• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/01/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 19/08/2020
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Số: 16/2014/TT-BTTTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Bình, ngày 18 tháng 11 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm

_____________________

 

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định thống nhất quy trình sản xuất phần mềm, các yêu cầu, tiêu chí để xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Phần mềm (hay sản phẩm phần mềm) là một tập hợp gồm những câu lệnh hoặc chỉ thị được viết bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình, theo một trật tự xác định, và các dữ liệu hay tài liệu liên quan nhằm thực hiện một số nhiệm vụ hay chức năng hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó.

Các loại sản phẩm phần mềm được quy định trong Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành kèm theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm là một tập hợp gồm nhiều công đoạn, mỗi công đoạn bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp để sản xuất ra một sản phẩm phần mềm. Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm được quy định chi tiết tại Điều 5 Thông tư này.

3. Hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng đúng quy trình là hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật, tham gia thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm nhằm tạo mới hoặc nâng cấp, chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm phần mềm.

Điều 4. Nguyên tắc và mục đích áp dụng Thông tư

1. Thông tư này quy định thống nhất quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm và nguyên tắc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng đúng quy trình để phục vụ cho việc quản lý nhà nước về công nghiệp phần mềm, và làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét việc áp dụng các chính sách thuế và các chính sách ưu đãi khác.

2. Căn cứ vào tình hình thực tế và chính sách phát triển trong từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, điều chỉnh quy trình, nguyên tắc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình cho phù hợp.

Điều 5. Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm

Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bao gồm 07 công đoạn sau:

1. Xác định yêu cầu, bao gồm một trong những tác nghiệp như: khảo sát yêu cầu của khách hàng, phân tích nghiệp vụ; thu thập, xây dựng yêu cầu; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu.

2. Phân tích và thiết kế, bao gồm một trong những tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu; thiết lập bài toán phát triển; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế các đơn vị, mô đun phần mềm.

3. Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một trong những tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp hệ thống phần mềm.

4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.

5. Hoàn thiện, đóng gói phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm; đóng gói phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: hướng dẫn cài đặt phần mềm; triển khai cài đặt phần mềm; đào tạo, hướng dẫn người sử dụng; kiểm tra phần mềm sau khi bàn giao; sửa lỗi phần mềm sau bàn giao; hỗ trợ sau bàn giao, bảo hành phần mềm; bảo trì phần mềm.

7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: tiếp thị, quảng bá, bán, phân phối sản phẩm phần mềm; phát hành sản phẩm phần mềm.

Điều 6. Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm

1.  Yêu cầu chung đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất sản phẩm phần mềm:

a) Đối với tổ chức, doanh nghiệp: có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, hoặc văn bản quy định về chức năng nhiệm vụ do người có thẩm quyền cấp. Đối với cá nhân: có mã số thuế cá nhân; có kê khai thuế trong đó ghi rõ phần thu nhập từ hoạt động sản xuất phần mềm;

b) Sản phẩm phần mềm do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất thuộc một trong các loại sản phẩm phần mềm được quy định trong Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và đáp ứng quy trình khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đáp ứng được yêu cầu ở Khoản 1 Điều này, và hoạt động đó thuộc một hoặc nhiều trường hợp trong số các trường hợp sau:

a) Hoạt động thuộc một hoặc nhiều công đoạn trong các công đoạn từ 2 đến 4 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 5 Thông tư này đối với sản phẩm phần mềm nêu tại Điểm b, Khoản 1 Điều này.

b) Hoạt động nêu tại công đoạn 1, công đoạn 5 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 5 Thông tư này, khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó có hoạt động thỏa mãn quy định tại Điểm a, Khoản này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.

c) Hoạt động thuộc công đoạn 6 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư này, khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó có các hoạt động thuộc đầy đủ cả 5 công đoạn từ 1 đến 5 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều 5 Thông tư này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Công nghệ thông tin có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện Thông tư này.

b) Tổng hợp các ý kiến đóng góp, các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Bộ trưởng xem xét, điều chỉnh Thông tư nếu thấy cần thiết.

2. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Thông tư này có trách nhiệm:

a) Tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ khai báo liên quan cũng như việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm của mình.

b) Định kỳ trước ngày 15 tháng 3 hàng năm gửi báo cáo tình hình hoạt động sản xuất phần mềm về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin) theo quy định hiện hành.

c) Đảm bảo các hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và các sản phẩm phần mềm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan khác.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các tổ chức, doanh nghiệp gửi văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin) để được xử lý, giải quyết, hướng dẫn hoặc chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Bắc Son

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.