Lên đầu trang

HIỆP ĐỊNH

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ GIỮA

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VÀ HUNG-GA-RI

                                                  

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri (sau đây gọi riêng là Bên ký kết; gọi chung là: các Bên ký kết),

Mong muốn tăng cường hợp tác pháp luật trong lĩnh vực dân sự giữa các Bên ký kết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi,

Đã thống nhất như sau:

PHẦN MỘT

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Phạm vi

1. Phù hợp với các quy định của Hiệp định này, các Bên ký kết thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự cho nhau về các nội dung sau:  

a) tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp;

b) thu thập và chuyển giao chứng cứ;

c) triệu tập người làm chứng và người giám định;

d) công nhận và cho thi hành các quyết định và phán quyết trọng tài theo quy định tại Phần Bốn của Hiệp định này;

e) trao đổi thông tin pháp luật và các văn bản liên quan đến lĩnh vực dân sự và tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự;

f) cung cấp và chuyển giao các giấy tờ hộ tịch;

g) các yêu cầu khác về tương trợ tư pháp.

2. Thuật ngữ "dân sự" trong Hiệp định này bao gồm các vấn đề về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động.

3. Trừ khi Hiệp định này có quy định khác, thuật ngữ “cơ quan có thẩm quyền” nghĩa là tất cả các tòa án và các cơ quan khác có thẩm quyền trong lĩnh vực dân sự theo pháp luật của Bên ký kết có liên quan.

Điều 2

Bảo hộ pháp lý

1. Công dân của mỗi Bên ký kết được hưởng cùng sự bảo hộ pháp lý về các quyền nhân thân và tài sản trong lĩnh vực dân sự trên lãnh thổ của Bên ký kết kia như công dân của Bên ký kết kia và có quyền tiếp cận và thực hiện các quyền tố tụng trước tòa án và các cơ quan khác có thẩm quyền trong lĩnh vực dân sự của Bên ký kết kia với cùng điều kiện dành cho công dân của Bên ký kết kia.

2. Các quy định của Hiệp định này cũng áp dụng đối với pháp nhân và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thành lập trên lãnh thổ của một trong các Bên ký kết theo pháp luật quốc gia đó.

Điều 3

Các kênh liên lạc

1. Trong quá trình áp dụng Hiệp định này, các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực dân sự của các Bên ký kết liên lạc với nhau thông qua các Cơ quan Trung ương được chỉ định của các Bên ký kết.

2. Các Bên ký kết thông tin cho nhau về Cơ quan Trung ương được chỉ định và bất kỳ thay đổi nào về cơ quan này thông qua kênh ngoại giao cùng với việc thông tin về việc phê chuẩn Hiệp định quy định tại Điều 32, các thay đổi sau đó phải được thông báo ngay cho nhau.

3. Để việc liên hệ được thuận lợi, Cơ quan Trung ương của mỗi Bên ký kết chỉ định một cán bộ đầu mối và thông báo cho nhau tên và thông tin cụ thể cũng như bất kỳ sự thay đổi nào về cán bộ này.

4. Hiệp định này không ngăn cản các Bên ký kết gửi yêu cầu tương trợ tư pháp thông qua kênh ngoại giao.

Điều 4

Trùng tố (Lis Pendens)

1. Trường hợp có thủ tục tố tụng cùng diễn ra tại cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên ký kết, giữa cùng các bên tham gia tố tụng, khởi kiện về cùng một quyền phát sinh từ cùng một căn cứ thực tế, và quyết định được tuyên trong thủ tục đó có thể được công nhận và cho thi hành trên cơ sở Hiệp định này tại lãnh thổ của Bên ký kết kia, cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia có thể chấm dứt thủ tục tố tụng được tiến hành sau tại cơ quan có thẩm quyền đó.

2. Để áp dụng khoản 1, các cơ quan có thẩm quyền của các Bên ký kết có thể, thông qua Cơ quan Trung ương, yêu cầu cung cấp thông tin về thủ tục tố tụng đang diễn ra trong lãnh thổ của Bên ký kết kia.

