họ không có nơi thường trú chung thì các cơ quan của cả hai nước ký kết đều có thẩm quyền.
5. Những quy định nói ở các khoản trên cũng được áp dụng tương tự khi hủy bỏ việc nuôi con nuôi.
Điều 26. Giám hộ và trợ tá
1. Việc đặt giám hộ đối với công dân của nước ký kết do cơ quan của nước ký kết mà người được giám hộ là công dân thực hiện theo pháp luật của nước mình, nếu Hiệp định này không quy định khác.
2. Điều kiện đặt hoặc huỷ bỏ giám hộ được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người được giám hộ là công dân.
3. Quan hệ pháp lý giữa người giám hộ và người được giám hộ được xác định theo pháp luật của nước ký kết có cơ quan đã chỉ định người giám hộ.
4. Nghĩa vụ nhận giám hộ được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người giám hộ là công dân.
5. Công dân nước ký kết này có thể được chỉ định làm người giám hộ cho một người đang sống trên lãnh thổ nước ký kết kianeeus công dân đó đang sống trên lãnh thổ nước ký nơi sẽ thực hiện giám hộ.
6. Những quy định về giám hộ được áp dụng cho việc trợ tá.
Điều 27. Trường hợp đặc biệt chỉ định người giám hộ
1. Khi cần chỉ định người giám hộ cho công dân nước ký kết này, nhưng họ lại có nơi thường trú, tạm trú hoặc có tài sản để lại trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì cơ quan của nước ký kết này thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định nói ở Điều 26, khoản 1.
2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan của nước ký kết kia sẽ áp dụng các biện pháp tạm thời cần thiết, theo pháp luật của nước mình và thông báo kịp thời việc này cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định nói ở Điều 28, khoản 1. Những biện pháp này được duy trì cho đến khi cơ quan nói trên ra quyết định khác.
Điều 28. Chuyển giao việc giám hộ
1. Cơ quan của nước ký kết mà người được giám hộ là công dân có thể đề nghị cơ quan của nước ký kết kia đặt giám hộ được áp dụng những biện pháp tạm thời nếu người này đang thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ nước ký kết kia. Cơ quan được yêu cầu sẽ thông báo cho cơ quan yêu cầu về việc đặt giám hộ hoặc về những biện pháp tạm thời đã được áp dụng.
2. Nếu người được giám hộ là công dân nước ký kết này lại thường trú trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì cơ quan đã chỉ định giám hộ có thể yêu cầu cơ quan của nước ký kết kia tiếp tục thực hiện việc giám hộ. Việc chuyển giao giám hộ có hiệu lực khi cơ quan được yêu cầu tiếp nhận giám hộ và thông báo việc này cho cơ quan yêu cầu.
3. Cơ quan đã tiếp nhận giám hộ thực hiện việc giám hộ theo pháp luật của nước mình, nhưng đối với vấn đề, năng lực pháp luật và năng lực hành vi thì áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người được giám hộ là công dân. Cơ quan tiếp nhận giám hộ không có quyền ra quyết định về các vấn đề có liên quan đến quy chế nhân thân của người được giám hộ.
Chương IV
HỢP ĐỒNG VÀ TRÁCH NHIỆM DO GÂY THIỆT HẠI
Điều 29. Hình thức hợp đồng
1. Hình thức hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước ký kết áp dụng cho chính loại hợp đồng đó. Tuy nhiên hợp đồng tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi phải thực hiện cũng được coi là hợp thức.
2. Hình thức hợp đồng đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản
Điều 30. Bất động sản
Đối với bất động sản thì áp dụng pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản. Việc đưa ra những quyết định có liên quan đến bất động sản đó thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp nước ký kết này.
Điều 31. Pháp luật áp dụng và thẩm quyền đối với trách nhiệm do gây thiệt hại
1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại.
2. Nếu người gây thiệt hại và người bị hại cùng quốc tịch hoặc cùng sống trên lãnh thổ của một nước ký kết, thì áp dụng pháp luật của nước ký kết này.
3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bồi thường thiệt hại là cơ quan của nước ký kết nơi thực tế đã xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc cơ quan của nước ký kết nơi bị đơn thường trú.
