• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 05/07/2016
BỘ TƯ PHÁP-BỘ CÔNG AN-BỘ TÀI CHÍNH-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Số: 05/2016/TTLT/BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Bình, ngày 19 tháng 5 năm 2016

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

____________________

 

Căn cứ Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự;

Sau khi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này quy định về nguyên tắc hoạt động; thành phần; chế độ làm việc; quan hệ công tác; vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh), Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện).

2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với:

a) Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện.

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

1. Tôn trọng hoạt động nghiệp vụ của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

2. Phát huy hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành trong thi hành án dân sự phù hợp với vai trò, trách nhiệm được giao.

Điều 3. Thẩm quyền thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh (mẫu số 1 được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này) trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện (mẫu số 2 được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này) trên cơ sở đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự.

Điều 4. Thành phần Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, Tổ Thư ký

1. Thành phần Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh gồm có:

a) 01 Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) 01 Phó Trưởng ban là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự;

c) Các Thành viên gồm: Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Ngoài thành phần nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể yêu cầu đại diện Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải và mời đại diện Lãnh đạo Tòa án nhân dân, Bảo hiểm xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự, Đoàn Luật sư, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan làm Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh.

2. Thành phần Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện gồm có:

a) 01 Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) 01 Phó Trưởng ban là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự;

c) Các Thành viên gồm: Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Tài chính, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Công an cấp huyện.

Ngoài các thành phần nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể yêu cầu đại diện Phòng Nội vụ, Phòng Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thông tin và Truyền thông; mời đại diện Tòa án nhân dân, Bảo hiểm xã hội, Ban Chỉ huy quân sự, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan làm Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện.

3. Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

a) Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh gồm 01 Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án của Cục Thi hành án dân sự và 01 công chức Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

b) Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện gồm 01 Chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự và 01 công chức Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện.

4. Trưởng ban, Phó Trưởng ban, các Thành viên và Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự (sau đây gọi chung là Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự) làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm cá nhân về thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chương II

   VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ ĐẠO THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 5. Vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Điều 6. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện những công việc sau:

1. Xây dựng dự thảo chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân cùng cấp về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự trình Ủy ban nhân dân quyết định.

2. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân về việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.

3. Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức cưỡng chế; tham mưu, đề xuất các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.

4. Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân về tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.

5. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

6. Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.

Điều 7. Trách nhiệm của Trưởng ban, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

1. Trách nhiệm của Trưởng ban

a) Điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

b) Quyết định nội dung cuộc họp, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

c) Phân công nhiệm vụ cho Phó Trưởng ban và các Thành viên trong Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

d) Chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của các Thành viên trong Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan ở địa phương trong công tác thi hành án dân sự;

đ) Quyết định kiểm tra hoặc cử Thành viên trong Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

e) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân về nhiệm vụ được giao.

2. Trách nhiệm của Phó Trưởng ban

a) Thường trực Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự khi Trưởng ban vắng mặt hoặc được Trưởng ban ủy quyền;

b) Giúp Trưởng ban trong việc chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm về những công việc được Trưởng ban giao;

c) Trực tiếp giải quyết các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, ký các văn bản của Ban Chỉ đạo theo ủy quyền của Trưởng ban để trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định biện pháp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan và tổ chức thi hành án dân sự sau khi có kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

d) Chỉ đạo tổ chức các cuộc họp, các buổi làm việc và các điều kiện làm việc của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

đ) Chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự lập dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân phê duyệt;

e) Đôn đốc cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan có liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cùng cấp về tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.

Điều 8. Trách nhiệm của các Thành viên, Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

1. Trách nhiệm của các Thành viên

a) Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

b) Đề xuất biện pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm về ý kiến của mình trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

c) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành, đơn vị mình, có trách nhiệm chỉ đạo hoặc đề xuất chỉ đạo đối với tập thể, cá nhân thuộc ngành, đơn vị mình phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

d) Cùng tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự thuộc chức năng quản lý của ngành, đơn vị mình và truyền đạt nội dung kết luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tới ngành, đơn vị mình để phối hợp thực hiện;

đ) Phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo phối hợp của các cơ quan có liên quan và thực hiện chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự phân công.

Nhiệm vụ cụ thể của từng Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự do Trưởng ban Ban Chỉ đạo quy định trong Quy chế làm việc của Ban.

