Lên đầu trang

CÔNG ƯỚC

VỀ AN TOÀN HẠT NHÂN

Công ước về An toàn Hạt nhân được thông qua ngày 17 tháng Sáu năm 1994 tại Viên. Công ước được mở ra cho ký kết vào ngày 20 tháng Chín năm 1994 và sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 90 kể từ ngày Người lưu chiểu (Tổng giám đốc cơ quan) nhận được văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt thứ 22, và trong số đó phải có ít nhất văn kiện của mười bảy quốc gia có cơ sở hạt nhân đạt tới độ tới hạn ở vùng hoạt của lò. Công ước bắt đầu có hiệu lực vào ngày 24 tháng Mười năm 1996 và đến ngày 11 tháng Tư năm 2005, 56 quốc gia và một tổ chức khu vực (Euratom) đã gửi văn kiện phê chuẩn.

LỜI NÓI ĐẦU

Các bên thành viên

i) Ý thức được tầm quan trọng đối với cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân phải an toàn, được quản lý chặt chẽ và hợp lý về mặt sinh thái;

ii) Khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường mức độ an toàn hạt nhân trên toàn thế giới;

iiv) Khẳng định rằng trách nhiệm đối với sự an toàn hạt nhân thuộc về Nhà nước nơi có công trình hạt nhân;

iv) Mong muốn xây dựng một nền văn hoá thực sự về an toàn hạt nhân;

v) ý thức được rằng tai nạn xảy ra trong các công trình hạt nhân có thể có những tác động vượt ra ngoài biên giới một quốc gia;

vi) Trên tinh thần Công ước về bảo vệ vật chất các nguyên liệu hạt nhân (1979), Công ước về việc thông báo nhanh các tai nạn hạt nhân (1986) và Công ước về trợ giúp khi xảy ra tai nạn hạt nhân hay phóng xạ (1986);

vii) Khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế nhằm cải thiện an toàn hạt nhân thông qua các cơ chế hợp tác song phương và đa phương hiện có và bằng cách xây dựng Công ước này;

viii) Xét rằng Công ước này chỉ đưa ra cam kết về việc thực hiện các nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo an toàn đối với các Công trình hạt nhân chứ không xác định các tiêu chí an toàn cụ thể và, về vấn đề an toàn, có những định hướng đã được thiết lập giữa các quốc gia trên thế giới, được cập nhật thường xuyên nên có thể cho phép xác định được các phương tiện, biện pháp hiện đại nhất để đảm bảo được một mức độ an toàn cao;

ix) Khẳng định sự cần thiết phải nhanh chóng tiến hành soạn thảo một điều ước quốc tế về việc đảm bảo an toàn trong công tác quản lý chất thải phóng xạ ngay sau khi quá trình nghiên cứu các cơ sở đảm bảo an toàn quản lý chất thải phóng xạ, hiện đang được tiến hành, đạt được sự đồng thuận rộng rãi của cộng đồng quốc tế;

x) Xét rằng cần tiếp tục các công trình nghiên cứu kỹ thuật về đảm an toàn cho các công đoạn khác của chu trình nhiên liệu hạt nhân và các công trình này khi hoàn thành có thể tạo điều kiện phát triển các văn kiện quốc tế đã hoặc sẽ được ký kết,

Thoả thuận những điều sau đây

Chương 1:

MỤC TIÊU, KHÁI NIỆM VÀ PHẠM VỊ ÁP DỤNG

Điều 1. Mục tiêu

Công ước này nhằm các mục tiêu sau đây:

i) Đạt được và duy trì một mức độ an toàn hạt nhân cao trên toàn thế giới nhờ vào việc cải thiện các biện pháp được thực hiện trong nước và việc hợp tác quốc tế và đặc biệt là vào việc hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn hạt nhân, nếu có;

ii) Thiết lập và duy trì các biện pháp phòng vệ hiệu quả trong các Công trình hạt nhân chống lại các nguy cơ phóng xạ nhằm bảo vệ con người, xã hội và môi trường trước tác hại của các tia phóng xạ phát ra từ các công trình này;

iii) Phòng ngừa các tai nạn gây hậu quả phóng xạ và giảm nhẹ các hậu quả đó trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Điều 2. Khái niệm

