CHỈ THỊ
Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh
____________________________
Trong những năm qua công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã được tăng cường; ý thức chấp hành pháp luật và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và trong nhân dân được nâng lên; suy thoái ô nhiễm môi trường từng bước được giảm thiểu.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường còn thiếu tích cực, chủ động, các giải pháp triển khai còn thiếu đồng bộ, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường một số nơi chưa nghiêm; ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra cục bộ ở một số cơ sở sản xuất kinh doanh và khu vực đô thị; điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều vùng nông thôn chưa đảm bảo, các sự cố môi trường do thiên tai, biến đổi thời tiết, khí hậu đang là áp lực, thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh ta hiện nay.
Để khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 21/7/2005 của Tỉnh ủy, Quyết định số 07/2006/QĐ-UBND ngày 20/3/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 21/7/2005 của Thường vụ Tỉnh ủy về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện báo cáo về UBND tỉnh.
2. Tăng cường công tác tuyền truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức và hành động trong các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường. Xác định bảo vệ môi trường là yêu cầu quan trọng nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh nhà trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế Quốc tế; phát động các phong trào bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng nhằm giảm thiểu chất thải ô nhiễm môi trường.
3. Các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư phát triển cần phải được gắn kết với yêu cầu bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm túc các quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 80/2006/TT-BTNMT ngày 08/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.
4. Trong hoạt động xúc tiến đầu tư cần chú ý ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Không chấp nhận đầu tư các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng các giải pháp công nghệ trong bảo vệ môi trường theo ISO 14000.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, rà soát, tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh quyết định danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh cần thực hiện xử lý triệt để trong giai đoạn 2008-2010. Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoàn thành dứt điểm việc xử lý triệt để trong năm 2009.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh (cảnh sát môi trường) tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường các đơn vị như: Bệnh viện, Nhà máy sản xuất xi măng, Nhà máy giấy, Nhà máy bia, các khu chăn nuôi tập trung, các nhà hàng, ..., trong đó chú trọng về các vấn đề như: Rác thải, nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, các hoạt động chuyên chở nguyên vật liệu, hàng hóa có nguy cơ rò rỉ, phát tán chất thải gây ô nhiễm môi trường. Kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, xử lý tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, các cơ sở y tế gây ô nhiễm. Kiên quyết xử lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm gây ô nhiễm môi trường và không thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ đề ra đối với các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
7. UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ môi trường theo phân cấp; đồng thời chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường.
8. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật vệ bảo vệ môi trường.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện, định kỳ 6 tháng một lần tổng hợp tình hình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.