Chương V
THỪA KẾ
Điều 32. Nguyên tắc bình đẳng
Công dân của nước ký kết này bình đẳng với công dân nước ký kết kia trong việc lập hoặc huỷ bỏ di chúc đối với tài sản đang có ở nước ký kết kia và đối với các quyền cần thực hiện ở nước đó, cũng như về khả năng được nhận tài sản và các quyền thừa kế. Tài sản và các quyền được chuyển giao công dân nước ký kết này theo cùng những điệu kiện mà nước ký kết kia dành cho công dân của mình.
Điều 33. Quyền thừa kế
1. Quyền thừa kế động sản được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người để lại di sản thừa kế là công dân khi chết.
2. Quyền thừa kế bất động sản được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản.
3. Việc phân biệt một tài sản thừa kế là động sản hay bất động sản được giải quyết theo pháp luật của nước ký kết nơi có tài sản đó.
Điều 34. Chuyển giao tài sản thừa kế cho Nhà nước
Nếu theo pháp luật của các nước ký kết tài sản thừa kế được chuyển giao cho Nhà nước, thì động sản được chuyển giao cho nước ký kết mà người để lại tài sản thừa kế là công dân khi chết, còn bất động sản được chuyển giao cho nước ký kết nơi có bất động sản.
Điều 35. Di chúc
1. Năng lực lập hoặc hủy bỏ di chúc, cũng như khả năng khước từ di chúc do những khuyết tật trong việc thể hiện ý chí của người để lại di chúc hoặc trong từng phần di chúc được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người để lại di chúc là công dân khi lập hoặc huỷ bỏ di chúc.
2. Hình thức lập hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người để lại di chúc là công dân khi lập hoặc hủy bỏ di chúc. Việc lập hoặc hủy bỏ di chúc cũng có giá trị, nếu tuân theo pháp luật về hình thức di chúc của nước ký kết nơi lập hoặc huỷ bỏ di chúc.
Điều 36. Thẩm quyền
1. Thẩm quyền giải quyết vấn đề thừa kế động sản thuộc cơ quan tư pháp của nước ký kết mà người để lại tài sản thừa kế là công dân khi chết, trừ trường hợp nói ở khoản 3, điều này.
2. Thẩm quyền giải quyết thừa kế về bất động sản thuộc cơ quan tư pháp của nước ký kết nơi có bất động sản.
3. Nếu tất cả động sản thừa kế do công dân của nước ký kết này chết để lại trên lãnh thổ nước ký kết kia, theo yêu cầu của người thừa kế và được sự đồng ý của tất cả những người thừa kế, nếu họ có từ hai người trở lên, thì cơ quan tư pháp của nước ký kết kia sẽ tiến hành giải quyết vấn đề thừa kế đó.
4. Những quy định ở các khoản 1,2 và 3 cũng được áp dụng khi xét xử các tranh chấp phát sinh do tiến hành tố tụng về thừa kế.
Điều 37. Công bố di chúc
Việc công bố di chúc do cơ quan của nước ký kết nơi có di chúc tiến hành. Nếu người để lại di chúc là công dân của nước ký kết kia, thì phải gửi bản sao di chúc có chứng thực và biên bản công bố di chúc cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết đó. Nếu có yêu cầu và điều đó có thể thực hiện được thì gửi nguyên bản di chúc.
Cũng có thể gửi bản sao di chúc cho cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng những biện pháp bảo quản tài sản thừa kế.
Điều 38. Những biện pháp bảo quản tài sản thừa kế
1. Các cơ quan của nước ký kết nơi có tài sản thừa kế do công dân nước ký kết kia để lại sau khi chết sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ hoặc quản lý tài sản hay theo pháp luật của nước mình.
2. Những biện pháp nói ở khoản trên cần được thông báo kịp thời cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ký kết kia để các cơ quan này có thể tham gia thực hiện các biện pháp đó.
3. Theo yêu cầu của cơ quan tư pháp có thẩm quyền giải quyết vấn đề thừa kế, những biện pháp áp dụng nói ở khoản 1 có thể được thay đổi hoặc huỷ bỏ.
4. Thời hạn nhận tài sản thừa kế theo pháp luật của các nước ký kết bắt đầu kể từ ngày cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự thông báo việc người để lại tài sản thừa kế đã chết.
Điều 39. Thông báo về việc người để lại tài sản thừa kế đã chết
1. Nếu công dân của nước ký kết này chết trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì cơ quan địa phương tương ứng sẽ thông báo kịp thời và trực tiếp việc này cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ký kết có người chết là công dân. Đồng thời thông báo tất cả những gì biết được về những người thừa kế, về nơi thường trú và địa chỉ của họ, về tài sản thừa kế cũng như quyết định về di chúc, nếu có. Cơ quan địa phương cũng tiến hành việc thông báo này ngay cả khi biết rằng người chết để lại tài sản ở nước thứ ba.
