• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/05/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 19/11/2022
UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
Số: 19/2004/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Bình, ngày 7 tháng 5 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

V/v Ban hành Quy chế tổ chức hoạt động Nhà văn hoá làng, thôn, bản, khu phố

____________________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Hướng dẫn số 1184/HD-BVHTT ngày 14/4/2004 của Bộ Văn hoá  - Thông tin hướng dẫn xây dựng thiết chế văn hoá làng, thôn , ấp, bản, khu phố;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tại Tờ trình số 27/TT-SVH-TT ngày 5/5/2004,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế  tổ chức hoạt động Nhà văn hoá làng, thôn, bản, khu phố.

Điều 2: Quyết đình này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/5/2004.

Điều 3: Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

TM/UBND TỈNH QUẢNG BÌNH

KT/ CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Trần Công Thuật

QUY CHẾ

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NHÀ VĂN HOÁ LÀNG, THÔN, BẢN, KHU PHỐ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2004/QĐ-UB, ngày 07/05/2004 của UBND tỉnh Quảng Bình)

___________________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy chế này hướng dẫn xây dựng Nhà văn hoá (thiết chế văn hoá) làng, thôn, bản, khu phố.

Điều 2: Việc xây dựng, tổ chức hoạt động thiết chế Nhà văn hoá làng, thôn, bản, khu phố phải thực hiện đúng Quy chế hoạt động Nhà văn hoá làng, thôn, bản, khu phố.

Điều 3: Nhà văn hoá làng, thôn, bản, khu phố là một trong những tiêu chí cần thiết để xét công nhận danh hiệu làng, thôn, bản, khu phố văn hoá.

Chương II

VỀ TÊN GỌI, NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ CẤP QUẢN LÝ TRỰC TIẾP

Điều 4: Tên gọi Nhà văn hoá (làng, thôn,bản, khu phố...)

Căn cứ  điều kiện, đặc điểm cụ thể mỗi địa phương có thể đặt tên gọi phù hợp. Những địa phương đã đặt tên gọi khác nhau, không nhất thiết phải đổi lại.

Điều 5: Nội dung  hoạt động:

1. Nhà văn  hoá là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ vui chơi giải trí, tiếp nhận thông tin của cộng đồng dân cư làng, bản, khu phố nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo của nhân dân, hướng đến mục đích xây dựng làng, bản, khu phố văn hoá.

2. Thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao, vui chơi giải trí; tổ chức các sinh hoạt cộng đồng khác như hội họp, toạ đàm, sinh  hoạt câu lạc bộ, lễ cưới, lễ tuyên dương thành tích...

Điều 6. Cấp quản lý trực tiếp:

1. Cấp ra quyết định thành lập và quản lý trực tiếp Nhà văn hoá làng, bản, khu phố là UBND cấp xã, phường, thị trấn.

2. Nhà văn hoá làng, bản, khu phố nằm trong hệ thống thiết chế của Trung tâm VHTT (Nhà văn hoá ) từ tỉnh đến huyện, thị, xã, phường, thị trấn; chịu sự chỉ đạo chung về chuyên môn nghiệp vụ của hệ thống Nhà văn hoá cấp trên.

3. Cấp quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ trực tiếp Nhà văn hoá (Trung tâm  VHTT) xã, phường, thị trấn. Những nơi chưa có Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn thì Ban văn hoá xã, phường, thị trấn quản lý và hướng dẫn.

Chương III

VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Bao gồm Nhà văn hoá, sân chơi và các trang thiết bị hoạt động

Điều 7: Quy mô diện tích dành cho xây dựng thiết chế văn hoá:

1. Nhà văn  hoá (nơi sinh  hoạt). Diện tích: Từ 80m2 trở lên.

2. Mô hình xây dựng: Căn cứ vào điều kiện địa bàn cư trú, phong tục tập quán của nhân dân địa phương để xây dựng Nhà văn hoá cho phù hợp như: Nhà xây tầng hoặc không có tầng. Trong nhà văn hoá cần bố trí diện tích hợp lý làm sân khấu, đảm bảo trang trí khánh tiết theo quy định để tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ.