Trong Công ước này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

i) Công trình hạt nhân là nhà máy điện hạt nhân dân sự cố định thuộc thẩm quyền tài phán của Bên thành viên, kể cả nơi lưu trữ, lưu chuyển, và xử lý chất phóng xạ được đặt tại cùng địa điểm và liên quan trực tiếp đến việc khai thác nhà máy điện hạt nhân đó. Một nhà máy như vậy sẽ không còn là Công trình hạt nhân khi tất cả nhiên liệu phóng xạ đã được rút hẳn ra khỏi tâm lò phản ứng và được lưu trữ an toàn theo các thủ tục đã được phê chuẩn và chương trình chấm dứt hoạt động đã được cơ quan điều tiết phê chuẩn;

ii) Cơ quan điều tiết là cơ quan hay các cơ quan được Bên thành viên trao cho quyền cấp giấy phép và ban hành các quy định liên quan đến việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành, khai thác hay chấm dứt hoạt động các Công trình hạt nhân;

ii) “giấy phép” là các phép do cơ quan điều tiết cấp cho người yêu cầu, qua đó thể hiện trách nhiệm của cơ quan này trong việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành, khai thác hay chấm dứt hoạt động các Công trình hạt nhân.

Điều 3. Phạm vi pháp dụng

Công ước này được áp dụng cho sự an toàn của các Công trình hạt nhân.

Chương 2:

NGHĨA VỤ

A- ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 4. Các biện pháp thực hiện

Mỗi Bên thành viên sẽ ban hành trong nội luật của nước mình các quy định pháp quy và hành chính và các biện pháp cần thiết khác nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định tại Công ước này.

Điều 5. Trình báo cáo

Trước ngày tổ chức mỗi cuộc họp theo quy định tại điều 20, mỗi Bên thành viên phải nộp một bản báo cáo về các biện pháp mình đã thực hiện để đảm bảo việc các nghĩa vụ quy định tại Công ước này, để xem xét tại cuộc họp.

Điều 6. Các Công trình hạt nhân hiện có

Mỗi Bên thành viên sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để cho phép tiến hành kiểm tra sớm nhất có thể sự an toàn của các Công trình hạt nhân hiện có vào thời điểm Công ước này có hiệu lực đối với Bên đó. Trong trường hợp cần thiết theo quy định của Công ước này, Bên thành viên phải tiến hành khẩn cấp các biện pháp cải tạo thích hợp nhằm tăng cường an toàn cho các Công trình hạt nhân. Nếu không thể cải tạo an toàn thì cần phải lên kế hoạch chấm dứt hoạt động của công trình đó ngay khi điều kiện thực tế cho phép. Khi lập kế hoạch chấm dứt hoạt động, có thể tính đến tổng thể bối cảnh thực tế về năng lượng, các giải pháp thay thế cũng như những tác động đối với xã hội, môi trường và kinh tế.

B– PHÁP LUẬT VÀ CƠ QUAN ĐIỀU TIẾT

Điều 7. Khuôn khổ pháp lý

1. Mỗi Bên thành viên thiết lập và duy trì một khuôn khổ pháp lý để quản lý vấn đề an toàn của các Công trình hạt nhân.

2. Khuôn khổ pháp lý đó phải quy định những vấn đề sau đây:

i) Ban hành các quy định và quy chế quốc gia về an toàn ;

ii) Thiết lập cơ chế cấp phép cho các Công trình hạt nhân và cấm khai thác Công trình hạt nhân mà không có giấy phép;

iii) Thiết lập cơ chế thanh tra và đánh giá các Công trình hạt nhân nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các điều kiện quy định trong giấy phép;

iv) Các biện pháp đảm bảo pháp luật và các điều kiện quy định trong giấy phép được tuân thủ, kể cả biện pháp tạm đình chỉ hoạt động, thay đổi hay rút giấy phép.