2. Nếu phát hiện ra tài sản thừa kế trên lãnh thổ của một nước ký kết và biết rằng những người thừa kế là công dân của nước ký kết kia đang sống trên lãnh thổ nước đó, thì cơ quan địa phương thông báo kịp thời và trực tiếp cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ký kết kia.
Điều 40. Chuyển giao tài sản thừa kế
1. Nếu sau khi đã giải quyết xong thủ tục thừa kế trên lãnh thổ của một nước ký kết mà động sản thừa kế hoặc số tiền bán được động sản thừa kế hay bất động sản thừa kế lại phải chuyển giao cho người thừa kế sống trên lãnh thổ nước ký kết kia nhưng họ hoặc người đại diện của họ không thể nhận trực tiếp được tài sản hay số tiền nói trên, thì số tài sản hoặc số tiền này được chuyển giao cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ký kết tương ứng.
2. Việc chuyển giao tài sản thừa kế theo khoản 1 được thực hiện, nếu:
a) Bảo đảm trả hoặc trả hết các món nợ cho chủ nợ trong thời hạn theo pháp luật của nước ký kết nơi có tài sản thừa kế quy định.
b) Trả hết hoặc đảm bảo trả hết các khoản lệ phí và thuế về thừa kế.
c) Các cơ quan tương ứng chấp thuận việc chuyển ra ngoài nước những đồ vật thừa kế hoặc chuyển số tiền bán được những tài sản thừa kế, nếu điều này là cần thiết.
Chương VI
ÁN PHÍ
Điều 41. Miễn cược án phí
Công dân của nước ký kết này không phải nộp tiền cược án phí khi họ thưa kiện trước Tòa án của nước ký kết kia và đang sống trên lãnh thổ của một trong hai nước ký kết chỉ vì lý do họ là người nước ngoài và không có nơi thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ nước ký kết có Tòa án mà họ thưa kiện.
Điều 42. Miễn lệ phí và các phí tổn khác, giúp đỡ pháp luật không mất tiền
Công dân của nước ký kết này được miễn các khoản lệ phí và các phí tổn khác trên lãnh thổ nước ký kết kia, được hưởng những ưu đãi và sự giúp đỡ pháp lý không mất tiền theo cùng những điều kiện và mức độ như công dân của nước ký kết kia.
Điều 43. Những giấy tờ cần thiết để xin miễn các khoản lệ phí và các phí tổn khác
1. Cơ quan có thẩm quyền của các nước ký kết nơi người xin được hưởng những ưu đãi theo Điều 42 thường trú hoặc tạm trú sẽ cấp những giấy tờ cần thiết về tình trạng nhân thân, gia đình, lao động và tài sản của họ.
2. Nếu người xin hưởng những ưu đãi theo Điều 42 lại không thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của các nước ký kết, thì những giấy tờ này có thể do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước họ cấp.
3. Cơ quan tư pháp ra quyết định về việc cho hưởng các khoản ưu đãi theo Điều 42 có thể yêu cầu cơ quan đã cấp giấy tờ cung cấp thêm những tài liệu bổ sung.
Điều 44. Trình tự trao giấy tờ
1. Nếu công dân của nước ký kết này muốn xin cơ quan của nước ký kết kia cho hưởng những ưu đãi theo Điều 42 thì họ có thể đề nghị việc này với cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia, nơi họ thường trú hoặc tạm trú. Cơ quan này sẽ chuyển đơn và những giấy tờ đã được cấp theo Điều 43 cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia.
2. Cùng với đơn xin hưởng ưu đãi theo Điều 42 có thể gửi cả đơn đề nghị khởi tố hoặc tố tụng khác.
3. Đơn nói ở các khoản trên gửi theo hình thức được pháp luật của nước ký kết, nơi người đưa đơn thường trú hoặc tạm trú quy định.
Điều 45. Thời hạn nộp lệ phí và các phí tổn khác
Nếu công dân của nước ký kết này phải nộp các khoản lệ phí và các phí tổn khác cho cơ quan của nước ký kết kia, nhưng họ lại không có nơi thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ nước ký kết đó, thì họ sẽ nộp trong một thời hạn cần thiết được ấn định.