Điều 8. Diện tích sân: từ 1.000m2 trở lên để có thể  tổ chức các sinh hoạt  văn  hoá, thể thao, lễ hội tuỳ theo điều kiện của mỗi địa phương. Các địa phương đồng bằng có thể hẹp hơn. Những nơi có điều kiện có thể quy hoạch sân chơi rộng hơn, bố trí vườn hoa, cây cảnh, non bộ, hồ nước, ghế đá, sân khấu ngoài trời vừa làm đẹp cảnh quan, vừa để tổ chức các hoạt động đông người tham gia.

Điều 9: Trang thiết bị:

1. Có trạm truyền thanh.

2. Bộ tăng âm (âmpli, micro, loa).

3. Bộ video, máy thu hình, cattsset.

4. Bộ trang trí khánh tiết: Cờ tổ quốc, cờ Đảng, ảnh hoặc tượng Bác Hồ, phông màn sân khấu nhỏ, băng khẩu hiệu, cờ lễ hội, cờ trang trí...

5. Bàn, ghế phục vụ sinh  hoạt, bộ ấm chén...

6. Tủ sách, tranh ảnh tuyên truyền, bảng thông tin.

7. Một số nhạc cụ phổ thông và nhạc cụ truyền thống phù hợp với địa phương.

8. Một số dụng dụ thể thao phổ thông hoặc dụng cụ thể thao truyền thống của địa phương.

Chương IV

CƠ CHẾ VÀ KINH PHÍ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

Điều 10: Nhà văn hoá làng, thôn, bản, khu phố hoạt động  theo cơ chế tự quản, do Trưởng thôn, bản, khu phố quản lý hướng dẫn; nhân dân tín nhiệm bầu chọn người chịu trách nhiệm, phối hợp với các tổ chức đoàn thể và các công tác viên tại cơ sở  tổ chức và duy trì các hoạt động đảm bảo đúng quy định. Những nơi có điều kiện thành lập Ban chủ nhiệm Nhà văn hoá  để tổ chức  và điều hành  các hoạt động.

Điều 11: Kinh phí bảo đảm cho nhà văn hoá hoạt động thường xuyên gồm thù lao cho người quản lý tổ chức và các chi phí khác liên quan, chủ yếu do nhân dân  tự nguyện đóng góp và được hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách của xã, phường, thị trấn. Tất cả các khoản đóng góp, hỗ trợ và chi dùng đều được nhân dân, chính quyền bàn bạc và công bố công khai để mọi người có thể giám sát việc thực hiện.

Chương V

VỀ QUY HOẠCH ĐẤT ĐAI, KINH PHÍ XÂY DỰNG

Điều 12: Quy hoạch đất đai:

1. Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng "Quy hoạch phát triển văn hoá thông tin của địa phương". Trong quy hoạch tổng thể này cần có phần quy hoạch cụ thể về đất đai để xây dựng thiết chế văn hoá thông tin làng, thôn, bản, khu phố.

2. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã  đưa quỹ đất xây dựng Nhà văn hoá làng, bản, khu phố vào trong quy hoạch đất để sử dụng ở địa phương mình.

Điều 13. Kinh phí xây dựng:

1. Ngân sách địa phương bao gồm từ cấp tỉnh, huyện, xã hỗ trợ.

2. Nhân dân đóng góp theo Quy chế dân chủ ở cơ sở.

3. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động từ các tổ chức, cá nhân, con em quê hương ở xa và các nguồn khác.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các ngành liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các nội dung trong quá trình xây dựng thiết chế văn hoá và tổ chức hoạt động Nhà văn hoá làng, thôn, bản, khu phố.

 Điều 15. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các địa phương tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời các làng, thôn, bản, khu phố có thành tích xuất sắc trong xây dựng tổ chức hoạt động thiết chế Nhà văn hoá.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Công Thuật

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.