Điều 8. Cơ quan điều tiết

1. Mỗi Bên thành viên thành lập hay chỉ định một cơ quan điều tiết. Cơ quan điều tiết phụ trách việc áp dụng pháp luật theo quy định tại điều 7 và được trao các quyền hạn, thẩm quyền, được cấp một nguồn kinh phí và nhân lực thích đáng để thực thi công việc được giao.

2. Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo tách biệt thực sự chức năng của cơ quan điều tiết và cơ quan hay tổ chức phụ trách việc phát triển hay sử dụng năng lượng hạt nhân.

Điều 9. Trách nhiệm của người được cấp phép

Mỗi Bên thành viên phải đảm bảo sao cho trách nhiệm hàng đầu đối với sự an toàn của một Công trình hạt nhân phải thuộc về người được cấp giấy phép cho công trình đó và áp dụng các biện pháp thích hợp để những người được cấp phép đảm nhận trách nhiệm của mình.

C– QUY ĐỊNH CHUNG VỀ AN TOÀN

Điều 10. Ưu tiên vấn đề an toàn

Mỗi Bên thành viên áp dụng các biện pháp thích hợp sao cho tất cả các tổ chức có hoạt động liên quan trực tiếp đến các Công trình hạt nhân thiết lập các chiến lược trong đó dành ưu tiên cho vấn đề an toàn hạt nhân.

Điều 11. Nguồn kinh phí và nhân lực

1. Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp sao cho mỗi Công trình hạt nhân được cấp một nguồn kinh phí thích đáng cho việc đảm bảo an toàn của công trình trong suốt quá trình vận hành của công trình đó.

2. Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo có được một đội ngũ nhân lực lành nghề, đã được đào tạo, luyện tập và bồi dưỡng đầy đủ để tiến hành các hoạt động liên quan đến sự an toàn, được thực hiện trong hoặc cho các Công trình hạt nhân, trong suốt quá trình hoạt động của Công trình hạt nhân đó.

Điều 12. Nhân tố con người

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để có thể tính đến khả năng và giới hạn hoạt động của con người trong suốt quá trình hoạt động của một Công trình hạt nhân.

Điều 13. Bảo đảm về chất lượng

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp sao cho các chương trình bảo đảm chất lượng được thiết lập và thực hiện nhằm đảm bảo rằng mọi quy định về các hoạt động quan trọng đối với sự an toàn hạt nhân phải được thực hiện đầy đủ trong suốt quá trình hoạt động của một Công trình hạt nhân.

Điều 14. Đánh giá và kiểm tra tính an toàn

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo:

i) Tiến hành đánh giá kỹ càng và triệt để vấn đề an toàn trước khi xây dựng và cho vận hành một Công trình hạt nhân và trong suốt quá trình hoạt động của công trình đó. Việc đánh giá phải được thực hiện dựa trên các cơ sở vững chắc và được cập nhật sau này, căn cứ vào kinh nghiệm khai thác và các thông tin quan trọng mới về an toàn. Việc đánh giá phải đặt dưới sự chỉ đạo của cơ quan điều tiết;

ii) Thực hiện việc kiểm tra thông qua phân tích, giám sát, thử nghiệm và thanh tra nhằm đảm bảo tình trạng vật lý và việc khai thác Công trình hạt nhân phù hợp với thiết kế ban đầu, với các quy định hiện hành của nước mình về an toàn và với các giới hạn và điều kiện khai thác.

Điều 15. Chống phóng xạ

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng, trong điều kiện vận hành bình thường, mức độ bức xạ mà người lao động và người dân chỉ phải chịu từ một Công trình hạt nhân được giữ ở mức thấp nhất có thể đạt được một cách hợp lý và không ai phải chịu mức độ bức xạ vượt quá mức giới hạn theo quy định của quốc gia.

Điều 16. Tổ chức các trường hợp khẩn cấp

1. Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo thiết lập các phương án khẩn cấp bên trong và bên ngoài cho các Công trình hạt nhân, được tập dượt thường xuyên, trong đó dự trù các hoạt động cần tiến hành trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp.