Điều 5

Sử dụng ngôn ngữ

1. Ngôn ngữ liên lạc giữa các Cơ quan Trung ương là tiếng Anh.

2. Trừ khi Hiệp định này có quy định khác, văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp và tài liệu kèm theo được cơ quan yêu cầu lập bằng ngôn ngữ của quốc gia mình kèm theo bản dịch được công chứng/chứng thực sang ngôn ngữ của quốc gia được yêu cầu.

3. Cơ quan được yêu cầu gửi trả lời yêu cầu tương trợ tư pháp và các văn bản kèm theo bằng ngôn ngữ của quốc gia mình.

Điều 6

Miễn hợp pháp hoá

1. Giấy tờ công do cơ quan của một trong các Bên ký kết ban hành cũng như các giấy tờ tư có công chứng/chứng thực, cụ thể như chứng nhận đăng ký, chữ ký hoặc nhận dạng, được chuyển giao theo Điều 3 trong quá trình áp dụng Hiệp định này, không phải hợp pháp hóa lãnh sự. Bên ký kết gửi giấy tờ phải đảm bảo tính xác thực của các giấy tờ được gửi như đã quy định trên.

2. Mặc dù có quy định tại khoản 1, nếu có nghi ngờ tính xác thực của chữ ký, chức danh của người ký hoặc con dấu hoặc tem, thì theo cách thức quy định tại Điều 3, cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết có thể yêu cầu Cơ quan Trung ương của Bên ký kết kia xác nhận. Việc xác nhận này chỉ có thể được yêu cầu trong những trường hợp đặc biệt và phải nêu rõ lý do.

Điều 7

Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp

1. Bên ký kết được yêu cầu thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp theo quy định pháp luật của quốc gia mình.

2. Bên ký kết được yêu cầu có thể thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp theo cách thức cụ thể như đề nghị của Bên ký kết yêu cầu nếu việc thực hiện không trái với pháp luật của Bên ký kết được yêu cầu.

3. Trường hợp khi thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp mà địa chỉ được cung cấp trong yêu cầu không chính xác hoặc người được nêu trong yêu cầu không có tại địa chỉ được cung cấp, cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết được yêu cầu trả lại yêu cầu cho Bên ký kết yêu cầu hoặc thực hiện các biện pháp cần thiết để xác định địa chỉ, với điều kiện có dữ liệu cần thiết để thực hiện được việc này.

4. Trừ khi Hiệp định này có quy định khác, một yêu cầu tương trợ tư pháp phải được thực hiện kịp thời và nhanh chóng trong vòng một trăm hai mươi (120) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp chậm trễ có lý do chính đáng, Bên ký kết được yêu cầu phải thông báo ngay cho Bên ký kết yêu cầu.

Điều 8

Từ chối và hoãn tương trợ tư pháp

1. Bên ký kết được yêu cầu có thể từ chối thực hiện yêu cầu gửi theo Hiệp định này, nếu xét thấy việc thực hiện yêu cầu sẽ phương hại đến chủ quyền, an toàn công cộng, trật tự công cộng hoặc các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, hoặc việc thực hiện yêu cầu không thuộc chức năng của các cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết được yêu cầu. Bên ký kết được yêu cầu phải thông báo cho Bên ký kết yêu cầu lý do từ chối thực hiện yêu cầu, trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

2. Việc thực hiện một yêu cầu tương trợ tư pháp có thể bị hoãn nếu Bên ký kết được yêu cầu cho rằng việc thực hiện yêu cầu ngay lập tức có thể sẽ cản trở thủ tục tố tụng đang diễn ra trên lãnh thổ của nước mình. Bên ký kết được yêu cầu phải thông báo cho Bên ký kết yêu cầu về lý do và thời gian hoãn dự tính trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Điều 9

