• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 30/11/1994
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 12-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Bình, ngày 1 tháng 2 năm 1989

NGHỊ ĐỊNH

Về thủ tục kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tiến hành

trước cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

_______________

 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình ngày 29-12-1986;

Xét tình hình thực tế công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và nhằm bảo đảm thi hành thống nhất thủ tục kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Người nước ngoài nói trong Nghị định này là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch.

Điều 2. - Người nước ngoài có đủ những điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc theo pháp luật của nước mà người đó thường trú vào thời điểm xin đăng ký kết hôn (đối với người không quốc tịch) và theo những quy định ở các điểm 5, 6 và 7 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, thì có thể được đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam.

Phù hợp với điều 54 Luật hôn nhân và gia đình, nếu người nước ngoài là công dân của nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì việc tuân thủ theo những quy định của Hiệp định đó và điều kiện kết hôn là đủ.

Điều 3. - Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài là Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương nơi thường trú của bên công dân Việt Nam.

Trường hợp công dân Việt Nam đang ở nước ngoài vào thời điểm nộp đơn xin đăng ký kết hôn thì việc kết hôn của họ với người nước ngoài, nếu các đương sự yêu cầu và nếu không trái với luật của nước sở tại hoặc Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước sở tại, do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước sở tại công nhận. Trong trường hợp này người nước ngoài không phải tuân theo các quy định ở các điều 5 và 6 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Chương II

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Điều 4.

1. Khi xin đăng ký kết hôn mỗi bên phải nộp và xuất trình giấy với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:

a) Đơn xin đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định riêng).

b) Giấy chứng nhận của chính quyền cơ sở nơi thường trú xác nhận là chưa có chồng, chưa có vợ hoặc đã có vợ có chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết.

c) Bản sao giấy khai sinh.

d) Giấy của cơ quan y tế chứng nhận hiện tại không bị bệnh tâm thần mà không có khả năng nhận thức được hành vi của mình và không bị các bệnh hoa liễu, SIDA.

đ) Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế.

2. Đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong quân đội, trong các ngành có liên quan đến bí mật quốc gia, thì ngoài những giấy tờ nêu ở khoản 1 điều này, còn phải nộp giấy của Bộ hoặc ngành nơi người đó đang phục vụ công tác xác nhận rằng việc họ kết hôn với người nước ngoài không gặp trở ngại nào do quy chế của ngành đó quy định.

3. Đối với người nước ngoài, ngoài những giấy tờ nêu ở khoản 1 điều này, còn phải nộp giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân hoặc của nước mà người đó thường trú vào thời điểm xin đăng ký kết hôn (đối với người không quốc tịch), xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn và việc kết hôn với công dân Việt Nam không bị cản trở và được thừa nhận ở nước họ là hợp pháp và hợp thức, giấy cho phép kết hôn với công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp, nếu pháp luật nước đó hoặc Hiệp định tương trợ giữa Việt Nam và nước ngoài tương ứng quy định việc cấp phép đó.

Những giấy tờ của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước đó cấp phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận là có giá trị như các giấy tờ chính thức của Việt Nam (trừ đơn xin đăng ký kết hôn, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế và giấy chứng nhận của cơ quan y tế, nếu giấy này do cơ quan y tế của Việt Nam cấp), trừ trường hợp Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài tương ứng có những quy định khác. Kèm theo các giấy tờ này phải có bản dịch ra tiếng Việt, được cơ quan công chứng Việt Nam chứng nhận là dịch đúng bản gốc.

Điều 5.

1. Trong thời hạn không quá 3 tháng kể từ ngày nhận được đơn xin đăng ký kết hôn và những giấy tờ hợp lệ quy định ở điều 4 Nghị định này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thẩm tra toàn bộ hồ sơ và nếu xét thấy các đương sự có đủ điều kiện để kết hôn, thì tiến hành việc đăng ký kết hôn vào ngày do cơ quan có thẩm quyền này và các đương sự ấn định.

2. Trường hợp xét thấy cả hai đương sự hoặc một trong hai đương sự không đủ điều kiện để kết hôn, hoặc việc kết hôn đó có phương hại đến lợi ích của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không đăng ký việc kết hôn và giải thích lý do cho đương sự biết.

3. Trường hợp có người khiếu tố việc kết hôn thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải đình chỉ việc đăng ký kết hôn để thẩm tra thêm và sau đó sẽ quyết định đăng ký hoặc không đăng ký. Thời hạn thẩm tra thêm kéo dài không quá 3 tháng nữa.

4. Trường hợp các đương sự không nhất trí với quyết định không đăng ký kết hôn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì họ có quyền gửi đơn khiếu nại lên Bộ Tư pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 6. - Việc đăng ký kết hôn tiến hành trên cơ sở những quy định chung của Nhà nước Việt Nam, tại trụ sở cơ quan Nhà nước đã giải quyết việc kết hôn đó. Cơ quan Nhà nước đăng ký việc kết hôn bằng cách cấp giấy chứng nhận kết hôn cho các đương sự và ghi sổ kết hôn theo mẫu quy định chung của Nhà nước.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. - Nghị định này không áp dụng đối với những trường hợp công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số thường trú ở các khu vực biên giới và không thuộc những đối tượng quy định ở điều 4, khoản 2 Nghị định này, kết hôn với người cùng dân tộc thuộc quốc tịch của nước láng giềng. Thủ tục đăng ký kết hôn cho những trường hợp này tuân theo những quy định chung của Nhà nước về đăng ký hộ tịch.

Điều 8. - Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Những quy định trước đây của Hội đồng Bộ trưởng trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 9. - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.

Điều 10. - Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.