Chương VII
CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN VÀ CƠ QUAN TRỌNG TÀI
Điều 46. Công nhận và thi hành các quyết định về vụ kiện mang tính chất tài sản
1. Mỗi nước ký kết, theo những điều kiện được quy định trong Hiệp định này, thi hành trên lãnh thổ của nước mình những quyết định sau đây đã được tuyên và có hiệu lực trên lãnh thổ nước ký kết kia.
a) Các quyết định của Tòa án được tuyên về các vụ kiện dân sự, gia đình, các hòa giải của Tòa án và những quyết định liên quan đến các phí tổn.
b) Phần bồi thường thiệt hại trong bản án hình sự.
c) Các quyết định của cơ quan trọng tài, các hiệp nghị trọng tài theo những quy định của Điều 50.
2. Các quyết định và các hòa giải tư pháp về thừa kế do các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật của mỗi nước ký kết đưa ra cũng được coi là những quyết định của Tòa án như đã nói ở khoản 1.
Điều 47. Công nhận các quyết định về vụ kiện không mang tính chất tài sản
Các quyết định đã có hiệu lực về vụ kiện dân sự và gia đình không mang tính chất tài sản do cơ quan tư pháp, cơ quan hộ tịch và cơ quan giám hộ, trợ tá của nước ký kết này tuyên được công nhận trên lãnh thổ nước ký kết kia mà không cần xét xử bổ sung, nếu trước đó các cơ quan của nước ký kết này không ra quyết định đã có hiệu lực về vụ này hoặc nếu vấn đề này theo Hiệp định, không thuộc thẩm quyền riêng biệt của các cơ quan đó.
Điều 48. Thể thức công nhận và cho phép thi hành
1. Đơn xin thi hành quyết định được gửi đến Tòa án đã ra quyết định sơ thẩm về vụ kiện, Tòa án này sẽ chuyển đơn đó đến Tòa án có thẩm quyền ra quyết định về việc này.
2. Cơ quan tư pháp của nước ký kết nơi quyết định cần được thi hành sẽ ra quyết định về công nhận và cho phép thi hành quyết định đó.
Điều 49. Những giấy tờ kèm theo đơn
Đơn xin phép thi hành phải kèm theo:
a) Bản sao quyết định đã được Tòa án chứng thực và giấy chứng nhận quyết định này đã có hiệu lực và cần được thi hành, nếu điều này không ghi trong quyết định;
b) Giấy chứng nhận người bị kiện theo quyết định này hoặc đại diện hợp pháp của người đó đã được tống đạt kịp thời giấy báo phiên tòa một cách hợp lệ;
c) Bản dịch đơn có chứng thực và những giấy tờ nói trong điều này.
Điều 50. Điều kiện thi hành các quyết định của cơ quan trọng tài
Những quyết định của cơ quan trọng tài được thi hành, nếu ngoài các điều kiện nói ở các khoản b và c của Điều 49, thỏa mãn các điều kiện sau:
a) Quyết định được tuyên do việc thi hành văn bản hiệp nghị xác định thẩm quyền của cơ quan trọng tài đối với tranh chấp đang hoặc sẽ xảy ra từ những quan hệ pháp lý nhất định và cơ quan trọng tài đã tuyên quyết định trong phạm vi thẩm quyền nhất định của mình;
b) Hiệp nghị xác định thẩm quyền của cơ quan trọng tài phù hợp với pháp luật của nước ký kết nơi quyết định cần được thi hành.
Điều 51. Pháp luật được áp dụng
1. Đối với việc công nhận và cho thi hành quyết định sẽ áp dụng pháp luật của nước ký kết nơi tiến hành hoạt động này.
2. Nếu khi trao giấy phép thi hành quyết định mà Tòa án thấy có điều chưa rõ, thì Tòa án có thể yêu cầu người đưa đơn giải thích, thẩm vấn người bị kiện về thực chất theo đơn kiện, hoặc trong trường hợp cần thiết, yêu cầu Tòa án đã ra quyết định giải thích.
3. Tòa án đã giải quyết đơn xin thi hành quyết định, thông qua Bộ Tư pháp nước mình, thông báo cho Bộ Tư pháp nước ký kết kia biết về quyết định được thông qua.
Điều 52. Điều kiện chấm dứt thi hành quyết định
Nếu việc thi hành đã bị chấm dứt trên lãnh thổ nước ký kết nơi có Tòa án đã ra quyết định theo pháp luật của nước ký kết này, thì việc cho phép thi hành cũng bị chấm dứt, và nếu quyết định cho phép thi hành đã được đưa ra thì việc thi hành quyết định đó sẽ chấm dứt.