Chi phí tương trợ tư pháp

1. Các Bên ký kết phải tương trợ tư pháp miễn phí cho nhau, trừ các trường hợp sau:

a) Khoản chi liên quan đến người làm chứng hoặc người giám định theo các Điều 14 và 15 của Hiệp định này;

b) Khoản chi cho người giám định hoặc người phiên dịch có liên quan đến việc thực hiện các yêu cầu thu thập chứng cứ quy định tại Điều 13 của Hiệp định này nếu người giám định hoặc người phiên dịch không phải là một công chức. Trong trường hợp này, các Bên ký kết phải tham vấn nhau để xác định các chi phí này;

c) Chi phí liên quan đến việc công nhận và cho thi hành các quyết định và phán quyết trọng tài tại tòa án của mỗi Bên ký kết;

d) Chi phí tống đạt giấy tờ theo quy định tại Điều 12 của Công ước về tống đạt ra nước ngoài các giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, ký tại La Hay, vào ngày 15 tháng 11 năm 1965 (sau đây gọi là Công ước La Hay về tống đạt);

e) Các khoản chi bất thường hoặc đặc biệt nếu Bên ký kết yêu cầu đề nghị thực hiện theo thủ tục đặc biệt.

2. Bên ký kết được yêu cầu có thể đề nghị thanh toán trước và hoàn trả chi phí quy định tại Điều này theo pháp luật của Bên ký kết được yêu cầu.

PHẦN HAI

THỦ TỤC TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

Điều 10

Tống đạt giấy tờ

1. Yêu cầu tống đạt giấy tờ phải được lập thành văn bản và phải có các thông tin sau:

a) ngày và nơi lập yêu cầu;

b) tên đầy đủ, địa chỉ và các thông tin liên lạc khác của cơ quan yêu cầu, bao gồm cả điện thoại, số fax cũng như địa chỉ e-mail;

c) tên đầy đủ, địa chỉ và các thông tin liên lạc khác của cơ quan được yêu cầu (nếu biết);

d) danh mục giấy tờ cần được tống đạt;

e) họ tên đầy đủ và địa chỉ của người nhận, và nếu biết: giới tính, quốc tịch, nghề nghiệp, nơi sinh của người nhận cũng như tên và địa chỉ của người đại diện của người này;

f) thông tin về bản chất của vụ việc;

g) mô tả về các thủ tục đặc biệt được yêu cầu để tống đạt giấy tờ (nếu có).

2. Văn bản yêu cầu và các giấy tờ cần tống đạt phải được lập thành hai (2) bộ.

3. Trường hợp việc tống đạt quy định tại Điều này không thể được thực hiện trong khoảng thời gian đủ để người được tống đạt có thể thực hiện quyền tự bảo vệ của mình, Bên ký kết được yêu cầu có thể từ chối thực hiện yêu cầu.

4. Mặc dù có quy định tại khoản 2 Điều 5, nếu giấy tờ cần được tống đạt không kèm theo bản dịch được công chứng/chứng thực sang ngôn ngữ chính thức của Bên ký kết được yêu cầu hoặc giấy tờ không được lập bằng bằng ngôn ngữ đó thì giấy tờ chỉ có thể được tống đạt cho người nhận nếu người này tự nguyện nhận.

5. Các Bên ký kết có thể yêu cầu tống đạt bằng phương tiện điện tử (e-service) tùy thuộc vào quy định pháp luật và điều kiện thực tế của cả hai Bên ký kết.

6. Bên ký kết được yêu cầu, sau khi tống đạt giấy tờ, phải gửi cho Bên ký kết yêu cầu văn bản xác nhận hoặc giấy tờ khác chứng minh việc tống đạt giấy tờ hoặc thông báo cho Bên ký kết yêu cầu lý do ngăn cản việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần yêu cầu tống đạt giấy tờ. Bản sao văn bản xác nhận hoặc tài liệu khác có thể được gửi bằng fax hoặc thư điện tử theo yêu cầu trước khi bản gốc được gửi qua đường bưu điện.

7. Các cơ quan của các Bên ký kết cũng có thể tống đạt giấy tờ qua đường bưu điện cho người cư trú trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, tuy nhiên việc tống đạt được coi là hợp lệ nếu đáp ứng được các yêu cầu sau :

a) giấy tờ đã được gửi đi theo hình thức thư bảo đảm có xác nhận của người nhận, và

b) bản dịch được công chứng/chứng thực sang ngôn ngữ chính thức của Bên ký kết nơi việc tống đạt được thực hiện kèm theo giấy tờ, trừ khi người nhận là công dân của Bên ký kết gửi giấy tờ, và

c) người nhận tự nguyện nhận giấy tờ và xác nhận việc nhận giấy tờ bằng chữ ký của mình, và

d) việc tống đạt được thực hiện trong khoảng thời gian đủ để người nhận có thể thực hiện quyền tự bảo vệ của mình.