Đối với mỗi Công trình hạt nhân mới, các phương án trên phải được lập và tập dượt cho mỗi Công trình hạt nhân mới xây dựng, trước khi công trình đó bắt đầu vận hành trên mức công xuất thấp đã được cơ quan điều tiết phê duyệt.

2. Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo sao cho người dân của mình và cơ quan có thẩm quyền của các Quốc gia gần khu vực Công trình hạt nhân được cung cấp thông tin cần thiết để triển khai các phương án và hành động can thiệp khẩn cấp, trong trường hợp họ có khả năng bị ảnh hưởng bởi các tình trạng phóng xạ khẩn cấp.

3. Những Bên thành viên không có Công trình hạt nhân trên lãnh thổ của mình thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm xây dựng và tập dượt các phương án khẩn cấp cho lãnh thổ của mình, trong đó dự trù các hoạt động cần tiến hành trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp, nếu có khả năng bị ảnh hưởng bởi các tình trạng phóng xạ khẩn cấp từ một Công trình hạt nhân của nước láng giềng.

D– SỰ AN TOÀN CỦA CÁC CÔNG TRÌNH HẠT NHÂN

Điều 17. Lựa chọn địa điểm xây dựng

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp cần thiết để quy định và thực hiện một thủ tục thích hợp cho phép:

i) Đánh giá mọi yếu tố liên quan đến địa điểm xây dựng, có khả năng ảnh hưởng đến sự an toàn của Công trình hạt nhân trong suốt quá trình vận hành của công trình đó;

ii) Đánh giá các tác động mà một Công trình hạt nhân đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng có thể gây ra đối với sự an toàn của con người, xã hội và môi trường;

iii) Đánh giá lại tất cả các yếu tố quy định tại các điểm i) và ii), , tuỳ theo nhu cầu, nhằm đảm bảo rằng việc xây dựng Công trình hạt nhân là có thể chấp nhận được, xét về khía cạnh an toàn;

iv) Tham khảo ý kiến các Bên thành viên gần khu vực dự án xây dựng Công trình hạt nhân nếu công trình đó có khả năng ảnh hưởng đến họ và, nếu được yêu cầu, phải cung cấp cho các Quốc gia này những thông tin cần thiết cho phép họ tự xem xét, đánh giá về tác động mà Công trình hạt nhân có thể gây ra đối với sự an toàn trên lãnh thổ nước mình.

Điều 18. Thiết kế và xây dựng

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng:

i) Trong quá trình thiết kế và xây dựng một Công trình hạt nhân, phải dự trù nhiều cấp độ và phương thức bảo vệ hiệu quả (bảo vệ có chiều sâu) chống lại sự đào thải các chất phóng xạ nhằm ngăn ngừa tai nạn và hạn chế hậu quả phóng xạ nếu xảy ra tai nạn;

ii) Công nghệ sử dụng trong thiết kế và xây dựng Công trình hạt nhân đã được chứng tỏ chất lượng qua kinh nghiệm thực tế, qua thử nghiệm hoặc phân tích;

iii) Công trình hạt nhân được thiết kế sao cho có thể vận hành an toàn, ổn định, dễ kiểm soát, trong đó đặc biệt phải tính đến nhân tố con người và sự giao tiếp giữa con người và máy móc.

Điều 19. Khai thác

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo:

i) Giấy phép khai thác cấp lần đầu cho một Công trình hạt nhân phải căn cứ vào kết quả phân tích vấn đề an toàn được tiến hành một cách hợp lý và vào một chương trình vận hành mà kết quả cho thấy Công trình hạt nhân, trong tình trạng như đã được xây dựng, đáp ứng được các yêu cầu về thiết kế và về an toàn;

ii) Các giới hạn và các điều kiện khai thác, được xác định trên cơ sở phân tích vấn đề an toàn và, thử nghiệm và kinh nghiệm vận hành trên thực tế, phải được quy định và sửa đổi khi cần thiết nhằm giới hạn phạm vi trong đó việc khai thác được đảm bảo an toàn.;