Điều 53. Thể thức thi hành quyết định
1. Việc thi hành quyết định được thực hiện theo pháp luật của nước ký kết nơi quyết định được thi hành.
2. Người thưa kiện có thể tuyên bố phản đối việc thi hành quyết định, nếu điều này được pháp luật của nước ký kết có Tòa án ra quyết định cho phép.
Điều 54. Từ chối việc công nhận và thi hành quyết định
Có thể từ chối việc công nhận và thi hành quyết định:
a) Nếu bị đơn không tham gia tố tụng vì lý do người đó hoặc người đại diện hợp pháp của họ không được tống đạt giấy triệu tập đến Tòa án kịp thời và đúng thể thức, hoặc việc triệu tập đến Tòa án chỉ được thực hiện bằng cách thông báo qua các phương tiện thông tin công cộng, hoặc bằng phương thức trái với những quy định của Hiệp định này;
b) Nếu quyết định đã được ra theo yêu cầu về quyền sở hữu hoặc về vật quyền khác đối với bất động sản có trên lãnh thổ nước ký kết nơi quyết định cần được công nhận và thi hành;
c) Nếu quyết định của Tòa án mâu thuẫn với quyết định đã có hiệu lực do Tòa án của nước ký kết nơi quyết định cần được công nhận và thi hành tuyên xử giữa hai bên đương sự về cùng đối tượng, trên cùng căn cứ, hoặc vụ kiện đã được thụ lý tại Tòa án của nước được yêu cầu trước khi quyết định cần được công nhận và thi hành có hiệu lực và đang tiến hành tố tụng tại Tòa án nước đó;
d) Nếu theo Hiệp định này vụ kiện thuộc thẩm quyền riêng biệt của cơ quan tư pháp nước ký kết nơi quyết định cần được công nhận và thi hành.
Điều 55.
Những quy định của các Điều 46-54, cũng được áp dụng cho những hòa giải của cơ quan tư pháp và cơ quan trọng tài.
Điều 56. Thi hành quyết định về án phí
1. Kèm theo đơn xin thi hành quyết định phải có bản sao quyết định có chứng thực của Tòa án về những phí tổn để chứng nhận rằng quyết định đã có hiệu lực và cần được thi hành.
2. Các giấy tờ cần được đính kèm theo bản dịch có chứng nhận là dịch đúng ra tiếng của nước ký kết nơi quyết định cần được thi hành, hoặc bản dịch bằng tiếng Nga.
3. Tòa án cho phép thi hành quyết định về án phí cũng sẽ kiểm tra xem:
a) Quyết định đã có hiệu lực pháp luật chưa và cần phải thi hành không?
b) Những giấy tờ nói ở khoản 1 có kèm theo bản dịch được chứng nhận là dịch đúng không?
4. Quyết định của Tòa án về công nhận việc thi hành có thể bị khiếu nại theo pháp luật của nước ký kết có Tòa án đã ra quyết định đó.
Điều 57.
1. Khi thu các phí tổn về thi hành quyết định, sẽ áp dụng pháp luật của nước ký kết nơi quyết định được thi hành.
2. Tòa án cho phép thi hành quyết định về án phí không cần nghe ý kiến các đương sự.
3. Việc thi hành quyết định về án phí không thể bị khước từ với lý do người làm đơn không ứng trước những dự phí về thi hành quyết định.
Điều 58. Chuyển giao đồ vật và chuyển tiền
Các quy định của Hiệp định này về thi hành và công nhận quyết định không làm phương hại đến pháp luật và các văn bản quy định khác của các nước ký kết về việc cấm, hạn chế hoặc điều chỉnh việc chuyển giao đồ vật và chuyển tiền.
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ HÌNH SỰ
Chương VIII
DẪN ĐỘ
Điều 59. Trách nhiệm dẫn độ
1. Theo yêu cầu, các nước ký kết có trách nhiệm dẫn độ cho nhau những người đang ở trên lãnh thổ của mình để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành bản án.
2. Chỉ dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi mà theo pháp luật của cả hai nước ký kết sẽ bị phạt tù với thời hạn không dưới một năm hoặc hình phạt nặng hơn.