Điều 11

Thực hiện tống đạt giấy tờ theo Công ước La Hay về tống đạt

Mặc dù có quy định tại Điều 10, các Bên ký kết có thể áp dụng Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ.

Điều 12

Thu thập chứng cứ

1. Thu thập chứng cứ nghĩa cụ thể là chuyển giao vật chứng hoặc giấy tờ; thu thập lời khai của các bên, các người làm chứng, người giám định và những người khác; thực hiện thẩm định tại chỗ.

2. Yêu cầu thu thập chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền trong thủ tục tố tụng phát sinh nhu cầu tương trợ tư pháp lập, và phải bao gồm các thông tin sau:

a) Tên đầy đủ của cơ quan yêu cầu và tên đầy đủ của cơ quan được yêu cầu nếu biết;

b) Mô tả vụ việc, bao gồm bản chất và nội dung chính của vụ việc, tóm tắt về các tình tiết của vụ việc, cũng như tên của các bên tham gia vào thủ tục tố tụng và đại diện hợp pháp của họ nếu có;

c) Họ tên đầy đủ, địa chỉ, nơi cư trú, và số Giấy chứng minh (thẻ công dân), hộ chiếu - nếu biết và quốc tịch, nghề nghiệp và các thông tin khác nếu cần thiết của người được yêu cầu và đại diện hợp pháp của họ nếu có; hoặc tên đầy đủ, địa chỉ đăng ký hoặc trụ sở làm việc trong trường hợp người được yêu cầu là pháp nhân;

d) Mục đích, bản tóm tắt yêu cầu, các thông tin cần thiết cho việc thực hiện yêu cầu, bao gồm các câu hỏi với người hoặc tổ chức có liên quan; giấy tờ hoặc tài liệu cần được kiểm tra; và các biện pháp cần thiết (nếu cần).

Điều 13

Thực hiện yêu cầu thu thập chứng cứ

1. Theo đề nghị của cơ quan yêu cầu, cơ quan được yêu cầu phải thông báo địa điểm và thời gian thực hiện yêu cầu thu thập chứng cứ một cách kịp thời.

2. Tùy thuộc quy định pháp luật và điều kiện thực tiễn tại Bên ký kết được yêu cầu, yêu cầu thu thập chứng cứ bao gồm việc xác định địa chỉ của một người, cư trú trên lãnh thổ của một trong các Bên ký kết, bị người có nơi thường trú hoặc nơi cư trú trong lãnh thổ của Bên ký kết kia kiện về một trong những vấn đề thuộc phạm vi khoản 2 Điều 1, và xác định nơi làm việc và thu nhập của người được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Để tạo điều kiện thực hiện các yêu cầu này, Bên ký kết yêu cầu phải thông báo tất cả các thông tin có sẵn trong vụ việc.

3. Bên ký kết được yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết yêu cầu về kết quả thực hiện, kèm theo các chứng cứ thu thập được và giấy tờ liên quan, hoặc về những trở ngại trong việc thực hiện yêu cầu.

Điều 14

Triệu tập người làm chứng và người giám định

1. Sự có mặt của một người làm chứng hoặc người giám định cư trú trên lãnh thổ của Bên ký kết kia là tự nguyện, không được sử dụng biện pháp cưỡng chế đối với người làm chứng hoặc người giám định vắng mặt.

2. Các giấy triệu tập phải được tống đạt cho người làm chứng hoặc người giám định ít nhất chín mươi (90) ngày trước ngày mà người này phải xuất hiện trước cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết yêu cầu.

3. Trong giấy triệu tập người làm chứng ​​hoặc người giám định phải thông báo về quyền và nghĩa vụ của họ, các điều kiện về thanh toán trước và hoàn trả chi phí cho họ, và cách thức thanh toán. Trong giấy triệu tập, không được viện dẫn đến việc sử dụng bất kỳ biện pháp cưỡng chế nào đối với người làm chứng hoặc người giám định.