iii) Việc khai thác, bảo dưỡng, kiểm tra và thử nghiệm một công trình hạt nhân phải được đảm bảo phù hợp với các trình tự, thủ tục đã được phê chuẩn;

iv) Xác định quy trình giải quyết các sự cố có thể dự tính trước trong quá trình vận hành và các tai nạn;

v) Đảm bảo sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết về mặt kiến thức và công nghệ trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến vấn đề an toàn, trong suốt quá trình vận hành của Công trình hạt nhân;

vi) Người được cấp giấy phép phải thông báo kịp thời các biến cố đáng kể đối với vấn đề an toàn cho cơ quan điều tiết;

vii) Thiết lập các chương trình thu thập và phân tích các dữ kiện về kinh nghiệm vận hành; đảm bảo các kết quả và kết luận thu được phải được sử dụng, thông qua các cơ chế hiện hành để chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng với các cơ quan quốc tế, tổ chức hoạt động khai thác và cơ quan điều tiết;

viii) số lượng rác thải phóng xạ sinh ra từ hoạt động của một Công trình hạt nhân phải được giảm đến mức thấp nhất có thể, căn cứ vào phương thức đang được sử dụng, kể cả về hoạt động và về khối lượng, và khi thực hiện các hoạt động cần thiết để xử lý và lưu trữ tạm thời các nhiên liệu phóng xạ và chất thải có liên quan trực tiếp đến hoạt động của công trình ngay tại địa điểm đặt Công trình hạt nhân, thì phải tính đến việc đóng gói và việc lưu trữ vĩnh viễn.

Chương 3:

HỘI NGHỊ CÁC QUỐC GIA THÀNH VIÊN

Điều 20. Họp đánh giá báo cáo

1. Các Bên thành viên tham gia các cuộc họp (sau đây gọi là họp đánh giá báo cáo) để xem xét các báo cáo được trình lên theo quy định tại điều 5 và theo trình tự, thủ tục quy định tại điều 22.

2. Nếu không trái với quy định tại điều 24, có thể thành lập một số tiểu ban bao gồm đại diện của các Bên thành viên trong thời gian diễn ra các phiên họp đánh giá báo cáo, nếu cần thiết, để xem xét những vấn đề đặc biệt được nêu ra trong các báo cáo.

3. Mỗi Bên thành viên có thể tranh luận về bản báo cáo của các Bên thành viên khác và yêu cầu giải thích về những vấn đề có liên quan.

Điều 21. Lịch trình

1. Một cuộc họp trù bị giữa các Bên thành viên sẽ được tổ chức trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày Công ước này có hiệu lực.

2. Trong cuộc họp trù bị, các Bên thành viên ấn định ngày tổ chức cuộc họp đánh giá báo cáo đầu tiên. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức trong thời gian sớm nhất có thể, nhưng không quá 30 tháng kể từ ngày Công ước này có hiệu lực.

3. Trong mỗi lần họp đánh giá báo cáo, các Bên thành viên sẽ ấn định ngày tổ chức cuộc họp tiếp theo. Khoảng cách giữa hai lần họp đánh giá báo cáo không quá 3 năm.

Điều 22. Thoả thuận về trình tự, thủ tục

1. Trong cuộc họp trù bị được tổ chức theo quy định tại điều 21, các Bên thành viên soạn và thông qua theo nguyên tắc đồng thuận bản Quy chế về thủ tục và Quy chế tài chính. Đặc biệt, theo trình tự quy định tại Quy chế về thủ tục, các Bên thành viên ấn định những vấn đề sau đây:

i) Các nguyên tắc chỉ đạo về hình thức và cơ cấu của các bản báo cáo quy định tại điều 5;

ii) Ngày nộp báo cáo;

iii) Trình tự, thủ tục đánh giá báo cáo

2. Trong các lần họp đánh giá báo cáo, các Bên thành viên, tuỳ theo nhu cầu, có thể xem xét lại các vấn đề đã được thoả thuận theo quy định tại khoản i) và ii) trên đây và thông qua các phương án sửa đổi theo nguyên tắc đồng thuận, trừ trường hợp trái với quy định tại Quy chế về thủ tục. Các Bên thành viên có thể sửa đổi, bổ sung Quy chế về thủ tục và Quy chế tài chính theo phương thức đồng thuận.