3. Chỉ dẫn độ để thi hành bản án đối với những hành vi bị trừng phạt theo luật hình sự của cả hai nước ký kết và khi người bị dẫn độ bị tuyên án tù với thời hạn không dưới 1 năm hoặc hình phạt nặng hơn.
Điều 60. Từ chối dẫn độ
Sẽ không dẫn độ, nếu:
a) Người phạm tội là công dân của nước ký kết được yêu cầu;
b) Tội phạm đã hoàn thành trên lãnh thổ nước ký kết được yêu cầu;
c) Theo pháp luật của nước ký kết được yêu cầu thì việc truy tố hình sự không thể thực hiện được hoặc bản án không thể thi hành được vì lý do hết thời hiệu tố tụng hoặc trên cơ sở hợp pháp khác;
d) Ở nước ký kết được yêu cầu đã khởi tố đối với người đang bị yêu cầu dẫn độ vì phạm tội phải dẫn độ, hoặc nếu cơ quan tư pháp đã tuyên án vì phạm tội phải dẫn độ, hoặc nếu cơ quan tư pháp đã tuyên án về tội phạm này và bản án này đã có hiệu lực, hoặc đã ra một quyết định khác chấm dứt tố tụng.
e) Tội phạm được khởi tố theo đơn của người bị hại.
Điều 61. Văn bản yêu cầu dẫn độ
1. Văn bản yêu cầu dẫn độ phải ghi: Họ và tên người bị yêu cầu dẫn độ, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi thường trú và tạm trú của người đó, những dữ kiện về cấu thành tội phạm và thiệt hại do tội phạm gây ra.
2. Kèm theo bản yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự phải có bản sao chứng thực lệnh bắt giữ, bản mô tả tội phạm, điều luật có liên quan đến tội phạm đã thực hiện. Nếu tội phạm có gây thiệt hại khác thì phải nêu mức độ thiệt hại của nó.
3. Kèm theo bản yêu cầu dẫn độ để thi hành bản án cần có bản sao chứng thực bản án đã có hiệu lực. Nếu người bị kết án đã chấp hành một phần hình phạt, thì cũng phải thông báo điều này.
Điều 62. Bổ sung tài liệu
1. Nếu văn bản yêu cầu dẫn độ không có đầy đủ những dữ kiện cần thiết, thì nước ký kết được yêu cầu có thể đề nghị những tài liệu bổ sung. Thời hạn bổ sung tin tức chậm nhất là 3 tháng. Thời hạn này có thể được kéo dài nếu có những lý do chính đáng.
2. Nếu có quan có thẩm quyền của nước ký kết được yêu cầu không nhận được tài liệu bổ sung như quy định ở khoản trên, cơ quan này có thể chấm dứt việc dẫn độ và trả tự do cho người đang bị bắt giữ.
Điều 63. Bắt giữ để dẫn độ
Khi văn bản yêu cầu dẫn độ thỏa mãn những quy định của Hiệp định này, nước ký kết được yêu cầu nhanh chóng áp dụng những biện pháp để bắt giữ người bị yêu cầu dẫn độ.
Điều 64. Bắt giữ tạm thời
1. Việc bắt giữ có thể thực hiện trước khi nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ, nếu nước ký kết yêu cầu chính thức đề nghị việc đó và thông báo rằng đã có quyết định bắt giữ hoặc có một bản án đối với người này, trên cơ sở đó, nước ký kết yêu cầu sẽ đề nghị dẫn độ người này.
Đề nghị bắt giữ trước khi nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ có thể gửi qua bưu điện, điện tín, điện thoại hoặc đài phát thanh.
2. Cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết có thể bắt giữ và có thể bắt giữ tạm thời không cần có bản yêu cầu dẫn độ này một người đang ở trên lãnh thổ nước mình, nếu biết rằng người này đã phạm tội trên lãnh thổ nước ký kết kia và tội này cần phải dẫn độ.
3. Cần thông báo ngay việc bắt giữ người đó cho nước ký kết kia.
4. Người bị bắt giữ theo khoản trên sẽ được trả tự do, nếu trong vòng 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo về việc bắt giữ không có yêu cầu dẫn độ của nước ký kết kia. Nước ký kết kia sẽ được thông báo việc thả người đã bị bắt.
Điều 65. Hoãn dẫn độ
Nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án vì một tội phạm khác trên lãnh thổ của nước ký kết được yêu cầu, thì việc dẫn độ có thể bị hoãn trước khi kết thúc quá trình tố tụng, chịu hình phạt hoặc tha trước thời hạn.