4. Nếu có thể, Bên ký kết được yêu cầu thông báo cho Bên ký kết yêu cầu về việc liệu người được triệu tập có ý định thực hiện theo giấy triệu tập hay không.

Điều 15

Bảo vệ và chi phí cho người làm chứng và người giám định

1. Một người làm chứng hoặc người giám định đã được triệu tập từ lãnh thổ của một Bên ký kết, và có mặt trước cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết yêu cầu trên lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu không bị ràng buộc vào bất kỳ thủ tục tố tụng hình sự nào, bị bắt giữ, hoặc bị hạn chế tự do cá nhân theo bất kỳ cách nào đối với bất kỳ hành động nào hoặc trên cơ sở của bất kỳ sự kết tội nào trên lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu, đã được thực hiện trước khi nhập cảnh vào lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu.

2. Sự bảo vệ theo khoản 1 Điều này sẽ chấm dứt sau mười lăm (15) ngày sau ngày mà cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết yêu cầu đã chính thức thông báo bằng văn bản cho người làm chứng hoặc người giám định rằng sự hiện diện của họ là không còn cần thiết, nếu người làm chứng hoặc người giám định vẫn chưa rời khỏi hoặc đã rời khỏi nhưng quay trở lại lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu. Khoảng thời gian 15 ngày này không bao gồm khoảng thời gian mà người làm chứng hoặc người giám định không thể rời khỏi lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu mà không phải do lỗi của mình.

3. Người làm chứng hoặc người giám định có thể yêu cầu hoàn trả các khoản chi đi lại và sinh hoạt của mình cũng như các loại phí. Bên ký kết yêu cầu chịu trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí này. Các khoản chi sinh hoạt và các loại phí phải được xác định ít nhất là bằng số tiền đã được xác định trong biểu phí và các quy định có hiệu lực tại Bên ký kết nơi phiên tòa diễn ra. Theo yêu cầu của người làm chứng hoặc người giám định, toàn bộ hoặc một phần các khoản chi đi lại và sinh hoạt phải được thanh toán trước cho họ.

4. Bên ký kết yêu cầu phải tạo điều kiện cho người làm chứng hoặc người giám định nhập cảnh và ở lại trên lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu phù hợp với pháp luật quốc gia của mình.

Điều 16

Gửi giấy tờ công về hộ tịch

1. Mỗi Bên ký kết phải, theo yêu cầu phù hợp với Điều 3, gửi cho Bên ký kết kia các giấy tờ về hộ tịch (bao gồm các quyết định của tòa án, trích lục dăng ký hộ tịch và bản sao được công chứng/chứng thực) theo quy định pháp luật của Bên ký kết yêu cầu liên quan đến công dân Bên ký kết yêu cầu.

2. Các giấy tờ quy định tại khoản 1 phải được gửi đến Bên ký kết kia không cần kèm theo bản dịch theo cách thức quy định tại Điều 3.

Điều 17

Cung cấp thông tin pháp luật

1. Theo yêu cầu, Cơ quan Trung ương của các Bên ký kết cung cấp thông tin pháp luật của quốc gia mình và các án lệ của tòa án.

2. Trường hợp việc cung cấp các thông tin pháp luật của Bên ký kết được yêu cầu là cần thiết để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định về một vụ việc dân sự, trên cơ sở đề nghị của cơ quan yêu cầu được chuyển đến theo Điều 3, Cơ quan Trung ương của Bên ký kết được yêu cầu phải cung cấp thông tin pháp luật và các án lệ của tòa án nước mình.

3 Yêu cầu theo khoản 2 phải bao gồm những nội dung sau:

a) Tên đầy đủ của cơ quan yêu cầu;

b) Tóm tắt vụ việc và các thông tin bổ sung có thể tạo thuận lợi cho việc trả lời;

c) Những vấn đề về pháp luật của Bên ký kết được yêu cầu cần thiết để giải quyết vụ việc.

