CHỈ THỊ
Về việc tăng cường quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và chuyển đổi các Ban QLDA cấp huyện, Ban QLDA các ngành cấp tỉnh thành tổ chức tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp
_________________________________
Trong thời gian qua, việc kiện toàn các Ban quản lý dự án (Ban QLDA) đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo quy định của Nghị định số: 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ đã có những bước chuyển biến rõ rệt, một số Ban QLDA đã đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số Ban QLDA chưa đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật nhưng chưa được kiện toàn, làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thi công công trình, gây lãng phí thất thoát tài sản của nhà nước.
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời để triển khai thực hiện Thông tư số: 02/2007/TT-BXD ngày 14/2/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; cấp giấy phép xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Nghị định số: 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và Nghị định số: 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/2/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; cấp giấy phép xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cho mọi đối tượng.
2. Các Sở: Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đang quản lý các Ban QLDA xây dựng chuyên ngành, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, điều kiện thực tế của Sở, ngành mình để chỉ đạo thành lập các doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ một Ban QLDA hoặc ghép nhiều Ban QLDA của Sở, ngành mình đảm bảo đủ điều kiện năng lực để tiến tới đạt xếp hạng 1 hoặc hạng 2 trong hoạt động tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ nhằm đảm nhận quản lý được các dự án lớn ở tỉnh và làm tư vấn quản lý dự án cho xã hội đối với tất cả các loại dự án, báo cáo Kinh tế - kỹ thuật, xây dựng công trình khi các địa phương, các chủ đầu tư có nhu cầu. Trường hợp các Ban QLDA không thể sắp xếp, chuyển đổi thì ra quyết định giải thể và có trách nhiệm giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án cũ và quyền lợi của cán bộ, nhân viên của Ban quản lý dự án.
- Giám đốc các sở xây dựng chuyên ngành chủ động chỉ đạo Ban QLDA thuộc ngành mình chuẩn bị cơ sở vật chất, giải quyết những vướng mắc về tổ chức cán bộ, nghiên cứu loại hình tư vấn xây dựng và lĩnh vực hoạt động phù hợp với nhu cầu đầu tư và thị trường xây dựng.
3. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh khác khi được giao Chủ đầu tư xây dựng công trình nếu được áp dụng hình thức Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì phải thành lập Ban QLDA để giúp Chủ đầu tư quản lý dự án, nhưng nếu không đủ điều kiện năng lực phù hợp với quy mô tính chất và yêu cầu của dự án thì phải thuê tư vấn quản lý dự án, chấm dứt việc quản lý dự án vượt quá điều kiện năng lực, trừ trường hợp dự án có quy mô nhỏ, đơn giản có tổng mức dưới 1 tỷ đồng thì có thể không phải thành lập Ban QLDA mà sử dụng đơn vị chuyên môn của mình để quản lý dự án nhưng phải thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp quản lý dự án. Ban QLDA do chủ đầu tư thành lập phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Ban QLDA là đơn vị trực thuộc chủ đầu tư, có tư cách pháp nhân hoặc sử dụng tư cách pháp nhân của chủ đầu tư để thực hiện quản lý dự án, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban QLDA do chủ đầu tư giao.
- Cơ cấu tổ chức của Ban QLDA do chủ đầu tư quyết định phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu của dự án và nhiệm vụ, quyền hạn được chủ đầu tư giao. Ban QLDA có thể thuê tổ chức, cá nhân tư vấn để tham gia quản lý, giám sát khi không đủ điều kiện, năng lực thực hiện, nhưng phải được chủ đầu tư chấp thuận.
4. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các Ban QLDA chuyển thành các doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Đối với hai huyện Lệ Thuỷ và Quảng Trạch tiếp tục chỉ đạo việc sắp xếp kiện toàn lại các Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình, mỗi huyện chỉ thành lập một Ban QLDA. Nếu Ban QLDA do UBND huyện, thành phố thành lập mà chưa đủ điều kiện để chuyển đổi thì tổ chức tư vấn hoạt động theo luật doanh nghiệp, thì trước mắt các Ban QLDA này có thể chuyển đổi thành các đơn vị sự nghiệp, tự chủ về tài chính, hoạt động theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 và không được kiêm nhiệm làm chủ đầu tư. Trường hợp các Ban QLDA không thể sắp xếp, chuyển đổi thì ra quyết định giải thể và chỉ đạo giải quyết các vấn đề có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đối với các công trình, dự án cấp xã làm Chủ đầu tư; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố với trách nhiệm là cấp quyết định đầu tư theo phân cấp không quyết định hình thức Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án đối với cấp xã, mà phải áp dụng hình thức thuê tư vấn quản dự án. Không giao cho các Ban QLDA làm chủ đầu tư hoặc đại diện Chủ đầu tư.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, các phòng TC-KH cấp huyện với chức năng là cơ quan đầu mối tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện và thành phố trong việc thẩm định các Dự án đầu tư, Báo cáo Kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình trong quá trình thực hiện phải đúng các quy định của pháp luật về xây dựng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
6. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước, các sở, ban, ngành có lên quan, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện đồng thời tham mưu, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc, khó khăn có liên quan trong việc chuyển đổi, sát nhập, giải thể, kiện toàn các Ban QLDA theo quy định. Việc kiện toàn, giải thể, chuyển đổi các Ban QLDA phải thực hiện xong trong năm 2009.
7. Đối với các Ban quản lý các dự án theo nguồn vốn ODA thì vẫn tiếp tục quản lý dự án đó cho đến khi hoàn thành dự án đồng thời chuyển chức năng chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, tuy nhiên trong việc giám sát thi công xây dựng công trình phải thuê chuyên gia đủ điều kiện năng lực hoạt động tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình.
8. Sở Xây dựng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động của các Ban QLDA đầu tư xây dựng; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm túc theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về xây dựng.
9. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về xây dựng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho mọi đối tượng trên địa bàn tỉnh; đưa tin về kết quả thực hiện và kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những điển hình tốt để nhân rộng, đồng thời phản ảnh những đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt.
Nhận được chỉ thị này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Xây dựng).