Điều 23. Cuộc họp bất thường

Họp bất thường giữa các Bên thành viên được tổ chức trong các trường hợp sau đây:

i) Khi được quyết định bởi đa số các Bên thành viên có mặt và tham gia biểu quyết trong một lần họp, các thành viên bỏ phiếu trắng được coi là đã tham gia biểu quyết;

ii) Theo yêu cầu bằng văn bản của một Bên thành viên, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày yêu cầu đó được gửi cho các Bên thành viên và Ban thư ký quy định tại điều 28 được thông báo rằng đa số các Bên thành viên đã ủng hộ yêu cầu đó.

Điều 24. Tham gia

1. Mỗi Bên thành viên cử một người đại diện đến tham gia cuộc họp của các Bên thành viên; mỗi Bên thành viên có thể cử một số đại biểu dự khuyết, chuyên gia và cố vấn, nếu thấy cần thiết.

2. Các Bên thành viên có thể đồng thuận mời bất kỳ một tổ chức liên chính phủ nào có năng lực về những vẫn đến quy định trong Công ước đến tham dự cuộc họp hoặc một số phiên làm việc với tư cách là quan sát viên. Các quan sát viên phải chấp nhận trước bằng văn bản các quy định tại điều 27.

Điều 25. Báo cáo tổng hợp

Các Bên thành viên thông qua, theo nguyên tắc đồng thuận, và phổ biến một tài liệu trong đó trình bày các vấn đề đã được xem xét, thảo luận và các kết luận đã được rút ra tại cuộc họp.

Điều 26. Ngôn ngữ

1. Ngôn ngữ sử dụng trong các cuộc họp bao gồm tiếng Anh, tiếng A-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Nga, trừ trường hợp Quy chế về thủ tục quy định khác.

2. Mỗi Bên thành viên trình bày báo cáo theo quy định tại điều 5 bằng ngôn ngữ chính thức của nước mình hoặc bằng một thứ tiếng duy nhất được chỉ định theo quy định của Quy chế về thủ tục. Trong trường hợp báo cáo được trình bày bằng ngôn ngữ chính thức của một Bên thành viên không phải là ngôn ngữ được chỉ định, Bên thành viên đó phải cung cấp một bản dịch báo cáo bằng ngôn ngữ được chỉ định.

3. Không trái với quy định tại khoản 2, nếu được trả kinh phí, Ban thư ký sẽ đảm nhận việc dịch thuật các bản báo cáo mình nhận được từ bất kỳ ngôn ngữ nào khác sang ngôn ngữ được chỉ định.

Điều 27. Bảo mật

1. Các quy định tại Công ước này không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên thành viên trong việc bảo mật thông tin theo quy định của nước mình. Theo quy định tại điều này, khái niệm thông tin cơ bản bao gồm:

i) Thông tin có tính chất cá nhân;

ii) Thông tin được bảo vệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc pháp luật về bảo mật thông tin công nghiệp, thương mại; và

iii) Thông tin liên quan đến an ninh quốc gia hoặc đến việc bảo vệ vật chất các nguyên liệu, công trình hạt nhân.

2. Khi một Bên thành viên cung cấp thông tin theo quy định của Công ước này và nêu rõ là các thông tin mà mình cung cấp được bảo vệ theo quy định tại khoản 1, các thông tin đó sẽ chỉ được sử dụng vào đúng mục đích đã được quy định trước và tính bí mật của thông tin phải được tôn trọng.

3. Nội dung các cuộc thảo luận khi đánh giá báo cáo của các Bên thành viên trong mỗi lần họp phải được giữ bí mật.

Điều 28. Ban thư ký

1. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (sau đây gọi là Cơ quan) đảm nhận chức năng thư ký cho các phiên họp của các Bên thành viên.