4. Bên ký kết được yêu cầu cung cấp thông tin bằng ngôn ngữ chính thức của mình hoặc, bằng tiếng Anh nếu có thể.

PHẦN BA

QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC

Điều 18

Miễn bảo đảm chi phí tố tụng

Công dân của mỗi Bên ký kết thường trú hoặc cư trú trên lãnh thổ của một Bên ký kết tham gia tố tụng không phải bảo đảm chi phí tố tụng hay thực hiện bất kỳ hình thức bảo đảm nào khác trên lãnh thổ của Bên ký kết kia vì lý do họ là người nước ngoài hoặc họ không thường trú hoặc cư trú trên lãnh thổ của Bên ký kết có cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành thủ tục tố tụng đó.

Điều 19

Hưởng trợ giúp pháp lý và hỗ trợ chi phí tố tụng

Công dân của mỗi Bên ký kết được hưởng trợ giúp pháp lý và hỗ trợ chi phí tố tụng trên lãnh thổ của Bên ký kết kia với cùng điều kiện và trong cùng phạm vi áp dụng với công dân của Bên ký kết kia.

Điều 20

Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và hỗ trợ chi phí tố tụng

1. Công dân của mỗi Bên ký kết có thể nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và hỗ trợ chi phí tố tụng theo quy định của Điều 19.

2. Đơn này phải được nộp

a) trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết nơi giải quyết yêu cầu trợ giúp pháp lý, hỗ trợ chi phí tố tụng; hoặc

b) thông qua cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết nơi người nộp đơn là công dân; cơ quan này gửi đơn và hồ sơ kèm theo đến cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết nơi giải quyết yêu cầu trợ giúp pháp lý, hỗ trợ chi phí tố tụng theo khoản 1 Điều 3.

3. Đơn và hồ sơ phải kèm theo một bản dịch được công chứng/chứng thực sang ngôn ngữ của Bên ký kết nơi giải quyết yêu cầu trợ giúp pháp lý, hỗ trợ chi phí tố tụng.

4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu có thể yêu cầu người nộp đơn bổ sung thông tin nếu thấy cần thiết.

PHẦN BỐN

CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH CÁC QUYẾT ĐỊNH

Điều 21

Các quy định chung về công nhận và cho thi hành các quyết định

1. Các quy định của Phần này không áp dụng đối với các quyết định được ban hành trong các thủ tục liên quan đến phá sản.

2. Trong Phần này, thuật ngữ “quyết định” nghĩa là bản án hoặc quyết định cuối cùng có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực dân sự của một Bên ký kết, cho dù quyết định đó có tên gọi như thế nào. Định nghĩa này bao gồm, các quyết định giải quyết yêu cầu về dân sự trong vụ án hình sự và hành chính cũng như các quyết định ngoài tư pháp về các vấn đề nhân thân, hôn nhân, gia đình, thừa kế hoặc thương mại.

Điều 22

Công nhận và cho thi hành quyết định

1. Quyết định của cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên ký kết về nhân thân, chấm dứt hoặc hủy hôn nhân được công nhận trên lãnh thổ của Bên ký kết kia mà không cần thêm bất kỳ thủ tục nào. Quy định này không ngăn cản bất kỳ người nào có liên quan được yêu cầu tòa án của Bên ký kết kia công nhận hoặc không công nhận quyết định đó trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phù hợp với pháp luật của Bên ký kết kia.

2. Quyết định của cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên ký kết không thuộc khoản 1 phải được công nhận trên lãnh thổ của Bên ký kết được yêu cầu phù hợp với pháp luật tố tụng của Bên đó.

3. Quyết định được công nhận bởi một Bên ký kết theo khoản 1 hoặc 2 Điều này có hiệu lực theo pháp luật của Bên ký kết ra quyết định trên lãnh thổ của Bên ký kết nơi công nhận.

4. Quyết định đã được công nhận theo khoản 2 Điều này có thể thi hành theo pháp luật của Bên ký kết ra quyết định phải được thi hành phù hợp với pháp luật của Bên ký kết nơi thi hành quyết định.