2. Trách nhiệm của Tổ Thư ký

a) Giúp Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo việc tổ chức phối hợp, chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự;

b) Theo dõi tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, tham mưu Ban Chỉ đạo giúp Ủy ban nhân dân chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan và chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. Trường hợp có vấn đề phát sinh trong việc tổ chức thực hiện phải kịp thời báo cáo Trưởng ban hoặc Phó Trưởng Ban chỉ đạo để có biện pháp giải quyết;

c) Đề xuất nội dung cuộc họp và chuẩn bị cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, ghi biên bản các cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

d) Gửi chương trình, kế hoạch, văn bản của Ủy ban nhân dân cùng cấp về biện pháp chỉ đạo tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan và chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đến các Thành viên trong Ban Chỉ đạo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan biết để thực hiện;

đ) Chuẩn bị văn bản, báo cáo để Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban ký trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định biện pháp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự tại địa phương sau khi có kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

e) Tổng hợp tình hình, xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan và chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định của Thông tư liên tịch này và báo cáo hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, trình Trưởng ban xem xét, ban hành;

g) Thực hiện chế độ lưu trữ các văn bản, tài liệu hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự phân công. Chỉ đạo thi hành án dân sự và thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Trưởng ban.

Điều 9. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

1. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự làm việc theo chế độ tập thể. Các Thành viên tham gia vào hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Trưởng ban.

2. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự họp định kỳ mỗi quý một lần, họp đột xuất theo triệu tập của Trưởng ban. Trong trường hợp cần thiết, Phó Trưởng ban có thể báo cáo Trưởng ban và đề nghị họp Ban Chỉ đạo.

a) Khi tổ chức cuộc họp phải có đại diện Viện kiểm sát nhân dân tham gia, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đại diện Tòa án nhân dân cùng cấp tham gia (trong trường hợp đại diện Tòa án nhân dân cùng cấp chưa tham gia làm Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự).

b) Trước khi tổ chức họp ít nhất 03 ngày làm việc, tài liệu cuộc họp phải được gửi cho các Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự. Thành viên vắng mặt phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung vụ việc mà Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự sẽ thảo luận để Tổ Thư ký báo cáo tại cuộc họp.

c) Trong các cuộc họp, các vấn đề được đưa ra thảo luận, bàn bạc tập thể, Trưởng ban (hoặc Phó Trưởng ban được ủy quyền) kết luận theo đa số. Trong trường hợp cần thiết, kết luận tại cuộc họp được Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, cho ý kiến giải quyết. Quá trình thực hiện kết luận, nếu có vấn đề phát sinh, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tổ chức họp lại để phân tích, đánh giá và đưa ra các đề xuất giải quyết.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện công việc, trường hợp ý kiến của cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện không được sự nhất trí của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện, thì báo cáo Cục Thi hành án dân sự, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh xem xét, giải quyết. Trường hợp ý kiến của cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh không được sự nhất trí của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, thì báo cáo Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết.

Điều 10. Quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

1. Quan hệ công tác giữa Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh và Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện:

 Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, trả lời ý kiến của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh; nếu có vướng mắc, khó khăn phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh.

2. Quan hệ công tác giữa Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự:

a) Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự kịp thời tổ chức cuộc họp để bàn biện pháp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp;

b) Cơ quan thi hành án dân sự chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 14 và khoản 6 Điều 16 Luật thi hành án dân sự. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thì kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp để tham mưu giúp Ủy ban nhân dân chỉ đạo giải quyết.

3. Quan hệ công tác giữa Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương:

a) Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động, phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự;

b) Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự.

Điều 11. Chế độ thông tin, báo cáo của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

1. Kế hoạch chỉ đạo giải quyết các việc thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này và ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự được gửi đến các Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức hữu quan biết để thực hiện.

2. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp theo từng vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự.

Định kỳ 06 tháng, hàng năm, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện báo cáo kết quả hoạt động với Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng thời gửi Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, Cục Thi hành án dân sự; Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh báo cáo kết quả hoạt động với Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời gửi Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.

Ban Chỉ đạo thi hành án báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 12. Lấy số văn bản và sử dụng con dấu

1. Văn bản của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tuân thủ đúng thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Văn bản của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện được lấy số và sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

1. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự do ngân sách địa phương bảo đảm, được cấp qua cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

Hàng năm, cơ quan thi hành án dân sự lập dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp để được xem xét phê duyệt theo quy định về ngân sách nhà nước.

2. Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và Tổ Thư ký được hưởng chế độ bồi dưỡng theo mức chi, nguồn chi bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án dân sự và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 14. Điều khoản thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2016 và thay thế Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự.

2. Các Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự đã được thành lập theo Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC được tiếp tục hoạt động, nhưng phải kiện toàn và hoạt động theo quy định tại Thông tư liên tịch này trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự báo cáo về Bộ Tư pháp hoặc Bộ Công an, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để kịp thời phối hợp giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tư pháp
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Trần Tiến Dũng

Thượng tướng Bùi Văn Nam

Trương Chí Trung

KT. VIỆN TRƯỞNG Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Phó Viện trưởng

KT. CHÁNH ÁN Tòa án nhân dân tối cao
Phó Chánh án

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thị Thủy Khiêm

Tống Anh Hào

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.