• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/11/1989
UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
Số: 29/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Bình, ngày 27 tháng 11 năm 1989

CHỈ THỊ

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

V/v tăng cường bảo vệ an toàn đường dây thông tin liên lạc

________________________

Thời gian vừa qua, hệ thống đường dây thông tin liên lạc trong tỉnh đã và đang được củng cố, xây dựng, phát triển rộng khắp từ tỉnh xuống huyện, phường xã...cơ quan, xí nghiệp, phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành các cấp và phục vụ nhân dân.

Song tình hình đường dây TTLL vẫn chưa được bảo vệ an toàn. Tình trạng phá hoại, cắt trộm, buộc chập dây, chặt cáp, ném đá làm vỡ sứ, bắn chim làm thủng hỏng cáp v.v...liên tiếp xảy ra nhiều nơi, nhiều vụ, có những vụ rất nghiêm trọng làm mất liên lạc kéo dài trở ngại cho việc chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Trước tình hình nêu trên, để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định số 87/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, tăng cường bảo vệ an toàn đường dây TTLL, kết hợp tăng cường công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. UBND tỉnh chỉ thị cho các địa phương, các cơ quan ban ngành trong toàn tỉnh tăng cường bảo vệ an toàn đường dây TTLL bằng những biện pháp cấp bách sau đây:

I/ Những việc cấp huyện phải làm để bảo vệ an toàn đường dây thông tin liên lạc:

1/ Tổ chức học tập, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa tầm quan trọng của đường dây thông tin liên lạc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2/ Nghiêm cấm các hành vi chơi đùa leo trèo cột điện hoặc ném đá, bắn chim làm vỡ sứ và cáp, qua đó giáo dục mọi người không những có ý thức bảo vệ dường dây TTLL mà còn phải có trách nhiệm phát hiện kẻ gian phá hoại đường dây thông tin kịp thời báo cáo chính quyền địa phương để xử lý.

3/ Nghiêm cấm việc trồng cây cao để cành lá cây chạm vào đường dây thông tin. Đối với những hành vi vi phạm, khi kiểm tra an toàn đường dây, ngành Bưu điện có quyền phát quang cách dây xa mỗi bên 2 mét.

4/ Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức bảo vệ an toàn các tuyến đường dây thông tin của địa phương. Giao trách nhiệm cụ thể cho UBND phường, xã, Thị trấn tổ chức lực lượng tuần tra bảo đảm an toàn đường dây thông tin liên lạc trên địa bàn ( có phân tuyến bảo vệ đường dây kèm theo)

II/ Nhiệm vụ các cơ quan, các ngành cần triển khai để đảm bảo an toàn đường dây thông tin liên lạc:

1/ Ngành Bưu điện cùng với Công an tỉnh đề xuất kế hoạch, hướng dẫn biện pháp bảo vệ an toàn các tuyến đường dây thông tin sát với tình hình cụ thể ở địa phương, chú ý các vùng giáp ranh giữa địa bàn các huyện và các xã, các vùng núi, đồi, ruộng không có dân ở.

2/ Sở Giáo dục phải có chương trình kế hoạch chỉ đạo các trường học, tổ chức giáo dục các em học sinh nâng cao ý thức bảo vệ an toàn đường dây TTLL và pháp luật của Nhà nước về vấn đề này để chấp hành.

3/ Ngành Điện lực và Truyền thanh cần giáo dục cho cán bộ CNVC trong ngành phải tôn trọng các quy trình quy phạm của ngành mình, đồng thời tôn trọng quy trình quy phạm kỹ thuật của ngành Bưu điện, tránh gây ra ảnh hưởng lẫn nhau và có trách nhiệm bảo vệ đường dây thông tin cũng như đường dây tải điện.

4/ Báo Quảng Bình, Đài phát thanh tỉnh và địa phương phối hợp với Sở VHTT có kế hoạch, chương trình tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của đường dây TTLL, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này để mọi người có ý thức bảo vệ tốt. Đồng thời tạo nên công luận lên án mạnh mẽ các hành vi xâm phạm đường dây thông tin.

5/ Song song với việc triển khai các ngành, các cấp, Bưu điện tỉnh phải chỉ đạo các bưu điện huyện, thị bố trí thêm lực lượng bảo dưỡng, bảo vệ đường dây, nhanh chóng khôi phục những tuyến dây đã bị cắt phá và có kế hoạch bảo vệ an toàn. Kiên quyết làm trong sạch đội ngũ bảo vệ đường dây. Những cán bộ CNVC Bưu điện tự mình cắt dây hoặc tham gia với các phần tử xấu tổ chức cắt phá, buôn bán dây thông tin đều phải xử lý nghiêm minh những trường hợp nghiêm trọng phải lập hồ sơ chuyển giao cho cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.

6/ Khi đường dây thông tin bị xâm phạm, đơn vị chủ quản tuyến đường dây đó phải chịu trách nhiệm bảo vệ tốt hiện trường nhanh chóng báo công an khám nghiệm điều tra, Bưu điện nơi đặt đường dây TTLL được thông suốt. Đồng thời phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương sở tại để chỉ đạo kịp thời truy tìm thủ phạm.

7/ Các cơ quan trong khối Nội chính như: Công an, Toà án, BCH quân sự tỉnh kiến nghị với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp công tác, tổ chức điều tra nhanh chóng, lập hồ sơ các vụ phá hoại, cắt trộm đường đây thông tin để kịp thời xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

III/ Tổ chức thực hiện:

+ Bảo vệ đường dây thông tin liên lạc là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của toàn dân. Vì vậy mỗi cấp phải thành lập Ban chỉ đạo chống cắt phá đường dây thông tin (gọi tắt là Ban chỉ đạo 87). Ban chỉ đạo 87 có nhiệm vụ:

1/ Vạch kế hoạch tổ chức chỉ đạo công tác bảo vệ đường dây thông tin trong địa bàn do mình đảm nhiệm.

2/ Chỉ đạo việc triển khai từng bước thực hiện phương án từ bước học tập quán triệt đến bước tổ chức thực hiện và kiểm tra việc tổ chức thực hiện có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm báo cáo kết quả lên cấp trên.

3/ Xác định trọng điểm thường xảy ra mất dây và tập trung chỉ đạo trọng điểm có tổ chức mở những chiến dịch truy quét triệt để bọn phá hoại, cắt phá đường dây thông tin.

+ Thành phần Ban chỉ đạo 87 gồm có:

- Uỷ ban nhân dân các cấp phân công 01 đồng chí Phó Chủ tịch làm trưởng ban.

- Các uỷ viên trong Ban chỉ đạo 87 có sự tham gia của các ngành: Công an, Bưu điện, Toà án, Điện lực, Truyền thanh, mời đại diện Viện kiểm sát tham gia thành viên ban, trong đó Bưu điện giữ nhiệm vụ uỷ viên thường trực.

Nhận được văn bản này, yêu cầu các đồng chí Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các cơ quan có kế hoạch triển khai nghiêm túc, bảo đảm an toàn tuyệt đối đường dây thông tin liên lạc thường xuyên, định kỳ báo cáo hàng tháng vào ngày 15 về Văn phòng UBND tỉnh./.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Đức Triển

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.