2. Ban thư ký :

i) triệu tập các Bên thành viên, đảm nhận công tác chuẩn bị và cung cấp dịch vụ cho các cuộc họp;

ii) gửi cho các Bên thành viên những thông tin mà mình nhận được hoặc thu thập được theo quy định của Công ước này.

iii) Kinh phí thực hiện các công việc quy định tại các điểm i) và ii) trên đây được lấy từ ngân sách hoạt động của Cơ quan.

3. Các Bên thành viên có thể đồng thuận yêu cầu Cơ quan cung cấp các dịch vụ khác cho các cuộc họp của các Bên thành viên. Tuỳ theo khả năng của mình, Cơ quan có thể cung cấp các dịch vụ này trong khuôn khổ chương trình và ngân sách hoạt động của mình. Nếu không, Cơ quan có thể cung cấp các dịch vụ này nếu nhận được kinh phí từ một nguồn khác.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH VÀ CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 29. Giải quyết bất đồng

Trong trường hợp có sự bất đồng giữa hai hay nhiều Bên thành viên về việc giải thích hay áp dụng Công ước này, các Bên thành viên sẽ cho ý kiến nhằm giải quyết bất đồng đó trong khuôn khổ một cuộc họp giữa các Bên thành viên.

Điều 30. Ký kết, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt, gia nhập

1. Công ước này được mở cho các quốc gia ký kết tại trụ sở của Cơ quan tại thành phố Viên, từ ngày 20-9-1994 đến khi Công ước có hiệu lực.

2. Công ước này phải được phê chuẩn, chấp thuận hoặc phê duyệt bởi các quốc gia đã ký kết.

3. Sau khi có hiệu lực, mọi quốc gia đều có thể gia nhập Công ước này.

4.

i) Công ước này được mở cho các tổ chức khu vực có tính chất hội nhập hay tính chất khác ký kết và gia nhập, với điều kiện tổ chức đó phải được hình thành từ các quốc gia có chủ quyền và có thẩm quyền đàm phán, ký kết và áp dụng điều ước quốc tế trong các lĩnh vực có liên quan đến Công ước này.

ii) Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các tổ chức này tự mình thực hiện các quyền và đảm nhận các nghĩa vụ mà Công ước này quy định cho các Bên thành viên.

iii) Khi trở thành thành viên của Công ước này, tổ chức nói trên nộp cho người giữ lưu chiểu quy định tại điều 34 một bản tuyên bố trong đó chỉ rõ tên các Quốc gia là thành viên của mình, những điều khoản nào của Công ước được áp dụng đối với mình và phạm vi thẩm quyền của mình trong các lĩnh vực được điều chỉnh bởi các điều khoản đó.

iv) Tổ chức nói trên không có lá phiếu riêng ngoài số lá phiếu dành cho các Quốc gia là thành viên của mình.

5. Các văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay gia nhập được nộp cho người giữ lưu chiểu.

Điều 31. Hiệu lực

1. Công ước này có hiệu lực vào ngày thứ 90 sau ngày văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt thứ 22 được nộp cho người giữ lưu chiểu, với điều kiện đã có văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt của 17 quốc gia mà mỗi quốc gia có ít nhất một Công trình hạt nhân trong đó một lò phản ứng đã hoạt động.

2. Đối với các Quốc gia hay tổ chức khu vực có tính chất hội nhập hay tính chất khác khi phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay gia nhập Công ước này sau ngày văn kiện cuối cùng được nộp để thoả mãn các điều kiện quy định tại khoản 1, Công ước này có hiệu lực sau 90 ngày, kể từ ngày văn kiện của Quốc gia hoặc tổ chức đó được nộp cho người giữ lưu chiểu.

Điều 32. Sửa đổi Công ước

1. Các Bên thành viên có quyền đề xuất sửa đổi, bổ sung Công ước này. Đề xuất sửa đổi, bổ sung được xem xét trong một cuộc họp đánh giá báo cáo hoặc một cuộc họp bất thường.