Điều 66. Dẫn độ tạm thời
1. Nếu việc hoãn dẫn độ theo quy định ở Điều 65 có thể làm hết thời hiệu truy tố hình sự hoặc gây hại nghiêm trọng việc điều tra tội phạm, thì theo đề nghị hợp lý, có thể dẫn độ tạm thời người bị yêu cầu dẫn độ.
2. Người bị dẫn độ tạm thời cần được trao trả ngay sau khi kết thúc những hành vi tố tụng trong vụ án mà người đó đã bị dẫn độ tạm thời.
Điều 67. Xung đột các yêu cầu dẫn độ
Nếu nhiều nước đưa đơn yêu cầu dẫn độ cùng một người, thì nước ký kết được yêu cầu căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của tội phạm mà quyết định đáp ứng yêu cầu của một nước nào đó trong số các nước này.
Điều 68. Dẫn độ
1. Nước ký kết được yêu cầu thông báo cho nước ký kết yêu cầu về địa điểm và thời gian dẫn độ.
2. Nếu nước ký kết yêu cầu không nhận người bị dẫn độ trong vòng 15 ngày, kể từ sau ngày quy định cho dẫn độ, thì người này có thể được tha. Theo thỏa thuận giữa hai nước ký kết, thời hạn này có thể được kéo dài, nhưng không quá 15 ngày.
Điều 69. Dẫn độ lại
Nếu người bị dẫn độ trốn tránh việc truy tố hình sự hoặc thi hành hình phạt và trở lại lãnh thổ nước ký kết được yêu cầu, thì theo văn bản yêu cầu mới của nước ký kết yêu cầu, người này có thể bị dẫn độ lại mà không cần giao những dữ kiện và tài liệu như quy định ở Điều 61.
Điều 70. Chuyển giao đồ vật có liên quan đến tội phạm
1. Theo đề nghị và nếu pháp luật của nước ký kết được yêu cầu cho phép, các nước ký kết sẽ chuyển giao cho nhau:
a) Những đồ vật đã có được do kết quả của tội phạm;
b) Những đồ vật có thể có ý nghĩa của các chứng cứ trong vụ án hình sự. Những đồ vật này cũng được chuyển giao cả trong trường hợp việc dẫn độ người phạm tội không thể thực hiện được vì người đó chết, chạy trốn hoặc vì những tình tiết khác.
2. Nếu những đồ vật được yêu cầu chuyển giao lại cần thiết cho nước ký kết được yêu cầu như là chứng cứ trong vụ án hình sự, thì việc chuyển giao có thể bị hoãn trước khi kết thúc tố tụng vụ án.
3. Quyền của người thứ ba đối với những đồ vật được chuyển giao cho nước ký kết yêu cầu được bảo đảm. Sau khi kết thúc tố tụng vụ án, những đồ vật này được chuyển giao cho những người có mặt trên lãnh thổ của nước ký kết yêu cầu và có quyền đối với những đồ vật đó. Nếu những người này đang ở trên lãnh thổ của nước ký kết được yêu cầu, thì nước ký kết yêu cầu chuyển những đồ vật này để giao cho người đó.
Điều 71. Thông báo kết quả xét xử vụ án hình sự
Các nước ký kết thông báo cho nhau kết quả xét xử vụ án hình sự đối với người bị dẫn độ. Nếu đã tuyên bản án kết tội thì bản sao án này cũng được gửi cho nhau.
Điều 72. Giới hạn truy tố người bị dẫn độ
1. Người bị dẫn độ không thể chịu hình phạt hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì một tội phạm khác đã hoàn thành trước khi dẫn độ và không nói trong bản yêu cầu dẫn độ và không có sự chấp thuận của nước ký kết được yêu cầu.
2. Sẽ không cần sự chấp thuận của nước ký kết được yêu cầu, nếu:
a) Người bị dẫn độ, mặc dù có khả năng, nhưng một tháng sau khi kết thúc truy tố hình sự hoặc chịu hình phạt lại không rời khỏi lãnh thổ nước ký kết yêu cầu. Sẽ không tính vào thời hạn này thời gian mà người bị dẫn độ không thể rời khỏi lãnh thổ nước ký kết yêu cầu vì những lý do không phụ thuộc vào người đó.
b) Người bị dẫn độ đã rời khỏi lãnh thổ nước ký kết, nhưng lại quay trở lại.