Điều 23

Từ chối việc công nhận và cho thi hành quyết định

1. Quyết định tại Điều 22 bị từ chối công nhận và cho thi hành nếu:

a) cơ quan của Bên ký kết đã ra quyết định không có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo pháp luật của Bên ký kết nơi được yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định;

b) bị đơn hoặc người phải thi hành quyết định đã không tham gia vào thủ tục tố tụng vì giấy tờ không được tống đạt cho họ trong thời gian đủ để chuẩn bị tự bảo vệ;

c) thủ tục tố tụng về cùng một quyền phát sinh từ cùng căn cứ thực tế giữa cùng các bên đã được cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết nơi được yêu cầu công nhận và thi hành quyết định tiến hành trước so với thủ tục tố tụng tại cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đã ra quyết định;

d) quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật về cùng một quyền phát sinh từ cùng căn cứ thực tế giữa cùng các bên đã được cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết nơi được yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định đưa ra trước;

e) quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật đã được đưa ra trước tại một nước thứ ba về cùng một quyền phát sinh từ cùng căn cứ thực tế giữa cùng các bên và quyết định này có thể được công nhận và cho thi hành tại lãnh thổ của Bên ký kết được yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định;

f) việc công nhận hoặc cho thi hành quyết định trái với trật tự công của Bên ký kết nơi được yêu cầu công nhận và thi hành quyết định.

2. Trường hợp vụ việc liên quan đến nhân thân và gia đình, theo quy định của pháp luật của mỗi Bên ký kết nếu thẩm quyền được xác định dựa trên yếu tố quốc tịch thì trong quá trình áp dụng điểm a khoản 1 Điều này cả hai quốc tịch phải được xem xét với người là công dân của cả hai Bên ký kết.

Điều 24

Áp dụng pháp luật quốc gia về việc công nhận và cho thi hành quyết định

Trường hợp quyết định của cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên ký kết không thể được công nhận hoặc cho thi hành trên lãnh thổ của Bên ký kết kia theo quy định của Hiệp định này, Hiệp định không ngăn cản việc công nhận và cho thi hành quyết định theo quy định của pháp luật quốc gia của Bên ký kết kia.

Điều 25

Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định

1. Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định có thể nộp trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết nơi được yêu cầu công nhận hoặc thi hành quyết định.

2. Đơn này cũng có thể được nộp cho cơ quan đã ra quyết định sơ thẩm; khi đó, đơn phải được gửi đến cơ quan của Bên ký kết kia, thông qua các Cơ quan trung ương; tuy nhiên, nhiệm vụ của các Cơ quan trung ương chỉ giới hạn trong việc gửi đơn và hồ sơ kèm theo.

3. Đơn này phải có các thông tin sau:

a) tên và địa chỉ của người nộp đơn và tên và địa chỉ của người đại diện hợp pháp của người nộp đơn nếu có;

b) tên và địa chỉ của bên kia trong vụ việc và tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của bên kia nếu có;

c) thông tin liên quan đến tài sản của bên kia trên lãnh thổ của Bên ký kết nơi được yêu cầu thi hành quyết định trong trường hợp cần thiết; và

d) thông tin khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định công nhận hoặc cho thi hành.

4. Các giấy tờ sau phải kèm theo đơn yêu cầu

a) Quyết định hoặc bản sao được công chứng/chứng thực,

b) Giấy chứng nhận xác nhận rằng quyết định là cuối cùng và có hiệu lực pháp luật và cần được thi hành, trừ khi quyết định đã thể hiện rõ ràng nội dung này;

c) Giấy chứng nhận về việc giấy tờ tiến hành tố tụng đã được tống đạt hợp lệ và trong thời gian cần thiết cho bên thua kiện là người đã không tham gia vào vụ việc;

d) Bản dịch có công chứng/chứng thực sang ngôn ngữ của Bên ký kết nơi được yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định đối với đơn cũng như các giấy tờ quy định tại điểm a) đến c) khoản này.

Điều 26

Thủ tục công nhận hoặc cho thi hành quyết định

1. Pháp luật của Bên ký kết được yêu cầu áp dụng đối với thủ tục công nhận hoặc cho thi hành quyết định không được quy định trong Hiệp định này.