2. Nội dung đề xuất và căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung đó được nộp cho người giữ lưu chiểu sau đó người giữ lưu chiểu gửi cho các Bên thành viên trong thời hạn sớm nhất có thể nhưng muộn nhất là 90 ngày trước ngày diễn ra cuộc họp trong đó đề xuất được đưa ra xem xét. Mọi nhận xét về đề xuất đều được người giữ lưu chiểu thông báo cho các Bên thành viên.

3. Sau khi xem xét đề xuất, các Bên thành viên quyết định có thông qua đề xuất đó theo nguyên tắc đồng thuận hay không hoặc, nếu không đạt được sự đồng thuận, đưa đề xuất đó ra hội nghị ngoại giao. Quyết định đưa một đề xuất sửa đổi, bổ sung Công ước ra hội nghị ngoại giao chỉ được thông qua khi có ít nhất 2/3 trên tổng số các Bên thành viên có mặt và có tham gia biểu quyết tại cuộc họp tán thành, với điều kiện ít nhất một nửa số Bên thành viên có mặt vào thời điểm biểu quyết. Các thành viên bỏ phiếu trắng được coi là đã tham gia biểu quyết.

4. Hội nghị ngoại giao phụ trách xem xét và thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung Công ước được triệu tập bởi người giữ lưu chiểu và được tổ chức trong thời hạn một năm sau khi có quyết định tổ chức hội nghị theo quy định tại khoản 3 của điều này. Hội nghị ngoại giao sẽ cố gắng hết khả năng để nội dung sửa đổi, bổ sung được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận. Nếu không, sửa đổi, bổ sung có thể được thông qua khi được 2/3 trên tổng số các Bên thành viên tán thành.

5. Nội dung sửa đổi, bổ sung Công ước đã được thông qua theo quy định tại khoản 3 và 4 của điều này phải được các Bên thành viên phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay khẳng định và có hiệu lực đối với các Bên thành viên này vào ngày thứ 90 kể từ ngày người giữ lưu chiểu nhận được văn kiện tương ứng của ít nhất ¾ Bên thành viên. Đối với Bên thành viên phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay khẳng định sau đó, nội dung sửa đổi bổ sung sẽ có hiệu lực đối với Bên thành viên đó vào ngày thứ 90 sau ngày nộp văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay khẳng định tương ứng.

Điều 33. Rút khỏi Công ước

1. Mỗi Bên thành viên có thể rút khỏi Công ước này bằng cách thông báo bằng văn bản cho người giữ lưu chiểu .

2. Quyết định rút khỏi Công ước có hiệu lực sau 1 năm kể từ ngày người giữ lưu chiểu nhận được văn bản thông báo rút khỏi Công ước hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó được nêu trước trong văn bản thông báo.

Điều 34. Người giữ lưu chiểu

1. Tổng Giám đốc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử là người giữ lưu chiểu Công ước này.

2. Người giữ lưu chiểu thông báo cho các Bên thành viên về:

i) Việc ký kết Công ước này và việc nộp các văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay gia nhập theo quy định tại điều 30;

ii) Ngày Công ước bắt đầu có hiệu lực theo quy định tại điều 31;

iii) Các thông báo bãi bỏ Công ước theo quy định tại điều 33 và ngày thông báo bãi bỏ;

iv) Các dự thảo sửa đổi, bổ sung Công ước do các Bên thành viên đề xuất, các sửa đổi, bổ sung đã được thông qua tại hội nghị ngoại giao tương ứng hoặc tại cuộc họp của các Bên thành viên, và ngày các sửa đổi, bổ sung đó có hiệu lực theo quy định tại điều 32.

Điều 35. Bản gốc

Bản gốc của Công ước này được lập bằng tiếng Anh, tiếng A-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Nga đều có giá trị pháp lý như nhau và được lưu giữ bởi người giữ lưu chiểu. Người giữ lưu chiểu gửi bản sao chứng thực cho các Bên thành viên

ĐỂ LÀM BẰNG, đại diện toàn quyền của các Chính phủ ký tên dưới đây đã ký vào Công ước này.

Làm tại Viên, ngày 20 tháng 9 năm 1994.