Điều 73. Quá cảnh
1. Theo đề nghị của nước ký kết này, nước ký kết kia sẽ cho phép dẫn độ quá cảnh của lãnh thổ nước mình người bị nước thứ ba dẫn độ cho nước ký kết này. Các nước ký kết không buộc phải cho phép người bị dẫn độ quá cảnh nếu trái với Hiệp định này.
2. Đề nghị cho phép quá cảnh được gửi đi và xem xét theo thể thức như đối với yêu cầu dẫn độ.
Điều 74. Chi phí về dẫn độ quá cảnh
Những chi phí về dẫn độ thực hiện trên lãnh thổ nước ký kết nào do nước ấy chịu. Chi phí cho quá cảnh do nước yêu cầu quá cảnh chịu.
Chương IX
TRUY TỐ HÌNH SỰ
Điều 75. Nghĩa vụ thực hiện truy tố hình sự
1. Mỗi nước ký kết theo yêu cầu của nước ký kết kia và phù hợp với pháp luật nước mình thực hiện việc truy tố hình sự đối với công dân nước mình bị tình nghi đã phạm tội trên lãnh thổ của nước ký kết yêu cầu.
2. Kèm theo bản yêu cầu phải có bản thuyết minh về tội phạm và tất cả những chứng cứ hiện có. Nước ký kết được yêu cầu có thể đòi hỏi những chứng cứ bổ sung. Nước ký kết yêu cầu có nghĩa vụ phải cung cấp những chứng cứ bổ sung này.
3. Nước ký kết thực hiện việc truy tố hình sự có nghĩa vụ thông báo kết quả cho nước ký kết kia biết. Nếu đã có bản án có hiệu lực thì gửi bản sao bản án đó cho nước ký kết kia.
Điều 76. Quyền bất khả xâm phạm của người làm chứng và người giám định
1. Người làm chứng hoặc người giám định đến trình diện trước cơ quan nước ký kết yêu cầu theo giấy triệu tập do cơ quan nước ký kết được yêu cầu trao, không kể người ấy mang quốc tịch nước nào, sẽ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị bắt giữ trên lãnh thổ của nước ký kết yêu cầu vì tội phạm là đối tượng của việc điều tra, họ không thể chịu hình phạt vì tội phạm họ gây ra trước khi qua biên giới quốc gia.
2. Quyền bất khả xâm phạm của người làm chứng hoặc của người giám định sẽ chấm dứt trong trường hợp họ không rời lãnh thổ nước ký kết yêu cầu sau một tuần, kể từ ngày cơ quan đã triệu tập họ thông báo sự có mặt của họ không cần thiết nữa. Sẽ không tính vào thời hạn này thời gian mà người làm chứng hoặc người giám định không thể rời khỏi lãnh thổ nước ký kết đó vì những lý do không phụ thuộc vào họ.
Chương X
TRAO ĐỔI THÔNG TIN VỀ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ
Điều 77. Thông báo về những bản án kết tội
Các nước ký kết sẽ thông báo cho nhau tin tức về những bản án kết tội đã tuyên đối với công dân của nước ký kết kia. Việc thông báo thực hiện bằng cách gửi bản sao các bản án.
Điều 78. Tin tức về án tích
Cơ quan của các nước ký kết, theo yêu cầu của nước ký kết kia, sẽ gửi cho cơ quan tư pháp và Viện kiểm sát của nước ký kết kia những tin tức về án tích.
Chương XI
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
iều 79. Phê chuẩn, hiệu lực và hủy bỏ hiệp định
1. Hiệp định này cần phải được phê chuẩn và có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày trao đổi thư phê chuẩn. Việc trao đổi thư phê chuẩn được thực hiện tại Hà Nội. (05/06/1987)
2. Hiệp định này ký cho một thời gian không hạn định, nhưng mỗi nước ký kết có thể hủy bỏ Hiệp định này và khi đó Hiệp định sẽ chấm dứt hiệu lực sau một năm, kể từ ngày nhận được công hàm về hủy bỏ Hiệp định.
Để làm bằng, các đại diện toàn quyền của hai nước ký kết đã ký Hiệp định này và đóng dấu xác nhận.
Làm tại Xôphia ngày 3 tháng 10 năm 1986 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Bungari, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau./.
THỪA ỦY QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(Đã ký)
PHAN HIỀN
|
|
THỪA ỦY QUYỀN HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN BUNGARI
(Đã ký)
SVETLA DASKALOVA
|