2. Quyết định do cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia không bị xem xét lại về nội dung. Tòa án giải quyết yêu cầu công nhận hoặc cho thi hành quyết định chỉ xem xét điều kiện để được công nhận hoặc thi hành quyết định theo quy định tại Phần này.

3. Bên có nghĩa vụ có quyền phản đối quyết định cho thi hành theo pháp luật của Bên ký kết nơi cơ quan có thẩm quyền đã quyết định cho thi hành.

Điều 27

Thỏa thuận

Các quy định của Phần này cũng được áp dụng tương tự đối với những thỏa thuận được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Điều 28

Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài

Một Bên ký kết công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ của mình các phán quyết của Trọng tài được tuyên trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phù hợp với Công ước về Công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài được lập tại Niu - ước ngày 10 tháng 6 năm 1958

PHẦN NĂM

QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP VÀ CUỐI CÙNG

Điều 29

Mối quan hệ với các điều ước quốc tế khác

1. Các quy định của Hiệp định này không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên ký kết phát sinh từ điều ước quốc tế khác mà cả hai Bên ký kết là thành viên.

2. Hiệp định này không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của Hung-ga-ri, bao gồm nghĩa vụ trong tương lai, phát sinh từ tư cách thành viên của Liên minh châu Âu.

Điều 30

Quy định chuyển tiếp

1. Các Điều từ 21 đến Điều 27 của Hiệp định này cũng áp dụng đối với việc công nhận và cho thi hành quyết định đã được tuyên và thỏa thuận đã được công nhận trước khi Hiệp định có hiệu lực nhưng không trước ngày 16 tháng 2 năm 1986.

2. Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực pháp luật dân sự, gia đình và hình sự, ký tại Hà Nội ngày 18 tháng 01 năm 1985 áp dụng đối với các yêu cầu tương trợ tư pháp được gửi đến, nhưng Bên ký kết được yêu cầu chưa thực hiện trước ngày Hiệp định này có hiệu lực.

Điều 31

Giải quyết tranh chấp, hòa giải

1. Các Bên ký kết giải quyết các vấn đề bất đồng phát sinh liên quan đến việc áp dụng, giải thích và thực hiện Hiệp định này, thông qua thương lượng giữa các Cơ quan Trung ương.

2. Các Bên ký kết phải đảm bảo trao đổi quan điểm và ý kiến ​​liên quan đến việc thực hiện các Hiệp định trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Bên.

3. Các Bên ký kết rà soát và đánh giá việc thực hiện các Hiệp định này ba năm một lần.

Điều 32

Phê chuẩn và hiệu lực

1. Hiệp định này được phê chuẩn phù hợp với các quy định pháp luật quốc gia của các Bên ký kết. Hiệp định này có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi sau khi nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản thông qua các kênh ngoại giao trong đó các Bên ký kết thông báo cho nhau về việc đã hoàn thành thủ tục phê chuẩn của mình.

2. Hiệp định này được ký kết để áp dụng mà không xác định thời hạn.

3. Khi Hiệp định này có hiệu lực, Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực pháp luật dân sự, gia đình và hình sự, ký tại Hà Nội ngày 18 tháng 01 năm 1985, bị bãi bỏ.

4. Mỗi Bên ký kết có thể chấm dứt Hiệp định này bằng cách gửi thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia thông qua kênh ngoại giao. Hiệp định sẽ chấm dứt hiệu lực sau sáu tháng kể từ ngày Bên ký kết kia nhận được thông báo.

5. Trường hợp Hiệp định này chấm dứt hiệu lực, các yêu cầu tương trợ tư pháp đã nhận được trước khi Hiệp định chấm dứt hiệu lực phải được giải quyết theo quy định của Hiệp định này.

ĐỂ LÀM BẰNG, những người ký tên dưới đây, được ủy quyền hợp lệ theo quy định của pháp luật quốc gia, đã ký Hiệp định này.

Lập tại Bu-đa-pét, ngày…….. tháng 9 năm 2018, thành hai bộ gốc bằng tiếng Việt, tiếng Hung-ga-ri và tiếng Anh. Cả ba bản ngôn ngữ có giá trị như nhau. Trường hợp có mâu thuẫn hay giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh được ưu tiên áp dụng.